Đề Ngữ văn hiện nay đang mỗi nơi mỗi kiểu

31/12/2023 06:52
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc hướng dẫn, thực hiện đề kiểm tra Ngữ văn hiện nay đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang khá manh mún, tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện đã triển khai năm thứ 3 ở cấp trung học cơ sở và năm thứ 2 ở cấp trung học phổ thông nhưng nhìn chung, đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn của 2 cấp học hiện nay đang còn khá lúng túng, thụ động, mạnh ai nấy làm, không theo một khuôn mẫu nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho giáo viên cốt cán ở các địa phương, đã ban hành tài liệu tập huấn. Các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng chỉ dừng lại ở câu chung chung: “Đối với môn Ngữ văn, cần thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông”.

Các sở Giáo dục và Đào tạo thì có nơi tập huấn lại đề kiểm tra của Bộ sau đó sửa đổi; có địa phương thì vẫn theo cấu trúc đề kiểm tra của chương trình 2006. Tác giả sách giáo khoa khi tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên thì bám vào tài liệu của Bộ.

Vì thế, có nơi thì kiểm tra tự luận hoàn toàn, có nơi thì kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm khách quan. Ngữ liệu, câu hỏi thì nhiều nơi dài lê thê, chưa có sự chọn lọc, nhiều khi còn chọn những ngữ liệu không phù hợp, thiếu nguồn dẫn chính thống và gây ra những tranh luận trái chiều.

Ngữ liệu đề mẫu Ngữ văn 6 trong tài liệu tập huấn của Bộ (Ảnh: Hương Mai)

Ngữ liệu đề mẫu Ngữ văn 6 trong tài liệu tập huấn của Bộ (Ảnh: Hương Mai)

Lúng túng trong việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa

Hiện nay, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang giảng dạy 2 chương trình khác nhau: những học sinh lớp 6,7,8,10,11 học chương trình 2018; học sinh lớp 9 và lớp 12 học chương trình 2006 nên mục tiêu, phương pháp tiếp cận cũng khác nhau. Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn thì hình thức ra đề kiểm tra giữa 2 chương trình khác hoàn toàn.

Đối với các lớp đang học chương trình 2006 khi đề phải bám vào chuẩn kiến thức kĩ năng, ngữ liệu phần làm văn phải ở trong sách giáo khoa, còn các lớp thuộc chương trình 2018 ra đề kiểm tra sẽ bám vào “chương trình”, ngữ liệu của phần đọc hiểu, phần làm văn phải ngoài sách giáo khoa theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Trong khi, bước vào năm học 2022-2023 vừa qua, Bộ đã tập huấn đề kiểm tra môn Ngữ văn cho đội ngũ cốt cán ở các địa phương, sau đó nhiều địa phương đã tập huấn đại trà lại cho giáo viên. Khi thông tin đề Ngữ văn chương trình mới sẽ kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan với tự luận thì ngày 18/8/2022, thông tin với báo chí, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

“Để triển khai thực hiện Chương trình chương trình giáo dục 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới. Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học).

[…]Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT”. [1]

Chính vì Bộ chưa có thống nhất hình thức đề kiểm tra, chưa công bố đề minh họa chính thức mà chỉ “tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới” nên phần lựa chọn ngữ liệu hiện nay đang có phần manh mún, mỗi trường, mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu khác nhau.

Vừa qua, Báo Thanh niên phản ánh một đề kiểm tra ngữ văn lớp 11 của một trường ở TP.HCM có 2 phần. Đáng chú ý, ngữ liệu cho phần đọc hiểu có tới 70 câu thơ trích truyện thơ Vượt biển của dân tộc Tày- Nùng khiến nhiều người choáng về độ dài của ngữ liệu. [2]

Song, nếu theo dõi trên các trang mạng xã hội của các trang giáo viên Ngữ văn, chúng ta cũng chứng kiến nhiều đề kiểm tra cuối học kỳ I của năm học 2023-2024 này có nhiều đề dài lê thê không kém. Suy cho cùng, theo hướng dẫn hiện nay, giáo viên phải bám vào thể loại văn bản mà học sinh đang học ở sách giáo khoa chính khóa nên trên lớp dạy thể loại nào, giáo viên ra đề sẽ tìm thể loại tương ứng để ra đề.

Nếu giáo viên đã được tập huấn cấu trúc đề kiểm tra chương trình mới theo tài liệu của Bộ vào thời điểm đầu năm học 2022-2023 (khi vừa triển khai chương trình lớp 7 và lớp 10) thì thấy độ dài mà một số tờ báo hay được chia sẻ trên mạng xã hội sẽ thấy rất “bình thường”.

