Áp dụng Công văn 3175 trong kiểm tra Ngữ văn ở cấp THCS đã bộc lộ nhiều hạn chế

07/01/2024 06:42
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều khi giáo viên phải “gà bài” trước cho học trò để vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới kiểm tra, vừa đạt được mục đích điểm số, chỉ tiêu nhà trường đã đề ra.

Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Mục đích của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH là đúng nhưng thực tế khi triển khai ở cấp Trung học cơ sở đã và đang bộc lộ một số bất cập. Người viết nhận thấy, văn mẫu, bài mẫu vẫn tồn tại.

Thực tế, học sinh Trung học cơ sở nếu áp dụng triệt để Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH vào việc kiểm tra định kỳ sẽ khiến phần lớn học sinh gặp khó khăn vì các em còn quá nhỏ. Vì thế, yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” đang quá tầm với phần lớn học sinh ở cấp học này.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Phương Linh

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Phương Linh

Ngữ liệu viết (làm văn) ngoài sách giáo khoa có làm khó học sinh Trung học cơ sở?

Đối với chương trình 2006, mỗi bài học của môn Ngữ văn được tích hợp giữa nội dung của 3 phân môn: văn bản; tiếng Việt, tập làm văn. Về phân môn tập làm văn, lớp 6 học 2 phương thức biểu đạt là tự sự và miêu tả; lên lớp 7 học biểu cảm và nghị luận; lớp 8 học thuyết minh và tự sự; lớp 9 học thuyết minh, tự sự và nghị luận.

Phần nghị luận ở lớp 9 có 2 kiểu bài cơ bản là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Vì thế, chương trình 2006 đến giữa kỳ II của lớp 9 học sinh mới tiếp cận và học nghị luận văn học.

Tuy nhiên, chương trình 2018 được thiết kế khác hoàn toàn khác các chương trình trước đây. Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.

Gần như xuyên suốt ở các lớp của cấp học này, học sinh đều được học văn bản và viết theo các kiểu bài: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học. Vì thế, học sinh sẽ làm quen và viết các kiểu bài nghị luận văn học ngay từ lớp 6.

Chẳng hạn, sách giáo khoa Ngữ văn (bộ Chân trời sáng tạo) đã thiết kế và yêu cầu học sinh học các bài học ở phần viết (làm văn) như sau:

Lớp 6 có 2 bài: Trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát; Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ. Lên lớp 7, học sinh cũng học 2 bài viết liên quan đến nghị luận văn học: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ; Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học.

Ở lớp 8 có các bài: Viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc về một bài thơ tự do; Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (truyện); Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ). Về cơ bản, các kiểu bài viết nhiều khi lặp lại tên bài nhưng ở các lớp cao hơn thì yêu cầu kiến thức sâu hơn.

Chính vì học các kiểu bài viết như vậy nên khi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ thì học sinh sẽ viết bài văn theo đúng thể loại đã học- đây là yêu cầu bắt buộc được hướng dẫn trong Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Cụ thể công văn đã hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Việc không dùng văn bản trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu thì các nhà trường đã thực hiện từ lâu vì các câu hỏi của phần đọc hiểu không khó và nằm trong phạm vi kiến thức đã học nên học sinh dễ dàng thực hiện phần này.

Tuy nhiên, phần viết, nhất là phần nghị luận văn học yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa không hề đơn giản đối với học trò. Nhưng, theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thì cũng không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Không chỉ sách giáo khoa mà học sinh đang học mà Hội đồng bộ môn yêu cầu không được lấy ngữ liệu trong cả 3 những bộ sách của chương trình 2018 là Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống. Vì thế, ngữ liệu sẽ mới hoàn toàn và tất nhiên là không nằm trong sách giáo khoa các lớp ở cả 3 bộ sách.

Học sinh cấp Trung học cơ sở sẽ có bao nhiêu em làm tốt bài nghị luận văn học ngoài sách giáo khoa?

Chương trình 2006 và các chương trình trước đây chủ yếu là tái hiện kiến thức đã học. Chương trình 2018 là phát triển phẩm chất năng lực của người học. Mục tiêu chương trình khác nhau, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá khác nhau nhưng lứa tuổi học sinh cấp Trung học cơ sở mấy chục năm nay không thay đổi.

Muốn trình bày cảm xúc, phân tích, cảm nhận một tác phẩm văn học (thơ, truyện) đòi hỏi học sinh phải có khả năng, năng lực đặc biệt mới có thể thực hiện được.

Yêu cầu dành cho học sinh đại trà nhưng khó ngang với học sinh chuyên, hoặc sinh viên Ngữ văn. Thậm chí là thầy cô giáo dạy Ngữ văn, muốn giảng được một tác phẩm văn học mới, thậm chí là những tác phẩm văn học quen thuộc cũng phải có thời gian tham khảo nhiều tài liệu, chuẩn bị giáo án trước mà khi lên lớp nhiều khi vẫn còn gặp khó khăn.

