Sau khi xảy ra vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” số tiền hơn 136 tỷ đồng tại Trường Đại học Bách khoa, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học thành viên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện ngay các biện pháp tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản.
Sau vụ tham ô tài sản tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu các trường thành viên thực hiện ngay các biện pháp tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản. Ảnh: AN |
Theo đó, các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc phải tổ chức rà soát toàn bộ các quy trình thanh toán, hoạt động thu chi tài chính chặt chẽ, đảm bảo chính xác, đúng quy định của nhà nước.
Thường xuyên thực hiện việc đối chiếu số dư các tài khoản tiền gửi ngân hàng, kiểm kê quỹ tiền mặt thực tế khớp đúng với sổ sách kế toán. Hạn chế việc giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt, đẩy mạnh giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng.
Các công nợ tạm ứng, phải thu, phải trả phải được theo dõi chi tiết, chặt chẽ và cuối năm phải có văn bản đối chiếu, xác nhận công nợ của từng đối tượng.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng yêu cầu phải kịp thời chi đúng đối tượng và định mức cho sinh viên được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước; tập trung thống nhất quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi về đầu mối tại Phòng Kế hoạch- Tài chính của đơn vị để kiểm soát thu, chi theo quy định, tuyệt đối không để thu, chi ngoài sổ sách;
Rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những sai sót, tồn tại, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc nếu có về Đại học Đà Nẵng để xem xét, giải quyết.
Theo một lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, căn cứ Thông tư số 10 về “Quy chế tổ chức hoạt động của các đại học vùng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước đây Đại học Đà Nẵng đã ban hành quy chế hoạt động, phân định trách nhiệm, quyền hạn của Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên, trong đó có Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Quy chế này có quy định rõ trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản ở các trường.
Cũng như các trường thành viên khác của Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng được ngân sách nhà nước cấp trực tiếp và tự quản lý toàn bộ hoạt động thu chi theo Luật Ngân sách.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Ban Nội chính thành ủy Đà Nẵng cho hay, đối với công tác quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục công lập tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
“Các thầy, cô có thể rất giỏi về chuyên môn giảng dạy nhưng về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý tài chính thì còn hạn chế. Chỉ cần một sơ suất trong quản lý cũng có thể gây ảnh hưởng đến ngân sách cũng như tài chính của nhà trường.
Do đó, Ban Nội chính thường xuyên có công văn nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị tăng cường, rà soát, kiểm tra nguồn tài chính, trong đó có công tác thu – chi chặt chẽ”, vị lãnh đạo này cho hay.
Ngoài vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng thì mới đây (ngày 28/2), Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng vừa mở phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Trường mầm non Hoa Ngọc Lan (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Trong vụ án này, ngoài kế toán phải lãnh mức án 19 năm tù, hai cựu Hiệu trưởng, nguyên thủ quỹ và nguyên văn thư của nhà trường cùng chịu hình phạt cải tạo không giam giữ.
Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, quá trình thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Đà Nẵng) đã tiến hành khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam các đối tượng liên quan.
Cụ thể, bắt tạm giam Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính); Lâm Thị Hồng Tâm (Thủ quỹ) về tội: "tham ô tài sản";
Bắt tạm giam đối với ông Đoàn Quang Vinh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bắt tạm giam Phạm Thị Huỳnh Như (sinh năm 1987, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ tổng số tiền bị tham ô, thất thoát trong vụ án này lên đến 136 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, Cơ quan công an đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ số tài sản trị giá hơn 100 tỷ đồng từ các bị can để khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra, Cơ quan công an cũng đang tiếp tục xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ việc này.