Nếu chỉ vì đặt sai bánh mà cho rằng HS mắc lỗi, cần xem lại cả hiệu trưởng, GV

03/10/2023 06:55
Linh Trang
GDVN- Những hành vi của giáo viên là tàn dư của những quan niệm cũ mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn tin tưởng và thực hành hàng ngày.

Những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc trước sự việc nữ sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội quỳ khóc trước cửa lớp do đặt bánh không theo đúng yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm.

Theo báo cáo của nhà trường, nữ sinh là bí thư lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng đã đặt khác so với thống nhất cùng cô giáo chủ nhiệm. Vì thế nên giáo viên bảo nữ sinh đứng ở cửa lớp, tự giải quyết chiếc bánh mình đặt.

Vụ việc nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp vì đặt bánh sinh nhật không đúng với thống nhất của cô giáo đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Chụp từ Clip

Vụ việc nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp vì đặt bánh sinh nhật không đúng với thống nhất của cô giáo đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Chụp từ Clip

Sau khi thấy giáo viên đi ra, nữ sinh đã quỳ trước cửa lớp. Cô giáo bảo em đứng lên, nhưng nữ sinh không đứng. Do sức khỏe yếu, em đã nằm ra cửa lớp và bị cô giáo túm áo lôi vào.

Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách ứng xử của thầy cô với học sinh. Điều khiến dư luận lo ngại là cô giáo vi phạm lại chính là giáo viên làm công tác tham vấn học đường.

Giáo viên không có khả năng thấu cảm

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Những hành vi của giáo viên là tàn dư của những quan niệm cũ mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn tin tưởng và thực hành hàng ngày.

Đó là quan điểm rằng: So với trẻ con thì người lớn lúc nào cũng đúng. Người lớn luôn là người quyết định cái gì đúng cái gì sai, và trẻ phải tuân theo. Người lớn không cần phải đưa ra lý do mà chỉ cần yêu cầu là trẻ phải thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Bản thân chính chúng ta, những thầy cô giáo có thể cũng đã từng trải qua môi trường được giáo dục như thế, nên hình thành một niềm tin bao biện rằng “hồi nhỏ tôi cũng bị đánh, bị phạt nhiều nên bây giờ mới nên người”. Có nhiều giáo viên cũng đã cố gắng thử mọi cách khác nhưng cuối cùng đi đến một kết luận “chỉ mỗi roi là được”.

Trao đổi với Báo Tuổi trẻ ngày 30/9, ông Nguyễn Duy Hiền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đa Phúc nói rằng: “Học sinh mắc lỗi nên được cô giáo mời ra ngoài”. [1]

Thế nhưng, theo bản tường trình của nhà trường thì nguyên nhân là vì học sinh đặt bánh sinh nhật khác so với thống nhất cùng cô giáo chủ nhiệm. Vậy là thầy cô, có nên quy kết lỗi cho học sinh?

Về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho rằng, có rất nhiều góc nhìn để giải thích về sự việc này. Có thể thầy cô nghĩ do học sinh thiếu kỹ năng, thiếu chú ý, em đã không thực hiện theo yêu cầu của người lớn có nghĩa là học sinh không tôn trọng, chống đối giáo viên…

Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng ta có thể thấy cả giáo viên và nhà trường không thực sự tập trung vào học sinh, không thực sự lấy học sinh làm trung tâm.

“Chính giáo viên cũng không biết kiểm soát cảm xúc và sự nóng giận của mình để điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp với chuẩn mực nhà giáo.

Chính giáo viên cũng không có khả năng thấu cảm, để nhìn ra ẩn đằng sau hành vi của học sinh là gì? Có thể em không đặt bánh tại đúng cửa hàng cô yêu cầu mà mua tại cửa hàng khác, đơn giản chỉ vì nghĩ mình đã thử bánh ở đó ngon, đẹp, giá phải chăng nên chắc cô cũng hài lòng.

Cũng có thể do vị trí cửa hàng thuận lợi hơn cho việc vận chuyển trong lúc là bí thư em cùng lúc phải lo rất nhiều hoạt động…

Người giáo viên trong tình huống nào cũng nên cho học sinh cơ hội để rút ra được những bài học thú vị. Phải bảo đảm rằng dẫu học sinh có những hành vi chưa như mong đợi nhưng cũng có quyền được bảo vệ. Trước những hành vi không ưng ý, các em cần được ân cần quan tâm, lắng nghe để hiểu rõ vì sao. Được cô phản hồi một cách rõ ràng và hợp lý vì sao hành động của em lại không phù hợp”, thầy Nam chia sẻ.

Dù giáo viên này làm công tác tham vấn học đường nhưng theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, cô giáo trong tình huống này chưa có được các kỹ năng của một chuyên viên tham vấn.

Cô có thể tức giận và bày tỏ sự không hài lòng với học sinh khi các em có hành vi không như mong đợi nhưng phải theo một cách chuyên nghiệp. Ví dụ như cô có thể nói “Khi thấy em mua bánh không theo ý kiến của cô, cô có cảm thấy thất vọng và tức giận. Nhưng cô hiểu chắc chắn có lý do gì đó khiến cho em làm như vậy. Em có thể chia sẻ và giải thích với cô không?”

Nhà giáo dục cần nói như vậy thay cho những “lời nói giận dữ” mang tính trách móc và kết tội hành vi trái hoặc “hành vi giận dữ” động tay chân với học sinh vì nó không chỉ gây tổn thương về thể chất, tinh thần cho những đứa trẻ mà còn khiến cho tương lai nghề nghiệp của các thầy cô bị ảnh hưởng, và ảnh hưởng đến cả hình ảnh, vị thế của nhà giáo nói chung.

Cách ứng xử của giáo viên không phù hợp trong môi trường giáo dục

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Tâm lý học Giang Thiên Vũ, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xét ở góc độ tâm lý học, hành vi của cô giáo trong trường hợp này chưa đến mức độ để gọi là bạo lực học đường hay bạo lực tinh thần mà nó thuộc về phạm trù kỹ năng giao tiếp - ứng xử sư phạm của người giáo viên.

Chính vì sự thiếu tinh tế trong cách ứng xử và giải quyết vấn đề nên cô giáo đã khiến cho nhiều học sinh, nhà trường và cộng đồng có góc nhìn tiêu cực, hiểu lầm về tình huống này.

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ tham gia công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ tham gia công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: NVCC

Đây là một tình huống giao tiếp sư phạm mà tất cả giáo viên và ngành giáo dục chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và có những biện pháp điều chỉnh phù hợp với định hướng xây dựng trường học hạnh phúc. Một ngôi trường không thể hạnh phúc nếu người giáo viên thiếu đi sự tinh tế trong việc giao tiếp - ứng xử cũng như chăm sóc tinh thần cho chính mình, và cho học sinh.

“Với câu chuyện đã xảy ra, nếu chỉ vì một chiếc bánh sinh nhật mua không đúng yêu cầu đã thống nhất với cô mà cô có cách ứng xử khiến học sinh cảm thấy mặc cảm, hối hận về hành vi đó thì thật không phù hợp trong môi trường giáo dục.

Ông bà ta hay nói, “của cho không bằng cách cho”, nếu có vài chi tiết sai trên bánh như viết tên sai, bắt kem không đúng, kem bánh bị lỏng… chúng ta đều có thể thông cảm và đồng cảm cho nhau được mà?”, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ bày tỏ

Với giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực làm công tác tham vấn học đường, thầy Vũ nói rằng, đây là một vấn đề rất trăn trở.

Nếu không được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực tâm lý học và tâm lý học đường, rất khó để một giáo viên kiêm nhiệm thực hiện đúng tinh thần của công tác này, như các nội dung trong Thông tư 31/2017 đã nêu ra.

Cho dù giáo viên kiêm nhiệm có học qua bao nhiêu lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi chăng nữa, các năng lực, phẩm chất nền tảng của 1 nhà tâm lý họ khó mà có thể có.

Từ đó nảy sinh ra rất nhiều vấn đề có liên quan đến sự đồng cảm, tôn trọng, chấp nhận và thiện chí trong hỗ trợ học sinh.

Trong trường hợp cô giáo trên, cô không chỉ kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học đường mà còn cả công tác chủ nhiệm và giảng dạy môn Giáo dục công dân chưa kể còn có công tác khác mà nhà trường giao cho; có thể thấy rằng áp lực công việc của cô giáo này là rất lớn, và điều này rất dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức nghề nghiệp hoặc mất cân bằng tâm lý ở cô giáo trong bối cảnh đổi mới hiện nay.

Vì vậy, giải pháp sử dụng giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường chỉ có thể gọi là cách xử lý “chắp vá” chứ không thể “lấp” được “lỗ hổng” trong công tác này ở Việt Nam.

“Công tác tư vấn tâm lý học đường cần được đảm bảo về mặt chuyên môn bởi nhân sự phụ trách chính là giáo viên chuyên trách (ít nhất phải là cử nhân Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý – giáo dục, Tham vấn học đường) chứ không thể phụ thuộc mãi vào đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, bởi áp lực công việc của những giáo viên này là “khổng lồ” và “quá tải”.

Để giải quyết bài toán nhân sự, tôi đề xuất cho các nhà quản lý giáo dục rằng, phương án thuê hợp đồng dịch vụ chuyên viên tư vấn tâm lý học đường hoặc liên kết với 1 trung tâm chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn tâm lý là phù hợp và đảm bảo tính bền vững cho công tác này.

Về nguồn kinh phí, phương án tốt nhất là xã hội hóa dịch vụ tư vấn tâm lý học đường trong các buổi họp cha mẹ học sinh, xin ý kiến của cha mẹ về việc thuê chuyên viên tâm lý đến trường (có thể là 2-3 buổi/tuần) để chăm sóc tinh thần cho các con chứ không thể mải dựa vào tinh thần công tác xã hội”, Thầy Vũ chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/nu-sinh-quy-khoc-truoc-cua-lop-den-kiet-suc-truong-noi-co-giao-khong-phat-quy-20230930090148969.htm

Linh Trang