Dự kiến nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp

19/01/2024 15:54
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là một trong những chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo.

Sáng ngày 19/1/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên đề về việc xây dựng Luật Nhà giáo triển khai Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT.

Đến tham dự hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo, Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng lãnh đạo nhiều trường đại học.

Thời gian dành cho xây dựng luật không còn nhiều

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để có học sinh giỏi, nguồn nhân lực tốt góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì cần có những thầy cô tốt.

Do đó, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, xây dựng đội ngũ nhà giáo chính là xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai. Việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ khó khăn, bởi đây là xây dựng luật mới, không phải là sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ thì hiện có 200 văn bản liên quan đến nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi hội thảo (ảnh: V.D)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi hội thảo (ảnh: V.D)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thời gian dành cho việc xây dựng Luật Nhà giáo không còn nhiều. Dự kiến khoảng cuối tháng 3/2024, toàn bộ hồ sơ xây dựng Luật Nhà giáo phải được hoàn thiện, gửi về Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, rồi sau đó sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đang xây dựng luật cho đội ngũ của mình. Việc này không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài, để phát triển đội ngũ, phát triển lực lượng trong ngành, thực hiện những nhiệm vụ hết sức cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Đó là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo mục tiêu mà các kỳ Đại hội Đảng đã nêu”.

Đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo, Cán bộ Quản lý Giáo dục cho biết, 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95-NQ/CP ngày 7/7/2023.

Đó là các chính sách về: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Công tác tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc phù hợp với đặc trưng hoạt động và yêu cầu nghề nghiệp đối với nhà giáo. Dự kiến khắc phục một số vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo hiện nay, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, tăng cường phân cấp cho các cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực và cơ sở giáo dục.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo, Cán bộ Quản lý Giáo dục phát biểu (ảnh: V.D)

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo, Cán bộ Quản lý Giáo dục phát biểu (ảnh: V.D)

Việc tuyển dụng nhà giáo phải căn cứ vào nhu cầu công việc, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, quỹ lương, chế độ làm việc, định mức số lượng người làm việc theo quy định và kế hoạch xây dựng của đội ngũ nhà giáo thuộc cơ sở giáo dục, bảo đảm cơ sở giáo dục có đủ nhà giáo giảng dạy theo đúng chuyên ngành đào tạo.

Để được đăng ký tuyển dụng, nhà giáo phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Có đơn đăng ký dự tuyển, có sơ yếu lý lịch rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng các điều kiện đặc thù theo yêu cầu công việc nhưng không được trái các nguyên tắc tuyển dụng.

Các trường hợp không được đăng ký tuyển dụng nhà giáo: Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về chế độ làm việc: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đảm bảo thời gian việc 40 giờ/tuần. Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả nhà giáo giữ chức vụ quản lý) gồm: Nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động. Việc bố trí nghỉ hè do cơ sở giáo dục quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm, phù hợp với điều kiện của cơ sở sở giáo dục. Nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Luật lao động.

Tiền lương, phụ cấp của nhà giáo: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tiền lương của nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương cho nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở tự chủ không ít hơn nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở công lập.

Song song đó, Nhà nước còn có các chính sách hỗ trợ cho nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở vùng khó khăn, nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nah2 giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật; có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo.

Một điểm mới cũng dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo là giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trên toàn quốc.

Theo ông Vũ Minh Đức, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp này bao gồm người đã hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo hay là nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện. Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp này, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Nếu có giấy chứng nhận nghề nghiệp, việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục.

Toàn cảnh buổi hội thảo tham vấn chuyên đề được tổ chức vào ngày 19/1 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Toàn cảnh buổi hội thảo tham vấn chuyên đề được tổ chức vào ngày 19/1 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Giấy chứng nhận nghề nghiệp này sẽ có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.

Ngoài ra, Luật Nhà giáo cũng sẽ quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Làm rõ khái niệm nhà giáo dành cho cán bộ quản lý trường đại học

Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, Luật Nhà giáo nên làm rõ khái niệm nhà giáo áp dụng cho vị trí cán bộ quản lý ở trường đại học.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

Theo thầy Nguyễn Hải Ninh, chức danh nhà giáo áp dụng cho các trường đại học công lập gồm: Giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, thì cũng nên đưa quy định này áp dụng cho cả khối các trường đại học ngoài công lập, do hiện hoạt động trao đổi giảng dạy giữa hai loại hình trường đại học này diễn ra khá mạnh.

Còn theo Tiến sĩ Diệp Phương Chi – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thì nêu ý kiến về công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà giáo là giáo viên, giảng viên.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, việc này là khác nhau về nội dung, phương thức, hình thức bồi dưỡng nên luật cần có những quy định chung, riêng cho hai nhóm nhà giáo này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại thương phát biểu: Với các trường tự chủ, việc quy định học phí đào tạo giảng viên do cơ sở giáo dục chi trả là không phù hợp, khó triển khai thực hiện, nên chỉ nên ghi hỗ trợ sẽ hợp lý hơn. Vì tại Trường Đại học Ngoại thương, giảng viên đào tạo ở nước ngoài được hỗ trợ mức tối đa bằng chi phí đào tạo thạc sĩ.

Việt Dũng