2 trường ĐH "chung tay" đào tạo thí điểm ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc

06/07/2024 06:14
Thái Vân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc.

Vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Đây là chương trình đào tạo liên ngành, liên trường đầu tiên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn - Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Theo thống kê khi thiết kế chương trình này, có khoảng 9000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực cho ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc trong tương lai. Vì vậy, chương trình này được xây dựng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và trong tương lai”.

Phạm Trung Tuấn_Khoa QTKD_UEL.JPG
Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn - Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nhận thấy thực tế đó, ngày 14/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định đồng ý giao cho 2 trường thành viên là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc.

Chương trình đào tạo này không chỉ giúp người học am hiểu về kiến thức ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc mà còn am hiểu về lĩnh vực kinh doanh thương mại cũng như các kiến thức về quản lý, quản trị hiện đại. Khác với ngành Kinh doanh thương mại thông thường, ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc sẽ mở ra hướng đi mới cho người học, giúp họ có khả năng làm việc tốt nhất trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là với đối tác Hàn Quốc tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.

Thầy Tuấn thông tin thêm, chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bao gồm các khâu: khảo sát thị trường, khảo sát nhu cầu của người học và các bên liên quan (lấy ý kiến từ cựu sinh viên, những người sử dụng lao động, nhà tuyển dụng, đơn vị đào tạo,..) để nắm bắt nhu cầu thực tế và thiết kế chương trình.

Sau khi chương trình được thiết kế xong đã trình lên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua Hội đồng thẩm định và được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho phép tuyển sinh và đào tạo thí điểm từ năm 2024.

Đào tạo 2 khối kiến thức chuyên ngành

Chia sẻ về vấn đề phân chia giảng dạy trong đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn cho hay: “Chương trình đào tạo ngành này sẽ không có gì quá khác biệt so với các chương trình bình thường khác vì hai trường cùng nằm trong khu vực của Làng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.

Chương trình học của ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc sẽ được triển khai đào tạo trong 8 học kì tương ứng với 4 năm học, tập hợp các môn học với kiến thức chuyên môn cần thiết nhất trong chuyên ngành Hàn Quốc học và Quản trị Kinh doanh và một số môn học được thiết kế riêng cho chuyên ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam.

Tùy theo yêu cầu cơ sở vật chất của từng môn học mà người học có thể học ở các cơ sở của một trong hai trường. Việc vận hành chương trình này cũng không gặp vấn đề gì quá khó khăn vì khoảng cách địa lý giữa hai trường cũng khá gần.

Cụ thể, theo học chương trình này, sinh viên sẽ được đào tạo 02 khối kiến thức chuyên ngành, bao gồm kiến thức về Hàn Quốc học và kiến thức về Kinh doanh thương mại, với 140 tín chỉ, trong đó có 78 tín chỉ do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đảm nhận và 62 tín chỉ do Trường Đại học Kinh tế - Luật đảm nhận.

toadam.png
Tọa đàm xây dựng chương trình đào tạo kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Website nhà trường

Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng như: kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Hàn rồi tiếng Hàn trong kinh doanh thương mại, kỹ năng thuyết trình và soạn thảo văn bản, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, phát triển kỹ năng quản trị, kỹ năng lãnh đạo, nhập môn Hàn Quốc, văn hóa đại chúng và công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, quan hệ kinh tế Việt - Hàn, Thương mại Hàn Quốc, quản trị chiến lược, các môn về Kinh tế học, mô hình kinh doanh số, truyền thông Marketing tích hợp, phân tích dữ liệu, hành vi khách hàng, quản trị rủi ro,..cùng một số kiến thức đại cương chung.

Đặc biệt, chuẩn đầu ra mong muốn là sinh viên không chỉ có kỹ năng làm việc trong lĩnh vực Hàn Quốc học mà phải còn thành thạo cả lĩnh vực kinh tế bằng khối lượng kiến thức đã được truyền tải trong chương trình đào tạo - những kiến thức về đại cương đến những kiến thức về chuyên ngành như dịch vụ, ngoại thương, vận tải, hàng hóa, truyền thông quốc tế, văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc những kỹ năng cần thiết về kinh doanh thương mại và quản trị kinh doanh.

Mục đích sau cùng là để người học có thể tận dụng triệt để những gì đã học, áp dụng thực tế trong công việc của mình.

Nhà trường chú trọng đào tạo theo hướng từ kiến thức cơ sở ngành đến kiến thức ngành chuyên ngành. Đặc biệt, trong chương trình học, nhà trường sẽ tính toán lượng kiến thức phân phối đủ đều cho người học theo từng năm học, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo cho người học.

Theo Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn , việc đào tạo theo hướng liên ngành, đa ngành là xu hướng tương lai. Chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc sẽ giúp cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Kinh tế - Luật tận dụng được những ưu điểm, thế mạnh tốt nhất của hai trường, đưa vào trong quá trình đào tạo và cung cấp cho người học những gì tốt nhất mà hai trường có được.

Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng USSH HCM.jpg
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Trong khi đó ,Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Dù không có thế mạnh đào tạo khối ngành kinh tế nhưng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lại có thế mạnh trong đào tạo về khu vực học, đất nước học, ngôn ngữ, lịch sử văn hóa chính trị địa lý của Hàn Quốc.

