Học ngành Thương mại điện tử để biết cách kinh doanh đúng quy trình và sinh lãi

29/06/2024 06:17
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như đón đầu sự bùng nổ của nền kinh tế số, năm 2022, Trường Đại học Văn Hiến bắt đầu đào tạo ngành Thương mại điện tử.

Đại dịch COVID-19 đã có tác động to lớn và sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, COVID-19 đã gây ra gián đoạn việc cung cấp, lưu thông hàng hóa và làm suy giảm nghiêm trọng mức tiêu dùng xã hội trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.

Nhưng cũng chính đại dịch đã thay đổi gần như toàn bộ thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến. Từ quần áo, mỹ phẩm, đến đồ công nghệ, thực phẩm, tất cả các loại hàng hóa đều có tiềm năng trong thương mại điện tử.

Nắm bắt xu thế, Trường Đại học Văn Hiến mở đào tạo ngành Thương mại điện tử để góp phần lớn vào việc bồi dưỡng nguồn nhân lực nền tảng cho thị trường thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Thị trường thương mại điện tử đang “khát” nhân sự

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Huy Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho biết: “Với thị trường đầy tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao, rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng đã nhập cuộc vào thị trường thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tik Tok Shop…

Điều này dẫn đến nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực có kiến thức về thương mại điện tử, dẫn đến việc thị trường lao động đang “khát” nguồn nhân lực và hầu như các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử giỏi kiến thức, vững chuyên môn đều được nhiều doanh nghiệp săn đón, trải thảm đỏ”.

HoangTH.png
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Huy Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Hiệu trưởng Trần Huy Hoàng, ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Văn Hiến đào tạo theo 02 chuyên ngành: Quản trị hệ thống và phát triển website Thương mại điện tử; Quản trị kinh doanh Thương mại điện tử.

Ở Trường Đại học Văn Hiến, chương trình học được xây dựng một cách khoa học, cung cấp cho sinh viên kiến thức toàn diện về các lĩnh vực liên quan đến Thương mại điện tử như: Marketing kỹ thuật số, Hệ thống thông tin trong Thương mại điện tử, Phân tích dữ liệu, Quản trị chiến lược… giúp sinh viên hiểu rõ bản chất hoạt động của ngành học, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả trong việc quản lý và phát triển sàn.

KTQT4.jpg
Sinh viên ngành Thương mại điện tử tham gia ngày hội truyền thống của Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Có nhiều lý do khiến sinh viên nên lựa chọn ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Văn Hiến, trong đó nổi bật là triết lý “Learning by doing” được thể hiện xuyên suốt quá trình học thông qua những bài giảng lý thuyết và thực hành liên tục. Qua đó, giúp sinh viên có đủ kiến thức – kỹ năng – kinh nghiệm thực tiễn khi ra trường đáp ứng tốt nhu cầu doanh nghiệp khi ra trường.

"Sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên môn cần thiết để vận hành một sàn Thương mại điện tử hiệu quả, bao gồm các kỹ năng: marketing, quản lý vận hành, đàm phán… thông qua các bài giảng lý thuyết, bài tập thực hành và các dự án thực tế, giúp bạn có thể áp dụng ngay vào công việc sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, các bạn còn rèn luyện kỹ năng mềm: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian... qua các hoạt động học tập và nghiên cứu, giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và tự tin hơn trong môi trường làm việc" - thầy Hoàng chia sẻ.

Chương trình đào tạo chuyên sâu, giáo trình được cập nhật bổ sung từ các nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Hệ thống giáo trình học nội bộ do nhà trường xuất bản, bám sát chương trình học mang định hướng ứng dụng cao.

Chương trình học luôn được cập nhật để bắt kịp xu hướng mới nhất của ngành, giúp sinh viên có khả năng thích ứng và đổi mới trong môi trường kinh doanh năng động của thị trường.

Khi theo học ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Văn Hiến, sinh viên được giảng dạy bởi giảng viên từ khối doanh nghiệp có trình độ chuyên môn tốt và kinh nghiệm làm việc phong phú, bao gồm các nhà quản trị các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Đa số giảng viên đều giữ vị trí quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, đảm bảo tính thực tiễn kiến thức trong quá trình đào tạo cho sinh viên.

Trường Đại học Văn Hiến cũng cung cấp cho sinh viên các tiện ích hỗ trợ như: thư viện, phòng thực hành chuyên ngành, trung tâm hợp tác doanh nghiệp, các câu lạc bộ học thuật chuyên ngành, … Các tiện ích này giúp các bạn có điều kiện học tập và nghiên cứu hiệu quả hơn, đồng thời chuẩn bị một nền tảng tốt nhất để gia nhập thị trường lao động.

Với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, có rất nhiều cá nhân dù không qua trường lớp đào tạo chính quy vẫn có thể tự kinh doanh qua mạng. Nhưng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, việc học ngành Thương mại điện tử tại trường đại học mang đến cho người học nhiều lợi ích vượt trội hơn từ kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghiệp vụ cho đến bằng cấp chuyên môn.

