Đừng máy móc áp đề kiểm tra định kỳ giống cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp

30/11/2024 06:42
Trần Văn Tâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong hoạt động chuyên môn dạy và học ở trường trung học phổ thông, không có khái niệm “thi” mà chỉ có khái niệm “kiểm tra”.

Những văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động chuyên môn, hai khái niệm “kiểm tra” và “thi” hoàn toàn khác nhau về bản chất. Nhưng vẫn có nhà quản lý giáo dục và giáo viên nhầm lẫn hai khái niệm này dẫn đến lúng túng trong công tác chỉ đạo, trong thực hiện công việc và áp dụng các chính sách.

Từ “kiểm tra” chỉ sử dụng để đánh giá, xếp loại học sinh trong phạm vi lớp, trường

Người viết xin điểm lại một số thông tư trong khoảng hơn 10 năm gần đây quy định về đánh giá, xếp loại học sinh để độc giả có góc nhìn toàn cảnh.

Thứ nhất, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, có quy định: “Hình thức kiểm tra, các loại bài kiểm tra, hệ số điểm bài kiểm tra” (Điều 7), “Số lần kiểm tra và cách cho điểm” (Điều 8), “Kiểm tra, cho điểm các môn học tự chọn và chủ đề tự chọn thuộc các môn học” (Điều 9).

Thứ hai, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/ 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thay thế một số cụm từ như sau:

Cụm từ “Hình thức kiểm tra” (khoản 1, điều 7, TT 58) thay thế thành cụm từ “Các loại kiểm tra, đánh giá” (khoản 1, điều 7, Thông tư 26).

Cụm từ “Kiểm tra thường xuyên”, “Kiểm tra định kỳ” (điểm a, b, điều 7, Thông tư 58) đổi thành “Kiểm tra, đánh giá thường xuyên”, “Kiểm tra, đánh giá định kì” (điểm a, b, điều 7, Thông tư 26).

Thứ ba, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì dùng cụm từ “Kiểm tra, đánh giá”:

“Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định” (khoản 2, Điều 6. Đánh giá thường xuyên).

“Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập” (khoản 1, Điều 7. Đánh giá định kì).

gdvn-la-tien-6273.jpeg
Ảnh minh họa: Lã Tiến

Những Thông tư trên đều dùng từ “kiểm tra” chứ không dùng từ “thi”. Qua đó, có thể hiểu nôm na như sau: “Kiểm tra” là những sản phẩm, bài làm của học sinh (hình thức đa dạng) do giáo viên trực tiếp giảng dạy ra đề (yêu cầu), tự tổ chức trên lớp dạy (kiểm tra thường xuyên) hoặc do nhà trường tổ chức tập trung (kiểm tra định kỳ).

Mục đích của kiểm tra là dùng kết quả kiểm tra làm cơ sở cho giáo viên đánh giá rèn luyện và học tập của học sinh diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học hoặc sau một giai đoạn trong năm học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông.

Như vậy, trong hoạt động chuyên môn dạy và học ở trường trung học phổ thông, không có khái niệm “thi” mà chỉ có khái niệm “kiểm tra”. Hiểu rộng ra, giáo viên và nhà trường chỉ có chức năng tổ chức “kiểm tra” như: kiểm tra bài cũ, kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra cuối kỳ,…

Các hoạt động thi trong trường như Hội thi văn nghệ, Hội thi thể dục thể thao, Hội thi nấu ăn,... là những hoạt động phong trào, không phải hoạt động chuyên môn.

Vì vậy, giáo viên - những người đang trực tiếp công tác trong ngành giáo dục - cần gọi đúng từ “kiểm tra” trong các hoạt động chuyên môn của nhà trường, tránh nhầm lẫn theo thói quen như: “thi học kỳ”, “kỳ thi kiểm tra học kỳ”, “môn thi học kỳ”, “chấm thi học kỳ”,...

