Chương trình liên kết phải thực hiện kiểm định vì Luật GDĐH đã quy định

22/01/2024 06:37
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia cho rằng, công tác kiểm định chương trình liên kết đào tạo quốc tế là cần thiết và bắt buộc nhưng vẫn chưa được chú trọng thực hiện.

Ngày 19/1, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Học viện Tài chính nêu lý do xác định mức học phí từ 170-680 triệu đối với CTLK". Ngay sau khi bài viết được đăng tải, nhiều độc giả băn khoăn về công tác kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam theo quy định của cơ sở giáo dục này.

Theo tìm hiểu, Học viện Tài chính mở rộng hợp tác liên kết đào tạo quốc tế với 2 đối tác là Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) và Đại học Greenwich (Vương quốc Anh).

Thông tin từ website nhà trường cho biết, đối với chương trình liên kết với Đại học Toulon, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng đại học do Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp cấp. Còn chương trình liên kết với Đại học Greenwich sinh viên khi tốt nghiệp có đồng thời 2 bằng chính quy (do Học viện Tài chính và Đại học Greenwich cấp bằng) - chương trình DDP.

Bằng do Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) cấp cho sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết quốc tế. Ảnh chụp màn hình website Học viện Tài chính.

Bằng do Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) cấp cho sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết quốc tế. Ảnh chụp màn hình website Học viện Tài chính.

Theo tìm hiểu, kể từ khi Luật số 34/2018/QH14 có hiệu lực (1/7/2019) phóng viên chưa tìm thấy chương trình liên kết nào của nhà trường được kiểm định. Về vấn đề này, Tiến sĩ Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Tài chính cho biết: Chương trình DDP phải tuân thủ quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của cả 2 phía: Đại học Greenwich tại Vương quốc Anh và Học viện Tài chính tại Việt Nam. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về kiểm định chất lượng đối với Đại học Greenwich, định kỳ 5 năm/lần, Học viện Tài chính phối hợp đón đoàn đánh giá đến Việt Nam và tiến hành các quy trình kiểm định đối tác nhằm đánh giá chất lượng và quyết định việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận hợp tác với Học viện. Cho đến nay, trường đã thực hiện các quy trình kiểm định đối tác 2 lần vào năm 2017 và năm 2022.

Về phía Học viện Tài chính – cơ sở giáo dục cấp bằng Cử nhân Tài chính – Ngân hàng, năm 2023 vừa qua đã được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng, đồng thời hoàn thành quy trình kiểm định ngành Kế toán. Hiện Học viện Tài chính đang tiếp tục tiến hành quy trình kiểm định với 2 ngành: Tài chính – Ngân hàng và Quản trị kinh doanh.

Như vậy, có thể thấy, kể từ năm 2019 dù đã có khóa sinh viên tốt nghiệp theo chương trình mỗi bên cấp 1 bằng cử nhân giữa Học viện Tài chính và Đại học Greenwich nhưng công tác kiểm định chất lượng chương trình liên kết vẫn chưa được thực hiện.

Kiểm định là việc cần làm và phải làm

Bàn về kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, kiểm định là việc cần làm và phải làm. Cần làm bởi vì thông qua quá trình tự đánh giá và kiểm định, chương trình sẽ được rà soát, đối sánh và cải tiến chất lượng; cơ sở giáo dục thực hiện được trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan; chất lượng chương trình được khẳng định sẽ giúp tăng uy tín cho chương trình và giúp thu hút người học tốt hơn. Phải làm vì kiểm định đã được quy định là bắt buộc trong các văn bản pháp luật tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Khoản 7, Điều 45, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải... thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định”.

Như vậy, đối với trường hợp các chương trình liên kết cấp 2 bằng thì phía cơ sở giáo dục cần thực hiện kiểm định chương trình theo quy định của Việt Nam và yêu cầu phía đối tác thực hiện theo quy định của nước sở tại.

“Quan điểm của tôi là mục tiêu của kiểm định chất lượng là để đảm bảo chất lượng. Các trường cần quan tâm thiết lập, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, thực hiện tự đánh giá chương trình và kiểm định theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện kiểm định chương trình đào tạo hiện nay có nhiều thuận lợi vì có 7 tổ chức kiểm định trong nước và 8 tổ chức kiểm định nước ngoài đang được phép hoạt động tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục có thể tìm hiểu và chọn lựa tổ chức kiểm định phù hợp với tính chất và bối cảnh của chương trình đào tạo của mình", thầy Chính bày tỏ.

Kiểm định chất lượng chương trình liên kết chưa được chú trọng thực hiện

Liên quan đến vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, kiểm định chất lượng cho các chương trình đào tạo là công tác rất quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học, bởi đây là giá trị thương hiệu của các cơ sở. Khi tạo dựng được thương hiệu thì dĩ nhiên việc tuyển sinh cũng sẽ đạt hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Mạnh Đoàn.

Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Mạnh Đoàn.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, các trường đại học đang từng bước quốc tế hóa chương trình đào tạo bằng cách nhập khẩu chương trình, liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, việc quản lý và đảm bảo, kiểm định chất lượng của các chương trình liên kết vẫn còn chưa được chú trọng thực hiện.

Trường hợp tại Học viện Tài chính, đối với chương trình liên kết với Đại học Toulon, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng đại học do Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp cấp. Còn chương trình liên kết với Đại học Greenwich sinh viên khi tốt nghiệp có đồng thời 2 bằng chính quy (do Học viện Tài chính và Đại học Greenwich cấp bằng).

Khoản 2, Điều 20, Nghị định 86/2018/NĐ-CP đã nêu rõ:

“Văn bằng, chứng chỉ của người học theo liên kết đào tạo hoặc tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau:

a) Văn bằng do cơ sở giáo dục Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận;

Trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.

Đặc biệt, Luật số 34/2018/QH14 cũng có quy định rất rõ.

Trước băn khoăn của phóng viên “Vì sao trường chưa tiến hành kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam mà vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo”, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, đây là điều khó khăn vì tổng số chương trình đào tạo lên đến hàng trăm chương trình, hệ thống có thể gặp quá tải, chưa thể thực hiện hoạt động kiểm định chương trình được ngay. Tuy nhiên, các trường cần chủ động, lên kế hoạch kiểm định để thực hiện đúng quy định của Luật 34. Việc kiểm định các chương trình sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy thì lại cần có các chuyên gia chuyên môn thành thạo ngoại ngữ..

Đối với các chương trình do bên nước ngoài cấp bằng, nhất là đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận công nhận tương đương văn bằng với Việt Nam thì sinh viên cũng có thể yên tâm khi bằng đó đã được các cơ quan quản lý của nước sở tại công nhận và chứng thực.

Chuyên gia giáo dục đại học cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trước hết cần thay đổi tư duy về kiểm định. Theo đó, cần có sự chủ động tiến hành kiểm định chương trình từ phía các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, hệ thống quản lý và hệ thống thanh tra cũng cần sát sao hơn trong công tác này.

Thêm vào đó, về bản chất, ngay cả kiểm định chương trình hiện nay cũng chưa chính xác, vì đoàn đánh giá ngoài chưa có đủ các chuyên gia cần thiết thuộc về các ngành/lĩnh vực chuyên môn kiểm định. Do đó, cần thiết phải thành lập một số tổ chức kiểm định chuyên môn.

Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thỏa thuận về mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuệ Nhi