Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM), Nguyễn Thị Ngọc Châm cảm thấy hài lòng vì được làm công việc đúng với chuyên ngành theo học.
Ngọc Châm chia sẻ, bản thân lựa chọn ngành học này là xuất phát từ sở thích cá nhân, có niềm đam mê tìm hiểu đối với lĩnh vực này. Hơn thế nữa, theo Châm, đây cũng là lĩnh vực có nhiều triển vọng công việc vì gắn liền với đời sống thực tế.
"Ngoài các phần kiến thức lý thuyết, trong quá trình học sinh viên cũng được tham gia thực hành thông qua các chuyến đi thực tế hay được thực hành nghề nghiệp ngay tại trường. Sinh viên được tiếp xúc với các tình huống thực tế, có thêm kinh nghiệm cho bản thân cũng như có cơ hội hiểu hơn về lĩnh vực đang theo đuổi.
Đối với sinh viên mới ra trường, đừng bao giờ ngại khó ngại khổ, vì thời gian đầu khi mới bước chân vào thị trường lao động sẽ có rất nhiều thử thách, khó khăn. Tuy nhiên, khi vượt qua được các thử thách, tôi tin rằng, với kinh nghiệm thực tế cũng như nền tảng kiến thức đã được trang bị suốt 4 năm đại học, nhân sự sẽ có thể vững nghề, theo đuổi được mục tiêu sự nghiệp", Ngọc Châm bày tỏ.
Ngoài ra, theo Châm, điều khiến cô ấn tượng nhất khi theo học ngành Luật Kinh tế tại UTM chính là sinh viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, pháp luật trong kinh doanh; khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các buổi thực hành thực tế cũng giúp các em tự tin hơn với lựa chọn ngành nghề tương lai.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp) nhìn nhận, đối với các nhà tuyển dụng, khi tuyển nhân sự ngành Luật, đầu tiên sẽ chú trọng đến trình độ chuyên môn, nghĩa là sinh viên đã có bằng tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành.
"Muốn theo đuổi và gắn bó với nghề thì phải thực sự yêu nghề, không ngừng trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Sau khi đã có kinh nghiệm và định vị thương hiệu riêng thì các bạn sẽ có được mức thu nhập tốt hơn. Tại đơn vị tôi, có mức lương cứng và phần lương doanh thu. Đôi khi phần doanh thu sẽ gấp 3 - 4 lần mức lương cứng, nếu nhân sự có hiệu suất công việc tốt", Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay.
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, hiện nay, ở một số trường đại học, chẳng hạn như Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM) thường xuyên tổ chức phiên tòa giả định, cho sinh viên thực hành nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một hướng đào tạo đúng đắn. Bởi sự cọ xát với thực tiễn nghề nghiệp cũng giúp các em định hình được công việc mình sẽ làm trong tương lai, từ đó có sự chuẩn bị cả về kiến thức kỹ năng cũng như tâm lý một cách tốt hơn.
UTM đào tạo những người bảo vệ "cán cân công lý" tương lai
Để có thêm thông tin về ngành Luật kinh tế, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngày càng được đẩy mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn đánh giá: "Xu hướng này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các cử nhân tốt nghiệp ngành Luật kinh tế trong việc thiết lập hành lang pháp lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến các chính sách kinh tế, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đứng trước làn sóng ấy, nhiều doanh nghiệp đang "khát" một lượng lớn nhân lực chất lượng cao Luật kinh tế. Nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành Luật kinh tế khi đóng vai trò là "cánh tay phải" đắc lực trong việc đảm bảo pháp lý và tham mưu chiến lược cho hoạt động phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước thực tế đó, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã và đang tập trung mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm mang đến nhiều cơ hội học tập cho các thí sinh yêu thích ngành Luật kinh tế vốn đang thiếu hụt nhiều nhân sự như hiện nay".
Bởi thế, sinh viên theo học ngành Luật kinh tế ở Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị sẽ có nhiều lợi thế khác biệt.
Theo đó, các em được trang bị kiến thức chuyên sâu về pháp luật kinh tế; cách phán đoán sự việc; phương pháp vận dụng và xử lý sự việc một cách linh hoạt thông qua các quy định pháp luật kinh tế; cách thức hỗ trợ người dân và các tổ chức xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật kinh tế; giải quyết các tình huống trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại và quản lý nhà nước về kinh doanh, thương mại; xử lý các vấn đề nảy sinh trong các hoạt động kinh tế như tài chính, thị trường tiền tệ và ngân hàng, thị trường chứng khoán.
Sinh viên ngành Luật kinh tế cũng được thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự; vận dụng các quy định pháp luật để tham gia, tư vấn, bào chữa cho các bên tranh chấp trong kinh doanh; tự hành nghề ở lĩnh vực liên quan đến pháp luật như luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật...
Học Luật kinh tế tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, người học còn được phát triển các kỹ năng mềm như: Kỹ năng đàm phán, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm... Đặc biệt, các em sử dụng thành thạo ngôn ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh để có thể tự tin khẳng định bản thân trước các thách thức cạnh tranh và hợp tác quốc tế của môi trường doanh nghiệp.
Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu
Đặc biệt, Nhà trường đã xây dựng một chương trình đào tạo chuyên sâu với nhiều đợt hội thảo, nhiều buổi học mô phỏng "phiên tòa giả định", nhiều chuyến giao lưu tìm hiểu tại các tổ chức dịch vụ pháp luật để sinh viên nắm bắt được các công việc thực thụ của một luật sư, làm quen và tạo phản xạ để xử lý tình huống trong các phiên tòa khác nhau.
Với thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị mang đến cho sinh viên ngành Luật kinh tế một môi trường học tập chất lượng với phòng tư liệu, phòng diễn án và thực hành pháp lý cùng sự hỗ trợ tận tâm của các luật sư, nhà quản lý tại các cơ quan đơn vị có hợp tác với nhà trường…
Trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu, sinh viên ngành Luật kinh tế sẽ nhanh chóng thành thạo trong việc vận dụng các kiến thức nền tảng khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và kiến thức lý luận, pháp lý vào việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan.
Luật kinh tế là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Được biết, UTM là một trong những trường dẫn đầu về đào tạo ngành Luật kinh tế. Sĩ số lớp học không quá 30 sinh viên. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính, tuy nhiên, với những bạn chưa đạt chuẩn đầu vào sẽ được tham gia lớp học tăng cường.
UTM chú trọng nguyên tắc người học là trung tâm đào tạo. Đặc biệt, nhà trường có hệ thống tư vấn học thuật giúp sinh viên giải đáp được thắc mắc về bài vở cũng như củng cố ý tưởng nghiên cứu khoa học
Sinh viên ngành Luật kinh tế có cơ hội được tiếp cận với những giáo trình chuẩn hóa và cập nhật, kế thừa từ những nội dung mới của các trường đại học tại châu Âu một cách thường xuyên.
Nhà trường cũng đảm bảo vấn đề thực tập và việc làm cho sinh viên bởi UTM có hệ thống kết nối bền chặt với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước.
Bên cạnh chương trình học được cập nhật thường xuyên theo tiêu chuẩn các đại học hàng đầu thế giới, sinh viên ngành Luật kinh tế còn được lĩnh hội đầy đủ khối kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, kỹ năng tranh tụng tại các tòa án, trọng tài thương mại quốc tế, khả năng sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, kỹ năng đàm phán, tư duy logic... nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hành nghề nghiệp khi ra trường.
Đặc biệt, ngay từ năm thứ hai, sinh viên ngành Luật kinh tế tại UTM đã có thể trực tiếp tham gia học việc, trải nghiệm thực tiễn tại các công ty luật, bộ phận tư vấn luật trực thuộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Song song đó, sinh viên Luật kinh tế còn được trang bị tốt ngoại ngữ, đặc biệt là sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên về pháp lý để có thể trở thành các luật gia, trọng tài viên, các nhà hòa giải chuyên nghiệp trong môi trường thương mại toàn cầu.
Dựa trên nền tảng kiến thức và kỹ năng toàn diện, các tân cử nhân Luật Kinh tế của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị sẽ là những ứng viên sáng giá cho các tổ chức, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh của các chủ thể với nhau, trong quá trình tổ chức và quản lý nền kinh tế thị trường của nhà nước cũng như trong bối cảnh xã hội có sự giao thoa mạnh mẽ của các nền kinh tế trên thế giới thường phát sinh những vấn đề phức tạp có liên quan và cần đến sự can thiệp của luật pháp.
Theo thầy Sơn, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Luật kinh tế tại UTM có thể làm việc trong một số ngành nghề, lĩnh vực như: Làm việc tại các doanh nghiệp với tư cách là chuyên viên pháp lý phụ trách những công việc liên quan đến đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, đề xuất giải pháp xử lý tình huống pháp lý trong kinh doanh; Làm việc tại các cơ quan nhà nước: với kiến thức căn bản về Luật và Luật kinh tế, cử nhân các ngành Luật có thể làm việc ở tòa án các cấp, các cơ quan của Quốc hội, Viện kiểm sát, công an, các bộ ngành của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân, sở, phòng, ban ở địa phương.
Hoặc có thể làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và tư vấn pháp luật, văn phòng luật sư, công ty luật hay tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cao đẳng, đại học, các viện nghiên cứu.
Năm 2024, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị về cơ bản giữ ổn định như năm 2023. Theo đó, nhà trường tuyển sinh trình độ đại học chính quy với tổng chỉ tiêu là 1.360 sinh viên, theo 3 phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tốt nghiệp, áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đào tạo của trường. Nhà trường dự kiến dành 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học bạ trung học phổ thông, áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đào tạo của trường. Nhà trường dự kiến dành 60% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học, áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đào tạo của trường với chỉ tiêu dự kiến 10% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Ngày 7/3, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã được trao Chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 từ Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2018, nhà trường cũng đã đạt kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 1. Đây là dấu mốc quan trọng đánh giá sự phát triển vượt bậc của một trường đại học trẻ trong hệ thống các trường đại học trên cả nước.
Đặc biệt, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị hỗ trợ 100% kinh phí ở ký túc xá cho toàn bộ sinh viên hệ đại học chính quy trúng tuyển năm 2024.