Ngành Luật Thương mại Quốc tế: Cơ hội “vươn ra thế giới” nhưng còn thách thức

05/01/2024 06:24
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với một ngành học đang ít cơ sở đào tạo, nhu cầu nguồn nhân lực cao, thì sinh viên ngành Luật Thương mại quốc tế sẽ có lợi thế để tận dụng “thời cơ”.

Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế diễn ra sâu rộng, hoạt động thương mại quốc tế ngày càng bùng nổ, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của ngành Luật Thương mại quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp hoạt động này diễn ra một cách lành mạnh, có tổ chức và phát huy tối đa vai trò của các bên tham gia.

Trong những năm gần đây, ngành Luật Thương mại quốc tế đã thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đào tạo Luật Thương mại quốc tế là phù hợp với xu thế chung của thế giới

Trước nhu cầu của xã hội, đặc biệt là nhu cầu của người học đối với lĩnh vực này, từ năm học 2019 – 2020, ngành Luật Thương mại quốc tế chính thức được tuyển sinh tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Sơn – Chủ nhiệm Khoa Luật Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “So với nhiều cơ sở giáo dục khác, nhà trường mở ngành Luật Thương mại quốc tế khá sớm.

Bên cạnh mục tiêu cung cấp cho học viên những kiến thức pháp lý chuyên sâu và hệ thống về ngành Luật Thương mại quốc tế (bao gồm cả lĩnh vực chính sách thương mại giữa các nước, vùng lãnh thổ và những quan hệ, giao dịch kinh doanh - thương mại mang tính xuyên biên giới giữa các thương nhân), cùng những kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn công việc, chương trình đào tạo của nhà trường còn giúp người học có nhiều trải nghiệm thực tế về các hoạt động liên quan đến thương mại quốc tế.

Từ đó, người học hình thành năng lực làm việc độc lập, sáng tạo và có khả năng phân tích, đánh giá, tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề có liên quan".

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Xuân Sơn (thứ tư bên phải sang) cùng Ban giám hiệu và 1 số thành viên Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Xuân Sơn (thứ tư bên phải sang) cùng Ban giám hiệu và 1 số thành viên Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nói về điểm khác biệt, nổi bật của ngành học này tại Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư Nguyễn Thị Xuân Sơn cho biết, điều này đến từ nội dung chương trình học và chất lượng giảng dạy.

Hiện nay, nhà trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu pháp luật hàng đầu của cả nước. Đây cũng là nơi hội tụ, làm việc và hợp tác của đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là Luật Thương mại quốc tế.

Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu được tu nghiệp chuyên sâu và là các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong nước, thì mạng lưới giáo sư quốc tế hiện đang là giáo sư thỉnh giảng, cộng tác viên được mời định kỳ hàng năm đến giảng dạy cho chuyên ngành này khá nhiều, trong đó có thể kể đến là: Giáo sư Ki Gab Park – Giáo sư Luật của Đại học Korea, Hàn Quốc, thành viên Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hiệp Quốc; Giáo sư Pierre Klein – Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Khoa Luật, Đại học Tự Do Vương Quốc Bỉ (Université Libre de Bruxelles (ULB), Belgium); Giáo sư Peter Arnt Nielsen - Đại học Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch (Copenhagen Business School (CBS), Denmark),...

“Việc này đảm bảo chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Kiến thức được truyền tải cho sinh viên cũng luôn được cập nhật, chứa đựng giá trị học thuật sâu sắc nhằm đảm bảo cho sinh viên có kiến thức toàn diện, cân bằng giữa học thuật (nghiên cứu) và áp dụng luật (vận dụng thực tiễn); đồng thời, trang bị kỹ năng xây dựng pháp luật, kỹ năng giải quyết vấn đề gắn với xử lý tình huống, tranh chấp trong thương mại quốc tế” – cô Xuân Sơn cho hay.

Mặc dù là ngành học khá mới, nhưng ngành Luật Thương mại quốc tế luôn giữ vị trí là ngành có điểm đầu vào cao nhất tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2019 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành liên tục tăng.

Đến năm học 2023, chỉ tiêu ngành này đã tăng gấp đôi so với thời điểm 4 năm trước - thời điểm mới mở ngành. Hiện tại, trường đã đào tạo xong sinh viên khóa đầu tiên (nhập học năm 2019) với kết quả tốt nghiệp đạt chất lượng cao (trên 70% sinh viên đạt loại giỏi).

Còn tại Học viện Ngoại giao, trước đây, Luật Thương mại quốc tế thường được giảng dạy như là một học phần trong chương trình đào tạo của ngành Luật Quốc tế.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và hướng nghiệp cho sinh viên, đồng thời đáp nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế, đến năm 2022, Học viện Ngoại giao đã bắt đầu tuyển sinh thêm ngành Luật Thương mại quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Biển Đông, Phụ trách Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao tư vấn về ngành học cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Biển Đông, Phụ trách Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao tư vấn về ngành học cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Thông tin về ngành học này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Biển Đông, Phụ trách Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho biết, hiện nay, chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế của Học viện gồm 121 tín chỉ, chia thành 06 khối kiến thức chính được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội về thương mại quốc tế.

Trong đó, khối kiến thức chuyên ngành được phân chia thành các mức độ từ cơ bản đến nâng cao; đồng thời, cung cấp các học phần tự chọn phù hợp với năng lực và định hướng của mỗi sinh viên. Những học phần quan trọng của khối kiến thức này là Luật WTO, Luật đầu tư quốc tế, Tư pháp quốc tế, các học phần về giải quyết tranh chấp trong thương mại, đầu tư quốc tế và các học phần về luật Việt Nam.

