Ngày 10/5/2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 600/NQ-ĐHSPKTHY về việc thông qua Chiến lược phát triển Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó bao gồm có 8 nội dung chiến lược trọng điểm về phát triển nguồn nhân lực; Đào tạo, tuyển sinh; Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đảm bảo chất lượng giáo dục; Chuyển đổi số; Hợp tác trong nước và quốc tế; Chiến lược vì người học, cộng đồng.
Theo Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đặt ra mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực: “Đến năm 2030, nhà trường trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực trọng điểm của cả nước, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng và đổi mới sáng tạo, tạo dựng được những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đến năm 2045 trở thành đại học trọng điểm của khu vực, vào nhóm 500-600 trường đại học hàng đầu châu Á...”.
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với nhà trường để làm rõ hơn việc thực hiện chiến lược trên.
Có thể đạt 10% giảng viên có trình độ PGS/GS tới năm 2030
Trong chiến lược phát triển về nguồn nhân lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dự định phát triển quy mô đội ngũ được xác định theo quy mô đào tạo và nhu cầu phát triển chung của Trường. Cụ thể, năm 2030 sẽ là 750 người; 2035: 900 người; 2040: 1.050 người; 2045: 1.250 người.
Chia sẻ về thực trạng quy mô đội ngũ giảng viên hiện tại của nhà trường, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, đơn vị hiện có quy mô đội ngũ là 505 người, trong đó đội ngũ giảng dạy có 407 người (Cơ hữu là 400; thỉnh giảng có 7) với cơ cấu chức danh, trình độ gồm 1 giáo sư, 20 phó giáo sư, 123 tiến sĩ, 257 thạc sĩ và 7 giảng viên có trình độ đại học (trợ giảng).
"Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học chiếm 98,3% (400/407), trong đó số giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 35,4% (144/407)", thầy Tuấn cho hay.
Trưởng phòng Đào tạo nhà trường chia sẻ thêm, với quy mô phát triển và nhu cầu nguồn nhân lực giai đoạn tới, dự kiến mỗi năm nhà trường sẽ tuyển dụng khoảng 40 cán bộ, giảng viên theo hướng ưu tiên tuyển dụng giảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ (sau khi tuyển dụng sẽ tiếp tục cho học tập nâng cao trình độ lên tiến sĩ).
Nhà trường sẽ thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích các cán bộ, giảng viên có trình độ cao về trường làm việc thông qua các chính sách lương, thưởng, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, viết báo quốc tế...
Trong chiến lược phát triển nhà trường có nêu, nhà trường sẽ tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Đến năm 2030 có tối thiểu 40% giảng viên có học vị tiến sĩ, 10% có học hàm phó giáo sư/giáo sư; năm 2045 tương ứng là 50% và 20%...
Với thực trạng hiện tại, phóng viên cũng nêu câu hỏi, liệu nhà trường có đạt được mục tiêu là 10% giảng viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư vào năm 2030?
Trả lời câu hỏi trên, thầy Đỗ Anh Tuấn cho hay, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư thời điểm hiện tại là 21/400 giảng viên cơ hữu, chiếm 5,25%.
"Nhà trường đang xây dựng kế hoạch phấn đấu mỗi năm có 5 người được phong học hàm PGS. Đến năm 2030, hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt tỷ lệ 10% theo chiến lược đã lập", thầy Tuấn nói.
Xây dựng trường phổ thông liên cấp khoa học công nghệ ứng dụng
Theo định hướng phát triển của nhà trường, hướng tới năm 2030, nhà trường thành lập trường phổ thông liên cấp (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) khoa học công nghệ, ứng dụng theo mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới. Vậy đến nay, dự án này được triển khai ra sao?
Về nội dung này, thầy Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, hiện nay, cơ sở Khoái Châu và cơ sở Mỹ Hào của nhà trường đóng trên địa bàn huyện Khoái Châu và thị xã Mỹ Hào là nơi tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh Hưng Yên, dân số dự báo sẽ tăng nhanh, nhu cầu học tập các bậc học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông rất lớn.
Nhà trường dự kiến xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2025-2030 sẽ đầu tư xây dựng trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông liên cấp về khoa học công nghệ gắn với thế mạnh của trường, tận dụng nguồn nhân lực các phó giáo sư, tiến sĩ của các khoa: Khoa học Cơ bản, Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Cơ khí, Ngoại ngữ, Công nghệ Hóa học và Môi trường, Công nghệ May & Thời trang.
"Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông liên cấp dự kiến sẽ được xây dựng tại cơ sở của nhà trường trên địa bàn thị xã Mỹ Hào", thầy Tuấn cho biết.
Theo Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông khoa học công nghệ sẽ được triển khai theo mô hình của trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và một số trường Trung học phổ thông tiên tiến trong và ngoài nước, đào tạo các kiến thức bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và gắn với định hướng thực hành ứng dụng khoa học công nghệ.
Sản phẩm đầu ra bậc Trung học phổ thông sẽ là sản phẩm đầu vào bậc đại học của nhà trường và một số trường đào tạo về khoa học, kỹ thuật.
Học sinh được giáo dục trong môi trường mở, không gò ép, hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất; được tổ chức đa dạng các hình thức học, học 2 buổi/ngày, học ngoài lớp học; được tiếp cận các phương pháp giảng dạy hiện đại như STEM, STEAM, AI, nghiên cứu khoa học… đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Đặt mục tiêu phấn đấu 30% chương trình đào tạo triển khai song song 2 hình thức
Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030, nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu 30% chương trình đào tạo triển khai song song 2 hình thức đào tạo: trực tiếp và trực tuyến.
Chia sẻ về mục tiêu trên, thầy Đỗ Anh Tuấn cho hay, sau đại dịch Covid-19, năm 2021 nhà trường tiếp tục nâng cấp hệ thống quản lý đào trong đó tiếp tục thực hiện cải cách chuyển đổi số thông qua hệ thống LMS (Learning Management System) là phần mềm quản lý học tập, phân phối, cung cấp các tài liệu, khóa học, video có liên quan đến chương trình đào tạo https://lms.utehy.edu.vn, kết nối với hệ thống quản lý đào tạo hiện nay của nhà trường.
Năm học 2023-2024, nhà trường chưa triển khai song song 2 hình thức đào tạo: trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay, nhà trường đang trong quá trình rà soát, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống đào tạo trực tuyến.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện và cụ thể hóa quy định của nhà trường theo thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học và thông tư 30/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.
"Dự kiến, nhà trường ban hành áp dụng quy định đào tạo trực tuyến vào đầu năm học 2024-2025", thầy Tuấn chia sẻ.
Theo định hướng phát triển của nhà trường, tổng số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học giai đoạn 2025 - 2030 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2020 - 2025.
Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường, thầy Đỗ Anh Tuấn cho biết, giai đoạn 2017 - 2023 là giai đoạn nhà trường có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng trên nhiều lĩnh vực: quy mô sinh viên, học viên; đội ngũ giảng viên (trường hiện có 143 giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó có 1 giáo sư, 20 phó giáo sư, 122 tiến sĩ) và đội ngũ viên chức quản lý;
Hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh cả về chất và lượng (442 đề tài khoa học công nghệ các cấp, trong đó có 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (Đề tài thuộc quỹ Nafosted), 19 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 6 đề tài cấp tỉnh;
1.724 bài báo khoa học với 370 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín; 1 bằng độc quyền sáng chế... Nhà trường chi tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng dành cho nghiên cứu khoa học.