Từ ngày 21-22/7/2024, tại Phú Yên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Trường Đại học Phú Yên và Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore tổ chức hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có bài tham luận gửi tới hội thảo với tiêu đề: “Tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân phải được xem là giải pháp then chốt để giải quyết bài toán phát triển đất nước trong những thập niên đầu của thế kỷ 21”.
Để hiểu rõ hơn về quan điểm trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, cùng lắng nghe những chia sẻ xoay quanh nội dung này.
Hệ thống giáo dục quốc dân hiện đang có những điểm bất hợp lý
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trước đây, ông đã từng chỉ ra, hệ thống giáo dục quốc dân hiện đang có những điểm bất hợp lý. Ông có thể tóm tắt những điểm bất hợp lý đó trong giai đoạn này?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Ngay từ thời điểm chuẩn bị bước vào “ngưỡng cửa” của thế kỷ 21, Đảng và Nhà nước đã chủ trương “tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Để đạt được mục tiêu đó, “giáo dục và đào tạo (phải được xem) là quốc sách hàng đầu; phương hướng chung của lĩnh vực giáo dục và đào tạo là phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”.
Tuy nhiên, mục tiêu này đã được điều chỉnh lại tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng xét về phương diện chuẩn bị nguồn lực con người, ngành giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chính. Bởi, cho tới nay, chất lượng của nguồn nhân lực đào tạo ra nói chung còn chưa đạt chuẩn cũng như do cơ cấu đội ngũ nhân lực vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, thiếu đồng bộ. Kết quả, năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam bị thua kém nhiều lần so với thế giới và khu vực. Có thể thấy nhận xét đó qua Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2021 của Tổng Cục Thống kê: Trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (50,561 triệu) thì 73,9% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trung cấp, 3,6% cao đẳng và 11,7% đại học.
Hai nguyên nhân sâu xa có thể là do: Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” chưa được các cấp quản lý, cả ở cấp vĩ mô cũng như cấp cơ sở, quán triệt sâu sắc và chính xác, dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải; mặt khác, vai trò đột phá của giáo dục và đào tạo trong phát triển đất nước còn chưa được xã hội thừa nhận.
Quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực - khâu quyết định sự thành bại của chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở cả tầm quốc gia lẫn tầm địa phương - được thiết kế giản đơn, cứng nhắc, cảm tính, thiếu kinh nghiệm. Một khi bài toán quy hoạch phát triển nhân lực đã không rõ ràng, cho nghiệm kiểu “bốc thuốc” thì cũng sẽ không có được một chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp, sẽ rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy vẽ”, “khỏe ai nấy chạy”.
Phóng viên: Để khắc phục những hạn chế gây ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, cần phải làm gì, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Hai yếu điểm nghiêm trọng như tôi đã nêu ở trên, trước hết có liên quan chủ yếu tới những bất cập ở cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, được thể hiện tại các luật về giáo dục và nhiều văn bản dưới luật hiện hành - về cơ bản không đáp ứng những định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Những biểu hiện cụ thể như: Toàn hệ thống không có sự nhất quán do khối giáo dục nghề nghiệp được tách riêng biệt. Do không phải là một bậc học, không thể xem khối này nằm ở vị trí trên giáo dục trung học và dưới giáo dục đại học.
Ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trong khối đó, cũng không có sự liên thông thực sự. Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: Muốn được dự tuyển vào cao đẳng, thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng, vì có sự khác nhau về mục tiêu và cấu trúc chương trình đào tạo (do 2 cơ quan quản lý nhà nước khác nhau quy định). Chưa kể, xu hướng hạ chuẩn các trình độ trung cấp và cao đẳng, xóa bỏ chức danh kỹ thuật viên để thu hút nguồn tuyển, triển khai các chương trình đào tạo “siêu tốc”...
Không có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO (ISCED 2011), các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của ISCED 2011. Ngoài ra, ISCED-2011 cũng quy định trình độ cao đẳng phải tương ứng với cấp độ 5 (thuộc về giáo dục đại học), trong khi đó, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng chỉ được xem nằm ở cấp độ 4 (dưới giáo dục đại học).
Không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông. Việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở để vào hệ trung cấp là lối đi vào “ngõ cụt”, vì người học khi ra trường còn chưa đủ độ tuổi lao động; thêm vào đó, không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng, còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Do đó, xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau trung học cơ sở, người học đều cố đi vào trung học phổ thông; còn sau trung học phổ thông, người học thường có xu hướng vào đại học. Bởi, nếu vào cao đẳng, sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học (do cấu trúc chương trình ở 2 trình độ này lại được 2 cơ quan quản lý nhà nước khác nhau quy định theo những định hướng khác nhau, rất khó liên thông với nhau).
Để khắc phục hạn chế trên, những năm qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã trình lên Chính phủ bản kiến nghị tái cấu trúc hệ thống giáo dục cho các thập niên đầu thế kỷ 21.
Sơ đồ tái cấu trúc chủ yếu chỉ động chạm tới các phân hệ đào tạo nguồn nhân lực, với giả định giữ nguyên phân hệ giáo dục phổ thông. Các căn cứ để thiết kế sơ đồ này gồm:
Một là, những định hướng cơ bản của Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (hình thành một hệ thống giáo dục mở, thực hiện liên thông giữa các bậc học và trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phân luồng mạnh học sinh sau trung học cơ sở,...).
Hai là, những định hướng cơ bản của Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Ba là, các nguyên tắc cơ bản của Phân loại giáo dục theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được UNESCO ban hành (ISCED 2011) và Khung tham vấn các trình độ ASEAN.
Nét cơ bản của sơ đồ là việc thực hiện triệt để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo 2 hướng: 50% theo hướng trung học phổ thông (General Secondary) và ít nhất 30% theo hướng trung học nghề nghiệp, bao gồm trung học nghề/trung học kỹ thuật (Vocational/Technical Secondary).
Có chính sách ưu đãi khuyến khích học sinh đi vào hướng trung học nghề/trung học kỹ thuật. Khi vào khu vực giáo dục đại học, 2 hướng phân luồng tiếp theo và liên thông với 2 hướng trên là: hướng học thuật (Academic) và hướng ứng dụng-thực hành (Professsional), bảo đảm tỉ lệ sinh viên giữa 2 hướng này là 20-30:80-70.
7 đề xuất trong Quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam
Phóng viên: Từ những bất cập đang tồn tại, ông có đề xuất gì đối với công tác quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Một số đề xuất trong Quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam như:
Thứ nhất, về tư duy chủ đạo cho phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam: Từ các nghị quyết của các Đại hội Đảng và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, có thể thấy rõ: Cùng với khoa học và công nghệ, ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo phải được xem là quốc sách hàng đầu. Để thực hiện sứ mệnh đó, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, của các chuyên gia là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, không thể tiếp thu máy móc bài học từ tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như ý kiến từ mọi chuyên gia, mà phải tuân theo tư duy chủ đạo:
Một là, cần tìm thêm các nguồn lực. Hai là, dựa trên kinh nghiệm của cả thế giới lẫn Việt Nam, cần sáng tạo ra những cách làm mới, phù hợp, ưu tiên phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, để giáo dục và đào tạo Việt Nam sớm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư (của cả Nhà nước và người dân) rất hạn hẹp, còn tiếp tục hạn hẹp.
Thứ hai, chiến lược giáo dục của Việt Nam cần được định ra qua một số bước theo nguyên tắc:
Giáo dục đi trước một bước (mặc dù phải chấp nhận nguồn lực hạn hẹp) để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển (kể cả tạo điều kiện thuận lợi để gọi vốn đầu tư công nghệ cao). Nhờ vậy, ngân sách nhà nước mới tăng, kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục.
Thứ ba, không nên tập trung mọi nỗ lực nhằm thoả mãn tối đa các mục tiêu dân trí.
Cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và Đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề/trung học kỹ thuật).
Phải triển khai phân luồng triệt để học sinh từ sau bậc trung học cơ sở và cần xem đây là giải pháp cơ bản để nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên, chứ không phải sử dụng giải pháp kêu gọi “bóp nghẹt” đầu vào đại học với lập luận “thừa thầy, thiếu thợ”, bởi tỉ lệ nhập học đại học ở nước ta vẫn còn thấp, không tương thích với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ tư, nguyên tắc chung là đất nước muốn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải tạo ra được sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu lao động, theo hướng giảm tỉ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỉ trọng ở các khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, chỉ sự dịch chuyển này thôi cũng chưa thể tạo ra được tăng trưởng nhanh nếu như trên cả nước cũng như ở từng vùng miền còn chưa có được cơ cấu nhân lực (về trình độ và nghề nghiệp) và chính sách đầu tư vào công nghệ phù hợp trong cả 3 khu vực kinh tế nêu trên.
Thứ năm, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thông qua phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống, đặc biệt đối với khu vực trường trực thuộc Trung ương (nhận ngân sách giáo dục Nhà nước), trên cả 2 phương diện: mạng lưới trường và quy trình đào tạo.
Thiết lập cơ chế mở, liên thông đào tạo, khuyến khích hình thành các cụm trường liên kết, kiên quyết xoá bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, tư tưởng cục bộ ở từng trường hoặc từng ngành trong hệ thống như hiện nay.
Để làm được điều đó, quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo phải được tập trung về cùng một đầu mối như rất nhiều nước đã làm, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 của Trung ương.
Thứ sáu, trong lĩnh vực quản lý giáo dục, cần kiên quyết xóa bỏ ngay cơ chế “xin - cho”, thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm giải trình thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế hội đồng trường “đích thực”, tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”.
Nếu muốn nhân rộng ra cho toàn hệ thống (như tinh thần của Luật Giáo dục đại học 2018), Nhà nước cần sớm điều chỉnh hàng loạt luật, văn bản dưới luật hiện hành cho phù hợp với chủ trương này để không gây khó cho các trường muốn đổi mới thực sự.
Ngoài ra, cần có chính sách lôi cuốn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia giám sát các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các chuẩn mực được quy định tại Điều 68 Luật Giáo dục đại học 2018 .
Thứ bảy, thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách phù hợp... như đã nêu tại Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong giáo dục, hoàn thiện quy chế trường đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở giáo dục đại học loại này. Tuyệt đối không vin cớ xã hội hóa để tăng học phí tùy tiện.
Phóng viên: Để tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực thế kỷ 21, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế, trước hết phải triển khai một loạt các giải pháp cấp bách như:
Nhà nước chỉ đạo tập trung ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, Bộ, Ngành; điều tra, xác định lại thành phần, cơ cấu và trình độ lực lượng lao động đất nước, từ đó, lập Quy hoạch nhân lực tổng thể cho các thập niên đầu của thế kỷ 21; trả trình độ cao đẳng về cho giáo dục đại học, phục hồi loại hình trường cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo kỹ thuật viên; xóa bỏ ngay việc thí điểm triển khai các chương trình cao đẳng “siêu tốc” 9+.
Đồng thời, bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp -Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành) vào các nội dung tự chọn của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để mở ra cơ hội cho các trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn.
Tổ chức xây dựng hệ thống trường trung học nghề/trung học kỹ thuật bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có nghề thành thạo (thông qua các giải pháp: Đổi tên và chức năng trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng thực hành hoặc trường trung học nghề/trung học kỹ thuật, hợp nhất một bộ phận trường trung học phổ thông với các trung tâm dạy nghề địa phương thành trường trung học nghề/trung học kỹ thuật...).
Củng cố lại hệ thống trường đại học - cao đẳng địa phương, trong đó có các trường cao đẳng sư phạm theo hướng mở trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số.
Quy hoạch lại các trường đại học theo 2 hướng: hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng - thực hành; ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục (trong đó có khung trình độ quốc gia, các chuẩn chương trình); xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập chất lượng giáo dục;...
Về lâu dài, phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu; từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục đại học.
Chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục đại học công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính; xây dựng một số học viện công nghệ (trực thuộc Trung ương) dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn; tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng/đại học cộng đồng đào tạo đa ngành, đa cấp, đa hệ.
Tạo cơ chế thông thoáng cho hệ thống các trường ngoài công lập, trong đó đặc biệt ưu tiên các trường ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận.
Củng cố và nâng cao năng lực cho 2 trường đại học mở, chủ yếu triển khai phương thức đào tạo từ xa.
Ngoài ra, rất cần thường xuyên điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học dựa theo dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!