Những điểm hấp dẫn của sách giáo khoa Mĩ thuật theo chương trình mới

29/10/2024 09:28
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ sách giáo khoa Mĩ thuật mới dành cho học sinh trung học phổ thông bao gồm 11 cuốn với 10 nội dung (Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc...) và 1 chuyên đề học tập.

Cùng với Âm nhạc, Mĩ thuật là môn học lần đầu tiên được giảng dạy tại cấp trung học phổ thông theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách giáo khoa Mĩ thuật mới được thiết kế kì công với khối lượng kiến thức đồ sộ nhưng vẫn đảm bảo dễ tiếp cận với đối tượng học sinh trung học phổ thông.

Đội ngũ tác giả lập những “trại sách”, làm việc tập trung ngày đêm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Duy Anh Chủ biên, đồng chủ biên sách giáo khoa Mĩ thuật lớp 10, 11, 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chia sẻ: "Lần đầu tiên, môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông xuất hiện trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều này mở ra cho học sinh những lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân, góp phần trang bị cho thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trong bối cảnh hiện nay.

Do đó, một số nội dung giáo dục như: Nhiếp ảnh, thiết kế video clip, nghệ thuật sắp đặt trong điêu khắc… được thiết kế trong chương trình môn học.

Khi biên soạn sách giáo khoa Mĩ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông, nhóm tác giả đã nghiên cứu kĩ Chương trình môn học và thực tế nhu cầu xã hội để xây dựng những nội dung không chỉ đáp ứng phát triển năng lực của học sinh mà còn phù hợp với nhu cầu xã hội đối với lĩnh vực mĩ thuật trong điều kiện mới”.

ThS Phạm Duy Anh Chủ biên Mĩ thuật 2018.jpg
Thạc sĩ Phạm Duy Anh - Chủ biên, đồng chủ biên sách giáo khoa Mĩ thuật lớp 10, 11, 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Trần Ngọc Thanh Trang - một trong các tác giả sách giáo khoa Mĩ thuật (phụ trách nội dung Kiến trúc) lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chia sẻ: “Khi tham gia biên soạn sách giáo khoa Mĩ thuật cho cấp trung học phổ thông, tôi trăn trở về việc làm sao để cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản mà còn khơi gợi niềm đam mê sáng tạo, giúp học sinh tiếp cận nghệ thuật một cách sinh động và gần gũi.

Mĩ thuật là môn học đặc thù, đòi hỏi không chỉ lý thuyết mà còn cả khả năng thực hành và sáng tạo. Do đó, chúng tôi luôn cân nhắc làm sao để nội dung sách dễ tiếp cận, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, từ những học sinh yêu thích mĩ thuật đến các em mới bắt đầu.

Mĩ thuật không chỉ là một môn học mà còn là phương tiện để khám phá bản thân, trân trọng cái đẹp và nhận thức về thế giới xung quanh, góp phần tạo nên những công dân có nhận thức thẩm mĩ và tình yêu với nghệ thuật”.

Thạc sĩ Phạm Duy Anh cho biết, việc triển khai chương trình mới được tiến hành theo lộ trình, cuốn chiếu từng năm học bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 – 2025 hoàn thành việc đồng bộ cho toàn bộ các cấp học.

Như vậy, trong khoảng thời gian ngắn, đội ngũ tác giả cùng với đội ngũ biên tập viên, họa sĩ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải đảm nhận nhiều công việc liên quan đến biên soạn sách giáo khoa Mĩ thuật, từ xây dựng đề cương, biên soạn tiết dạy mẫu, dạy thực nghiệm, rút kinh nghiệm biên soạn đồng bộ các nội dung, biên tập, thiết kế sách, hoàn thiện sách mẫu gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa… theo đúng quy định.

“Và điều cần nhắc tới là những công việc này phải làm đồng thời, không ngừng nghỉ để đảm bảo lộ trình thay sách giáo khoa cả cho cả 3 cấp học và 3 lớp ở cấp trung học phổ thông.

Trong quá trình này, đặc biệt trong giai đoạn thẩm định và rà soát sách trước khi in đại trà, đội ngũ tác giả chúng tôi phải lập những “trại sách”, làm việc tập trung ngày đêm với tinh thần mang lại những cuốn sách giáo khoa có chất lượng nhất đến học sinh” - Thạc sĩ Phạm Duy Anh chia sẻ.

