Giao quyền tuyển giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp là hợp lý

10/06/2024 06:39
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo ĐBQH, giao cho ngành Giáo dục quyền quyết định, bố trí nhân sự, nhất là tuyển dụng giáo viên, sẽ giúp ngành chủ động hơn, làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Các đại biểu, chuyên gia đã có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là Luật Nhà giáo dự kiến điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống; đồng thời tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý Nhà nước của ngành giáo dục, nhằm tháo gỡ bất cập trong thừa/thiếu cục bộ đội ngũ nhà giáo, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc.

Cùng đó, quy định cụ thể về việc quản lý nhà giáo tại các cơ sở giáo dục và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan. Với định hướng đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, vị thế của ngành và nhà giáo.

GDVN_gv.jpg
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng có một số góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 2). Trong đó, có một số nội dung chính như sau:

GDVN_1.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà.

“Thứ nhất, dự thảo nêu “Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định”. Đây là một thay đổi rất tích cực, tạo thêm động lực cho đội ngũ giáo viên mầm non. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất xem xét tuổi nghỉ hưu cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở: “Giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định”. Bởi, độ tuổi đó nếu làm cán bộ quản lý thì hợp lý, nhưng nếu trực tiếp đứng lớp giảng dạy thì rất khó khăn cho giáo viên, đa số học sinh và phụ huynh học sinh cũng không thích giáo viên lớn tuổi...

Thứ hai, quy định về nhà giáo trong dự thảo này hiện đang chưa phù hợp với quy định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Vì vậy, tại Điều 3. Nhà giáo, đề nghị bổ sung thêm khoản 4:

4. Nhà giáo là người đã làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục chuyển vị trí sang cơ quan quản lý giáo dục của Phòng/Sở/Bộ Giáo dục và đào tạo. (Vì danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” được phong tặng cho các đối tượng này).

Tương tự, tại Điều 5. Giải thích từ ngữ, đề nghị sửa khoản 3, bổ sung cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là nhà giáo.

Thứ ba, đề nghị bỏ chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Hoặc nếu vẫn yêu cầu chứng chỉ hành nghề, thì nên phân cấp trong việc tổ chức sát hạch: Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức sát hạch chứng chỉ hành nghề cho giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; còn Sở Giáo dục và Đào tạo sát hạch cho giáo viên trung học phổ thông”.

Ngoài ra, còn một số ý kiến khác như:

Một số nội dung đã quy định tại Luật Giáo dục, Luật Viên chức, Luật Thi đua, khen thưởng,… đề nghị xem xét không nhắc lại trong Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật chủ yếu quy định đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục công lập, chưa đề cập nhiều đến nhà giáo trong khối tư thục. Đề nghị xem xét bổ sung cho phù hợp.

Một số nội dung liên quan đến Nhà giáo chưa được đề cập trong Luật, như: Nhà giáo tham gia tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chuyên môn; đối tượng giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy trẻ tự kỷ, giáo viên tổng phụ trách đội có phải là nhà giáo không?

Chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo: Cần có quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo. Việc phụ cấp thâm niên cần được xem xét điều chỉnh để đảm bảo tính công bằng và ghi nhận những đóng góp của giáo viên.

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã có một số chia sẻ liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 2).

Theo đó, qua tiếp cận dự thảo Luật Nhà giáo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, dự thảo luật hiện đã bao gồm những chính sách cơ bản như định danh nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh nhà giáo, vị thế của nhà giáo, phát triển, tôn vinh và bảo vệ nhà giáo; đời sống, lương, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo; chứng chỉ hành nghề; quản lý nhà nước đối với nhà giáo…

“Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất trong Luật Nhà giáo không phải là bất cứ chính sách nào nêu trên, tôi quan tâm là giáo viên cũng là viên chức nằm trong hệ thống viên chức Việt Nam và tất cả những nội dung liên quan đến viên chức hiện nay đều đã được điều chỉnh ở trong các luật khác. Vậy, làm thế nào để chúng ta xây dựng Luật Nhà giáo thống nhất với các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nghĩa là không trái với những quy định hiện hành trong các bộ luật khác, nhưng lại có những đặc thù riêng. Đây là một điều rất khó khăn” - nữ đại biểu cho biết.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, tiền lương của nhà giáo hiện đang được đề xuất ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: “Nếu lương giáo viên được xếp ở thang bảng lương cao nhất, cũng là một tín hiệu mừng cho giáo viên.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhấn mạnh, giáo viên cũng là viên chức trong hệ thống viên chức. Vì vậy, trong quá trình xếp lương, phải vừa đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo, đảm bảo rằng lương giáo viên không quá thấp so với mặt bằng cuộc sống, không để giáo viên phải bỏ nghề vì thu nhập thấp; nhưng cũng phải lưu tâm đến một vấn đề, đó là cần có một sự tương đồng, không quá chênh lệch giữa lương giáo viên với viên chức các ngành khác. Bởi mỗi ngành đều có những đặc thù riêng”.

Theo nữ đại biểu, hiện nay áp lực công việc rất lớn, mà thu nhập của giáo viên vẫn quá thấp so với mặt bằng cuộc sống, khiến các nhà giáo phải rất vất vả. Thế nên, phần đông nguyện vọng của giáo viên là mong muốn được cải thiện tiền lương. Theo tôi, đây là một nguyện vọng rất chính đáng, toàn xã hội đều chia sẻ và hoàn toàn ủng hộ nguyện vọng này của nhà giáo.

