Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, vừa qua, Bùi Thị Mỹ Điệp (sinh năm 1992, Gia Lai) đã giành được học bổng du học toàn phần hệ thạc sĩ cho ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế của Đại học Thượng Hải (Trung Quốc). Bên cạnh việc du học thạc sĩ của mình, hiện Mỹ Điệp còn là một giáo viên dạy tiếng Trung online.
Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị marketing vào năm 2015, sau khi ra trường, Mỹ Điệp đã lựa chọn làm công việc về mảng thương mại điện tử và trò chơi di động - game mobile tại VTC Mobile. Dù có công việc văn phòng ổn định như vậy, thế nhưng, đến năm 2019, cô đã quyết định nghỉ việc để quyết tâm theo đuổi đam mê học tiếng Trung của mình.
Bùi Thị Mỹ Điệp đã xuất sắc đạt được học bổng du học toàn phần hệ thạc sĩ cho ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế của Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) (Ảnh: NVCC). |
Sau quãng thời gian dài cố gắng, Mỹ Điệp cũng “gặt" được trái ngọt với chứng chỉ Hán Ngữ quốc tế HSK 6, chứng chỉ giáo viên tiếng Trung Quốc tế CTC SOL và học bổng toàn phần hệ thạc sĩ ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Đại học Thượng Hải.
Nhớ lại quyết định nghỉ việc năm 27 tuổi, Mỹ Điệp bày tỏ, đây vốn không phải điều dễ dàng. Thậm chí, cô còn phải giấu gia đình, chỉ đến khi đã học thông thạo tiếng Trung và bắt đầu đi dạy học mới nói cho bố mẹ biết.
Hiện tại, Mỹ Điệp đã sang Trung Quốc với học bổng du học toàn phần hệ thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Đại Học Thượng Hải. Với học bổng này, cô sẽ được miễn toàn bộ học phí, kí túc xá, bảo hiểm và được trợ cấp 3.000 nhân dân tệ tiền sinh hoạt phí mỗi tháng (tương đương 10 triệu đồng tiền Việt).
Chia sẻ về quá trình ôn luyện và chuẩn bị để đạt thành quả này, Mỹ Điệp cho hay, cô đã chuẩn bị hồ sơ từ tháng 1/2023, sau đó phỏng vấn và nộp hồ sơ phỏng vấn vào tháng 4. Kết quả là, Mỹ Điệp đã đỗ cả 2 trường là Trường Đại học Sư phạm Thiên Tân và Đại học Thượng Hải. Sau đó, cô đã quyết định chọn Đại Học Thượng Hải để theo học. Đến tháng 8/2023, Mỹ Điệp chính thức nhận được học bổng Confucius Institute Scholarship (Học bổng Khổng Tử CIS) và bắt đầu hành trình du học thạc sĩ của mình .
“Ở tuổi 31, việc nhận được học bổng và hiện thực hóa ước mơ du học là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi. Trước kia, tôi thậm chí còn không dám nghĩ đến việc đi du học vì sợ sẽ tốn tiền, thế nhưng hiện tại, với học bổng toàn phần này, tôi đã có cơ hội thực hiện ước mơ của mình”, Mỹ Điệp xúc động chia sẻ.
Sau đại dịch COVID-19, năm 2023 là năm bùng nổ việc đi du học trở lại, do đó tỷ lệ cạnh tranh học bổng khá khắc nghiệt, đặc biệt là học bổng CIS mà Mỹ Điệp đã giành được. Chính vì vậy, cô cũng phải trải qua một số khó khăn để đạt được ước mơ du học của mình.
Trong quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ, cô đã tốn thời gian khá dài để tìm hiểu điều kiện xin học bổng cũng như phải mất 1 năm để chuẩn bị cho việc thi đạt chứng chỉ HSK 5, HSK 6 và chứng chỉ giáo viên Hán ngữ Quốc tế CTC SOL.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc tự học để thi đỗ được chứng chỉ CTC SOL. Bởi Mỹ Điệp học trái ngành, chưa được đào tạo về giáo dục Hán ngữ Quốc tế, hơn nữa, kì thi này lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nên mọi thứ còn khá bỡ ngỡ và khó khăn vì tất cả đều phải tự học. Theo Mỹ Điệp, mặc dù trong hồ sơ xin học bổng du học, đây không phải chứng chỉ bắt buộc nhưng lại là một điểm cộng khá lớn.