Thạc sĩ Trần Ngọc Thanh Trang bày tỏ, khi bắt tay vào viết sách, cô cùng nhóm tác giả, đặc biệt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Cương mong muốn xây dựng một tài liệu không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về mĩ thuật mà còn mở ra cánh cửa sáng tạo, giúp học sinh phát triển năng lực thẩm mĩ, tư duy hình ảnh và kỹ năng thực hành.

Quá trình từ những hình dung ban đầu đến khi hoàn thiện sách diễn ra trong khoảng 2 năm. Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng nội dung theo hướng mở, module hóa từng phần để dễ dàng triển khai trong thực tế giảng dạy. Mỗi bước, từ biên soạn đến thử nghiệm và hoàn thiện đều được kiểm tra kỹ lưỡng.

Ths Trần Ngọc Thanh Trang.jpg
Thạc sĩ Trần Ngọc Thanh Trang. Ảnh: NVCC.

Học mĩ thuật không đơn thuần chỉ là vẽ

Có nhiều người quan niệm mĩ thuật đồng nghĩa với việc vẽ, Thạc sĩ Vương Quốc Chính - một trong các tác giả sách giáo khoa Mĩ thuật (phụ trách nội dung Thiết kế đồ họa) lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống bày tỏ: “Câu hỏi ‘Liệu Mĩ thuật có phải chỉ là vẽ hay không?’ đặt ra bởi cách thiết kế Chương trình môn học trước đây thiên về các nội dung này.

Đây cũng chính là trăn trở của những người làm trong lĩnh vực mĩ thuật và đến chương trình giáo dục phổ thông 2018 nội dung giáo dục Mĩ thuật đã tiệm cận với những thể loại cơ bản của mĩ thuật như: Điêu khắc, Hội họa, Đồ họa (tranh in), Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện…

Điều này đã đáp ứng được chủ trương phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh nên chúng ta có 10 cuốn sách giáo khoa và 1 cuốn chuyên đề học tập.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với môn Mĩ thuật, học sinh sẽ lựa chọn học 4 trong 10 nội dung với thời lượng 70 tiết/năm và chuyên đề học tập có nội dung luyện tập kĩ năng cho học sinh có nguyện vọng thi vào các trường đại học có mã ngành liên quan đến mĩ thuật, nên môn Mĩ thuật mới có nhiều đầu sách như trên.

Việc học nội dung nào mua sách giáo khoa Mĩ thuật nội dung đó cũng phù hợp đối với việc tổ chức dạy học và sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường như tra cứu thông tin, tổ chức hoạt động, thực hiện nhiệm vụ học tập”.

ThS Vương Quốc Chính Mĩ thuật Thiết kế đồ họa.jpg
Thạc sĩ Vương Quốc Chính. Ảnh: NVCC.

Đề cập đến khối lượng kiến thức đồ sộ của bộ sách giáo khoa Mĩ thuật mới, Thạc sĩ Phạm Duy Anh chia sẻ: “Đúng là sách giáo khoa Mĩ thuật cấp trung học phổ thông có 10 chuyên ngành nhưng thực tế nhiều nội dung giáo dục đã được tổ chức thực hiện ở cấp tiểu học như: Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Điêu khắc, Hội họa, Đồ họa (tranh in).

Cùng với đó, một số nội dung tiếp tục được học sinh làm quen ở cấp trung học cơ sở như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế thời trang.

Nên thực tế, ở cấp trung học phổ thông có 3 nội dung là Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh; Kiến trúc là mới. Tuy nhiên, phần kiến thức, thực hành của những nội dung này như bản vẽ, mô hình… không phải là những kĩ năng mới đối với học sinh.

Những nội dung trong Chuyên đề học tập như Hình họa, Trang trí, Bố cục cũng là những kiến thức cơ bản, không chuyên sâu. Đề cập như vậy để thấy các nội dung biên soạn trong sách giáo khoa Mĩ thuật có tính kết nối, liên thông giữa các cấp, lớp học và mang tính phổ thông.

Điều này tạo cơ hội cho học sinh yêu thích, có năng lực trong môn Mĩ thuật được làm quen, trải nghiệm để từ đó có sự yêu thích, lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực sau khi tốt nghiệp cấp trung học phổ thông".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Cương - một trong các tác giả sách giáo khoa Mĩ thuật (Kiến trúc) lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống cho biết, sách giáo khoa Mĩ thuật theo chương trình 2018 có nhiều điểm nổi bật so với chương trình 2006, đặc biệt ở tính phân hóa và định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

Ngoài ra, chương trình mới khuyến khích sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành, giúp học sinh không chỉ học về nghệ thuật mà còn áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Các bài học thực hành và dự án sáng tạo giúp các em phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo, chuẩn bị tốt cho các ngành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tính kết nối và phân hóa giữa sách giáo khoa Mĩ thuật các cấp

