Hệ thống giáo dục đại học nước ta đã trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Mặc dù chất lượng giáo dục đã được nâng cao và số lượng các trường đại học tham gia vào quá trình tự chủ đã tăng, nhưng các cơ sở giáo dục đại học vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Nhất là việc gia tăng nguồn thu khác ngoài học phí là vấn đề vô cùng nan giải.
Vô vàn khó khăn từ thu hút nhân lực chất lượng cao đến tuyển sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội bày tỏ lo ngại về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong quá trình thực hiện tự chủ.
“Hiện tượng chảy máu chất xám do cạnh tranh giữa các trường đại học tư thục và công lập trong và ngoài nước ngày càng tăng đã khiến các trường đại học công lập mất đi một số lượng lớn cán bộ, giảng viên, chuyên viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và năng lực công tác. Bên cạnh đó, quy định trả lương theo ngạch, bậc có nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho việc tuyển dụng, khó động viên được người lao động cống hiến hết mình.
Luật Viên chức có một số quy định chưa thuận lợi cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm các cá nhân có năng lực, đang làm việc ở môi trường ngoài công lập và muốn chuyển sang làm việc tại trường đại học công lập; việc cho thôi việc một số viên chức không còn đủ năng lực công tác cũng khá phức tạp.
Trong Luật Lao động năm 2019 và Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những ràng buộc về số giờ làm thêm, không được vượt quá 300 giờ/năm cũng là một khó khăn cho các đơn vị thuộc trường có số lượng giảng viên ít và khó tuyển dụng nhân sự”.
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất trong quá trình tự chủ đại học chính là quá trình chuyển đổi từ bên trong mỗi trường cơ sở giáo dục.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, khi chuyển đổi môi trường từ chế độ “bao cấp” sang cơ chế tự chủ thì tư duy của tất cả các cán bộ từ giảng viên cho tới cán bộ quản lý đều phải thay đổi.
“Trước khi tự chủ, nhà trường chỉ tập trung vào phổ cập kiến thức, cung cấp môi trường học tập cho sinh viên. Hiện tại, nhà trường vẫn duy trì môi trường học tập ấy đồng thời mở rộng cung cấp thêm môi trường sống, môi trường sinh hoạt, cơ sở vật chất,... Trong quá trình tự chủ, người học trở thành trung tâm của toàn bộ các hoạt động tại nhà trường.
Đối với giảng viên, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp những kiến thức, kỹ năng họ có mà phải cung cấp những thứ mà xã hội cần. Do vậy, tư duy của đội ngũ cán bộ làm việc tại trường rất quan trọng và đồng thời cũng là thách thức lớn nhất trong quá trình tiến tới tự chủ của trường đại học”, thầy Chương chia sẻ.
Còn tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo nhà trường cho biết, khó khăn của hầu hết các trường đại học tự chủ phải đối mặt chính là sự cạnh tranh trong công tác tuyển sinh. Mức độ cạnh tranh trong công tác tuyển sinh ở các bậc đào tạo, ngành học ngày càng mạnh mẽ không chỉ giữa các trường công lập với nhau mà cả giữa các trường công lập và trường tư thục.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, việc gia tăng nguồn thu từ các hoạt động khác như: nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết... còn gặp nhiều hạn chế. Kết quả tăng nguồn thu trong những năm qua của trường chủ yếu là tăng từ nguồn thu học phí.
Khó tiếp cận các nguồn thu khác ngoài học phí
Hiện nay, đa số nguồn thu từ các trường đại học đều đến từ học phí, chiếm từ 80-90% trong cơ cấu nguồn thu. Trong khi đó, đối với các cơ sở giáo dục đại học, có thể có rất nhiều nguồn thu như: thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân; thu từ cho thuê tài sản công; thu từ nguồn tài trợ, hiến tặng và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngoài học phí, các cơ sở giáo dục đại học lại gặp vô vàn khó khăn trong việc gia tăng nguồn thu từ các hoạt động khác.
Giải thích về tỷ lệ nguồn thu từ học phí chiếm hơn 90% và nguồn thu từ các hoạt động khác lại khá hạn chế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho biết: “Mỗi năm, các khoản tài trợ từ cựu sinh viên và các tổ chức chủ yếu được sử dụng cho quỹ học bổng của sinh viên. Tuy nhiên, so với nhu cầu của nhà trường, các nguồn tài trợ này vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ như mong muốn.
Về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, các cán bộ của nhà trường đã nỗ lực khai thác các đề tài từ nhiều đơn vị, từ các bộ đến cơ quan ngang bộ nhưng kinh phí chỉ dao động từ 50-100 tỷ đồng/năm và phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học ấy đều dựa vào nguồn ngân sách nhà nước”.
Bên cạnh đó, thầy Phạm Hồng Chương thông tin thêm, về nguồn thu từ xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gặp khó khăn do tính chất chuyên môn chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, quá trình đưa sản phẩm đi liên doanh, liên kết cũng gặp rất nhiều khó khăn vì phải xác định giá trị tài sản. Đồng thời, đây là sản phẩm mang tính chất giáo dục nên Nhà nước cũng không khuyến khích đem ra làm kinh doanh như doanh nghiệp.
Những quy định, cơ chế về quản lý tài sản công hiện nay chưa rõ ràng và điều đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc gia tăng các nguồn thu khác của nhà trường còn hạn chế. Sắp tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh thêm các ngành Logistic, Marketing số... Những ngành này hoàn toàn có thể kết hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức khởi nghiệp để tổ chức các hoạt động gia tăng nguồn thu nhưng bản thân những cơ chế để thực hiện điều đó còn nhiều "ràng buộc”.
Về phương hướng giải quyết trong tương lai, thầy Phạm Hồng Chương nhấn mạnh rằng, hiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gần như không thể kinh doanh ngoài việc đem tài sản phục vụ cho giáo dục. Vì vậy, định hướng sắp tới của trường là phát triển về công nghệ, mở rộng thêm các ngành đào tạo về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin. Từ đó kết hợp thêm các kiến thức về kinh tế, phát triển doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu.
Tại Trường Đại học Hà Nội, thầy Dũng cho hay nguồn thu từ các hoạt động hợp pháp khác có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020, nguồn thu hợp pháp khác chiếm 25,59% trong cơ cấu nguồn thu. Năm 2021, con số này là 24,54%. Năm 2022 và 2023, tỷ lệ nguồn thu hợp pháp khác trong cơ cấu nguồn thu của trường lần lượt là 31,37% và 37,67%. Điều đó đã góp phần tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên, người lao động của trường.
Về nguồn thu từ hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ, do đặc thù các ngành đào tạo của nhà trường phần lớn liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn nên nguồn thu từ việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ còn rất thấp. Đây cũng là tình hình chung của các trường cũng đào tạo lĩnh vực này.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội thông tin thêm, hiện nay, nhà trường có một số đề tài nghiên cứu khoa học có sản phẩm ứng dụng như phần mềm dạy học ngoại ngữ trên điện thoại di động, trên nền tảng số và đang hoàn thiện để thương mại hóa trong tương lai.
Để có thể gia tăng nguồn thu khác ngoài học phí, nhà trường đã tích cực triển khai các hoạt động dịch vụ liên quan đến thế mạnh về ngoại ngữ như: tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật... hoặc nhận tài trợ của một số đại sứ quán, doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh rằng, việc đa dạng hóa nguồn thu hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu xây dựng các phương án tạo ra nguồn thu bền vững.
Để xây dựng các phương án và dự án tạo ra nguồn tài chính bền vững trong tương lai, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu đạt các chỉ tiêu trong đánh giá và xếp hạng cơ sở đào tạo, hướng đến “xuất khẩu” và “nhập khẩu” giáo dục đại học.
Cần văn bản hướng dẫn dưới luật để tháo gỡ vướng mắc
Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, hiện nay, hoạt động tự chủ đại học đang chịu ảnh hưởng của nhiều văn bản luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu,... và các luật về thuế, tài chính; các Nghị định của Chính phủ, điều lệ trường đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Chính vì thế, việc ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật là điều cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tự chủ đúng theo quy định của pháp luật.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương khẳng định, điều quan trọng nhất hiện nay đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ và cho phép nhà trường tăng cường các hoạt động liên doanh liên kết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nêu quan điểm: “Chúng tôi mong muốn có một Nghị định cho các trường đại học tự chủ, trong đó có các điều khoản cho phép các trường đại học tự chủ toàn bộ kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên, phát huy được tối đa năng lực và sáng kiến, gỡ bỏ một số rào cản về thủ tục.
Về nguồn nhân lực, các trường đại học tự chủ muốn được chủ động xây dựng đề án trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với đặc thù hoạt động và điều kiện tài chính của nhà trường, đề án do hội đồng trường phê duyệt.
Đồng thời, nhà trường tự chủ được chủ động bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tiến hành kiểm tra hậu kỳ để đảm bảo tuân thủ quy định giống như việc các trường tự chủ được chủ động mở chương trình đào tạo như hiện nay”.
Về tài chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí để các trường có thể mở rộng quy mô đào tạo, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đào tạo các ngành nhu cầu xã hội lớn mà người học ít quan tâm.
Đối với học phí của sinh viên, thầy Dũng kiến nghị Nhà nước chia sẻ thêm với các trường phần chênh lệch giữa kinh phí cấp bù học phí từ ngân sách và mức bù thực tế của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, mở rộng quy mô sinh viên vay tiền học đại học với mức ưu đãi.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/cac-truong-dai-hoc-thuc-hien-tu-chu-nhung-khong-duoc-de-tac-dong-xau-toi-gdpt-post244699.gd