“Thứ nữa, giáo viên cũng kỳ vọng khi Luật Nhà giáo ra đời, sẽ có những nội dung được quy định cụ thể, rõ ràng. Ví dụ như định danh nhà giáo. Hiện nay, có một số vụ việc xảy ra trong các nhà trường rất đáng báo động về cách hành xử của học sinh đối với giáo viên, của phụ huynh đối với giáo viên, dường như đang đi ngược lại với truyền thống đạo đức, đi ngược với mọi quy định của nhà trường, chẳng hạn, phụ huynh hành hung giáo viên, học sinh vô lễ với giáo viên... Những chuyện ấy không những làm tổn thương những thầy cô trong ngành giáo dục, mà còn tạo ra một hình ảnh rất xấu, đi ngược lại truyền thống, đạo lý của dân tộc. Luật Nhà giáo quy định rõ định danh nhà giáo, đây sẽ là lần đầu tiên vị trí, vai trò của người thầy được xác định rõ trong luật, sẽ tạo một niềm vui cho các thầy cô” - nữ đại biểu bày tỏ.

Thừa thiếu cục bộ do ngành giáo dục không được chủ động sắp xếp giáo viên

Một vấn đề nữa đang rất được quan tâm trong dự thảo luật Nhà giáo lần này là Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến dư luận nêu thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, điểm mới này nếu được thông qua sẽ phù hợp với thực tiễn, quyền tuyển dụng được trao cho ngành giáo dục và nâng cao vai trò vị thế nhà giáo, khắc phục những tồn tại bất cập của việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp nhân sự như hiện nay.

Thời gian qua, công tác bố trí, sắp xếp giáo viên tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bởi, đơn vị trực tiếp quản lý chuyên môn sẽ nắm được tình hình tại cơ sở giáo dục này đang thiếu giáo viên gì, thừa giáo viên gì, nhưng lại không được trực tiếp sắp xếp giáo viên phù hợp. Nên mới có chuyện, chỗ thừa vẫn thừa, mà chỗ thiếu thì vẫn thiếu giáo viên và thừa thiếu cục bộ theo môn học, giáo viên còn phải dạy chéo môn”.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cũng chia sẻ thêm về thực tiễn sắp xếp nhân sự trên địa bàn quận: “Tại Hà Đông, hiện nay, cũng có những trường mặc dù đang rất thiếu giáo viên, nhưng vẫn có quyết định điều chuyển giáo viên qua trường khác. Có những trường phải hợp đồng đến hơn 20 người, thậm chí nhiều hơn số lượng biên chế giáo viên”.

“Việc ngành giáo dục và đào tạo được tuyển dụng giáo viên sẽ giúp ngành chủ động hơn trong công tác chuyên môn của ngành.

Chính vì vậy, chúng tôi rất mong, trong Luật Nhà giáo tới đây, có thể xây dựng một nội dung tương tự như quy định trong Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT trước đây - trao quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập cho Phòng Giáo dục và Đào tạo” - cô Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ thêm.

Nên có một mức “trần” biên chế nhất định cho ngành giáo dục

Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra: “Hiện tại, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ, ngành nội vụ quản lý biên chế tất cả các ngành và giao về các địa phương. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tồn tại một nghịch lý như sau:

Ngành giáo dục và đào tạo có những thông tư hướng dẫn quy định về số học sinh/lớp, số học sinh/giáo viên, các tiêu chí, tiêu chuẩn để đáp ứng điều kiện trường chuẩn..., để đảm bảo điều kiện dạy học tốt nhất cho thầy và trò.

Tuy nhiên, do ngành nội vụ vẫn trực tiếp quản lý biên chế, dẫn đến còn có sự “vênh nhau”. Một mặt, việc ngành nội vụ giao biên chế không đủ, dẫn đến nhiều các cơ sở giáo dục gặp phải tình trạng thiếu giáo viên; mặt khác, ngành giáo dục vẫn phải tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế 10% theo quy định chung.

Vì lẽ đó, ngành giáo dục lâm vào cảnh khó khăn trăm bề khi không có thẩm quyền tuyển dụng, sắp xếp giáo viên”.

z5513749040711_5116a58612f7842be79965772e9a8d39.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

“Chính vì vậy, theo tôi, nếu có thể giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quyền quyết định, bố trí nhân sự, đặc biệt là tuyển dụng giáo viên, có lẽ sẽ giúp ngành giáo dục chủ động hơn, làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn hơn.

Tất nhiên, cũng phải có một mức “trần” biên chế nhất định cho ngành, bởi giáo viên là viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không thể nói tăng là tăng quá nhiều ngay một lúc. Phải làm sao để hài hòa giữa việc ngành giáo dục chủ động hơn trong tuyển dụng lẫn cân đối, tránh để bộ máy “phình” quá to. Đây cũng là một bài toán tương đối khó khăn, cần phải có sự rà soát kỹ lưỡng để tìm giải pháp vẹn toàn” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

gdvn-thietchuy-8515.jpg

Thầy Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cũng chia sẻ: “Trong số các nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay, theo tôi, nội dung được các cấp quản lý, nhất là các thầy cô quan tâm nhiều nhất là về chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách đối với thầy cô đang công tác tại nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn như huyện Mường Nhé.

Chế độ chính sách đảm bảo thì mới thu hút được nguồn nhân lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thầy cô mới yên tâm công tác.

Từ tháng 01/2021 đến tháng 11/2023, đã có 14 giáo viên xin thôi việc, 94 giáo viên chuyển công tác”.

Về thẩm quyền tuyển dụng giáo viên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, việc này được giao cho cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm là hoàn toàn hợp lý.

“Nếu có thể giao cho ngành giáo dục được chủ động nhân sự, sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay. Khó khăn trong công tác tuyển dụng hiện nay chủ yếu là do nguồn tuyển hạn chế, một số vị trí có chỉ tiêu nhưng không có người dự tuyển như: Tiếng Anh, Tin học, Ngữ văn...” - thầy Chùy chia sẻ.

Mộc Trà