Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, với sự phát triển và mở rộng của thị trường thương mại điện tử, các doanh nghiệp có nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực lĩnh vực này. Đây là một trong trong những ngành học mang tính xu hướng với mức lương khởi điểm cao cùng cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng.
Ngành học tiềm năng, thu hút thí sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại cho biết, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ước tính chỉ có 30% nhân lực tại các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay được trải qua đào tạo chính quy, 70% còn lại đến từ các ngành đào tạo gần như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin và các ngành nghề khác.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: Website Trường Đại học Thương mại. |
Chính vì vậy, thực tiễn đặt ra nhu cầu cấp thiết cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong việc sở hữu kiến thức chuyên môn vững vàng và hiểu biết sâu rộng về thương mại điện tử, có các kỹ năng chuyên sâu để vận dụng một cách sáng tạo vào hoạt động kinh doanh, quản lý thực tiễn.
Thầy Hưng chia sẻ, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử vô cùng rộng mở. Phần đông sinh viên Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại ngay từ năm học thứ 3 và thứ 4 đã đi làm bán thời gian tại các doanh nghiệp thương mại điện tử là đối tác của khoa, hoặc sinh viên tự tạo việc làm.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc tại các bộ phận như quản trị nhân lực, quản trị tác nghiệp, quản trị tài chính… ở các doanh nghiệp; làm việc ở các loại hình doanh nghiệp dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ ứng dụng thương mại điện tử; các bộ phận nghiên cứu và phát triển thương mại điện tử ở các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận.
Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường trung cấp dạy nghề, trường cao đẳng, trường đại học; các bộ phận có liên quan đến quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp…
Tiết lộ về thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử, thầy Hưng cho biết, sinh viên mới ra trường có mức lương dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Đối với trường hợp sinh viên tự thành lập doanh nghiệp, mở gian hàng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, hay thậm chí TikTok Shop hoặc tham gia dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu nhập có thể cao hơn mức trung bình từ 5 - 10 lần.
Chia sẻ thêm về tình hình tuyển sinh của ngành, thầy Hưng cho hay, những năm gần đây, Thương mại điện tử luôn là một trong những ngành có mức điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất tại Trường Đại học Thương mại. Cụ thể, năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Thương mại điện tử của trường là 27,1 điểm; năm 2022 là 27 điểm; năm 2023 là 26,7 điểm.
Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng là một trong những đơn vị đào tạo ngành Thương mại điện tử. Chia sẻ từ Tiến sĩ Võ Quang Trí - Trưởng Khoa Thương mại điện tử của nhà trường cho hay, số lượng nguyện vọng đăng ký ngành Thương mại điện tử của trường tăng đều hàng năm. Điểm trúng tuyển và số lượng nhập học cũng tăng liên tục trong những năm gần đây.
Riêng năm học 2023 - 2024, Thương mại điện tử là một trong 2 ngành có điểm trúng tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất trường.
Số lượng sinh viên trúng tuyển và điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng từ năm 2020 - 2023. Ảnh: NTCC |
Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực ngày một tăng, sinh viên ngành Thương mại điện tử của trường cũng có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập khá cao. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ngành Thương mại điện tử của trường có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp đạt từ 96% - 98%.
Thầy Trí cho biết, sinh viên được đánh giá cao và đảm nhận nhiều vị trí trong những doanh nghiệp tại các tỉnh miền Trung, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có những sinh viên sau khi ra trường tiếp tục phát triển các dự án thương mại điện tử đã triển khai từ khi còn đi học.
“Tuy vậy, Thương mại điện tử là một ngành có nhiều áp lực, đòi hỏi sự cập nhật liên tục và nhanh chóng, sinh viên ngành học này cần có tinh thần học hỏi và thích nghi cao với các biến đổi của môi trường kinh doanh”, thầy Trí chia sẻ.
Còn nhiều thách thức trong đào tạo
Nói về những thuận lợi trong đào tạo ngành Thương mại điện tử, thầy Trí cho biết, hiện nay những chính sách và sự ủng hộ từ phía Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao cùng sự phát triển của các hệ thống và nền tảng thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên thương mại điện tử ở nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và tiếp cận các phát triển mới nhất của ngành.
