Cần mở rộng, ưu tiên SV theo học lĩnh vực khó tuyển được vay tín dụng lãi 0%

07/09/2024 07:24
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Cần có chính sách cho vay lãi suất 0% cho sinh viên có nguyện vọng đăng kí vào lĩnh vực tài nguyên - môi trường để khuyến khích thí sinh theo học.

Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", xác định một trong số nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.

Nên mở rộng đối tượng, nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng

cnhung-5167.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, những chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác tại nhà trường đã và đang được triển khai và hỗ trợ tối đa đối với sinh viên.

Cụ thể, trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên đầu khóa, nhà trường đã giới thiệu các chế độ chính sách dành cho sinh viên. Trong đó, có chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

“Bên cạnh việc thực hiện chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 81, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam còn triển khai chính sách hỗ trợ chi phí học tập căn cứ vào Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ.

Đối tượng là dân tộc thiểu số rất ít người thuộc vùng khó khăn sẽ được hỗ trợ chi phí học tập bằng 100% mức lương cơ bản trong 12 tháng; đối tượng là sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo cận nghèo sẽ được hưởng 60% mức lương cơ bản trong 10 tháng. Ngoài ra, nhà trường cũng triển khai và hướng dẫn vay tín dụng đối với sinh viên có nhu cầu, các biểu mẫu vay vốn được đưa lên website theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Chính phủ”, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ.

HVTTN VN.png
Kết quả hỗ trợ sinh viên năm học 2023-2024 tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (số liệu nhà trường cung cấp).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Sinh - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn khác được nhà trường triển khai theo đúng các quy định của pháp luật.

Trong năm học 2023-2024 vừa qua, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã miễn 100% học phí cho 47 sinh viên chính quy theo quy định; giảm 70% học phí cho 50 sinh viên chính quy thuộc đối tượng sinh viên là người dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và sinh viên dân tộc thiểu số vùng cao; giảm 50% học phí cho 3 sinh viên chính quy thuộc đối tượng sinh viên có cha, mẹ bị tai nạn lao động.

Về hỗ trợ chi phí học tập, nhà trường đã hỗ trợ cho 17 sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước với mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng 10 tháng/năm học/sinh viên.

cô Sinh.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Sinh - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Về trợ cấp xã hội, có 52 sinh viên thuộc diện là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; sinh viên có gia đình thuộc diện hộ nghèo được nhận trợ cấp với mức trợ cấp từ 100.000-140.000 đồng/sinh viên/tháng.

Để khuyến khích sinh viên học tập, năm học 2023-2024, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp học bổng cho 859 sinh viên với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, về chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước, trường thực hiện đúng theo quy định, theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Hằng năm, nhà trường trích học bổng tối thiểu 8% học phí (tùy theo số lượng sinh viên), trung bình nhà trường cấp khoảng 4 tỷ đồng hỗ trợ cho sinh viên có học lực khá, giỏi trở lên. Bên cạnh đó, còn có nguồn học bổng đến từ các doanh nghiệp do nhà trường đứng ra kêu gọi với mức hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng/năm.

Theo thầy Quyền, chính sách vay vốn dành cho sinh viên còn cần nhiều điều kiện, hiện nay ở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chưa có sinh viên nào vay vốn theo chính sách của Chính phủ.

Bàn về việc nên hướng đến mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng nhằm hỗ trợ cho người học, đặc biệt tính đến cho vay tín dụng với lãi suất 0%, thầy Quyền cho rằng: “Đứng ở góc độ là một nhà khoa học và quản lý giáo dục, tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ chính sách này.

Có thể thấy rõ ràng, đối với sinh viên đại học, Chính phủ có chính sách cho vay với ưu đãi lãi suất 0%, điều này giúp cho những sinh viên có điều kiện khó khăn, không đủ khả năng tài chính có thể tiếp tục theo học. Sau khi sinh viên tốt nghiệp, sẽ có lộ trình để thu hồi, đây cũng là kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới”.

Vị Hiệu trưởng nhấn mạnh, việc nâng mức ưu đãi tín dụng dành cho sinh viên là rất cần thiết, điều này hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững.

“Hiện nay, việc cho vay không lãi suất 0% sẽ giúp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và có năng lực thực sự được tiếp cận với giáo dục đại học.

Đó là hướng phù hợp. Hiện nay, ngày càng nhiều các trường đại học tự chủ tài chính, do đó các cơ sở giáo dục tính học phí dựa trên chi phí đào tạo. Nếu giảm học phí, có nghĩa, chi phí đào tạo bắt buộc phải giảm xuống, trong đó có chi phí thù lao cho cán bộ, kinh phí đầu tư các trang thiết bị phục vụ đào tạo,...

Chính vì vậy cần phải quyết liệt ủng hộ chính sách này”, thầy Quyền bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung cho hay, việc mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng là một trong những giải pháp hỗ trợ tích cực người học, bảo đảm tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Đặc biệt, đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không đủ chi trả cho việc học thì đây là chính sách giúp các bạn có thể theo học đại học. Việc cho vay tín dụng với lãi suất 0% cần lộ trình, hướng dẫn và xác định đúng đối tượng.

Ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong quá trình cấp tín dụng là rất quan trọng

Bàn về vấn đề này, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng cho biết: “Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là chương trình có tính chất xã hội hóa cao, đối tượng thụ hưởng rộng, thời gian trung bình của một món vay kể từ khi cho vay đến khi thu hồi nợ kéo dài, trong đó, khi nguồn lực Nhà nước có hạn.

Do vậy, để chương trình thực sự phát huy có hiệu quả, bảo toàn được nguồn vốn cho thế hệ học sinh, sinh viên, thì việc nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong quá trình cấp tín dụng là rất quan trọng”.

Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên: Đối tượng được vay vốn của chương trình là học sinh - sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam. Để được vay vốn, đối với học sinh - sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Học sinh - sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu,...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Chính phủ cần hỗ trợ cho người học có chính sách vay vốn đi kèm các điều kiện, để đảm bảo sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ trả lại khoản vay.

thầy Quyền.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

“Dĩ nhiên là có cho vay thì sẽ có rủi ro, nhưng Nhà nước cũng nên đầu tư cho con người để phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế của đất nước.

Vấn đề là ngân hàng cũng phải có đưa ra chính sách đi kèm các điều kiện và cam kết. Người học không thể thế chấp tài sản để vay, mà chỉ có thể thế chấp bằng niềm tin, bằng tinh thần và kết quả học tập.

Hiện nay, đối với sinh viên ở một số địa phương có điều kiện khó khăn, đa số các em có tinh thần học tập cao, chính vì vậy, trong điều kiện học phí ngày càng tăng, chắc chắn Chính phủ phải hỗ trợ vấn đề học phí cho người học. Sau khi tốt nghiệp, người học sẵn sàng trả lại bằng thu nhập của họ”, thầy Quyền phân tích thêm.

Cũng theo thầy Quyền, về mặt pháp lý, để đảm bảo sinh viên sẽ trả lại khoản vay, cần phải có giấy tờ xác nhận được là sinh viên ngành nào, trường nào cùng với những điều kiện theo quy định.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Sinh, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện cho sinh viên vay vốn trực tiếp tại trường, mà hỗ trợ làm thủ tục để sinh viên về địa phương vay, việc nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng là một chính sách tốt dành cho sinh viên.

Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để có nguồn học bổng hỗ trợ

Ngoài chính sách hỗ trợ sinh viên từ ngân sách nhà nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh còn tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để có nguồn học bổng hỗ trợ nhằm khuyến khích sinh viên học tập.

Bên cạnh đó, thầy Quyền đề cập: “Với góc độ là một trường đại học công lập đang thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tài nguyên - môi trường, tôi cho rằng, đây là một trong những lĩnh vực khó tuyển sinh nhất hiện nay. Cụ thể, có một số ngành khó tuyển sinh như: Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước,... có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở lĩnh vực này trong tương lai.

Vì thế, cần Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, nên có những chính sách, cụ thể là chính sách cho vay lãi suất 0% cho sinh viên có nguyện vọng đăng kí vào lĩnh vực tài nguyên - môi trường.

Thứ nhất, để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà nước giao phó.

Thứ hai, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, để nhà trường có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Trong đó có vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cần phải gắn kết tất cả ngành nghề khác để phát triển bền vững”.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung, chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thể hiện chính sách đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của những hộ gia đình có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Sức lan tỏa rộng rãi của chương trình này đã mang đến niềm hy vọng và cơ hội thay đổi cuộc sống tương lai cho những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, từ thành thị đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, cô Nhung cũng chỉ ra: “Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong thực tế triển khai các chương trình tín dụng này vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt từ góc nhìn phía sinh viên cũng như các cơ sở đào tạo.

Đó là: nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp, chính sách tạo lập nguồn vốn cho chương trình chưa phù hợp, phương thức cho vay còn nhiều bất cập ở mức vốn cho vay, thời hạn giải ngân và quy trình thủ tục, việc trả nợ và thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, công tác kiểm tra kiểm soát còn thiếu chặt chẽ”.

Để nâng cao chất lượng tín dụng của chương trình này, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có đề xuất:

Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện cơ chế chính sách về đối tượng vay vốn, mức vốn vay, phương thức giải ngân, thời hạn trả lãi và gốc vay…

Đồng thời, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội không chỉ trong việc tuyên truyền thực hiện chương trình mà cả trong giám sát, thu hồi vốn.

Đẩy mạnh mối liên kết, thông tin đa chiều giữa 4 bên gồm: ngân hàng - nhà trường - chính quyền địa phương - học sinh, sinh viên vay vốn.

Kết hợp giữa chính sách tín dụng và định hướng việc làm cho sinh viên, tuyên truyền và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân sinh viên khi tham gia chương trình.

Thúy Quỳnh