Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) thành lập ngày 24/9/2007 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin từ website nhà trường nêu, UEF theo đuổi mục tiêu là đại học hàng đầu Việt Nam và hướng tới chuẩn mực đào tạo quốc tế gắn liền triết lý giáo dục toàn diện - học tập suốt đời. UEF hướng tới tiêu chuẩn giáo dục đại học kết hợp tinh hoa giáo dục đại học quốc tế cùng chuyển biến kinh tế trong bối cảnh hội nhập, đào tạo chuyên sâu về Kinh tế Tài chính đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội.
Hiện, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là hiệu trưởng nhà trường.
Website chỉ có báo cáo 3 công khai duy nhất một năm học
Qua tìm hiểu, phóng viên thấy duy nhất trên website chỉ hiển thị báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 trong khi năm học này chưa kết thúc. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi câu hỏi đến Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.
Website Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh chỉ hiển thị duy nhất báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024. Ảnh chụp màn hình. |
Trong văn bản trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 18/1, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông UEF cho biết: "Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về hình thức và thời điểm công khai như sau: “Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan”.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của trường vào thời điểm 31/5/2023 các điều kiện đảm bảo chất lượng của năm học 2023-2024, kịp thời trước khi khai giảng năm học (vào tháng 9/2023), theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Có ngành tuyển sinh chỉ đạt 25% chỉ tiêu
Đề án tuyển sinh năm 2023 công bố thông tin tuyển sinh 2 năm 2021 và 2022 cho thấy tỷ lệ sinh viên nhập học một số ngành không đủ chỉ tiêu được duyệt.
Chẳng hạn: Ngành Khoa học dữ liệu năm 2021 tuyển được 15/63 chỉ tiêu (chiếm 24%), năm 2022 tuyển được 54/66 chỉ tiêu (chiếm 82%).
Ngành Quản trị khách sạn năm 2021 tuyển được 44/110 chỉ tiêu (chiếm 40%), năm 2022 tuyển được 165/198 chỉ tiêu (chiếm 83%).
Ngành Tài chính quốc tế năm 2021 tuyển được 18/33 chỉ tiêu (chiếm 55%), năm 2022 tuyển được 49/60 chỉ tiêu (chiếm 82%).
Ngành Tâm lý học năm 2021 tuyển được 13/33 chỉ tiêu (chiếm 39%), năm 2022 tuyển được 49/60 chỉ tiêu (chiếm 82%).
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cung cấp cho phóng viên số liệu sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2023 của những ngành nêu trên như sau: Ngành Khoa học dữ liệu tuyển được 30/70 chỉ tiêu (chiếm 42%); ngành Quản trị khách sạn trường tuyển được 61/240 chỉ tiêu (chiếm 25%); ngành Tài chính quốc tế tuyển được 25/65 chỉ tiêu (chiếm 38%); ngành Tâm lý học tuyển được 54/66 chỉ tiêu (chiếm 82%).
Như vậy, có thể thấy, trong 3 năm qua nhiều ngành của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh chưa được 1/2 so với chỉ tiêu được duyệt. Ngoài ra, năm 2022 tất cả các ngành đều không tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến những khó khăn trong quá trình tuyển sinh, phía UEF cho rằng "trường không gặp khó khăn gì trong công tác tuyển sinh những năm gần đây".
Chỉ tiêu tuyển sinh 4 năm qua của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. |
Năm 2021, bên cạnh những ngành không tuyển sinh đủ chỉ tiêu còn có một số ngành nhà trường tuyển vượt.
Chẳng hạn, ngành Công nghệ thông tin chỉ tiêu được phê duyệt là 60 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 94 (vượt 34 chỉ tiêu, tương đương 56%). Ngành Quản trị kinh doanh chỉ tiêu năm này là 204 nhưng có 254 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 50 chỉ tiêu, tương đương 24,5%). Ngành Marketing được tuyển 86 chỉ tiêu, nhưng có đến 135 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 49 chỉ tiêu, tương đương 56,9%).
Ngành Kinh doanh quốc tế có chỉ tiêu là 147 nhưng có đến 181 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 34 chỉ tiêu, tương đương 23,1%). Ngành Thương mại điện tử được tuyển 43 chỉ tiêu nhưng có 68 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 25 chỉ tiêu, tương đương 58,1%). Ngành Tài chính - Ngân hàng có chỉ tiêu là 142 nhưng có 175 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 33 chỉ tiêu, tương đương 23,2%). Ngành Quản trị nhân lực chỉ tiêu là 43 nhưng có 59 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 16 chỉ tiêu, tương đương 37,2%).
Năm 2021 ngành Luật được tuyển 39 chỉ tiêu, có 45 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 6 chỉ tiêu, tương đương 15,3%). Ngành Luật kinh tế được tuyển 86 chỉ tiêu, có 97 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 11 chỉ tiêu, tương đương 12,7%). Ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng được tuyển 39 chỉ tiêu, có 65 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 26 chỉ tiêu, tương đương 66,6%).
