Năm học 2024-2025 đã thực hiện đến năm thứ tư- năm cuối cùng cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng nếu nhiều môn học đã đi vào ổn định thì các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở vẫn còn tồn tại những bất cập, khó khăn cho các nhà trường.
Nhiều giáo viên được cử đi học theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT chương trình bồi dưỡng giáo viên Khoa học tự nhiên; Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT chương trình bồi dưỡng giáo viên Lịch sử và Địa lí vẫn chưa thể dạy cả môn học ở các lớp cuối cấp.
Việc bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa cuối cấp ở nhiều địa phương vẫn chưa được triển khai. Những học sinh có ý định thi vào các môn chuyên: Lí; Hóa; Sinh; Sử; Địa của trường Trung học phổ thông chuyên vẫn chưa biết sẽ thi tuyển sinh như thế nào. Những thách thức đối với các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở vẫn đang hiện hữu.
Là giáo viên đang giảng dạy bậc Trung học cơ sở, người viết xin chia sẻ một số vấn đề liên quan.
Giáo viên được bồi dưỡng và có chứng chỉ tích hợp nhưng không dám dạy cả môn học
Trước thềm năm học 2021-2022, năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT hướng dẫn việc bồi dưỡng giáo viên cho 2 môn học mới, đó là: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.
Từ đó đến nay, các địa phương đã phối hợp với trường sư phạm bồi dưỡng một số khóa cho giáo viên của các trường Trung học cơ sở nhằm về giảng dạy các môn học tích hợp đang được triển khai. Thế nhưng, phần lớn các giáo viên được cử đi bồi dưỡng, đã có chứng chỉ về trường vẫn đang dạy theo phân môn với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một phần vì giáo viên chưa dám cáng đáng dạy cả môn học vì có nhiều kiến thức khó; một phần Bộ cũng có những định hướng cho các nhà trường dạy theo phân môn.
Cụ thể, ngày 10/10/2023, Bộ đã ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học đối với một số môn học, trong đó có các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.
Theo đó, Bộ hướng dẫn cho phép các phân môn của môn tích hợp dạy song song, giáo viên môn nào kiểm tra môn đó và mỗi môn học/lớp hiệu trưởng phân công 1 giáo viên chủ trì để thống nhất việc vào điểm, nhận xét, vào học bạ cho học trò.
Vì thế, 3 năm học vừa qua, phần nhiều các trường Trung học cơ sở vẫn bố trí giáo viên được đào tạo chuyên ngành nào vẫn đang dạy phân môn đó. Môn tích hợp về cơ bản chỉ mới dừng lại ở các tên môn học ở bìa sách giáo khoa và điểm số tổng kết trên phần mềm, trên học bạ.
Giáo viên vẫn dạy theo phân môn; học sinh vẫn học theo phân môn; vở ghi chép theo phân môn; các cột điểm thường xuyên, giáo viên phân chia nhau mỗi phân môn mỗi cột điểm, kiểm tra định kỳ thì chia tỉ lệ các phân môn với nhau.
Bước sang năm thứ tư- để chuẩn bị cho việc phân công nhiệm vụ năm học 2024-2025, một số nhà trường có gợi ý phân công cho những giáo viên đã được bồi dưỡng kiến thức tích hợp dạy cả môn học nhưng giáo viên chưa dám nhận.
Một số ý kiến nói rằng nếu dạy cả môn tích hợp thì chỉ có thể dạy được ở lớp 6, cùng lắm là thêm lớp 7. Kiến thức lớp 8, lớp 9 khó, giáo viên chưa thể dạy được vì liên quan đến thi cử cuối cấp, thi học sinh giỏi văn hóa.
Một số ý kiến lại nêu rằng cứ phân công như các năm học vừa qua cho thuận lợi, vì Bộ cho phép dạy song song các phân môn thì phân môn của ai người đó dạy mới hiệu quả. Dạy cả môn học khó cho giáo viên.
Vì thế, việc dạy cả môn tích hợp- nhất là môn Khoa học tự nhiên hiện nay vẫn là một thách thức không hề nhỏ cho giáo viên- kể cả giáo viên đã được bồi dưỡng kiến thức môn tích hợp trong những năm học vừa qua.
Thi học sinh giỏi văn hóa và thi tuyển sinh 10 vẫn chưa rõ
Mới đây nhất, ngày 30/7/2024, Bộ ban hành Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 cũng chỉ dừng lại ở một số hướng dẫn chung chung như sau:
“Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên...
Kế hoạch giáo dục của nhà trường thể hiện việc huy động đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có của nhà trường trong kế hoạch giáo dục của các môn học, hoạt động giáo dục; lưu ý việc xây dựng phân phối chương trình các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa phù hợp với tình hình thực tế để phát huy hiệu quả năng lực đội ngũ giáo viên của ...
Thực hiện tốt việc tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu, nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mĩ thuật, Âm nhạc, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018”. [1]
Người viết chưa tìm thấy hướng dẫn nào về công tác thi học sinh giỏi văn hóa và thi tuyển sinh 10 những môn chuyên thuộc các trường Trung học phổ thông chuyên có liên quan đến 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.
Theo tìm hiểu của người viết, đến thời điểm này, đa phần các địa phương vẫn đang “án binh bất động” chưa có chỉ đạo cụ thể gì về các kỳ thi này.
Cũng chính vì thế, một số trường Trung học cơ sở đã khởi động kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa cuối cấp cho năm học 2024-2025 bằng cách cho học sinh đăng ký, có trường đã bắt đầu triển khai bồi dưỡng ngay tuần đầu tiên của tháng 8 này nhưng riêng 2 môn tích hợp thì nhà trường vẫn để ngỏ, đợi hướng dẫn của cấp trên.
Rồi đây, kế hoạch ôn thi học sinh giỏi văn hóa môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí sẽ được ngành giáo dục triển khai ra sao? Học sinh thi theo phân môn hay cả môn tích hợp? Giáo viên nào ôn thi, ôn theo môn hay theo phân môn? Cách tính định mức tiết dạy bồi dưỡng cho giáo viên ôn thi sẽ thực hiện như thế nào? Nếu học sinh đạt giải sẽ khen thưởng ra sao cho 2-3 giáo viên cùng ôn thi?
Học sinh thi vào các môn chuyên: Lý, Hóa, Sinh; Sử; Địa sẽ thực hiện ra sao? Thi cả môn tích hợp hay thi theo phân môn?
Nếu thi cả môn tích hợp thì quá nặng nề với học sinh. Chẳng hạn, học sinh thi vào chuyên Lí nhưng bắt buộc phải thi cả Hóa, Sinh và các môn cơ bản: Toán, Văn, Anh sẽ là một thách thức không nhỏ cho các em.
Thi theo phân môn thì hợp với môn chuyên ở cấp Trung học phổ thông nhưng cấp Trung học cơ sở lại đang dạy môn tích hợp, không phải là những môn học độc lập như các môn học ở cấp Trung học phổ thông.
Sẽ còn nhiều bất cập xuất hiện trong năm học 2024-2025 tới đây, nhiều áp lực, vất vả cho học sinh tham gia thi học sinh giỏi văn hóa đối với 2 môn tích hợp và đương nhiên những em có ý định thi vào chuyên Lý, Hóa, Sinh; Sử; Địa cũng sẽ gặp không ít những thách thức.
Thiết nghĩ, năm học 2024-2025 đã cận kề, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần thiết có những hướng dẫn cụ thể về các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở đối với kỳ thi học sinh giỏi văn hóa và thi tuyển sinh 10 đối với các môn chuyên để nhà trường, giáo viên, học sinh có những định hướng cần thiết cho năm học mới.
Nếu chậm trong việc hướng dẫn, định hướng của bộ phận chuyên môn sẽ là khó khăn cho thầy- trò ở các nhà trường bởi năm học tới đây. Bởi thời gian năm học 2024-2025 đã cận kề và đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 9.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3935-BGDDT-GDTrH-2024-huong-dan-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2024-2025-619396.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.