Lợi thế khi học CNTT ở Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên

08/06/2024 06:16
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chương trình đào tạo của trường chú trọng nội dung thực hành, sinh viên được trải nghiệm trực tiếp tại doanh nghiệp thông qua những buổi thực tế, thực tập.

Ngành Công nghệ thông tin (Information Technology) là một trong những ngành học thế mạnh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên (ICTU). Với lợi thế hơn 20 năm đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông, nhà trường đã đào tạo ra rất nhiều kỹ sư Công nghệ thông tin góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương và trên cả nước.

ICTU (22).jpg
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo ngành Công nghệ thông tin. (Ảnh: NTCC)

Chương trình đào tạo chú trọng thực hành, thực tế tại doanh nghiệp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Xuân Trưởng - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chương trình đại học ngành Công nghệ thông tin được xây dựng với định hướng ứng dụng, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu liên quan đến phần mềm, xây dựng thiết kế, lập trình, cài đặt, vận hành và bảo trì phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính, kiến thức về mạng máy tính và truyền thông.

thay-truong-2.jpg
Tiến sĩ Quách Xuân Trưởng - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Nhà trường luôn chú trọng vấn đề tiếp cận với thực tế doanh nghiệp, học kỳ cuối sinh viên được tham gia thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Đồng thời, nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại từ phòng học khang trang đến phòng thực hành với dàn máy tính cấu hình cao cũng như đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.

"Đối với ngành Công nghệ thông tin, khoa có đội ngũ giảng viên mạnh với trên 30 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Các cán bộ có trình độ cao được đào tạo từ rất nhiều các quốc gia có lĩnh vực Công nghệ thông tin phát triển như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Đài Loan và các cơ sở đào tạo hàng đầu tại Việt Nam”, thầy Trưởng thông tin.

Programming contest.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên tham gia cuộc thi lập trình. (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, một lợi thế lớn đối với sinh viên học ngành Công nghệ thông tin tại ICTU đó là mức học phí rất hợp lý. Hiện, học phí ngành Công nghệ thông tin tại trường là 467.000 đồng/tín chỉ, tương đương 14.500.000 đồng/năm.

Anh Trần Trọng Hiếu, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, hiện đang là Technical Leader tại Samsung R&D Vietnam chia sẻ: “Những kiến thức được học tại ICTU là những kiến thức hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển sự nghiệp. Những năm đầu, sinh viên được học các kiến thức nền tảng. Những năm giữa và cuối ở trường đại học, các môn học mang tính thực tế rất cao, những ai đam mê công nghệ thông tin chắc chắn sẽ cảm thấy cực kỳ thú vị”.

_1152303.jpeg
Nhà trường trang bị cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Công nghệ thông tin. (Ảnh: NTCC)

Anh Hiếu cũng cho biết thêm quá trình học tại trường anh cảm thấy các giảng viên tại ICTU có cách giảng dạy rất thu hút, nhiệt huyết đồng thời các thầy cô đều có trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Cùng với đó nhà trường có rất nhiều các hoạt động hợp tác đào tạo với các trường đại học, các tổ chức quốc tế, cũng như các doanh nghiệp công nghệ lớn trên cả nước. Từ đó, mang đến những cơ hội học tập, việc làm chất lượng cao cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là những hoạt động mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sinh viên khi ra trường, giúp sinh viên có thể tự tin ứng tuyển và đạt được những vị trí công việc mà mình mong muốn.

20240519_095728.jpg
Anh Trần Trọng Hiếu hiện đang là Engineer III - Service Platform - Software Solution Group tại Samsung R&D Vietnam. (Ảnh: NVCC)

Cơ hội việc làm đa dạng, mức thu nhập hấp dẫn

Theo Tiến sĩ Quách Xuân Trưởng, cơ hội việc làm của ngành Công nghệ thông tin rất đa dạng. Sau khi ra trường các bạn có thể làm: Chuyên gia phân tích hệ thống máy tính; Quản trị viên hệ thống máy tính; Chuyên viên phân tích Công nghệ thông tin; Điều phối viên Công nghệ thông tin; Quản trị mạng; Nhà phát triển ứng dụng; Kỹ sư ứng dụng; Lập trình viên; Kiến trúc sư hệ thống; Nhà phát triển Front End; Quản trị viên website; Lập trình viên web; Quản trị viên hệ thống Công nghệ thông tin; Chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật; Kỹ sư an toàn thông tin; Quản lý dự án và sản phẩm điện toán đám mây; Quản trị viên hệ thống đám mây…

Đặc biệt, với sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại ICTU còn có thêm một lợi thế là nhu cầu nhân lực ngành này tại tỉnh Thái Nguyên rất lớn.