Bởi, trong tài liệu của Bộ có nhiều đề mẫu cho các khối lớp, trong đó, đề giữa kỳ I dành cho học sinh lớp 6 riêng phần đọc hiểu cũng có dung lượng hơn 2 trang A4 khi lấy truyện cổ tích Sự tích trầu, cau và vôi làm ngữ liệu. Nếu cộng thêm cả câu hỏi: phần đọc hiểu 8 câu trắc nghiệm (mỗi câu 4 dòng), 2 câu vận dụng và đề phần viết thì tổng thể đề văn lớp 6 lên đến trên 3 trang A4.

Vì thế, chuyện đề Ngữ văn có độ dài 2-3 trang có lẽ cũng rất “bình thường” vì khi giáo viên đi tập huấn được hướng dẫn là lấy ngữ liệu tương đương với thể loại được học trong sách giáo khoa.

Nhưng, nó không “bình thường” ở chỗ học sinh lớp 6, thậm chí là học sinh lớp 11 ở nhiều trường học đọc ngữ liệu của đề Văn dài trên dưới 2 trang như vậy sẽ hết bao nhiêu thời gian để hiểu được ngữ liệu rồi mới có thể chọn ra đáp án đúng, hoặc trả lời các câu hỏi vận dụng ở phần tự luận mà đề bài yêu cầu?

Không chỉ ngữ liệu dài mà đề kiểm tra môn Ngữ văn một số trường hiện nay cũng khiến cho học sinh ngao ngán vì quá dài.

Phần đọc hiểu đề Văn lớp 10 có đến 8 câu hỏi tự luận trong đề kiểm tra cuối kỳ 1 của một trường THPT ở miền Tây (Ảnh: Hương Mai)

Phần đọc hiểu đề Văn lớp 10 có đến 8 câu hỏi tự luận trong đề kiểm tra cuối kỳ 1 của một trường THPT ở miền Tây (Ảnh: Hương Mai)

Lúng túng trong chỉ đạo và thực hiện chọn ngữ liệu cho đề kiểm tra môn Ngữ văn

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”. Không có hướng dẫn cụ thể hình thức kiểm tra môn Ngữ văn là tự luận hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan.

Vì thế, có tỉnh ra đề Ngữ văn trắc nghiệm kết hợp với tự luận; có tỉnh ra tự luận hoàn toàn và đến nay chưa có một đề mẫu môn Ngữ văn chính thức nào được Bộ công bố. Vừa qua, Bộ đã công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (áp dụng cho chương trình 2018), môn Ngữ văn là môn thi duy nhất bằng hình thức tự luận hoàn toàn.

Trong khi đó, các địa phương hiện nay đang áp dụng rất khác nhau. Có địa phương kiểm tra môn Ngữ văn đối với các lớp chương trình 2018 bằng hình thức tự luận hoàn toàn nhưng cũng nhiều địa phương đang kết hợp giữa tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan nên đề kiểm tra môn Ngữ văn khá dài, thường dao động từ 2-3 trang.

Việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa hiện nay của giáo viên Ngữ văn vẫn còn khá nhiều lúng túng, nhiều đề được “nhân bản” từ trường này sang trường khác, địa phương này sang địa phương khác. Nhiều đề Văn không có nguồn dẫn cụ thể, lấy từ nguồn dẫn lại nhưng người ra đề cũng không biết.

Vì thế, mục đích của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH nhằm khắc phục tình trạng văn mẫu ở chương trình 2006 nhưng cách triển khai thiếu thống nhất nên đã dẫn đến việc giáo viên lúng túng, gặp khó khăn khi lựa chọn ngữ liệu.

Một số giáo viên lại máy móc theo đề mẫu trong tài liệu tập huấn của Bộ nên những đề Văn dài dằng dặc vẫn xuất hiện vào thời điểm kiểm tra định kỳ.

Rõ ràng, việc hướng dẫn, thực hiện đề kiểm tra Ngữ văn hiện nay đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang khá manh mún, tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu nên dư luận vẫn phải chứng kiến những đề Văn thiếu “chất văn”, thiếu tính khoa học. Điều này rất cần sự thống nhất và chỉ đạo từ bộ phận chuyên môn của Bộ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd#228939|zone-timeline-5|2

[2]https://thanhnien.vn/de-kiem-tra-cho-70-cau-tho-dung-de-hoc-sinh-ac-cam-voi-mon-ngu-van-185231215144403973.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI