Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Đại học Vinh, quy tụ nhiều chuyên gia, thầy cô, tạo ra một diễn đàn khoa học về những chủ đề nghiên cứu về khoa học giáo dục để các chuyên gia, cơ sở giáo dục cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành giáo dục.
Làm thế nào để giáo dục lý tưởng tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học?
Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà – Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu một số vấn đề về tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong môn Tiếng Việt cấp tiểu học. Nghiên cứu này còn có sự tham gia của Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Nga – Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà chia sẻ, có ba nguyên tắc tích hợp giáo dục lý tưởng tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong môn Tiếng Việt cấp tiểu học.
Thứ nhất, tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống nhưng không làm thay đổi đặc trưng môn học.
Thứ hai, tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống dựa trên nguyên tắc lựa chọn.
Thứ ba, tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống tạo nên sự kết nối giữa người học với thực tiễn cuộc sống, khơi dậy hứng thú và niềm đam mê học tập của các em.
Về nội dung tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học trong môn Tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyệt Hà lưu ý, các đề xuất được trình bày gắn với hoạt động rèn kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; tương ứng với từng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt và đặc thù của đối tượng học sinh (theo khối lớp), nội dung tích hợp được xác định cụ thể; nội dung giáo dục được tường minh qua các địa chỉ tích hợp phù hợp hoạt động rèn kỹ năng và nhiệm vụ học tập.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một số hình thức tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học trong môn Tiếng Việt.
Thứ nhất, tích hợp giáo dục qua hoạt động rèn luyện kỹ năng sử dụng Tiếng Việt. Ở hình thức này, nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống được tích hợp trong một hoặc một số hoạt động rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, thông qua hệ thống bài tập thực hành phù hợp.
Thứ hai, tích hợp giáo dục qua hình thức liên hệ, mở rộng bài học Tiếng Việt. Theo đó, sau mỗi hoạt động đọc, viết, nói và nghe (chủ yếu là sau hoạt động đọc),bằng cách đặt các câu hỏi, yêu cầu, đề nghị kết nối thông tin, thông điệp giáo dục trong bài học với thực tiễn,giáo viên từng bước giúp học sinh nhận hiểu về lí tưởng, lối sống, về nét đẹp trong các hành vi đạo đức....
Thứ ba, tích hợp toàn phần qua hoạt động ngoại khoá Tiếng Việt. Giáo viên có thể thiết kế các hoạt động như: “Trải nghiệm đọc trong không gian văn hoá” để việc rèn thói quen đọc, kĩ năng đọc được đặt hoàn toàn trong phông nền, ngữ cảnh, không gian văn hoá địa phương.
Tiến sĩ Nguyệt Hà nhấn mạnh, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản về tính khoa học, phù hợp đặc trưng môn học, tính chọn lọc và khả năng kết nối với trải nghiệm sống của học sinh.
Việc lựa chọn mô hình/ hình thức tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong môn Tiếng Việt phù hợp nội dung, điều kiện thực tiễn và hứng thú, trình độ tư duy, ngôn ngữ của học sinh đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành công chiến lược giáo dục đã đề ra.
Chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông có ý nghĩa quan trọng
Cũng tại phần báo cáo của phiên song song diễn ra chiều ngày 4/10, trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông: Khai thác nền tảng số, dữ liệu số và công cụ số.
Nghiên cứu này của nhóm tác giả: Trần Trung (Học viện Dân tộc); Trịnh Thị Phương Thảo (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên); Nguyễn Ngọc Giang (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh); Kim Mạnh Tuấn (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội); Hoàng Thị Mai (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội).
Nghiên cứu nêu ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực của xã hội. Công nghệ số trong giáo dục (Digital Technology in Education - DTE) với trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), chuỗi khối (Blockchain), thực tại ảo (VR), in 3D,… góp phần chuyển đổi cách thức dạy học từ truyền thống sang dạy học trong môi trường số.