Bên cạnh các học phần thể hiện bản sắc của Học viện Ngoại giao và các học phần chuyên ngành, học viện cũng rất chú trọng vào việc trang bị các kỹ năng thực tiễn cho sinh viên thông qua các học phần về kỹ năng và tăng cường thời lượng về thực hành.

Đồng thời, sinh viên còn được hướng dẫn và tham dự các cuộc diễn án luật quốc tế - sân chơi để sinh viên áp dụng và thực hành các kiến thức, kỹ năng được học trên lớp vào các phiên tòa giả định.

"Một điều đặc biệt nữa, là trong khuôn khổ chương trình đào tạo Luật Thương mại quốc tế, các sinh viên còn được học tập với những thầy cô, là cán bộ của Bộ Ngoại giao, những người trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế của Việt Nam.

Điều này tạo nên sự đặc sắc và cuốn hút riêng cho các bài giảng mà đội ngũ giảng viên Học viện Ngoại giao truyền đạt tới sinh viên, giúp cho sinh viên có thêm nhiều góc nhìn thực tế trong quá trình nghiên cứu pháp luật” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh nhận định.

Tuy nhiên, vì là một ngành học mới nên cũng gặp phải một số thách thức ban đầu. Cô Lan Anh cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quan hệ thương mại quốc tế ngày càng bùng nổ và có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các học phần trong chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế hiện nay còn mới, nên tài liệu tham khảo của ngành học hiện chưa nhiều”.

Sinh viên có nhiều cơ hội trong tiến trình hội nhập toàn cầu

Chia sẻ cảm nhận của mình về ngành học, em V.H – sinh viên K64, Ngành Luật Thương mại quốc tế - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Luật Thương mại quốc tế là một ngành học có phạm vi rất rộng (bao gồm các phạm trù khác nhau về thương mại, đầu tư, thuế quan, xuất/nhập khẩu…), nhiều kiến thức chuyên sâu và thay đổi nhanh chóng theo tình hình thực tiễn; đặc biệt, điểm quan trọng nhất là ngành học này còn gắn với yếu tố quốc tế.

Với cá nhân tôi, ngành học này không hề dễ. Tuy nhiên, nó lại là ngành học thực sự rất thú vị. Vì Luật Thương mại quốc tế được đánh giá là có nhiều cơ hội phát triển, giúp bản thân trở thành một con người năng động, hội nhập và “vươn ra thế giới” để học tập và làm việc”.

Tuy nhiên, V. H cũng cho biết, tiêu chí đầu vào về ngoại ngữ của ngành học tuy không yêu cầu cao, nhưng trong quá trình học tập, sinh viên sẽ thường xuyên được sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý. Đây có thể là rào cản đối với những bạn có trình độ ngoại ngữ còn yếu.

Đánh giá về những khó khăn bước đầu của sinh viên ngành học này, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng: “Ban đầu, một số học phần trong chương trình đào tạo sẽ là thách thức đối với các bạn sinh viên mới tiếp cận ngành Luật thương mại quốc tế. Vì vậy, sinh viên cần nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên”.

Các giảng viên ngành học đều cho rằng, để học được ngành học này, bên cạnh những tiêu chuẩn chung của ngành luật khác, sinh viên cần có định hướng rõ ràng về chuyên ngành, có sự đam mê nhất định với lĩnh vực thương mại quốc tế. Ngoài khả năng học tập, nghiên cứu, thì khả năng bao quát toàn diện, khả năng hội nhập, thích ứng với thay đổi của sinh viên cũng là điều cần thiết.

Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thường xuyên tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên đề ngành Luật Thương mại Quốc tế. Ảnh: NVCC

Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thường xuyên tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên đề ngành Luật Thương mại Quốc tế. Ảnh: NVCC

Khi nói về cơ hội việc làm cho sinh viên theo học chuyên ngành này, cô Nguyễn Thị Xuân Sơn cho biết: “Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã và đang diễn ra thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực thương mại có độ phủ rộng trên hầu hết các hoạt động và là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, góp phần thay đổi toàn xã hội.

Do đó, sinh viên theo học chuyên ngành này có những lợi thế nhất định để tận dụng “thời cơ” trong tiến trình hội nhập toàn cầu. Nhất là khi bối cảnh ngành học còn mới tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực lĩnh vực này đang rất cao.

Sau khi ra trường, các em có thể công tác ở nhiều lĩnh vực, từ cơ quan tố tụng như Tòa án, Trọng tài, cơ quan nhà nước (cục, bộ, ban ngành,...), các trường đại học, viện nghiên cứu, hay các tổ chức, doanh nghiệp, hãng luật tư nhân,…

Bên cạnh cơ hội về học tập, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng luôn cập nhật, cung cấp cho sinh viên nhiều thông tin về các chương trình học bổng, trao đổi nước ngoài, để các em có thêm nhiều cơ hội được học tập và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Luật thương mại Quốc tế”.

Tại Học viện Ngoại giao, tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc tiếp tục học tiếp học lên cao học sau khi tốt nghiệp ngành luật lên đến 86%, trong đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành đào tạo được đào tạo là hơn 78%.

Các vị trí việc làm của sinh viên sau khi ra trường cũng rất đa dạng như bộ phận pháp chế trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có quan hệ thương mại, dịch vụ quốc tế hay tư vấn pháp luật độc lập cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Chia sẻ thêm về những mong muốn của mình đối với sự phát triển của ngành học, cô Lan Anh kỳ vọng, thời gian tới có thể thiết lập được mạng lưới đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế tại các cơ sở đào tạo đại học đại học và sau đại học tại Việt Nam cũng như quốc tế. Từ đó, giúp diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm đào tạo ngành này ở nước ta ngày càng phát triển.

Kim Minh Châu