Sự ra đời của Đại học Thái Nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm hình thành nên những trung tâm đào tạo lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Ra đời trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, chưa đồng đều về trình độ, nhưng với sự kiên trì, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ viên chức, học sinh sinh viên; phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của mô hình Đại học Vùng; dưới sự lãnh đạo tâm huyết, sáng suốt của lãnh đạo Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ; cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ban, ngành Trung ương; sự hợp tác, giúp đỡ có hiệu quả của các địa phương, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc thành lập các Đại học Vùng, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Sau 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), Đại học Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chú trọng phát triển đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của vùng
Phát huy tiềm lực của mình, trong những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo số lượng khá lớn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các địa phương, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Số người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm khoảng 70% số người học tốt nghiệp của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2019-2023.
Một số lượng đáng kể cán bộ có trình độ sau đại học đã được thu hút về các địa phương. Lực lượng cán bộ này tham gia tích cực, hiệu quả vào việc tham vấn và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực trong việc xây dựng những luận cứ khoa học góp phần hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đặc biệt, khi là trung tâm lớn thứ ba của đất nước về giáo dục đại học, Đại học Thái Nguyên đã có những đóng góp đáng kể trong đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước và quốc tế: đào tạo hơn 800.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng, hơn 20.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh, trong đó trên 30% là người dân tộc thiểu số; đào tạo hàng nghìn lưu học sinh nước ngoài ở trình độ đại học và sau đại học. Các cán bộ do Đại học Thái Nguyên đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, doanh nghiệp.
Tính đến nay, số cán bộ do Đại học Thái Nguyên đào tạo có 13 người đã và đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Hiện tại, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) có 06 đồng chí; nhiều đồng chí đảm nhiệm trọng trách Bí thư, phó Bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch cấp tỉnh; bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch cấp huyện và tương đương các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc và nhiều người giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị của các tập đoàn, Tổng công công ty, doanh nghiệp lớn… Cựu sinh viên của Đại học Thái Nguyên còn là những nhà giáo, thầy thuốc, kĩ sư xuất sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp kinh tế và xã hội của cả nước đặc biệt là vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.
Chỉ tính từ 2019 - 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển đại học chính quy vào Đại học Thái Nguyên của 15 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ hàng năm từ 6.000 - 8.000 sinh viên, trong đó riêng tỉnh Thái Nguyên từ 3.200 – 4.400 sinh viên, chiếm 40 - 49% số sinh viên vào học của Đại học Thái Nguyên hàng năm. Theo số liệu thống kê, hằng năm tỉnh Thái Nguyên có khoảng 25-30% số học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp vào học đại học tại Đại học Thái Nguyên. Số lượng và tỷ lệ này cho thấy cơ hội học tập và sự quan tâm của phụ huynh, học sinh đối với các ngành nghề đào tạo của Đại học Thái Nguyên.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2019 - 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển thạc sĩ vào Đại học Thái Nguyên của 15 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 5.924 người, chiếm trên 76,11% số người trúng tuyển vào học thạc sĩ tại Đại học Thái Nguyên, trong đó riêng số thí sinh trúng tuyển của tỉnh Thái Nguyên là 2.398 người (chiếm 40,48% số người học thạc sĩ của vùng). Số lượng và tỷ lệ người học thạc sĩ của tỉnh Thái Nguyên khá cao đã thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của các cấp chính quyền, ban ngành địa phương, của cán bộ công chức, viên chức, người lao động đối với Đại học Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, số tiến sĩ bảo vệ thành công luận án tại Đại học Thái Nguyên giai đoạn (2019 - 2023) là 183 người thuộc các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, y học, khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện, kinh tế và quản lý, trong đó trên 70% là đào tạo cán bộ cho đội ngũ giảng viên của Đại học Thái Nguyên. Riêng tỉnh Thái Nguyên đã có hàng chục tiến sĩ tốt nghiệp thuộc các ngành Y tế công cộng, Khoa học cây trồng, Quản lý đất đai, Quản lý giáo dục và Quản lý kinh tế.
Đại học Thái Nguyên và các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, đặc biệt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Cơ sở của sự hợp tác là tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về đào tạo và nghiên cứu khoa học với chất lượng là tiêu chí hàng đầu.
Hoạt động đào tạo của Đại học Thái Nguyên đã khẳng định vai trò và vị thế xương sống trong hệ thống ngành học và bậc học, có tác động lớn trong đời sống nhân dân và việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du và miền núi phía Bắc. Các cơ sở đào tạo từng bước xây dựng, phát triển ngành/chuyên ngành đào tạo; không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và sát thực tế; từng bước mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
Kết quả đào tạo trong gần 30 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã cung cấp cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đất nước khoảng 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học, trong đó có 32.790 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 268 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 2.111 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 513 bác sĩ chuyên khoa cấp II và 122 bác sĩ nội trú. Đặc biệt, đã có 520 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 187 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ. Trên 30% số người học tốt nghiệp là người dân tộc thiểu số.