Sự phát triển của nền tảng số, dữ liệu số và công cụ số đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới trong việc cải thiện chất lượng giáo dục. Bằng việc tận dụng nền tảng số, sử dụng dữ liệu số và áp dụng các công cụ số, chúng ta có thể tối ưu hóa quy trình giảng dạy, tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh, cung cấp các tài liệu học tập đa dạng và phong phú, và đánh giá hiệu quả hơn về quá trình học tập.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung chia sẻ, nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều tiện ích và cơ hội cho các nhà nghiên cứu. Nhờ vào các công cụ và phần mềm phân tích dữ liệu hiện đại được cung cấp, tích hợp trên các nền tảng số, quá trình thu thập và xử lý thông tin trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Các nền tảng số cũng tạo điều kiện cho việc chia sẻ kiến thức và hợp tác quốc tế, giúp các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới có thể làm việc cùng nhau một cách dễ dàng. Đồng thời, chúng cung cấp các nguồn tài liệu và tài nguyên phong phú, giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển ý tưởng mới.
Nhờ có nền tảng số, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học trong khoa học cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, mở ra nhiều hướng đi mới cho tương lai. Các nền tảng số hiện nay có thể hỗ trợ nhà nghiên cứu trong cả quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh các nền tảng số, các công cụ số cũng có thể hỗ trợ tốt cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tiềm năng công nghệ số trong nghiên cứu khoa học bao gồm: Quét dữ liệu đầy đủ hơn; phân tích dữ liệu chính xác hơn; trình bày kết quả tường minh hơn; công sức lao động giảm nhẹ hơn; thuyết phục người đọc hơn.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung cũng nhấn mạnh đến nền tảng số, dữ liệu số, công cụ số trong quản trị nhà trường.
Chuyển đổi số trong công tác quản trị nhà trường không chỉ đơn giản là số hoá dữ liệu quản lý riêng biệt, mà cần đồng bộ các nội dung quản trị nhà trường trên cùng một nền tảng số. Nền tảng số cần đảm bảo tính liên thông dữ liệu giữa các nội dung quản trị của nhà trường, đồng thời đảm bảo liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành của cơ quan quản lý.
Hiện nay, công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đã thu hút sự tham gia nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ phần mềm, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các nền tảng số quản trị nhà trường.
Báo cáo này đã hệ thống hóa và giới thiệu một cách chi tiết các nền tảng số, dữ liệu số và công cụ số được thiết kế để phục vụ bốn loại hình hoạt động chính trong giáo dục phổ thông tại Việt Nam: giảng dạy, học tập, nghiên cứu và quản trị.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo thiết kế nguồn học liệu số
Cùng với sự phát triển sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thấy, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực đời sống. Từ thực tiễn đó, Thạc sĩ Đặng Thị Thùy Dương trình bày tham luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo thiết kế nguồn học liệu số cho lớp học đảo ngược trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.
Nghiên cứu này của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng: Thạc sĩ Đặng Thị Thùy Dương; Tiến sĩ Trương Trung Phương; cử nhân Trần Ngọc Thìn; cử nhân Nguyễn Thị Thái Bình.
Thạc sĩ Thùy Dương chia sẻ, lớp học đảo ngược được xem là một trong những mô hình dạy học hiện đại và xu hướng của giáo dục thế giới hiện nay cũng như chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.
Lớp học đảo ngược là một mô hình dạy học mà trình tự giảng dạy sẽ bị “lật ngược” so với mô hình giảng dạy truyền thống. Theo đó, người học sẽ phải dành thời gian để xem trước các bài giảng mà giảng viên cung cấp, thực hiện các bài tập, nghiên cứu tại nhà. Giờ học trên lớp sẽ dành cho các hoạt động học tập giúp người học nâng cao khả năng làm chủ các kỹ năng thông qua làm bài tập, làm việc nhóm với sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên.
Mục đích của việc đảo ngược trình tự giảng dạy là tăng cường tính tự học của học sinh, tạo điều kiện để học sinh tìm hiểu nội dung của bài học phù hợp với tốc độ học tập và mức độ nhận thức của cá nhân và có thêm nhiều thời gian trên lớp để tăng cường các hoạt động dạy học tích cực phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Lớp học đảo ngược giúp xây dựng môi trường học tập linh hoạt, văn hóa lấy học sinh làm trung tâm và thúc đẩy quá trình cá nhân hóa hoạt động học tập của học sinh.
