Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 5718/BGD-ĐT-GDTrH đến các Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo dự kiến Bộ, kỳ thi tuyển sinh 10 tới đây sẽ có 2 phương thức là xét tuyển hoặc thi tuyển. Không còn phương thức thứ 3 như quy định hiện hành là kết hợp xét và thi tuyển.
Về phương thức thi tuyển, dự thảo đưa ra phương án thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 (một) môn thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở và công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Việc Bộ đưa ra phương án bốc thăm môn thi thứ 3 có lẽ là nhằm hạn chế tình trạng học lệch của học sinh nhưng đây sẽ là một áp lực cho những em dự thi tuyển sinh 10. Bởi lẽ, nếu Sở bốc thăm môn thi thứ 3 mà trúng vào môn Khoa học tự nhiên, hoặc Lịch sử và Địa lí thì áp lực ôn thi sẽ cực lớn vì các môn học tích hợp này đang có từ 2-3 phân môn.
Cấp Trung học cơ sở hiện nay đang có những môn học nào?
Chương trình lớp 9 mà học sinh đang học ở năm học 2024-2025 bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc như sau: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Trong khi đó, nội dung Công văn số 5718/BGD-ĐT-GDTrH về phương án thi tuyển sinh 10, Bộ định hướng: “Số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán; Ngữ văn và 1 môn thi do Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên trong các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở”.
Như vậy, nếu căn cứ vào số môn học bắt buộc của cấp Trung học cơ sở và hướng dẫn của Bộ tại Công văn số 5718/BGD-ĐT-GDTrH cho kỳ thi tuyển sinh 10 thì trừ Toán và Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc ra, sẽ còn 10 môn học và hoạt động giáo dục. Nếu trừ đi Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ còn 9 môn học bắt buộc.
Trong đó, môn Nghệ thuật có 2 phân môn (Âm nhạc, Mĩ thuật); môn Nội dung giáo dục địa phương có 6 phân môn (Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân; Âm nhạc, Mĩ thuật); Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn (Lịch sử; Địa lí); Khoa học tự nhiên có 3 phân môn (Hóa học; Sinh học; Vật lí).
Nếu môn thứ 3, Sở bốc thăm vào môn thi tích hợp?
Việc định hướng bốc thăm môn thi thứ 3, có lẽ Bộ muốn tạo sự công bằng cho các môn học còn lại và tránh tình trạng học lệch của học sinh. Tuy nhiên, chương trình 2018 có nhiều môn học tích hợp, việc bốc thăm sẽ dẫn đến những lá thăm may- rủi.
Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm vào những môn thi có kiến thức độc lập, như: Ngoại ngữ; Giáo dục công dân; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất thì việc ôn thi của học sinh không quá áp lực và khi ra đề thi, chấm thi của giáo viên sẽ đơn giản hơn.
Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm vào các môn thi mà môn học đó có từ 2-6 phân môn thì học sinh ôn tập vất vả hơn; những giáo viên ra đề cũng phải tính toán vì gần như các chuyên viên của Sở Giáo dục và giáo viên ở các nhà trường chỉ có thể nắm vững kiến thức và dạy đơn môn.
Chẳng hạn, Sở bốc thăm vào môn thi Khoa học tự nhiên. Đây là một môn học có đến 3 phân môn (Hóa học; Sinh học; Vật lí) và kiến thức các phân môn này không hề đơn giản với nhiều học sinh, nhất là phân môn Hóa học và Vật lí .
Các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở hiện nay về cơ bản vẫn đang dạy và kiểm tra theo kiến thức đơn môn. Sự liên kết rời rạc vì 1 môn học đang có nhiều giáo viên cùng dạy.
Giáo viên và học sinh đang dạy và học theo đơn môn nên bốc thăm vào môn thi này không chỉ đơn thuần là học sinh áp lực với lượng kiến thức; phải học thêm với nhiều thầy cô mà ngay cả việc ra đề thi môn Khoa học tự nhiên, Sở cũng phải huy động ít nhất 6 giáo viên mới có thể ra được (1 người ra đề 1 phân môn và 1 người phản biện).
Đôi điều đề xuất cho kỳ thi tuyển sinh 10
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm Tiểu học và Trung học cơ sở); Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp Trung học phổ thông) mà kỳ thi tuyển sinh 10 thì mục đích chính là tuyển lựa những em có học lực tốt nhất vào cấp Trung học phổ thông.
Thi nhiều môn hay ít môn thì số lượng tuyển đầu vào cũng không thay đổi vì số lượng được Sở giao cho các trường từ khi chưa thi.
Vì thế, việc Bộ dự kiến kỳ thi tuyển sinh 10 ngoài môn thi Toán; Ngữ văn thì Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên 1 trong các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở chưa hẳn là hợp lý.
Bởi lẽ, đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở, không phải đánh giá lại quá trình học tập đơn thuần mà mục đích chính là tuyển lựa những thí sinh có điểm cao nhất trúng tuyển vào lớp 10.
Hơn nữa, ở cấp Trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, có môn bắt buộc và có nhiều môn lựa chọn.
Theo đó, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Vì thế, phương án tối ưu và gọn nhẹ nhất cho kỳ thi tuyển sinh 10 là thi 2 môn Toán và Ngữ văn. Nếu lựa chọn môn thứ 3 thì Bộ chỉ cần định hướng thêm môn là Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) vì môn này tiếp tục là môn học bắt buộc ở cấp Trung học phổ thông.
Việc lựa chọn môn thứ 3, Sở sẽ lựa chọn và công bố vào đầu học kỳ II (tháng 1) như lâu nay sẽ giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất. Những em thi vào trường Trung học phổ thông chuyên sẽ thi môn Toán, Ngữ văn và thi môn chuyên bởi đây là đam mê, sự lựa chọn của thí sinh.
Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ cũng cần thiết định hướng rõ hơn bởi theo dự thảo thì phương thức thi tuyển sinh 10 như sau: “Số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán; Ngữ văn và 1 môn thi do Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên trong các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở”.
Nếu như dự thảo như thế này, sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu. Chẳng lẽ, thi tuyển sinh 10 lại lựa chọn môn Thể dục hay môn Nghệ thuật? Nếu thi các môn này, lấy đâu ra nhân lực để coi thi, chấm thi?
Kỳ thi tuyển sinh 10, Bộ nên giao cho các địa phương chủ động. Càng nhẹ nhàng càng giảm áp lực cho học sinh và giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh và ngân sách địa phương. Càng phức tạp, càng tốn kém mà mục đích cuối cùng cũng chỉ là tuyển đủ số lượng mà Sở đã giao cho các nhà trường. Vậy, có cần thiết phải tổ chức bốc thăm môn thi thứ 3 cho kỳ thi tuyển sinh 10 hay không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.