Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, làm sao đảm bảo khách quan?

17/12/2023 06:46
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định 85/2023/NĐ-CP phân công, phân cấp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Theo quy định mới của Chính phủ, từ ngày 7/12/2023 bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức. Thông tin này khiến hơn 1,5 triệu nhà giáo trên cả nước rất vui mừng.

Theo đó, Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Điều 33 phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này (đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức):

Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3 theo phân cấp, ủy quyền.

Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A2 và từ hạng II trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt.

Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương (thường xuyên, trước thời hạn), phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống (bao gồm cả chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương viên chức loại A3) thuộc phạm vi quản lý.

Như vậy, theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP thì hiệu trưởng được quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập theo chủ trương phân cấp, phân quyền. Điều này sẽ góp phần giảm được áp lực công việc đối với Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, không ít giáo viên lo ngại rằng, mỗi khi quyền lực tập trung quá lớn vào tay hiệu trưởng thì có thể sẽ nảy sinh bất cập, kể cả tiêu cực trong việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên thẳng tính, thường đấu tranh chống lại việc sai trái, tiêu cực dễ bị hiệu trưởng làm khó dễ. Ngược lại, giáo viên nịnh nọt hoặc thuộc nhóm lợi ích của hiệu trưởng thì sẽ được chiếu cố.

Thế nhưng, người viết (giáo viên trung học phổ thông) cho rằng, hiệu trưởng khó có thể làm trái trong việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện rất chặt chẽ.

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP, viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

Thứ nhất, "được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật".

Giáo viên rất dễ giám sát lẫn nhau về tiêu chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại viên chức cuối năm. Giáo viên không vi phạm kỉ luật thường có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt.

Thứ hai, "có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp".

Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên được đánh giá từ cấp thấp đến cấp cao: tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, hiệu phó, hiệu trưởng. Cùng với đó, năng lực của giáo viên còn được đánh giá qua các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh.

Cùng với đó, năng lực chuyên môn của giáo viên còn được lượng hoá qua các minh chứng cụ thể như: đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp; danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp; bằng khen các cấp.

Bên cạnh đó, một giáo viên đủ điều kiện thăng hạng là phải có khả năng đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn.

Ví dụ, theo văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập, giáo viên trung học phổ thông hạng II phải có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như:

"Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên".

Thứ ba, "đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng. Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; viên chức được xét thăng hạng được coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét".

Quy định về bằng cấp chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng cũng được quy định rất tường minh ở các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng III muốn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng hạng II thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Hoặc Điều 7 các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1, khoản 7 Điều 2, khoản 8 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định:

"Khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm".

Thứ tư, "đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề".

Quy định này cũng rất rõ ràng, hiệu trưởng không thể làm trái để chiếu cố cho giáo viên. Ví dụ, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14):

Phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường giám sát hiệu quả thì hiệu trưởng khó có thể làm trái trong việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Chẳng hạn, ở trường phổ thông có chi bộ trường, hội đồng trường, công đoàn trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... hoàn toàn có thể giám sát việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp có thực hiện đúng hay không.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tieu-chuan-dieu-kien-dang-ky-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-tu-7-12-2024-119231214173210454.htm

[2] https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

[3] https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-032021-082023-tt-bgddt-882.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên