Cần có những chính sách hỗ trợ nhà giáo để khuyến khích đổi mới giảng dạy

04/10/2024 16:32
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Sau khi có sách giáo khoa thì cần tập trung vào việc bồi dưỡng giáo viên trong việc tiếp cận và sử dụng.

Đó là một trong những nội dung được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác, giảng viên cao cấp khoa Hoá học, Trường Đại học Vinh nêu ra trong bài tham luận “Một số vấn đề biên soạn sách giáo khoa và bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”, trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Khi thiết kế kế hoạch bài dạy, giáo viên cần nghiên cứu kĩ sách giáo khoa

Sách giáo khoa được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo hướng tiếp cận mới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực. Khi thiết kế kế hoạch bài dạy, giáo viên cần nghiên cứu kĩ sách giáo khoa để có thể tổ chức các hoạt động theo nội dung sách giáo khoa.

Chia sẻ tại hội thảo, thầy Giác cho biết, chúng ta cần phải hướng đến việc để học sinh tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức khi cần thiết để phục vụ cuộc sống. Đó một trong những thay đổi lớn mà từ khóa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã nhắc đến đó là “thay đổi theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực”.

Khi thay đổi như vậy thì từ cấu trúc, nội dung, tổ chức các hoạt động trong sách sẽ thay đổi để chúng ta có một bộ sách định hướng theo triết lí 3 trụ cột: Khám phá thế giới tự nhiên từ những trải nghiệm thực tế; Sáng tạo trong học tập vì một ngày mai tươi sáng; Biết cách tự học là đồng nghĩa với mọi thứ đều biết.

ed4b93bb-9c37-4d65-8d96-bf0c789f7cff (1).jpeg
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024.

Đối với các môn khoa học tự nhiên cần phải bám theo triết lí khám phá thế giới tự nhiên từ những trải nghiệm thực tế mà các em nhìn thấy trong cuộc sống, trong tự nhiên. Cũng theo thầy Giác, định hướng trung học cơ sở là giáo dục cơ bản, định hướng sang trung học phổ thông là giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, trong sách giáo khoa cần phải làm rõ những nghề nghiệp nào gắn với các môn học. Đặc biệt là những môn liên quan đến kỹ thuật, khoa học tự nhiên, vật lý, sinh học đang thiếu hụt một đội ngũ về khoa học kỹ thuật, nhất là khi tương lai các nước đều đang phát triển các ngành khoa học kĩ thuật.

Thực tế hiện nay, nhiều học sinh lựa chọn các môn học khoa học xã hội trong khi các môn khoa học tự nhiên sẽ giải quyết những vấn đề căn cơ, đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược cụ thể.

Bên cạnh đó, các bộ sách đang tập trung theo hướng tự học, nếu không bồi dưỡng được năng lực tự học thì sách giáo khoa có dày đến bao nhiêu trang đi chăng nữa cũng sẽ không thể gom đủ kiến thức của nhân loại.

Trên tinh thần đó, cách tiếp cận của các bộ sách cũng khác nhau để làm sao những cách giáo dục của xã hội được lồng ghép vào sách giáo khoa như tiếp cận học tập qua trải nghiệm, thực tiễn; tiếp cận hoạt động hình thành kiến thức, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tiếp cận năng lực tích hợp, vận dụng kiến thức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác, giảng viên cao cấp khoa Hoá học, Trường Đại học Vinh chia sẻ tại hội thảo
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác, giảng viên cao cấp khoa Hoá học, Trường Đại học Vinh chia sẻ tại hội thảo

Sách giáo khoa kết nối từ tình huống thực tế truyền tải thành nội dung trong sách và vận dụng công nghệ vào cuộc sống, từ đó có thể thấy sách giáo khoa đã hướng tới tiếp cận năng lực tích hợp và vận dụng kiến thức.

Sách giáo khoa mới tiếp cận kiến thức thông qua bối cảnh và tình huống thường gặp trong thực tế (minh hoạ chủ yếu dưới dạng kênh hình, dữ liệu thực nghiệm, bảng biểu, sơ đồ, đồ thị, thực hành thí nghiệm, ...), từ đó đề xuất các hoạt động giáo dục phù hợp với hệ thống câu hỏi thảo luận dành cho học sinh với sự trợ giúp của giáo viên là người hướng dẫn học sinh rút ra các kết luận cần thiết theo yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học. Hệ thống câu hỏi thảo luận cùng với hệ thống bài tập cuối bài học, cũng như các nội dung thực hành trong một số bài học sẽ giúp học sinh phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình môn học.