Tuy nhiên, lớp học đảo ngược cũng gia tăng khối lượng công việc của giáo viên để xây dựng các nguồn tài nguyên học tập trước khi đến lớp cho học sinh và sự thiếu hứng thú của học sinh trong việc học, tìm hiểu bài ở ngoài lớp.
Thạc sĩ Thùy Dương cũng nêu một số biện pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo thiết kế nguồn học liệu số cho mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.
Thứ nhất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế các bài giảng E-Learning. Khi thiết kế bài giảng E-Learning, giáo viên cần chú ý một số vấn đề như xây dựng nội dung bài giảng ngắn gọn, nêu được yêu cầu cần đạt của bài học và làm nổi bật được những vấn đề trọng tâm của bài học; cần đảm bảo tính trực quan, sinh động cho bài giảng để tạo hứng thú học tập cho học sinh; tăng cường các hoạt động tương tác, định hướng hoạt động học tập để học sinh chủ động tìm hiểu nội dung kiến thức cơ bản của bài học.
Thứ hai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế phim hoạt hình lịch sử. Hiện nay việc sử dụng phim hoạt hình chỉ dừng lại ở việc khai thác những phim hoạt hình đã có sẵn trên internet sau đó được biên tập bằng cách cắt hoặc ghép các đoạn lại với nhau để tạo thành một đoạn phim phục vụ cho mục đích dạy học. Cách làm này đã dẫn đến nhiều hạn chế mà trước hết là việc cắt ghép các video có sẵn để phục vụ việc dạy học sẽ không tạo ra được một sản phẩm có nội dung phản ánh hoàn chỉnh một đơn vị kiến thức lịch sử, nó mang tính rời rạc, thiếu tính thống nhất.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, giáo viên có thể khai thác các tính năng của các ứng dụng AI để thiết kế các bộ phim hoạt hình cho lớp học đảo ngược.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, năm nay, ban tổ chức ghi nhận có 201 công trình gửi đến Hội thảo; trong đó có 51 công trình về giáo dục đại học; 150 công trình về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Điều này thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, các nhà giáo, các nhà khoa học đối với sự nghiệp phát triển khoa học giáo dục nói riêng và giáo dục của Việt Nam nói chung.
Các công trình được các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ, nhà quản lý, nhà giáo tâm huyết nghiên cứu để mang đến cho Hội thảo.
Các công trình nghiên cứu tập trung theo hai định hướng chính, đó là: Báo cáo thiên về học thuật, về phát triển nội tại của lĩnh vực khoa học giáo dục; áp dụng những nghiên cứu về khoa học giáo dục trong việc phát triển ngành giáo dục. "Đó cũng là nền tảng giúp chúng ta vừa có cơ sở lý luận để phát triển chuyên sâu, bổng sung thêm kể cả vấn đề thế giới quan khoa học giáo dục. Đồng thời, có những dẫn chứng, cách thức tiếp cận để áp dụng vào thực tiễn của hệ thống giáo dục quốc dân, từ cấp mầm non cho đến đại học", thầy Bằng cho biết.
Thầy Bằng chia sẻ, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Kết luận Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Hoa Cương – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những công trình, nghiên cứu của các thầy cô gửi về Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm nay.
Đây là một Hội thảo thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Năm nay, Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Vinh. Năm 2025, dự kiến sẽ tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2025-2030. Đây là cơ hội để tới đây các nhà khoa học đăng ký các nhiệm vụ khoa học.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ủng hộ các cơ sở giáo dục đại học để có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; dành ưu tiên nguồn lực, điều kiện để nghiên cứu.
Tiến sĩ Hoàng Hoa Cương cũng nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học giáo dục cần bám sát thực tiễn, bám sát sự thay đổi tình hình kinh tế xã hội của đất nước, chẳng hạn như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vi mạch bán dẫn...