Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.
Đáng chú ý, ngay sau khi nội dung này được đăng tải, thông tin ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ "rởm" để đi dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đưa ra dư luận.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Trường Hải có 6 năm tham gia thỉnh giảng tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech), thỉnh giảng một thời gian tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Văn Hiến cũng cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, ông Nguyễn Trường Hải cũng từng nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí Phó Trưởng khoa. Vào tháng 11/2022, trường gửi thư mời nhận việc, nhưng phải thử việc, và chỉ làm được có vài ngày thì ông Hải cũng tự nộp đơn xin nghỉ việc, với lý do là không hội nhập được với nhân sự trong khoa. Khi đó, ông Nguyễn Trường Hải cũng chưa dạy ngày nào tại khoa.
Trường Đại học Sài Gòn cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, trong học kỳ 1 của năm học 2021 – 2022, ông Nguyễn Trường Hải có tham gia giảng dạy tại nhà trường, với vai trò thỉnh giảng.
Do lúc đó còn học và thi trực tuyến, lại là thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nên nhà trường cũng không thẩm tra văn bằng, hồ sơ của ông Hải.
Ông Hải lúc đó chỉ mới có bằng thạc sĩ có tham gia giảng dạy 4 môn, có tham gia chấm thi kết thúc học phần một môn với một giảng viên cơ hữu trong trường.
Do lúc đó còn học và thi trực tuyến, lại là thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nên nhà trường cũng không thẩm tra văn bằng, hồ sơ của ông Hải.
Ông Hải lúc đó chỉ mới có bằng thạc sĩ có tham gia giảng dạy 4 môn, có tham gia chấm thi kết thúc học phần một môn với một giảng viên cơ hữu trong trường. [1]
Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên
Liên quan đến trường hợp giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ "rởm" để giảng dạy ở loạt cơ sở giáo dục đại học, chiều ngày 1/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: “Cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ theo quy định của Luật giáo dục đại học 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.
Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo nêu, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định. Trên cơ sở xác minh, báo cáo và kết quả xử lý của các trường, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra sẽ tham mưu làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Việc mua bán, sử dụng “bằng giả” theo nghĩa đen thuộc chức năng xác minh, kết luận của cơ quan công an".
Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Đồng thời, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng.
Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận.
“Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường. Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường… các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường, khi các trường nhập liệu vào phần mềm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu do mình nhập. Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ: một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.
Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường đại học. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu có thể cũng có tên ở một số trường.
Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó mới có cơ sở xử lý”, ông Cường cho biết thêm.
Gửi bằng cấp của người được tuyển dụng về nơi cấp bằng để xác nhận là cần thiết
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Mặc dù cả cơ sở giáo dục công lập và tư thục đều có quy trình tuyển dụng nhân sự, đặc biệt với các vị trí quản lý là rất khắt khe nhưng vẫn để "lọt lưới" trường hợp dùng bằng giả thăng tiến sự nghiệp, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đặt ra thắc mắc: "Thỉnh thoảng điện thoại tôi nhận được tin nhắn quảng cáo qua điện thoại là nhận làm các loại văn bằng chứng chỉ giả. Họ công khai mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên các trang mạng xã hội mà chưa bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý.
Thiết nghĩ có cung ắt có cầu. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây đối với cơ quan nhà nước về việc kiểm soát về vấn đề này ra sao?".
Đối với công tác xác minh văn bằng chứng chỉ, theo bà Ánh: "Mẫu văn bằng chứng chỉ hiện nay đã thay đổi so với trước kia. Trước kia mẫu bằng có dán ảnh của người học, còn bây giờ thì không còn. Chính vì vậy, tôi thấy nhiều đơn vị tuyển dụng họ gửi bằng cấp của người được tuyển dụng về nơi cấp bằng để xác nhận thông tin. Tôi cho rằng đây cũng là việc làm cần thiết".
Cũng theo bà Ánh, có rất nhiều cách để kiểm tra chất lượng giảng viên tại các cơ sở đào tạo. Bà đưa ra ví dụ, xây dựng bộ công cụ đánh giá, trong đó có sinh viên đánh giá giảng viên sau mỗi giờ học, các giảng viên trong cùng bộ môn đánh giá nhau khi dự giờ giảng của đồng nghiệp, lãnh đạo các nhà trường đánh giá tháng, đánh giá năm đối với cán bộ, giảng viên...
Mở rộng vấn đề "cột chặt" trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc tuyển chọn và sử dụng giảng viên, bà Ánh bày tỏ quan điểm: "Trong quy định đã nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, theo tôi quy định đặt ra dù có chặt chẽ đến đâu thì cũng chỉ để "phòng người ngay chứ không phòng kẻ gian". Bởi thế, dù có biện pháp nào đi nữa thì cũng không thể bằng ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi giảng viên tự nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo thương hiệu cho chính mình và cho nhà trường".