Vào cuối năm, bên cạnh những bề bộn của công việc điểm số, sơ kết học kì I, giáo viên lại trăn trở, quan tâm một vấn đề là thu nhập tăng thêm của trường mình năm nay bao nhiêu? Với nhiều thầy cô lương thấp, thu nhập tăng thêm là một nguồn thu khác ngoài lương để giáo viên có thêm chi phí lo Tết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thu nhập tăng thêm giữa các trường luôn có sự chênh lệch rất lớn.
Có trường mỗi giáo viên nhận được cả chục triệu thu nhập tăng thêm, trường được vài ba triệu, thậm chí có nơi giáo viên ngậm ngùi với vài trăm ngàn, hoặc ít gói nhu yếu phẩm của công đoàn động viên, hỗ trợ dịp Tết. Với trường, giáo viên không có thu nhập tăng thêm cuối năm, Tết trở nên mệt mỏi với những lo toan về nhiều khoản chi thêm như mua quần áo mới cho con, mua sắm Tết...Vì thế, nhiều giáo viên phải tranh thủ "chân trong chân ngoài" những ngày giáp Tết để kiếm thu nhập thêm.
Ảnh minh họa. |
Vào dịp giáp Tết năm ngoái, cô Trang – giáo viên một trường trung học phổ thông ở Đà Lạt (Lâm Đồng) theo bạn buôn đào cành. Do chưa có kinh nghiệm chọn nên đào không đẹp, cộng thêm số người đi ngắm thì nhiều, mua thì ít, ngày 28 Tết, cô mới bán được vài cành. Trong khi đó, cô phải bỏ số vốn bỏ ra gần trăm triệu, ngày 30 Tết nhìn những bó đào gần như còn nguyên, cô đành phải cầu cứu hết người thân bạn bè, lấy đúng giá mua vào, mong gỡ được đồng nào hay đồng ấy. Tết năm đó, cô Trang đóng cửa, nằm ở nhà, bởi vừa mệt, vừa buồn, lại không có tiền để tiêu tết như dự định chưa kể nợ thêm khoản tiền vay mượn để kinh doanh. Cô Trang chỉ là một trong rất nhiều giáo viên phải bươn chải những ngày giáp Tết mong kiếm thêm thu nhập.
Nhiều thầy cô tâm tư vì thu nhập tăng thêm của trường mình ít hơn (thậm chí là không có) so với các trường khác, và mức chia thu nhập tăng thêm của mỗi trường đôi khi có sự chênh lệch rất lớn giữa lãnh đạo trường và giáo viên, nhân viên. Vậy việc chi thu nhập tăng thêm của các trường đang được triển khai dựa trên các căn cứ nào?
Chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên thực hiện theo quy định nào?
Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài Chính về hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, có quy định về chi thu nhập tăng thêm tại đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên tại khoản 3, điều 10 quy định đối với việc tạm chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi và chi khen thưởng như sau: Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý 4 năm trước liền kề), trường hợp xét thấy đơn vị có khả năng tiết kiệm được kinh phí; thủ trưởng đơn vị quyết định:
- Tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; mức tạm chi hàng quý của đơn vị tối đa không quá 20% quỹ tiền lương một quý của đơn vị;
- Tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân;
Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị tự xác định số kinh phí tiết kiệm được:
- Trường hợp đơn vị đã tạm chi vượt quá số kinh phí tiết kiệm được theo quy định thì phải giảm trừ vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập của đơn vị (nếu có) hoặc giảm trừ vào số tiết kiệm của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu đơn vị không có số tiết kiệm của năm sau);
- Trường hợp đơn vị đã tạm chi thấp hơn số kinh phí tiết kiệm được trong năm, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, chi khen thưởng, chi phúc lợi hoặc để trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;
Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt nếu:
+ Số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm hoặc chi các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng theo chế độ quy định.
+ Nếu số kinh phí tiết kiệm thấp hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách trừ vào kinh phí tiết kiệm năm tiếp theo của đơn vị;
Như vậy, với vấn đề thứ nhất, việc chi thu nhập tăng thêm cuối năm chỉ thực hiện khi đơn vị đã tạm chi thấp hơn số kinh phí tiết kiệm được trong năm, và thực hiện chi theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Tại sao trường không ưu tiên giữ lại một khoản kinh phí nhất định ngay từ ban đầu, để chia lại cho giáo viên, nhân viên trong trường?
Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tại Điều 22 có quy định kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được sử dụng theo thứ tự sau:
(1) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động:
Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;
(2) Chi khen thưởng và phúc lợi:
- Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp;
- Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức;
- Chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;
(3) Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.
Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
Như vậy, việc có kinh phí chi thu nhập tăng thêm cuối năm hay không chỉ được xác định sau khi thực hiện các khoản chi theo thứ tự hướng dẫn trên của nghị định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu đơn vị, nhà trường có kế hoạch tài chính rõ ràng, khoa học ngay từ đầu năm, cũng như trong năm thực hiện tiết kiệm có hiệu quả thì việc đảm bảo thu nhập tăng thêm cuối năm cho nhà giáo cũng không phải quá khó khăn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ hợp lý, xác định cách chia thu nhập tăng thêm không có sự chênh lệch nhiều giữa ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên cũng là một cách xây dựng đoàn kết nội bộ, thể hiện sự tương trợ trong nhà trường, nhất là đối với những vị trí lương thấp, không có chức vụ,. Đó cũng là một nét đẹp trong trường học mà các đơn vị cần lưu ý khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-60-2021-ND-CP-co-che-tu-chu-tai-chinh-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-478766.aspx?anchor=dieu_19
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-56-2022-TT-BTC-huong-dan-co-che-tu-chu-tai-chinh-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-530027.aspx?anchor=dieu_10