Ngoài các chứng chỉ trên, phần “Giới thiệu bản thân và kế hoạch học tập” cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp Mỹ Điệp đạt được học bổng này. Một bản giới thiệu bản thân ấn tượng cùng kế hoạch học tập, nghiên cứu rõ ràng quyết định việc “thành bại” khi xin học bổng.
Để giành được học bổng toàn phần du học hệ thạc sỹ tại Trung Quốc, việc học tiếng và đạt điểm HSK cao là rất quan trọng. Tuy nhiên đây lại không phải điều dễ dàng đối với nhiều người Việt.
Ban đầu, Mỹ Điệp tham gia học tiếng Trung ở một trung tâm gần nhà, tuy nhiên, do cảm thấy không hợp với việc học ở trung tâm nên cô đã tự học dựa theo các video miễn phí trên youtube.
Sau thời gian tự học tiếng Trung thành thạo, Mỹ Điệp quyết định học chương trình trực tuyến của Đại học Sư phạm Quảng Tây và Đại học sư phạm Hoa Đông bởi thời điểm đó vẫn còn trong giai đoạn COVID - 19 nên cô chưa thể sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, lựa chọn “du học online” này cũng đã giúp cô tiến bộ hơn rất nhiều cũng như chinh phục thành công mục tiêu nâng cao tiếng Trung của mình. Và cũng vì quá thích phương pháp dạy học online từ các thầy cô tại các trường đại học ở Trung Quốc mà bản thân đã theo học, Mỹ Điệp quyết tâm nhân rộng mô hình dạy online tiếng Trung cho các bạn yêu thích ngôn ngữ này ở Việt Nam.
Cô cùng một người bạn đã mở lớp học đầu tiên nhằm dạy miễn phí cho các bạn trẻ có đam mê với tiếng Trung. Lớp học của cô theo đó đã nhận được phản ứng tích cực từ các học viên, nhiều bạn sau khóa học đã có thể sử dụng tiếng Trung đi làm, đi du học.
Hiện tại, lớp học online của Mỹ Điệp đã có hơn 800 học viên; giáo án luôn được cô và đồng nghiệp liên tục bổ sung, cải thiện, tìm kiếm phương pháp mới để truyền đạt cho học viên hiệu quả hơn.
Mỹ Điệp (dưới cùng bên trái) cùng các bạn du học sinh trong lớp của mình (Ảnh: NVCC). |
Để thi đỗ được chứng chỉ HSK 6, Mỹ Điệp cho hay, bản thân luôn cố gắng tìm ra phương pháp học phù hợp để tăng thêm niềm yêu thích học tiếng Trung.
Theo đó, ngoài học việc học kiến thức trong giáo trình, Mỹ Điệp thường dành thời gian để xem phim và đọc theo lời thoại của nhân vật để luyện khẩu ngữ. Ngoài ra, cô còn tự quay clip trình bày tiếng Trung theo chủ đề, chỉ cần đọc hay nói vấp thì sẽ quay lại cho đến khi ưng ý mới thôi. Cũng chính quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần này đã giúp Mỹ Điệp tiến bộ rất nhiều trong việc học tiếng Trung .
Lựa chọn ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế là mục tiêu nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Trung cũng như mong muốn được học và nghiên cứu chuyên sâu hơn về giáo dục hán ngữ quốc tế của Mỹ Điệp.
Để từ đó, sau khi tốt nghiệp, cô sẽ quay về Việt Nam và tiếp tục nâng cao, phát triển công việc giảng dạy tiếng Trung của mình. Cô nói: “Cơ hội du học và việc làm của các lĩnh vực liên quan đến tiếng Trung tại nước ta ngày càng nhiều, chính vì vậy, tôi vẫn luôn đặt ra dự định về nước để giảng dạy ngoại ngữ này, giúp mọi người có thể chuẩn bị và nắm bắt khi cơ hội tới”.