Đóng góp lớn trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đồng bào, dân tộc vùng núi phía Bắc
Với trách nhiệm của một Đại học vùng, việc thành lập và phát triển của 02 phân hiệu tại các tỉnh biên giới phía Bắc (phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang) khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Đại học Thái Nguyên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng “phên dậu” của Tổ quốc .
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được thành lập theo Quyết định số 6189/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phân hiệu có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai, các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Hiện tại, phân hiệu đào tạo 09 mã ngành, trong đó 08 mã ngành ở trình độ đại học, gồm: Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi; Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kinh tế và 01 mã ngành trình độ cao đẳng gồm: Giáo dục Mầm non.
Về quy mô đào tạo, tính đến 20/10/2023 tổng số sinh viên chính quy đang theo học tại phân hiệu là 2.145 sinh viên (hệ đại học 1.789 sinh viên, hệ cao đẳng 356 sinh viên). Đến nay đã có 04 khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường với 100% có việc làm đúng với chuyên môn đào tạo, có nguồn thu nhập cao, được xã hội và các đơn vị sử dụng lao động chấp nhận và đánh giá cao về năng lực, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho các huyện vùng cao biên giới, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai.
Tính đến nay, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đã đào tạo, bồi dưỡng số lượng lớn nhân lực cho tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, tổng số nhân lực trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy là 5325 sinh viên (trong đó đang theo học là 2.097 sinh viên, đã tốt nghiệp là 3228 sinh viên), hệ vừa làm vừa học, liên thông trình độ đại học là 667 học viên.
Đồng thời, phân hiệu tổ chức đào tạo ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, bồi dưỡng tiếng dân tộc, kỹ thuật nông nghiệp, du lịch…cho 13.301 học viên. Cùng với đó là hỗ trợ các trường phổ thông đưa học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở … đến học trải nghiệm tại các mô hình của phân hiệu là 30 đoàn với 8551 học sinh.
Còn phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được thành lập theo Quyết định số 456/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phân hiệu có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang, các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Hiện tại, phân hiệu đang đào tạo 03 mã ngành, trong đó 02 mã ngành ở trình độ đại học, gồm: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học và 01 mã ngành trình độ cao đẳng Giáo dục Mầm non.
Mặc dù mới thành lập chưa được 01 năm, song phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang đã có những thành tựu nhất định. Năm học 2023 - 2024, phân hiệu này đang đào tạo gần 1000 sinh viên và học viên các ngành, trong đó mới tuyển: 363 sinh viên ngành Sư phạm, 116 sinh viên ngành ngoài Sư phạm và hơn 300 học viên các lớp liên thông, thạc sĩ.
Phân hiệu đã phối hợp với đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên thực hiện các chương trình bồi dưỡng: Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho 134 học viên, Bồi dưỡng tin học cho 112 học viên, đào tạo 1.350 giáo viên.
Việc thành lập 02 phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Hà Giang đã lan tỏa giá trị của giáo dục đại học đến vùng sâu vùng xa, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, góp phần tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của vùng. Khẳng định vị thế, vai trò thực hiện nhiệm vụ xuất sắc việc xây dựng, phát triển vùng của Đại học Thái Nguyên trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đồng bào, dân tộc vùng núi phía Bắc; góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng biên cương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được Hội đồng Đại học Thái Nguyên ban hành tại Nghị quyết số 51/NQ-HĐĐHTN, ngày 21/12/2021; Chiến lược này được điều chỉnh, bổ sung tại Nghị quyết số 95/NQ-HĐĐHTN ngày 13/12/2023 về việc Điều chỉnh Chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, Đại học Thái Nguyên đề ra định hướng mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, hướng tới mô hình đại học xanh; tập trung phát triển một số ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế; xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở dùng chung trong toàn Đại học Thái Nguyên, gắn với mô hình quản trị đại học tiên tiến để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 - Đại học Thái Nguyên nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á”.
Cụ thể, Đại học Thái Nguyên sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu đến năm 2045 năng lực, trình độ đào tạo các bậc học đạt trình độ bằng các đại học tiên tiến của khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu đại học nghiên cứu và nghiên cứu ứng dụng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực được hoàn thiện: tối thiểu mỗi một lĩnh vực mũi nhọn ở Đại học Thái Nguyên đạt được chuẩn nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Tăng cường xã hội hoá giáo dục đại học thông qua gắn kết nhà trường với các nhà tuyển dụng, hợp đồng đào tạo nguồn lao đông theo yêu của nhà tuyển dụng, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường về cơ sở vật chất và nâng cao vị thế, uy tín của Đại học Thái Nguyên trong khu vực và quốc tế, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.