Bên cạnh đó, kể từ sau đại dịch Covid-19, nhận thức của người dân, đặc biệt là học sinh và phụ huynh về thương mại điện tử đã trở nên tích cực và rõ ràng hơn. Việc xác định mục đích học tập, nghề nghiệp tương lai cũng trở nên thuyết phục hơn đối với học sinh, giúp cho việc tuyển sinh và đào tạo thương mại điện tử được thuận lợi.
Tiến sĩ Võ Quang Trí - Trưởng Khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, song hành với những thuận lợi, thầy Trí chia sẻ việc đào tạo ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng còn gặp khá nhiều khó khăn. Nhất là sự thay đổi nhanh chóng của thị trường đòi hỏi các chương trình, phương pháp và cách thức triển khai đào tạo ngành học này phải luôn cập nhật, có tính thực tiễn cao nhưng đồng thời phải có nền tảng cốt lõi vững chắc.
“Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong thiết kế và triển khai chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử của trường hiện nay”, thầy Trí bày tỏ.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch mức độ phát triển thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn cũng tạo ra thách thức cho các cơ sở đào tạo ngành Thương mại điện tử, khi vừa phải đào tạo rộng để đáp ứng yêu cầu đa nhiệm của các doanh nghiệp nhỏ, vừa phải đào tạo chuyên sâu cho yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, việc đào tạo ngành Thương mại điện tử cần không gian thực hành và thử nghiệm liên tục. Tuy nhiên, việc trang bị cơ sở vật chất, phòng thực hành lại đòi hỏi một số vốn đầu tư lớn, thường vượt ra ngoài năng lực của các trường đại học.
Chính vì vậy, để phát triển ngành học Thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu hiện nay, Trường Đại học Kinh tế đã có kế hoạch xây dựng các đề án đào tạo chất lượng cao cho ngành học này (học hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình cập nhật).
Ngoài ra, trường cũng đang xem xét việc mở các chương trình đào tạo sau đại học ngành Thương mại điện tử. Đồng thời, trường dự kiến kết hợp với các bên của Đại học Đà Nẵng để mở các chương trình ngắn hạn, chương trình đào tạo từ xa đối với ngành học này nhằm tăng nguồn lao động có chất lượng cho khu vực và cả nước.
Với đặc tính là một lĩnh vực mới, ngành Thương mại điện tử hiện nay cần nhiều giáo viên có chuyên môn sâu cả về công nghệ (như trí tuệ nhân tạo, quản trị hệ thống, chuyển đổi số) và kinh doanh (như thương mại quốc tế). Tuy nhiên, theo thầy Trí, số lượng và chất lượng giảng viên chuyên ngành Thương mại điện tử hiện nay chưa theo kịp nhu cầu đào tạo.
Để thu hút giảng viên giỏi về tham gia đào tạo ngành Thương mại điện tử, trước mắt, Trường Đại học Kinh tế đang tích cực tuyển chọn các sinh viên giỏi, tạo điều kiện để sinh viên được đào tạo ở các nước phát triển về thương mại điện tử, tạo nguồn tuyển dụng lâu dài. Đồng thời, có chính sách để mời các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, các chuyên gia ở doanh nghiệp tham gia đào tạo ngành Thương mại điện tử.
Với giải pháp lâu dài, thầy Trí cho hay, trường đang tích cực chuẩn bị, thu hút thêm đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi với mục tiêu hướng đến xây dựng năng lực đội ngũ giảng viên ngang tầm quốc tế trong lĩnh vực thương mại thông minh. Trường định hướng cân bằng giữa nguồn lực hàn lâm, nghiên cứu bên trong với nguồn lực thực hành, thực chiến từ phía doanh nghiệp.
Về phía Trường Đại học Thương mại, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng cho biết, trường cũng có nhiều chính sách để thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao cho đào tạo ngành Thương mại điện tử, đặc biệt là chính sách thu nhập. Trường hiện là một trong số ít các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và áp dụng mức thu nhập theo mức độ hoàn thành công việc, với đối tượng ưu tiên nhất là các giảng viên.
Tuy nhiên, theo thầy Hưng, các giảng viên ngành Thương mại điện tử của trường phải đáp ứng được yêu cầu công việc về mặt năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, trình độ ngoại ngữ và tin học.
Quan trọng hơn, các giảng viên ngành Thương mại điện tử của trường dù đã làm việc lâu năm hay mới được tuyển dụng, đều phải thường xuyên tự bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới gắn với ngành đào tạo Thương mại điện tử, bởi hoạt động kinh doanh trong môi trường số luôn biến động không ngừng.