Nữ thủ khoa Kỹ thuật phần mềm từng có lúc muốn bỏ học vì nghĩ đã chọn sai ngành

14/10/2022 06:36
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nguyễn Đắc Thiên Ngân trở thành thủ khoa đầu ra năm 2022 Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia Thành phố HCM) với điểm trung bình là 9,16.

Nguyễn Đắc Thiên Ngân (22 tuổi) vừa là thủ khoa đầu ra toàn trường vừa là nữ thủ khoa đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) với điểm trung bình là 9,16/10.

Nguyễn Đắc Thiên Ngân (22 tuổi) là thủ khoa đầu ra Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Nguyễn Đắc Thiên Ngân (22 tuổi) là thủ khoa đầu ra Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Từng nghĩ đến việc bỏ cuộc vì ngành học quá khó

Suốt những năm tháng học trung học phổ thông, Ngân tập trung theo học khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Thành phố Hồ Chí Minh) và nữ sinh cũng không ngần ngại thừa nhận, lúc đó, bản thân “không có hứng thú với môn Toán và Tin học” - hai môn học liên quan trực tiếp đến ngành học và công việc hiện tại của mình.

“Hồi phổ thông, tôi từng nuôi dưỡng ước mơ sau này trở thành đạo diễn hoặc có một công việc liên quan đến truyền thông. Để tiến gần hơn với ước mơ đó, tôi đã tham gia câu lạc bộ truyền thông, câu lạc bộ nhiếp ảnh của trường và được tiếp xúc với rất nhiều người có đam mê giống mình. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bản thân không sáng tạo, bền bỉ bằng họ nên dần dần tôi thấy mình không thể theo kịp.

Trong khoảng thời gian đó, nghe chị gái làm trong ngành kỹ thuật phần mềm nói về sự thú vị, cơ hội việc làm với mức lương ổn, tôi quyết định đăng ký ngành học này và được ưu tiên xét tuyển theo quy định vào Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)”, Ngân kể.

Khi mới bước chân vào giảng đường đại học và tiếp xúc với một lĩnh vực hoàn toàn mới, Ngân chia sẻ đã có lúc bản thân thấy mình không hợp với ngành và muốn bỏ cuộc.

“Thời điểm mới vào học, tôi đã rất nản và đuối khi học môn Nhập môn lập trình. Đây là môn cơ bản nhất để học được ngành này nhưng lại là môn khiến tôi thấy sợ nhất mỗi lần có tiết.

Việc chuyển từ môi trường phổ thông lên học đại học cũng khiến tôi chưa kịp thích ứng. Thời gian đầu, tôi vẫn học theo phương pháp của cấp 3, đó là đến lớp thầy cô giao gì làm đó. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng ở môi trường đại học này, đề giảng viên giao chỉ là một phần rất nhỏ, muốn hiểu được bản chất vấn đề thì bạn phải tự rèn luyện thêm nhiều. Khoảng thời gian đó, tôi thấy mình đã bị các bạn trong lớp bỏ xa. Vì có nhiều kiến thức các bạn đã biết rồi còn tôi thì không. Khi giảng viên thấy hầu hết sinh viên trong lớp đã nắm được kiến thức rồi thì sẽ không giảng sâu thêm nữa.

Lúc đó, tôi cảm thấy mình chắc là không theo nổi. Có lúc tôi tự hỏi: Liệu rằng, mình có thực sự theo học được ngành Kỹ thuật phần mềm không và mình có nên thi lại để thử sức ở một ngành khác?

Trong lúc tôi băn khoăn trong việc đưa ra lựa chọn, chị gái đã luôn ở bên, động viên và ủng hộ tôi. Chị hỏi tôi rằng có thực sự thi lại được không, nếu không thì phải mạnh mẽ đi tiếp, cố gắng hết mình với ngành học hiện tại”, Ngân kể.

Sau khi nghe chị phân tích, Ngân thấy mình cần phải tiếp tục và điều nữ sinh làm ngay sau đó là thay đổi phương pháp học.

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Nhận thấy rằng với cách học hiện tại sẽ không thể tiến xa được, vì vậy, Ngân đã tìm kiếm cách học mới. Nữ sinh chủ động tìm đọc tài liệu liên quan đến bài học mới trước khi lên lớp. Sau đó xem lại, nếu có thắc mắc gì sẽ email hỏi lại thầy cô hoặc nhắn tin hỏi bạn bè. Về nhà, nữ sinh hoàn thành luôn các bài tập, nhiệm vụ được giao, không để bài đến sát ngày nộp mới làm để tránh áp lực "nước đến chân mới nhảy".

Thiên Ngân (ngoài cùng bên phải hàng thứ hai) cùng với bạn bè của mình. Ảnh: NVCC

Thiên Ngân (ngoài cùng bên phải hàng thứ hai) cùng với bạn bè của mình. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, Ngân cũng tăng cường học và làm bài theo nhóm vì khi học, ôn tập với bạn bè sẽ giải quyết các vấn đề khó nhanh hơn. Bên cạnh đó, nữ sinh luôn dành 2 - 3 tiếng mỗi ngày để viết code (mã tin học). Thậm chí, có những hôm đi học bằng xe buýt, Ngân cũng tranh thủ viết code trong lúc ngồi trên xe để không lãng phí thời gian.

Trước các kỳ thi, Ngân tìm kho đề các năm trước để làm và nắm chắc các dạng bài. Nhờ vậy, việc học của nữ sinh sau đó dần tốt hơn và bản thân cũng không rơi vào áp lực trước kì thi như nhiều bạn sinh viên khác.

Ngay cuối học kỳ một của năm thứ nhất, Ngân đứng thứ ba trong lớp, rồi duy trì thành tích trong nhiều học kỳ tiếp đó. Nữ sinh được nhận các học bổng hỗ trợ học tập dành cho sinh viên ưu tú với tổng giá trị gần 100 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí không nhỏ giúp nữ sinh giảm bớt áp lực kinh tế cho bố mẹ.

Chia sẻ về dự định tương lai, Ngân kể, tháng 6/2021, Ngân đi thực tập tại một công ty công nghệ. Vị trí công việc mà Ngân đảm nhận là lập trình giao diện mặt đồng hồ. Nhờ việc luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi việc được giao trước hạn và chủ động nhận thêm việc, học hỏi kinh nghiệm từ các anh, chị nên ngay sau khi kết thúc đợt thực tập, tháng 1/2022, Ngân được nhận vào làm chính thức khi chưa có bằng đại học.

Công việc hiện tại dù không phải là đam mê hay sở thích từ hồi còn học phổ thông, nhưng Ngân nhận thấy rằng: Cuộc sống có những ngã rẽ, ngành học tưởng chừng khó khăn có thể là "hữu duyên", và Ngân thực sự muốn gắn bó với công việc hiện tại.

Cô nàng thủ khoa luôn cảm thấy thích thú khi có thể tạo ra những sản phẩm có ích. Cụ thể với lĩnh vực Ngân đang theo đuổi thì sản phẩm tạo ra là những phần mềm có tính ứng dụng cao, thiết thực cho cuộc sống.

Trần Lý