Chính vì vậy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Kinh tế - Luật đã cùng hợp tác để đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về kinh tế, từ những kiến thức đại cương đến kiến thức chuyên ngành, để các bạn có đủ khả năng, đủ năng lực, tốt nghiệp và thích ứng được với thị trường lao động, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cơ hội việc làm rộng mở, đa lĩnh vực

Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn cho biết: “Đúng như tên ngành là Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, chúng tôi quyết định đích hướng đến là đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở trên đất nước Hàn.

Chưa kể, thống kê hiện nay lực lượng các bạn trẻ Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc cũng như làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam chiếm tỉ lệ tương đối cao”.

Tuy nhiên, cơ hội việc làm của ngành học này cũng khá rộng. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho hay, sau khi tốt nghiệp, cử nhân Kinh doanh thương mại Hàn Quốc có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu viên, chuyên viên phân tích thị trường, trợ lý giám đốc, quản lý nhân sự, thư ký, thư ký văn phòng, phiên dịch viên, phiên dịch mảng kinh doanh thương mại cho doanh nghiệp Hàn Quốc hay doanh nghiệp Việt Nam có đối tác Hàn Quốc; hoặc có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu giảng dạy tiếng Hàn, giảng dạy các lĩnh vực liên quan kinh doanh thương mại Hàn Quốc ở các trường đại học, cao đẳng, các viện và các trung tâm nghiên cứu.

Ngoài ra, cử nhân ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc có thể học lên bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), các ngành liên quan phù hợp như: Hàn Quốc học, Châu Á học, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh thương mại, Thương mại điện tử

Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn cũng khẳng định: Với vốn kiến thức mà nhà trường cung cấp cho người học trong chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc ( bao gồm 2 khối kiến thức: ngôn ngữ văn hóa Hàn Quốc và kinh doanh thương mại), cho phép sự chuyển ngành của người học sau khi ra trường, nếu như không làm việc trong các doanh nghiệp của Hàn Quốc vẫn có cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam, có thể nhận xét đây là ngành học tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm.

Cơ hội nhận thêm bằng đại học hệ chính quy thứ 2

Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành chương trình Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, nếu đáp ứng yêu cầu về số tín chỉ thì sinh viên có thể nhận thêm bằng đại học chính quy ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hoặc bằng đại học chính quy ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khẳng định, thông tin này hoàn toàn chuẩn xác, điều kiện duy nhất là sinh viên phải học đủ số tín chỉ. Cụ thể, sinh viên phải học thêm ít nhất 20 tín chỉ mới đủ điều kiện nhận thêm bằng đại học chính quy ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hoặc bằng đại học chính quy ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Bên cạnh đó, về chuẩn đầu ra chương trình thí điểm này sẽ bao gồm: kiến thức, kĩ năng và khả năng tự chủ của người học.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Trung Tuấn nhấn mạnh: Về kiến thức, nhà trường sẽ cung cấp cho người học những kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, kinh doanh thương mại và luật; đảm bảo người học có thể đảm nhận tốt vị trí công việc của họ trong tương lai.

Về kỹ năng, người học sẽ được trang bị những kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, phát triển kỹ năng quản trị, kỹ năng lãnh đạo, năng lực kỹ thuật số. Và cuối cùng là ý thức trách nhiệm của người học (trong chương trình đào tạo sẽ có những môn học nâng cao ý thức của người học về trách nhiệm xã hội).

Xu hướng phát triển của ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc

Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sắp tới, việc thiết kế những chương trình liên ngành sẽ trở thành xu hướng ở các trường Đại học tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, do đó chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc là một chương trình mang rất nhiều ưu thế và nếu như các bạn sinh viên cảm thấy mình yêu văn hóa Hàn, yêu ngôn ngữ Hàn và muốn làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc thì đây là lựa chọn phù hợp.

Ở cả hai trường chúng tôi đã có đầy đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực giúp các bạn hoàn thành tốt chương trình này”.

Trong năm học 2024 - 2025 sắp tới, chương trình đào tạo cho tất cả các học kỳ đã được lên kế hoạch rõ ràng, từ lực lượng giảng viên của hai trường đến đề cương và giáo trình cho các học phần giảng dạy cũng đã được chuẩn bị kỹ càng. Nhìn chung, nhà trường đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc.

Về kế hoạch đào tạo tuyển sinh trong các năm tiếp theo, đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin sẽ không mở rộng hoạt động tuyển sinh đào tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục, vì đây là ngành thí điểm đầu tiên liên kết đào tạo (nếu có tăng chỉ tiêu chỉ tăng khoảng 10%).

Chính vì thế, sau khi khóa đầu tiên ra trường ( năm 2028), nhà trường sẽ khảo sát tốt nghiệp theo đúng Quy định của Bộ, xem xét định hướng đề ra có phù hợp không, lúc đó mới điều chỉnh cả về chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và mọi thứ liên quan. Vậy nên, trước hết, vẫn chú ý chất lượng đào tạo ngành thí điểm này.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ thông tin thêm, năm 2024 dự kiến sẽ tuyển 50 chỉ tiêu cho ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc với 5 phương thức xét tuyển:

Phương thức 1: Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ưu tiên tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường trung học phổ thông năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh);

Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển theo Quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông năm 2024;

Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024;

Phương thức 5: Phương thức khác, bao gồm: Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài; Ưu tiên xét tuyển học sinh là thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố; Xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao,...

Thái Vân