Từ “thi” thường được sử dụng ở cấp Sở, Bộ

Thứ nhất, trong Luật Giáo dục (2019), tại khoản 3 Điều 34, quy định: "Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông".

Thứ hai, theo dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông năm 2025, có quy định: “Tổ chức thi tuyển” (Điều 12) gồm: “Môn thi” (khoản 1), “Ra đề thi” (khoản 2), “Coi thi” (khoản 3), “Chấm thi” (khoản 4), “Phúc khảo bài thi” (khoản 5).

Thứ ba, dự thảo Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 205, có quy định: "Quy chế thi"; "Hội đồng thi"; "Môn thi"....

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông không có chức năng tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp.

Tổ chức thi tuyển vào lớp 10 do Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm từ khâu thành lập hội đồng thi, chấm thi đến khâu công bố kết quả.

Còn thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh tổ chức và chịu trách nhiệm.

Mục đích thi tuyển sinh vào lớp 10 nhằm phân luồng học sinh theo hướng tiếp tục học trung học phổ thông hoặc theo hướng học nghề, bên cạnh đó cũng do nhu cầu học nhiều hơn chỗ học và chất lượng giữa các cơ sở giáo dục không đồng đều.

Mục đích thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy học của cơ sở giáo dục và sử dụng để tuyển sinh đại học.

Như vậy, nhà trường có chức năng tổ chức kiểm tra nhiều lần trên cùng một đối tượng học sinh trong suốt cấp học theo định kỳ để đánh giá chất lượng học tập của học sinh theo từng giai đoạn, từ đó đề ra biện pháp giáo dục hợp lý trong thời gian tới theo hướng giúp học sinh tiến bộ; Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đề kiểm tra không nhất thiết giống cấu trúc, định dạng đề thi

Thứ nhất, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình; bảo đảm tính chính xác, công bằng, trung thực và khách quan. Để được như vậy, đề thi bắt buộc phải lựa chọn ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa hiện hành.

Hiện nay, môn Ngữ văn có 3 bộ sách được dùng để dạy trong trường phổ thông là Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.

Đối với các kỳ thi, nếu đề thi chọn ngữ liệu có trong 1 bộ sách trên đều không công bằng với thí sinh; hoặc ngữ liệu là đoạn trích của tác phẩm có trong 1 bộ sách trên; hoặc ngữ liệu là đoạn trích khác của tác phẩm đã được học trên lớp cũng đều không công bằng với thí sinh.

Nhưng với đề kiểm tra, đánh giá định kỳ thì khác với đề thi.

Tại khoản 3 điều 2 của Thông tư 22 nêu rõ: “Đánh giá định kì là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện và học tập sau một giai đoạn trong năm học nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông”.

Thứ hai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng quy định rất cụ thể về kiểm tra định kỳ như: Hình thức kiểm tra, năng lực cần đạt trong đề kiểm tra, cách thức đánh giá, chọn ngữ liệu.

“Đề kiểm tra định kì có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá năng lực đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong Chương trình. Có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp (để đánh giá nói và nghe) nếu thấy cần thiết và có điều kiện”.

“Trong trường hợp, những năng lực không được đánh giá trong đề kiểm tra định kì thì cơ sở giáo dục phải thực hiện trong đánh giá thường xuyên”.

“Cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học”.

Thứ ba, Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH quy định: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Như vậy có thể thấy, cả Thông tư 22, Chương trình Giáo dục phổ thông và Công văn 3175 đều không đặt ra những quy chuẩn về cấu trúc, định dạng cũng như hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ đối với học sinh.

Theo đó, đề kiểm tra định kỳ có thể vận dụng cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp đối với trường chuyên nếu chọn thời gian làm bài 120 phút. Còn đối với trường không chuyên nên cân nhắc một cách cẩn thận, tránh thiệt thòi cho học sinh của mình.

Còn nữa, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề kiểm tra định kỳ chỉ được dao động từ 60 đến 90 phút với trường không chuyên, tối đa 120 phút với trường chuyên; đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 120 phút.

Vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng những yêu cầu của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào yêu cầu của đề kiểm tra định kỳ.

Chọn ngữ liệu trong đề kiểm tra linh hoạt hơn so với đề thi

Việc thay đổi ngữ liệu trong đề kiểm tra có thể xem là điểm mới trong đánh giá người học nhằm để giải quyết tình trạng học thuộc lòng văn mẫu. Tuy nhiên, ngữ liệu dù đặc biệt quan trọng thì cũng chỉ là phương tiện mang tính khách quan mà thôi.

Quan trọng là trong Chương trình Ngữ văn 2018 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều khuyến khích khi thiết kế đề kiểm tra cần xây dựng hệ thống câu hỏi mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.

Điều đó có nghĩa là đề kiểm tra thường xuyên vẫn được phép chọn ngữ liệu là các văn bản đã học trên lớp với mục đích rèn luyện tư duy phản biện của học sinh, thông qua các hình thức như: dự án học tập, bài tập nghiên cứu khoa học, thảo luận, tranh biện,…

Đối với đề kiểm tra định kỳ, để tránh áp lực cho giáo viên trong việc chọn lựa ngữ liệu, giáo viên có thể tìm và chọn ngữ liệu theo 2 cách sau đây:

Cách 1: Sử dụng các ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng đề kiểm tra đánh giá định kì là cách làm hiệu quả, tiện lợi nhất hiện nay.

Chẳng hạn, học sinh học bộ sách Cánh diều, giáo viên có thể chọn ngữ liệu của các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống/ Chân trời sáng tạo, với điều kiện ngữ liệu này không trùng với ngữ liệu trong sách giáo khoa bộ Cánh diều và học sinh chưa được học. Như vậy, giáo viên sẽ có được ngữ liệu tương đương về thể loại/ kiểu văn bản so với ngữ liệu mà học sinh của mình đã được học.

Cách này vẫn bảo đảm tính khách quan mà thuận lợi cho việc khai thác nguồn ngữ liệu. Bởi lẽ, ngữ liệu trong các bộ sách hiện hành đặc trưng cho thể loại văn bản và phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh. Những ngữ liệu này được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và cho phép sử dụng để dạy học trong nhà trường.

Đây là những ngữ liệu tiêu biểu, chuẩn mực cho các thể loại văn bản mà học sinh nên được tiếp cận bằng cách này hay cách khác.

Như vậy, đề kiểm tra tận dụng ngữ liệu trong các bộ sách khác là một phương án khả thi, an toàn, hợp pháp và có tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, không nên lấy ngữ liệu trong các bộ sách khác mà học sinh đã học ở lớp/ cấp dưới.

Cách 2: Chọn ngữ liệu không có trong cả 3 bộ sách giáo khoa để thiết kế đề kiểm tra luôn là điều cần thiết.

Để lựa chọn được ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, giáo viên cần phân biệt sự khác nhau giữa các thể loại văn bản trong cùng một loại hình mới chọn được ngữ liệu chuẩn về mọi phương diện. Chẳng hạn, cùng tác phẩm tự sự nhưng truyện ngắn và tiểu thuyết có đặc điểm khác nhau; cùng là tác phẩm thơ nhưng thơ cổ điển và thơ hiện đại khác nhau.

Tuy nhiên, với cách thứ nhất chỉ là phương án tạm thời trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình. Về lâu dài, cách thứ hai sẽ được vận dụng triệt để, bởi những ngữ liệu trong những bộ sách khác cũng lần lượt được tận dụng khai thác hết mà đề kiểm tra không cho phép lặp lại ngữ liệu của các lần kiểm tra trước đó.

Tóm lại, cần phân biệt giữa “kiểm tra” và “thi” để chỉ đạo và thực hiện hoạt động chuyên môn đồng bộ trong nhà trường, giữa các cơ sở giáo dục. Có như thế mới đánh giá chính xác và công bằng năng lực của người học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm