Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa là do hiệu trưởng thành lập để quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa, sau đó Phòng Giáo dục và Đào tạo là đơn vị duyệt đối với các trường khối Tiểu học, Trung học cơ sở, còn với khối Trung học phổ thông là Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trước đây, tại Thông tư 25, cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa.
Còn Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (sau đây gọi chung là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng sẽ đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi chung là Sở Giáo dục và Đào tạo).
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Liên quan đến điểm mới trên của dự thảo, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam để ghi nhận ý kiến của người trong cuộc.
Cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, những năm đầu triển khai giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới, có rất nhiều ý kiến phản đối từ cha mẹ học sinh về nội dung sách không đồng bộ....tuy nhiên qua công tác tuyên truyền của nhà trường, phụ huynh đã đồng tình ủng hộ.
Khó khăn đối với giáo viên cũng chưa hết, bởi trong 4 năm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, yêu cầu giáo viên đánh giá về các bộ sách mới cũng là vấn đề khó đối với giáo viên, bởi lẽ, việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu hơn.
Đối với giáo viên, họ phù hợp trong việc đánh giá xem kiến thức, kênh hình kênh chữ có phù hợp với học sinh hay không, hoặc là chất lượng về giáo dục thực tiễn ra sao…
Bên cạnh những khó khăn đối với giáo viên nêu trên, việc thay đổi sách giáo khoa cũng có sự ảnh hưởng đến học sinh chuyển về trường mới.
"Nhà trường hiện đang giảng dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhưng khi học sinh ở trường - huyện - tỉnh khác về học tập tại nhà trường, các em sẽ gặp khó khăn khi học sách giáo khoa khác", cô Chung chia sẻ.
Chia sẻ về công tác lựa chọn sách giáo khoa, cô Nguyễn Thị Chung chia sẻ, khi nhà trường nhận được công văn của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo về việc lấy ý kiến lựa chọn sách giáo khoa, nhà trường sẽ phải họp Cấp ủy, Ban giám hiệu, họp chi bộ, trung tâm và Hội đồng. Hoạt động trên được thực hiện trong khoảng thời gian hai ngày.
Nhà trường sẽ phải xem xét cả ba bộ sách và đưa về cho các giáo viên là tổ khối trưởng có năng lực chuyên môn vững vàng đọc, nhận xét. Đối với mỗi bộ sách, giáo viên sẽ mất khoảng ba ngày để chỉ ra những ưu điểm và hạn chế. Như vậy, giáo viên sẽ phải dành thời gian khoảng mười ngày cho việc nhận xét ba bộ sách giáo khoa hiện nay.
Sau đó, Hội đồng sẽ tổ chức họp và các tổ chuyên môn sẽ đưa ra các ý kiến, từ đó tất cả thành viên trong Hội đồng sẽ góp ý.
“Lãnh đạo nhà trường sẽ nắm bắt chương trình nào phù hợp với học sinh. Tiếp đó, nhà trường sẽ gửi ý kiến về việc lựa chọn chương trình sách giáo khoa mới để giảng dạy trong đơn vị, và đều được cấp trên phê duyệt.
Điều này là rất quan trọng vì ý kiến của giáo viên được cấp trên tôn trọng, nhà trường không thấy sự áp lực nào”, cô Chung cho hay.
Hiện tại, nhà trường đang dạy sách Kết nối tri thức với cuộc sống và có một bộ môn chọn sách Chân trời sáng tạo.
Về nội dung Dự thảo giao cho các nhà trường thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, cô Chung cho rằng, việc này không gây áp lực cho nhà trường và trong năm học tới, nếu có sự thay đổi theo nội dung của Dự thảo, đơn vị sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Vì thực tế, trước đây, nhà trường cũng đã tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Chia sẻ thêm về nội dung trên, cô Đặng Thị Vân Anh (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, việc giao cho các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa không có nhiều sự thay đổi, nếu có sự thay đổi là nó rút ngắn được công đoạn.
“Việc giao cho các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa không quan trọng bằng việc các nhà biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đừng để nhiều lỗi khi xuất bản. Lỗi trong sách giáo khoa, khiến chúng tôi phải tìm cách giải quyết”, cô Vân Anh chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thịnh Quang, việc chỉnh sửa lỗi trong sách giáo khoa không đơn giản. Thậm chí, có những ý kiến góp ý của giáo viên về “sạn” trong sách giáo khoa nhưng không được chỉnh sửa, bởi các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách có hạn về nhân lực.
Cô Vân Anh cho hay, nếu nhà trường thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, đơn vị vẫn sẽ làm các công đoạn như trước đây. Ví dụ như gửi sách cho giáo viên đọc và sau đó là các Tổ trưởng bộ môn đọc và lựa chọn, rồi Hội đồng quyết định. Nhà trường lựa chọn bộ sách nào vẫn được cấp trên duyệt cho bộ sách đó.
Cô Vân Anh cho rằng, việc nhà trường giảng dạy các bộ sách giáo khoa cũng có thể gây khó khăn cho học sinh chuyển trường. Ví như, khi học sinh học tại trường cũ chưa được học bài A, trong khi đó chuyển về trường mới thì bài học A đó đã được giáo viên giảng dạy.
"Đối với chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên của đơn vị cũng phải đi học tín chỉ dạy tích hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải tăng cường dự giờ để đánh giá việc giảng dạy, cũng như học lực của học sinh qua một năm học", Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thịnh Quang chia sẻ.