Thầy Trần Huy Hoàng chia sẻ: “Hiện nay, có rất nhiều sinh viên ngành Thương mại điện tử của Khoa Kinh tế - Quản trị đã từng kinh doanh buôn bán thành công trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, các bạn vẫn đăng ký học ngành Thương mại điện tử để được học chuyên sâu về ngành vì các bạn nhận thấy những kiến thức mình có chưa đủ để phát triển, vận hành cũng như quản lý sàn.

Để quản lý sàn Thương mại điện tử đòi hỏi các bạn phải được đào tạo bài bản từ những kiến thức quản trị, kinh doanh thương mại đến những kiến thức chuyên sâu về kho dữ liệu, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, thanh toán trong thương mại điện tử… để từ đó có thể vận hành quản lý sàn thương mại điện tử đúng quy trình và sinh lãi”.

thuong-mai-dien-tu-1.jpg
Sinh viên Trường Đại học Văn Hiến được học về cách vận hành sàn thương mại điện tử (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, bằng cấp đại học là minh chứng cho năng lực và trình độ của sinh viên, cùng với kiến thức và kỹ năng chuyên môn sẽ giúp sinh viên nổi bật hơn so với các ứng viên khác, tăng cơ hội được tuyển dụng vào các công ty uy tín với mức lương hấp dẫn.

Trường đại học là môi trường lý tưởng để bạn kết nối với các sinh viên cùng ngành, giảng viên uy tín và các chuyên gia trong lĩnh vực Thương mại điện tử. Việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trong ngành giúp sinh viên rút ngắn thời gian học hỏi và đạt được thành công nhanh hơn.

Phó Hiệu trưởng Trần Huy Hoàng còn nhấn mạnh, với chương trình đào tạo của nhà trường nói chung và Khoa Kinh tế - Quản trị nói riêng, hiện chương trình được đào tạo theo định hướng ứng dụng giúp cho các bạn sinh viên va chạm với thực tế tại doanh nghiệp, công ty ngay từ học kỳ đầu tiên qua nội dung học phần trải nghiệm ngành nghề.

Sinh viên hào hứng vì nhiều cơ hội việc làm

Bạn Lê Thị Thúy An, sinh viên năm 2 ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Văn Hiến cảm thấy ngành Thương mại điện tử rất khác so với ban đầu mà bản thân tưởng tượng. “Ban đầu chọn ngành em chỉ nghĩ thương mại điện tử là mua bán các mặt hàng trực tuyến, nhưng sau khi học mới thấy còn học nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh, logistics thậm chí cả IT. Em nghĩ đây sẽ là ngành sẽ phát triển mạnh mẽ, sau dịch COVID-19 thì em cũng thấy ngành phát triển với tốc độ chóng mặt”, An cho biết.

Hiện tại An cũng đang tìm kiếm công ty cho phép làm việc bán thời gian để có thể vừa làm, vừa học. Bạn cho biết mình muốn kinh doanh trực tuyến, nhưng hiện tại sẽ tập trung học tập để ra trường với thành tích tốt.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, ngay khi còn trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên đã tự chủ động tìm việc làm thêm để có thu nhập trang trải sinh hoạt, đồng thời trang bị thêm kỹ năng cần thiết liên quan đến nghề nghiệp tương lai của mình. Trường Đại học Văn Hiến đã hợp tác với hơn 90 doanh nghiệp/ công ty với mục đích hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong việc trải nghiệm thực tế, thực tập.

“Cùng với đó, khi ra trường, sinh viên sẽ được hỗ trợ giới thiệu công việc phù hợp từ trung tâm hợp tác doanh nghiệp và giảng viên từ khối doanh nghiệp giúp sinh viên có thêm nhiều lựa chọn khi tốt nghiệp.

Đặc biệt, các chương trình kết nối doanh nghiệp, trải nghiệm, thực tập cơ sở, học kỳ doanh nghiệp, học kỳ quốc tế, thực tập tốt nghiệp giúp cho sinh viên cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm để có thể làm việc ngay và phát triển trong môi trường kinh doanh, logistics, chuỗi cung ứng và đặc biệt là các sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp” - thầy Trần Huy Hoàng chia sẻ.

KTQT 2.jpg
Sinh viên ngành Thương mại điện tử được nhà trường hỗ trợ giới thiệu công việc phù hợp (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với phóng viên, bạn Trình Thị Thái Diệu - sinh viên năm 2 ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Văn Hiến cho biết lý do lựa chọn ngành học này là do có đa dạng cơ hội nghề nghiệp.

“Em thấy ngành không chỉ phát triển nhanh mà còn mang lại nhiều cơ hội cho mình, ngày nay nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng chủ yếu là các sàn thương mại điện tử. Việc tự khởi nghiệp cũng dễ dàng, có nhiều công việc khác nhau để lựa chọn”, Diệu chia sẻ.

Dù mới học năm hai nhưng Diệu đã có hơn một năm kinh nghiệm làm tiếp thị nhãn hàng. Trước đây Diệu khá nhát và ngại nói chuyện với người lạ, nhưng sau khi đi làm thêm để lấy nhiều kinh nghiệm và học hỏi ở ngoài thực tế, Diệu đã cải thiện khả năng giao tiếp để có thể trò chuyện với những khách hàng khó tính.

Trần Trang