Cũng theo dữ liệu tuyển sinh năm 2021, 2022 được đề cập tại đề án tuyển sinh năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh khi tiến hành cộng các ngành năm 2021 là 1.850 có 1.838 sinh viên trúng tuyển nhập học. Đến năm 2022 chỉ tiêu là 5.030, tăng mạnh gấp 2,7 lần so với năm trước, có 4.645 sinh viên trúng tuyển nhập học. Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2024 cho biết, trường dự kiến tuyển 6.610 chỉ tiêu, bằng chỉ tiêu năm 2023.
Trong văn bản gửi Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên nêu băn khoăn về "số sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2023 cụ thể thế nào? Nhà trường hãy lý giải và cho biết trường dựa vào căn cứ nào để tăng chỉ tiêu tuyển sinh? Đồng thời, trường đã có sự chuẩn bị ra sao về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giảng viên để đáp ứng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tăng?".
Về vấn đề này, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích trả lời: "Hàng năm, thông tin về kết quả tuyển sinh của trường được trường công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của trường, hình thức và thời điểm công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; xây dựng đề án tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh; báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, báo cáo cơ sở pháp lý xác định chỉ tiêu tuyển sinh, báo cáo các điều kiện xác định chỉ tiêu, báo cáo đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh (gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo) được trường thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BGD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non".
Điều 4, Thông tư số 03/2022/TT-BGD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non nêu nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh:
1. Cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành của pháp luật; công bố công khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm giải trình về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội của cơ sở đào tạo, đồng thời chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý và xã hội.
2. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo từng năm và độc lập theo từng trình độ đào tạo. Căn cứ chỉ tiêu đã xác định theo từng trình độ, cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định theo ngành/nhóm ngành trong đề án và kế hoạch tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý trực tiếp.
3. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực đào tạo tương ứng. Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ; chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, ngành Giáo dục Mầm non và chỉ tiêu tuyển sinh đại học các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành đào tạo, bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của ngành đào tạo đó.
4. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo...
Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2024, UEF xét tuyển với 4 phương thức, trong đó 2 phương thức xét học bạ (xét 3 môn lớp 12 và xét điểm trung bình 3 học kỳ) chiếm tới 70% tổng chỉ tiêu. Ngoài ra, năm 2024, trường mở thêm hai ngành mới là Kinh tế số và Kỹ thuật phần mềm.
Thông tin từ website nhà trường cho biết, lựa chọn học ngành Kinh tế số tại UEF, sinh viên sẽ được đào tạo liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, kinh tế trên nền tảng số, đảm bảo có kiến thức chuyên sâu về hoạch định, tổ chức, quản trị các hoạt động kinh doanh quốc tế, kiến thức về quản lý nhân sự, quản trị chiến lược và thực hiện giao dịch thương mại điện tử, logistics.
Còn với ngành Kỹ thuật phần mềm, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản từ phần kiến thức nền tảng về toán học, công nghệ thông tin cho đến kiến thức chuyên sâu về các ngôn ngữ lập trình, các đặc trưng của phần mềm cũng như quy trình phát triển của nó. Một số môn học tiêu biểu cho sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm bao gồm: Lập trình hướng đối tượng, Lập trình trực quan, Phương pháp phát triển phần mềm hướng đối tượng, Kiểm chứng phần mềm.
Chia sẻ lý do mở thêm 2 ngành mới này, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cho hay: "Việc mở ngành đào tạo của trường hoàn toàn đáp ứng điều kiện được quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo bảo đảm hội nhập quốc tế; phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt và công bố của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của trường".
Thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2023-2024 của UEF cho biết quy mô đào tạo hiện tại của nhà trường là 12.045 người học. Trong đó, quy mô đào tạo tiến sĩ có 10 người, 610 thạc sĩ và 11.425 sinh viên hệ đại học chính quy. Cụ thể như sau:
Trong 11.425 sinh viên đại học chính quy thì lĩnh vực Kinh doanh quản lý có quy mô đào tạo lớn nhất (6.006 sinh viên). Lĩnh vực Nhân văn đào tạo 1.281 sinh viên; lĩnh vực Pháp luật có 954 sinh viên; lĩnh vực Báo chí và thông tin có 808 sinh viên; lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin có 709 sinh viên; lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có 658 sinh viên; lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 458 sinh viên; lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật có 398 sinh viên; lĩnh vực Nghệ thuật có 97 sinh viên; lĩnh vực Toán và thống kê có 56 sinh viên.
Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Khối ngành II (Nghệ thuật) bao gồm: Thiết kế đồ họa.
Khối ngành III (Kinh doanh và quản lý; Pháp luật): Quản trị kinh doanh; Marketing; Digital Marketing; Bất động sản; Kinh doanh quốc tế; Kinh doanh thương mại; Thương mại điện tử; Tài chính - Ngân hàng; Tài chính quốc tế; Công nghệ tài chính; Kế toán; Kiểm toán; Quản trị nhân lực; Quản trị sự kiện; Luật; Luật kinh tế; Luật quốc tế.
Khối ngành V (Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật): Khoa học dữ liệu; Công nghệ thông tin; Logistic và quản lý chuỗi cung ứng.
Khối ngành VII (Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin; Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân): Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Ngôn ngữ Nhật; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Kinh tế quốc tế; Quan hệ quốc tế; Tâm lý học; Truyền thông đa phương tiện; Công nghệ truyền thông; Quan hệ công chúng; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.