Giới hạn tỉ lệ hạng chức danh nghề nghiệp, GV muốn thăng hạng sẽ không dễ

16/01/2024 08:55
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh gay gắt nhưng giúp chọn được những thầy cô giáo giỏi chuyên môn.

Ngày 05/01/2024, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 64/BNV-CCVC về hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Văn bản này có một số nội dung liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên (viên chức) đáng chú ý như sau:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2)

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: tối đa không quá 20%; chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: tối đa không quá 50%; chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4)

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: tối đa không quá 10%; chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: tối đa không quá 50%; chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): tối đa không quá 40%.

Để thống nhất trong quá trình triển khai, Bộ Nội vụ cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương về một số điểm cơ bản sau đây (trích):

Cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức nêu trên không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý.

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. (Nguồn ảnh: Lã Tiến/ giaoduc.net.vn)

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. (Nguồn ảnh: Lã Tiến/ giaoduc.net.vn)

Người viết nhận thấy, việc khống chế số lượng công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là phù hợp với một số nội dung được quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Theo đó, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP như sau (trích):

"Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp."

Vì vậy, tôi cho rằng, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp thời gian tới sẽ cạnh tranh gay gắt. Tuy vậy, điều này giúp chọn được những thầy cô giáo giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề.

Ví dụ, Trường Trung học phổ thông A có 100 giáo viên, trong đó có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng (còn lại 97 giáo viên) thì sẽ cần 48,5 giáo viên hạng II (Văn bản số 64/BNV-CCVC quy định chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: tối đa không quá 50%).

Cần biết thêm, theo Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập (gọi tắt là Văn bản hợp nhất Thông tư), trước khi được tuyển dụng, nếu giáo viên trung học phổ thông có bằng thạc sĩ thì sau 6 năm giảng dạy (không kể một năm tập sự) sẽ đủ điều kiện xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

Tương tự, giáo viên có bằng cử nhân thì sau 9 năm giảng dạy (không kể một năm tập sự) sẽ đủ điều kiện xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

Chiếu theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP, Văn bản số 64/BNV-CCVC và Văn bản hợp nhất Thông tư như đã dẫn, có thể nhận thấy, không phải giáo viên nào cũng được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp vì số lượng có hạn.

Giáo viên sẽ phải cạnh tranh (thậm chí gay gắt) với nhau bằng chính năng lực chuyên môn, nghiệp vụ từ những minh chứng đã có trong quá trình công tác của thầy cô.

Chẳng hạn, giáo viên đã đạt các danh hiệu như: chiến sĩ thi đua cơ sở; chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; giáo viên dạy giỏi các cấp; giáo viên chủ nhiệm lớp các cấp hoặc đã được các Bộ, ban, ngành khen thưởng về công tác giảng dạy, giáo dục học sinh...

Như vậy, có thể có giáo viên đã giảng dạy hàng chục năm nhưng vẫn không được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì thiếu thành tích.

Đành rằng, không phải giáo viên không có thành tích thì dạy kém hơn người có thành tích. Nhưng, giáo viên có thành tích được ưu tiên trong việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là quy định đúng đắn.

Người viết (là giáo viên trung học phổ thông) thấy rằng, hầu hết giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi/chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh, được khen thưởng về các hoạt động nghiên cứu khoa học là những người thực sự giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Và khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chẳng hạn từ giáo viên trung học phổ thông hạng III lên hạng II, thì thầy cô mới có thể làm hàng loạt nhiệm vụ theo quy định của Văn bản hợp nhất Thông tư như:

Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên; Tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên;

Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên.

Tương tự, giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I phải là những người thực sự xuất sắc để làm những nhiệm vụ khó khăn hơn.

Chẳng hạn, nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại Văn bản hợp nhất Thông tư là (trích):

Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;

Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên.

Ngoài ra, Điều 33 Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

"2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này:

a) Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3 theo phân cấp, ủy quyền;

b) Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A2 và từ hạng II trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;

c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương (thường xuyên, trước thời hạn), phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống (bao gồm cả chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương viên chức loại A3) thuộc phạm vi quản lý".

Theo quy định này, hiệu trưởng có quyền hạn rất lớn trong việc xét hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Vì vậy, để việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được công khai, minh bạch, khách quan thì đòi hỏi hiệu trưởng phải ban hành được bộ tiêu chí, trong đó quy định thang điểm rõ ràng cho từng tiêu chuẩn.

Ví dụ, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi/chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh thì điểm cao hơn người chỉ đạt danh hiệu cấp trường. Giáo viên được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì điểm cao hơn người được tặng bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Cùng với đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn trong việc tham mưu hiệu trưởng về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên trong tổ.

Bởi vì, hơn ai hết tổ trưởng chuyên môn hiểu rất rõ trình độ của từng giáo viên mà đôi khi hiệu trưởng không nắm hết. Ví dụ, hiệu trưởng được đào tạo ngành Toán thì có thể đánh giá không sát về giáo viên dạy các môn xã hội.

Đặc biệt, hiệu trưởng phải nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ trong hoạt động nhà trường nhằm phát huy quyền làm chủ của nhà giáo, người lao động, người học.

Mục đích thực hiện dân chủ là nhằm tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của nhà trường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền.

Ngoài ra, những giáo viên bị kỉ luật, bị phê bình hoặc dạy thêm trái phép, ép học sinh học thêm bị phụ huynh phản ánh (được xác minh là có căn cứ) thì hiệu trưởng cần dứt khoát không nhận hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

http://kkt.kontum.gov.vn/bo-noi-vu-huong-dan-xac-dinh-co-cau-ngach-cong-chuc-va-co-cau-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc.p-3323.html

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2024/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài