Giáo sư, phó giáo sư cần được luật hóa rõ về vị trí, quyền hạn và trách nhiệm

10/07/2025 08:54
Linh An
Theo dõi trên Google News

GDVN -PGS.TS Hoàng Minh Sơn khẳng định Bộ sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, đảm bảo Luật thực sự là công cụ kiến tạo, đồng hành và thúc đẩy phát triển GDĐH.

Chiều 9/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành; Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban soạn thảo, Tổ biên tập; các chuyên gia và đại diện một số cơ sở giáo dục đại học.

1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Mở ra không gian khoáng đạt cho phát triển giáo dục đại học

Phát biểu góp ý tại phiên họp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Đại học Phenikaa, đánh giá dự thảo lần này đã cập nhật nhiều nội dung mang tính chuyên môn, bổ sung những điểm mới, phù hợp thực tiễn từ góc nhìn cơ sở giáo dục đại học.

2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Đại học Phenikaa chia sẻ tại phiên họp

Liên quan đến mô hình đại học đổi mới sáng tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Xuân Năng đề xuất cần bổ sung nội dung này trong “phạm vi điều chỉnh” của Luật. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học gắn với đổi mới sáng tạo cần được hiểu như doanh nghiệp đặc biệt về khoa học công nghệ. Từ đó, cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học nên được quy định theo hướng mở, linh hoạt điều chỉnh phù hợp với đặc thù và quá trình phát triển của nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), đề xuất dự thảo cần có một chương riêng quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đại học, giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận; đồng thời bổ sung quy định về vị trí việc làm giáo sư, phó giáo sư để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực này.

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Phát biểu kết luận phiên góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định: Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, đảm bảo Luật thực sự là công cụ kiến tạo, đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật cần phân định rõ nội dung nào quy định trong luật, nội dung nào thuộc phạm vi dưới luật. Luật phải ngắn gọn, minh bạch, không chồng chéo, không rườm rà, song vẫn đảm bảo bao quát thực tiễn đa dạng của giáo dục đại học.

Về quyền tự chủ, Thứ trưởng cho rằng đây là nền tảng tạo ra động lực, nguồn lực, thậm chí là áp lực tích cực để các cơ sở giáo dục đại học có không gian phát triển bền vững.

3.jpg
Đại biểu dự phiên họp

Theo Thứ trưởng, qua quá trình triển khai tự chủ trong những năm qua, năng lực quản trị đại học đã có sự chuyển biến đáng kể. So với cách đây 7-8 năm, vai trò của hiệu trưởng, hội đồng trường ở nhiều đơn vị đã thay đổi rõ rệt, thể hiện sự trưởng thành và tiến bộ trong quản lí đại học.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý: tự chủ chỉ phát huy hiệu quả nếu đi kèm với việc khai thông các nguồn lực. Nhà nước có thể hỗ trợ qua ngân sách, trong khi xã hội – bao gồm người học, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ – cũng cần được khơi dậy tiềm năng đóng góp. “Luật phải làm sao tạo điều kiện để khai thông mọi nguồn lực, từ trong ra ngoài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý đến vai trò đặc biệt của đội ngũ giảng viên, trong đó giáo sư, phó giáo sư cần được luật hóa rõ về vị trí, quyền hạn và trách nhiệm.

Về quản lí nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới giảm mạnh thủ tục hành chính, có thể ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả giám sát. Tuy nhiên, một số khâu then chốt vẫn cần được “nắm chắc” để bảo đảm chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo.

Linh An