Ngày 29/6/2023, Chính phủ thống nhất với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo: đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội, Bộ cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.
Bàn về 05 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị hiệu trưởng của trường cao đẳng chia sẻ, thực hiện được Chính sách 4. Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo sẽ khắc phục tình trạng nhà giáo không chuyên tâm với nghề, bỏ việc hàng loạt đang diễn ra trong những năm gần đây.
"Từ xưa, người thầy giáo được nhân dân tôn kính và xếp ở thứ bậc cao trong xã hội: Quân - Sư - Phụ, chỉ đứng sau nhà vua. Nhà giáo là “Kĩ sư tâm hồn” nên không chỉ cần được đãi ngộ về vật chất mà phải được tôn vinh về tinh thần. Lương của nhà giáo ít nhất phải đủ sống, các chế độ phúc lợi xã hội phải được ngang bằng với các ngành nghề khác.
Thực hiện Chính sách 4 cần phải có các biện pháp bảo vệ nhà giáo. Tuyệt đối không để tồn tại các hiện tượng xâm hại thân thể và lăng nhục tinh thần nhà giáo.
Theo tôi, cũng cần phải rà soát lại chế độ khen thưởng, vinh danh nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo công tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phải phân cấp, phân quyền và phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động thương binh và Xã hội trong bình xét khen thưởng, vinh danh các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp", vị này chia sẻ.
Còn thầy Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, bên cạnh các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì việc xây dựng quy định pháp lý của nhà giáo là điều cấp thiết.
Bởi vì, hiện nay cơ chế chính sách về lương, việc bổ nhiệm, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên … đang là những vấn đề bất cập.
Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Website Nhà trường). |
Thầy Hanh cho rằng, 05 nội dung chính sách dự kiến được nêu trong Tờ trình chi tiết, cụ thể, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, Chính sách 1. Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo sẽ chấm dứt tình trạng nhà giáo “một cổ nhiều tròng” do các quy định chồng chéo; làm nền tảng cơ hội cho nhà giáo thực sự yêu nghề có điều kiện phấn đấu, trau dồi năng lực, trách nhiệm. Có định danh rõ ràng, tạo ra sự uy nghiêm của nhà giáo. Đặc biệt, sẽ không có tình trạng người đi tuyên truyền cho hoạt động đa cấp cũng được gọi là thầy, cô giáo.
Nội dung Chính sách 2. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo quy định người không học ở trường, khoa sư phạm, muốn hành nghề dạy học thì phải có chứng chỉ. Điều này rất đúng và giúp giải phóng cho giáo viên để họ không phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Quy trình tuyển dụng giáo viên được quan tâm nhiều hơn đến nghiệp vụ. Việc chuyển công tác đối với nhà giáo được thực hiện minh bạch, công bằng; đặc biệt, giáo viên dạy học ở các vùng khó khăn có cơ hội được chuyển về vùng thuận lợi.
“Hiện nay, một số giáo viên làm việc rất trách nhiệm và cùng một lúc phải đảm nhận nhiều công việc khó nhưng lại hưởng mức thu nhập thấp, cào bằng, do phụ cấp, tiền lương tính theo bậc, năm công tác. Do đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện tiền lương giáo viên", thầy Hanh chia sẻ.
Cùng bàn về các chính sách dự kiến trong xây dựng Luật Nhà giáo, chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, nếu 05 chính sách được xây dựng, nhà giáo sẽ có những quyền lợi nhất định.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi. (Ảnh: NVCC). |
Ví như công tác tuyển dụng giáo viên sẽ thuận lợi hơn (hiện nay việc tuyển dụng do địa phương thực hiện thông qua nhiều bước, 1 năm hoặc nhiều năm mới tổ chức tuyển dụng 1 lần khiến các trường không tự chủ được trong tuyển dụng, hay luân chuyển giáo viên)...
“Qua nghiên cứu toàn bộ các mục tiêu, nội dung và biện pháp thực hiện của 05 chính sách, cá nhân tôi nhận thấy đã làm rõ được chức năng, nhiệm vụ cũng như tầm quan trọng của nhà giáo để đưa ra những chính sách phù hợp với ngành giáo dục nói chung và cá nhân nhà giáo nói riêng”, cô Hạnh chia sẻ.
Trong các nội dung chính sách, cô Hạnh tâm đắc nhất với Chính sách 4. Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo. Bởi vì, cô Hạnh cho rằng, hiện nay tinh thần phấn đấu, cống hiến của nhà giáo có chiều hướng đi xuống, một phần do quy định về chỉ tiêu khen thưởng. Mặc dù giáo viên trong cùng một đơn vị có rất nhiều thành tích như nhau, hàng năm là giáo viên dạy giỏi các cấp, đào tạo được nhiều học sinh xuất sắc... nhưng lại không được khen thưởng do chỉ tiêu có hạn.
Chính sách đãi ngộ hiện nay vẫn chưa tương xứng với chất xám mà nhà giáo bỏ ra, người làm tốt cũng hưởng lương bằng, hoặc thậm chí thấp hơn những người làm bình thường do bậc lương và số năm công tác ít hơn…
“Việc xây dựng nội dung Chính sách 4 sẽ tác động trực tiếp đến nhà giáo, giúp họ bộc lộ khả năng, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả cao hơn. Song, theo tôi, trong Luật Nhà giáo không nên giới hạn số lượng chỉ tiêu khen thưởng”, cô Hạnh chia sẻ.
Cũng theo cô Hạnh, hiện đang có rất nhiều văn bản liên quan để thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức nên sinh ra bất cập. Chính vì thế, nếu Luật Nhà giáo ra đời chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề này.
Ví dụ, thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT về Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nhưng hiện các cơ sở giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản hướng dẫn của Nghị định 108, 113, 143… nhất là khi có đơn vị đang thiếu nhiều giáo viên.
Thứ hai, giáo viên hiện nay cũng đang chịu sự chi phối của một số luật như: Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Do đó, Luật Nhà giáo được xây dựng thống nhất, sẽ thuận lợi trong việc áp dụng.
Nghị quyết 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 nêu rõ, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và 05 chính sách gồm:
- Chính sách 1: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo
- Chính sách 2: Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo
- Chính sách 3: Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo
- Chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo
- Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các nội dung sau đây trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo:
- Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
- Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.
- Nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.
- Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, do đó cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện.
- Thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ Giáo dục phải chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật khi trình Chính phủ.