LONQ1642.jpeg
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi để sinh viên được nâng cao trình độ. (Ảnh: NTCC)

Anh Nguyễn Trung Hiếu hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (Hà Nội) cho rằng, học ngành Công nghệ thông tin ra trường các bạn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau như: Chuyên viên phân tích hệ thống; Quản trị viên cơ sở dữ liệu; Quản lý dự án công nghệ thông tin; Chuyên viên phân tích kinh doanh; Chuyên viên phát triển phần mềm; Chuyên viên bảo mật thông tin; Chuyên viên quản lý hệ thống; Tư vấn hệ thống thông tin; Chuyên viên kiểm thử phần mềm; Chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật... Mức lương của ngành này không giới hạn tùy thuộc vào năng lực của từng người.

z5472525026549_3f365f2aaa858e89c481bee437344dbc.jpg
Anh Nguyễn Trung Hiếu hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, anh Trần Trọng Hiếu đánh giá, ngoài các doanh nghiệp phát triển và cung cấp phần mềm truyền thống, kỹ sư Công nghệ thông tin có thể làm tại những trung tâm nghiên cứu, công ty tài chính, ngân hàng, các công ty thương mại điện tử, doanh nghiệp viễn thông.

"Đa số các lĩnh vực này đều có môi trường năng động, linh hoạt. Thậm chí từ thời điểm Covid-19 bùng phát, rất nhiều các doanh nghiệp chọn hình thức làm việc từ xa, nhân viên có thể làm ở nhà mà không cần đến văn phòng. Từ đó mở ra các cơ hội làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài mà không gặp rào cản về vị trí địa lý.

So với mặt bằng chung, mức lương của ngành Công nghệ thông tin cao hơn các ngành khác. Tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm, yêu cầu đặc thù về chuyên ngành hay sự khan hiếm của thị trường lao động ở một số lĩnh vực, mức lương có thể dao động từ 8- 9 con số”, anh Trọng Hiếu chia sẻ.

Chương trình kí kết.jpg
Nhà trường cũng ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp mở ra các cơ hội thực tập và nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên. (Ảnh: NTCC)

Những kỹ năng của ngành Công nghệ thông tin được nhà tuyển dụng đánh giá cao

Bên cạnh đó, anh Trọng Hiếu cũng đưa ra một số lời khuyên cho các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường: “Những kiến thức cấu trúc dữ liệu về giải thuật, về kiến trúc phần mềm; kiến thức về mạng máy tính, tư duy về UI/UX trong quá trình phát triển phần mềm đều là những kiến thức cần nắm vững. Việc ứng tuyển vào những dự án công việc tại những trang tuyển dụng ngay từ khi còn học đại học sẽ giúp các bạn có thêm thu nhập, nắm bắt xu hướng tuyển dụng, và mang lại rất nhiều kiến thức thực tế. Ngoài kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm chắc chắn là yêu cầu thiết yếu với các bạn để có thể đáp ứng yêu cầu công việc".

Programming contest quý 3 2023.JPG
Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành Công nghệ thông tin sinh viên cần không ngừng nâng cao kỹ năng của mình. (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, mặc dù ngành Công nghệ thông tin có cơ hội việc làm rộng mở, nhưng với số lượng sinh viên ngành Công nghệ thông tin ra trường hàng năm khá lớn thì việc học tập để trở nên ấn tượng dưới góc nhìn của với nhà tuyển dụng là khá quan trọng.

“Những tiêu chí được nhà tuyển dụng đánh giá cao đó là những nhân viên có kinh nghiệm thực tế, có năng lực tốt, có khả năng giải quyết vấn đề độc lập cũng như kết hợp làm việc nhóm, khả năng báo cáo, trình bày vấn đề một cách chuyên nghiệp.

Vì đặc thù ngành Công nghệ thông tin là thay đổi rất thường xuyên và nhanh chóng, các doanh nghiệp luôn đánh giá cao những nhân viên có tư duy không ngừng học hỏi, rèn luyện khả năng tự học và nắm bắt những xu hướng công nghệ mới. Cùng với đó, trong quá trình làm việc lâu dài, các nhân viên nên trau dồi thêm những kỹ năng về quản lý dự án, khả năng báo cáo, trình bày và giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp”, anh Trọng Hiếu nhấn mạnh.

P1470564.JPG
Các bạn sinh viên luôn được giảng viên hướng dẫn tận tình. (Ảnh: NTCC)

Đảm nhiệm vị trí lập trình viên tại CMC Hà Nội, anh Trung Hiếu cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên nên nắm chắc các kiến thức cơ bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó chính là nền tảng để mở rộng học hỏi thêm những kiến thức bên ngoài. Đặc biệt đối với ngành Công nghệ thông tin cần thực hành nhiều để trau dồi thêm kỹ năng, nhất là những công nghệ mới được cập nhật từng ngày, từng giờ.

Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cho rằng để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên cần phát triển 4 năng lực: Tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo. Do đó, bên cạnh đào tạo kỹ năng kỹ thuật nhà trường cũng chú trọng trang bị các năng lực chung. Đặc biệt là khả năng thích ứng với thay đổi, học hỏi những kiến thức mới.

Nhật Lệ