Cơ sở vật chất đáp ứng chương trình mới nhiều địa phương còn gặp khó khăn

Cũng theo thầy Giác, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng nội dung để biên soạn, tìm hiểu cấu trúc của các bộ sách theo chương trình mới, tập trung vào tổ chức các hoạt động hơn, phát triển phẩm chất năng lực. Giáo viên cần đầu tư nhiều hơn, trở thành chuyên gia để học sinh tự học, tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, đồng thời lồng ghép nội dung lý thuyết và thực tế, đạo đức và năng lực với nhau.

Đồng thời, để giáo viên có thể tiếp cận và sử dụng được sách giáo khoa mới, cần lưu ý các nội dung như: Tìm hiểu cấu trúc của sách giáo khoa bởi các sách giáo khoa khác nhau sẽ có triết lí biên soạn và cách tiếp cận khác nhau nên sẽ có cấu trúc khác nhau dẫn đến cách tổ chức dạy học có thể khác nhau.

Bên cạnh đó, cấu trúc mỗi bài học trong sách giáo khoa thể hiện hiện quan điểm biên soạn của các tác giả. Mặc dù các sách giáo khoa đều phục vụ cho một chương trình nhưng cách tiếp cận trong mỗi chủ đề và mỗi bài học khác nhau sẽ làm phong phú quá trình dạy học và dẫn đến cách hình thành và phát triển năng lực môn học của học sinh có những khác biệt. Để tận dụng được các ưu thế của từng bộ sách giáo khoa, giáo viên cần đầu tư nghiên cứu kĩ cấu trúc bài học mà sách giáo khoa trường mình lựa chọn, từ đó có phương pháp thiết kế kế hoạch bài dạy một cách hiệu quả

Có thể thấy sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã theo quan điểm đổi mới và hội nhập. Điều này rất quan trọng trong việc đào tạo con người toàn diện. Không chỉ vậy, giáo viên và học sinh cũng thay đổi trong phương pháp giảng dạy và học tập.

Hiện nay, giáo viên và học sinh đã có nhiều nhận thức về thay đổi cách tổ chức dạy và học để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực trong quá trình đổi mới, cần có những chính sách hỗ trợ nhà giáo để khuyến khích trong quá trình đổi mới giảng dạy.

Cơ sở vật chất đáp ứng chương trình mới nhiều địa phương còn gặp khó khăn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa cũng như khu vực nông thôn, cần có ngân sách nhà nước đầu tư hỗ trợ. Tất cả hướng tới mục tiêu chương trình đào tạo mới được triển khai tốt, các em học sinh được thực hành đáp ứng yêu cầu bài học”, thầy Giác đề xuất.

Sách giáo khoa mới đã thể hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung, phương pháp và yêu cầu cần đạt trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với cách biên soạn theo tiếp cận năng lực phù hợp với xu hướng hiện đại của sách giáo khoa các nước phát triển trên thế giới, có thể nói SGK lần này đã thay đổi căn bản về triết lí biên soạn, quan điểm tiếp cận, nội dung chọn lọc và hình thức thể hiện nhằm phát triển tối đa năng lực môn học cho học sinh.

Do thay đổi cách dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực nên bên cạnh sách giáo khoa, khi thiết kế kế hoạch bài dạy, giáo viên cần nghiên cứu kĩ sách giáo khoa để có thể tổ chức các hoạt động phù hợp với nội dung của chương trình và sách giáo khoa.

Tại phiên thảo luận, bạn Nguyễn Văn Linh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên có đặt câu hỏi rằng: "Các cuốn sách ở nước ngoài sẽ thường chỉ có 1 tác giả, đôi khi là 2-3 tác giả, trong khi bộ sách của chúng ta có quá nhiều tác giả. Vậy việc có nhiều tác giả liệu có ảnh hưởng đến tính logic, thống nhất cũng như yêu cầu về mặt tích hợp trong bài học?"

Trả lời tại phiên thảo luận, thầy Giác cho biết, để bộ sách được thông qua thì đã trải qua nhiều lần thẩm định. Bên cạnh đó, tích hợp là vận dụng, chứ tích hợp không phải là dạy mỗi môn một ít, như môn toán học vẫn có các phần đại số, hình học. Đối với các môn khoa học tự nhiên có nhiều tác giả bởi nó bao gồm các môn như sinh học, hoá học, vật lý...

Thu Trang