Trong khi đó, học sinh lớp 6, lớp 7, lớp 8 (các lớp đã triển khai chương trình 2018) mới 12-14 tuổi nếu thầy cô đưa một bài thơ hoàn toàn mới lạ, một đoạn ngữ liệu văn xuôi học sinh chưa được học thì trong vòng khoảng 60 phút các em có thể vừa đọc, vừa phân tích, cảm nhận nổi hay không? Bởi, đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn hiện nay thường có 90 phút, trong đó học sinh phải dành ít nhất 30 phút cho phần đọc hiểu.

Đặc biệt, ở lớp 8 có phần thơ Đường luật cực khó khi có phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và thơ phải theo niêm, luật, đối thanh, đối nội dung…thử hỏi học sinh lớp 8 có làm nổi không?

Chính vì thế, cách làm phổ biến của các giáo viên Ngữ văn hiện nay khi kiểm tra định kỳ mà có phần nghị luận văn học sẽ cho học sinh chuẩn bị sẵn một tác phẩm văn học ở nhà, hoặc giới hạn cho học sinh một vài tác phẩm văn học trong quá trình ôn tập rồi yêu cầu học sinh về nhà chuẩn bị. Nhưng, giáo viên phải hướng dẫn, định hướng thêm cho các em ở trên lớp.

Bởi lẽ, trong thời điểm ngành Giáo dục mới triển khai Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thì yếu tố an toàn vẫn được các tổ chuyên môn, giáo viên Ngữ văn lựa chọn.

Vì thế, điều đầu tiên là phải lựa chọn đúng thể loại (tương đương với thể loại trong sách giáo khoa chính khóa) và tác phẩm văn học đó phải quen thuộc, gần gũi vì nếu lấy một tác phẩm lạ thì nhiều khi sẽ đón nhận những ý kiến trái chiều từ phụ huynh, dư luận vì đề kiểm tra làm xong, học sinh giữ và đem về nhà.

Việc giáo viên cho học sinh chuẩn bị một văn bản yêu thích hoặc ra sẵn một tác phẩm văn học sẽ dẫn đến tình trạng học sinh lên mạng internet tìm kiếm đại một tác phẩm cùng thể loại rồi học thuộc lòng, thuộc ý, khi kiểm tra thì “tái hiện” lại.

Vì thế, tình trạng học sinh lớp 6, lớp 7, 8 “bê” nguyên cả một bài phân tích, cảm nhận về những tác phẩm văn học đang được giảng dạy ở lớp 11, lớp 12 vào bài văn của mình không còn là chuyện hiếm.

Những bài thơ như Tây tiến của Quang Dũng; Đất nước của Nguyễn Đình Thi; thậm chí Truyện Kiều cũng được học sinh đưa vào bài viết của mình. Giáo viên chấm bài chỉ biết…cười ra nước mắt bởi nó đều quá tầm đối với các em.

Việc lấy nội dung các bài phân tích, cảm nhận của học sinh theo dạng đề mở chủ yếu là học sinh lấy trên mạng internet nên về cơ bản vẫn không “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” như mục tiêu mà Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đã hướng đến

Có lẽ, việc áp dụng triệt để Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH chỉ nên áp dụng ở cấp Trung học phổ thông sẽ phù hợp hơn vì đây là lứa tuổi các em đã dần tự chủ được việc học, kiến thức xã hội đã được hình thành nhiều. Nếu, ở cấp Trung học chỉ nên dừng lại ở lớp 9 vì các em có kỳ thi tuyển sinh 10.

Học sinh lớp 6, lớp 7 và lớp 8 các em học sinh còn quá nhỏ, rất khó để các em có thể trình bày cảm xúc, phân tích, cảm nhận một tác tác phẩm văn học hoàn toàn mới lạ trong quãng thời gian ngắn ngủi làm bài kiểm tra theo hướng dẫn của Công văn 3175.

Trong khi đó, việc áp chỉ tiêu giảng dạy cho giáo viên khiến cho thầy cô giáo dạy Ngữ văn gặp khó khăn, áp lực. Nhiều khi giáo viên phải “gà bài” trước cho học trò để vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới kiểm tra, vừa đạt được mục đích điểm số, chỉ tiêu nhà trường đã đề ra.

Bởi vậy, điểm số bài kiểm tra môn Ngữ văn thì khả quan nhưng thực tế vẫn đang xảy ra tình trạng thầy chấm văn thầy (văn mẫu) hoặc chấm lại chính những bài văn mà mình đã hướng dẫn cho học trò- đó là một thực tế mà người viết là giáo viên dạy Ngữ văn bậc Trung học cơ sở nhận thấy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN