Thời gian qua, vụ tham ô hơn 186,2 tỷ đồng tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (gọi tắt là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), đã gây xôn xao dư luận về công tác quản lý tài chính tại cơ sở giáo dục đại học.
Chiều ngày 23/7, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt 5 bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Theo cáo trạng, ngày 03/02/2023, khi phát hiện việc chậm trả tiền lương cho cán bộ, viên chức và học bổng cho sinh viên, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có sai phạm.
Từ đây, công an xác định, từ ngày 15/7/2020 đến ngày 10/2/2023, bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm (cựu Thủ quỹ nhà trường), Hoàng Quang Huy (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy hơn 186,2 tỷ đồng của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. [1]
Sau khi xảy ra vụ án trên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học thành viên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện ngay các biện pháp tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản.
Theo đó, các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc phải tổ chức rà soát toàn bộ các quy trình thanh toán, hoạt động thu chi tài chính chặt chẽ, đảm bảo chính xác, đúng quy định của Nhà nước.
Thường xuyên thực hiện việc đối chiếu số dư các tài khoản tiền gửi ngân hàng, kiểm kê quỹ tiền mặt thực tế khớp đúng với sổ sách kế toán. Hạn chế việc giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt, đẩy mạnh giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng.
Các công nợ tạm ứng, phải thu, phải trả phải được theo dõi chi tiết, chặt chẽ và cuối năm phải có văn bản đối chiếu, xác nhận công nợ của từng đối tượng… [2]
Mặc dù vậy, trước khi vụ án được phát hiện, vụ việc đã diễn trong khoảng thời gian gần 3 năm nhưng Đại học Đà Nẵng không phát hiện được. Vì vậy, dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Đại học Đà Nẵng trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý tài chính, tài sản của các trường thành viên tới đâu?
Có những sơ hở trong hệ thống kiểm soát nội bộ của Đại học Đà Nẵng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận: “Nhiều tình tiết trong cáo trạng cho thấy sự buông lỏng quản lý không chỉ xảy ra ở cấp độ trường mà còn ở cấp độ Đại học Đà Nẵng. Việc để xảy ra vi phạm trong một thời gian dài như vậy cho thấy có những sơ hở trong hệ thống kiểm soát nội bộ”.
Theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh chỉ ra: Về trách nhiệm của Đại học Đà Nẵng: Theo Điều 28 tại Quyết định số 2762/QĐ-HĐĐH về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Đà Nẵng ban hành ngày 14/08/2020 (có hiệu lực trong thời gian xảy ra vụ án - PV), Đại học Đà Nẵng có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo toàn bộ các nguồn tài chính của Đại học Đà Nẵng và chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quản lý toàn bộ các nguồn tài chính của Đại học Đà Nẵng.
Đồng thời, Đại học Đà Nẵng có nhiệm vụ xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính và thông báo quyết toán đối với Đại học Đà Nẵng, các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng; tổng hợp báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính của toàn Đại học Đà Nẵng. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong công tác quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.
Từ quy định trên, có thể rút ra một số vấn đề cần được xem xét:
Một là, hệ thống kiểm soát nội bộ: Hệ thống kiểm soát nội bộ của Đại học Đà Nẵng, đặc biệt là đối với các trường thành viên, chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả. Việc kiểm toán, kiểm tra tài chính hằng năm chưa phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong một thời gian dài, cho thấy có những lỗ hổng trong hệ thống này.
Hai là, trách nhiệm của các cấp quản lý: Các cấp quản lý của Đại học Đà Nẵng, từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban chức năng có liên quan, đều có trách nhiệm trong việc giám sát và kiểm soát tài chính. Việc để xảy ra vụ việc này cho thấy trách nhiệm của các cấp quản lý chưa được thực hiện đầy đủ.
Ba là, tính minh bạch trong quản lý tài chính: Tính minh bạch trong quản lý tài chính của Đại học Đà Nẵng còn hạn chế nên đã không phát hiện được bất thường về tài chính của trường thành viên.
Để khắc phục tình trạng trên, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề xuất một số giải pháp. Cụ thể như sau:
Cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ: Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn, bao gồm việc tăng cường kiểm toán, kiểm tra tài chính định kỳ, áp dụng các phần mềm quản lý tài chính hiện đại và xây dựng các quy trình làm việc rõ ràng.
Nâng cao trách nhiệm của các cấp quản lý: Cần tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc giám sát và kiểm soát tài chính, đặc biệt là đối với những người có thẩm quyền phê duyệt các quyết định chi tiêu.
Tăng cường tính minh bạch: Cần tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính bằng cách công khai thông tin về tài chính một cách thường xuyên và đầy đủ, tạo điều kiện cho cộng đồng giám sát.
Xây dựng văn hóa liêm chính: Cần xây dựng một văn hóa liêm chính trong cộng đồng cán bộ, công nhân viên, tạo ra một môi trường làm việc trong sạch, minh bạch.
Rà soát lại quy định: Cần rà soát lại các quy định hiện hành về quản lý tài chính, bổ sung những quy định cần thiết để đảm bảo việc quản lý tài chính được thực hiện một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Để “thụt két” hơn 186,2 tỷ là hậu quả của buông lỏng quản lý, Đại học Đà Nẵng không thể tránh khỏi trách nhiệm
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chia sẻ: “Tham ô, tham nhũng là một vấn đề vô cùng nhức nhối, người có ý đồ có thể đối phó bằng nhiều cách, cho nên, khả năng phát hiện ra qua thanh tra, kiểm tra cũng có đôi lúc khó khăn.
Tuy nhiên, vụ việc có tính chất nghiêm trọng như vậy, không thể không có trách nhiệm của lãnh đạo quản lý, không chỉ với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (đã được kết luận), mà với cả Đại học Đà Nẵng. Bởi, với vai trò, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hằng năm, phải xem xét kỹ lưỡng các vấn đề rồi mới quyết toán; nếu kiểm tra mà không phát hiện được những điểm bất hợp lý thì kiểm tra làm gì?
Chính vì vậy, dù các đối tượng có đối phó tinh vi thế nào, nhưng với số tiền lớn như vậy, hơn 186,2 tỷ đồng, không thể nói Đại học Đà Nẵng không có trách nhiệm trong quản lý vấn đề tài chính của trường thành viên”.
Đồng tình với quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: “Trước hết, phải khẳng định, đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý. Các quy định về quản lý tài chính cũng như các nguyên tắc tài chính hiện nay đã rất chặt chẽ. Đặc biệt, đối với vấn đề tài chính, luôn luôn phải quyết toán theo năm, công khai định kỳ; kiểm tra quỹ cũng được thực hiện mỗi tháng một lần…
Vì thế, để xảy ra những vi phạm lớn, để lại hậu quả nặng nề như vậy - tham ô “thụt két” 186,2 tỷ đồng, phải khẳng định là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không chỉ Trường Đại học Bách khoa mà Đại học Đà Nẵng cũng đều có trách nhiệm liên quan, buông lỏng và chưa làm tròn trách nhiệm về công tác quản lý.
Tiếp đó, khi đã có dấu hiệu, việc làm sáng tỏ sự thật và xử lý trách nhiệm ở đây cũng chưa thực sự quyết liệt, khẩn trương và triệt để. Cho nên, đã để lại những vấn đề làm băn khoăn dư luận, gây ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh nhà trường”.
Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng đánh giá: “Đây là một bài học hết sức sâu sắc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Bởi vì, nhiều khi, các thầy cô lên làm lãnh đạo có thể rất giỏi trong hoạt động chuyên môn về giáo dục, nhưng công tác quản lý, nhất là vấn đề quản lý tài chính thì vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Vì vậy, lãnh đạo các nhà trường cũng phải chủ động tìm hiểu, trau dồi những kiến thức, nâng cao trình độ quản lý, để tránh thất thoát tài sản lớn. Đối với một cơ sở giáo dục đại học với số lượng sinh viên, người học lớn, các khoản thu - chi cũng rất lớn, nếu không làm tốt công tác quản lý, chắc chắn sẽ bỏ lọt những sai sót trong quản lý tài chính, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đào tạo, cũng như ảnh hưởng niềm tin của đội ngũ giảng viên, nhân viên nhà trường…”.
Nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng một lần nữa nhấn mạnh: “Đối với công tác tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học, theo tôi phải được thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường công khai nguồn thu - chi hàng tháng, hàng quý, để giám sát hiệu quả. Nếu công tác này không được làm một cách định kỳ, thường xuyên, thì rất dễ phát sinh những tiêu cực.
Ngoài ra, bên cạnh công tác kiểm tra hằng năm, còn có công tác kiểm toán đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cho dù đối tượng sử dụng những chiêu trò tinh vi đến đâu, nếu công tác này được làm định kỳ thường xuyên, làm một cách nghiêm túc và cẩn thận, sẽ không thể bỏ lọt”.
Về vấn đề này, Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng khẳng định: “Trước hết, đối với công tác quản lý (nói chung) và quản lý tài chính (nói riêng), phải thực hiện một cách nghiêm túc, một cách triệt để các quy định hiện hành. Không phải để đến khi xảy ra vi phạm, mới kiểm tra, giám sát, mà các cá nhân, tổ chức có nhiệm vụ đối với công tác này phải luôn thực hiện hết trách nhiệm.
Một khi để xảy ra vi phạm, hậu quả hết sức nặng nề. Nếu phát hiện sớm, ngăn chặn sớm, khắc phục hậu quả kịp thời, có thể sẽ không thiệt hại nặng nề đến vậy. Ở đây, chỉ vì Đại học Đà Nẵng thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, mà dẫn tới, thuộc cấp của mình vướng vào lao lý…
Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, để mang tính răn đe, giáo dục. Tôi cho rằng, đó là những điều hết sức cơ bản và cần thiết trong công tác quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục đại học”.
Cần tăng cường giám sát và rõ ràng hóa trách nhiệm từng cấp quản lý
Theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, vụ án tham ô tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là một bài học đắt giá, cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, cần có những thay đổi căn bản trong công tác quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục. Việc nâng cao trách nhiệm của các cấp quản lý, cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và tăng cường tính minh bạch là những giải pháp cấp bách cần được thực hiện.
Vai trò của các cơ quan kiểm toán: Nên tăng cường vai trò của các cơ quan kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của các cơ sở giáo dục.
Xử lý trách nhiệm đối với những người có liên quan: Cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm của những người có liên quan đến vụ việc, không chỉ những người trực tiếp tham gia vào hành vi vi phạm mà còn cả những người có trách nhiệm quản lý, giám sát.
Xây dựng cơ chế phòng ngừa: Cần xây dựng một cơ chế phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính).
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng chỉ ra, vụ án tham ô tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã cho thấy có những lỗ hổng trong hệ thống quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục.
Để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, Đại biểu Tú Anh đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý:
Bổ sung, sửa đổi các quy định: Cần bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, quy trình kiểm soát nội bộ, xử lý vi phạm.
Theo Điều 23, Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Trong khi đó, việc thực hiện các khoản chi từ tài khoản ngân hàng còn có sự lỏng lẻo, do ngân hàng không kiểm soát chi như Kho bạc Nhà nước, về việc chi có hợp lý, đúng quy định hay không - đây là một kẽ hở trong công tác quản lý tài chính. Nếu trước đây mọi khoản thu - chi đều qua Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi chặt chẽ, không có tình trạng rút một số tiền lớn trên 200 triệu đồng mà không có nội dung chi hay kế hoạch xin rút tiền gửi trước 01 ngày cho Kho bạc.
Rõ ràng hóa trách nhiệm: Xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cấp quản lý trong việc quản lý tài chính, từ cấp trường đến cấp Bộ.
Thứ hai, tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng: Trước hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở giáo dục để phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao: Một mặt, đầu tư đào tạo cho cán bộ, công nhân viên về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, quản lý tài chính. Mặt khác, chú trọng tuyển dụng cạnh tranh - tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn cao, đạo đức tốt vào các vị trí quản lý tài chính.
Thứ tư, tăng cường tính minh bạch: Thông qua việc công khai thông tin về tài chính của nhà trường trên cổng thông tin điện tử, báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi đối thoại với cộng đồng để giải đáp các thắc mắc về vấn đề tài chính.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://cand.com.vn/Ban-tin-113/tuyen-an-tu-hinh-nu-thu-quy-tham-o-hon-180-ty-dong-tai-truong-dhbk-da-nang-i738261/
[2] https://giaoduc.net.vn/sau-vu-tham-o-tai-truong-bach-khoa-dai-hoc-da-nang-siet-quan-ly-tai-chinh-post233851.gd