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Cương cho biết, sách giáo khoa Mĩ thuật mới theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có những điểm kế thừa từ sách giáo khoa cũ, đồng thời có những đổi mới đáng kể để phù hợp với nhu cầu giáo dục hiện đại và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Những cuốn sách giáo khoa Mĩ thuật kế thừa cơ sở lý thuyết và thực hành mỹ thuật cơ bản, giữ lại các nội dung cơ bản liên quan đến mĩ thuật tạo hình như hội họa, điêu khắc, đồ họa mà học sinh đã tiếp cận từ cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Việc học kiến thức nền tảng này giúp học sinh tiếp tục phát triển khả năng quan sát, cảm nhận thẩm mỹ và kỹ năng biểu đạt nghệ thuật đã được xây dựng từ các cấp học trước.

Sách giáo khoa Mĩ thuật mới tiếp tục duy trì mục tiêu phát triển năng lực thẩm mĩ và sáng tạo cho học sinh. Tư duy mĩ thuật và sự sáng tạo cá nhân vẫn là những yếu tố được chú trọng, như đã từng được nhấn mạnh trong sách giáo khoa cũ.

PGS TS Vũ Hồng Cương.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Cương. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Trần Ngọc Thanh Trang nhấn mạnh, với sách giáo khoa Mĩ thuật cho cấp trung học phổ thông, một trong những đổi mới lớn nhất là việc bổ sung các nội dung về kiến trúc, bao gồm kiến trúc công trình, kiến trúc nội thất và bảo tồn di sản kiến trúc. Đây là những nội dung chưa từng xuất hiện trong sách giáo khoa cũ, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và sâu hơn về lĩnh vực kiến trúc, cũng như phát triển kỹ năng thực hành liên quan đến kiến trúc.

Chương trình mới cho phép học sinh chọn các lĩnh vực mình yêu thích và có khả năng theo học. Trong đó, kiến trúc trở thành một nội dung lựa chọn cho những học sinh có thiên hướng theo đuổi các ngành nghề liên quan đến thiết kế không gian, công trình, nội thất.

Sách giáo khoa mới chú trọng hơn vào việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt là trong phần kiến trúc.

Học sinh không chỉ học lý thuyết về kiến trúc mà còn được khuyến khích sáng tạo và thực hành thiết kế, ví dụ như xây dựng mô hình kiến trúc bằng vật liệu tự nhiên hoặc tái chế, thể hiện ý tưởng qua các dự án cụ thể; khuyến khích học sinh khám phá kiến trúc thông qua hoạt động thực hành, nghiên cứu và thảo luận.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa Mĩ thuật mới không chỉ giới hạn trong phạm vi mĩ thuật mà còn liên kết với các môn học khác như Lịch sử, Công nghệ, Địa lý để giúp học sinh thấy được sự kết nối giữa mĩ thuật, kiến trúc và đời sống. Điều này giúp mở rộng tầm nhìn và tư duy của học sinh trong việc áp dụng kiến thức vào các ngành nghề khác nhau.

sgk mĩ thuật 12 bộ kết nối tri thức.jpg
Ảnh minh họa: nxbgd.vn

Bên cạnh đó, sách giáo khoa Mĩ thuật dành cho cấp trung học phổ thông còn nổi bật với tính kết nối và phân hóa khi so sánh với sách giáo khoa Mĩ thuật ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Thạc sĩ Phạm Duy Anh bày tỏ: "Đối với môn Mĩ thuật ở giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh được làm quen và sử dụng yếu tố tạo hình, nguyên lý tạo hình trong thực hành, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật theo yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực mĩ thuật tạo hình và mĩ thuật ứng dụng, phù hợp với mỗi chủ đề/bài học theo các định hướng chủ đề như: thiên nhiên, con người, gia đình, nhà trường, đất nước, thế giới, văn hóa, xã hội,…

Hết giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh đã hình thành được những năng lực mĩ thuật cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ học tập theo các mức độ biết, hiểu và vận dụng, đáp ứng được tính đại trà trong giáo dục phổ thông, cũng như tạo điều kiện để phát triển năng khiếu ở một số học sinh đối với lĩnh vực nghệ thuật thị giác, điều này cũng được đề cập trong Chương trình môn học.

Tiếp đến, sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lúc này theo Chương trình môn học, học sinh sẽ lựa chọn 4 trong 10 nội dung giáo dục mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực để học.

Các nội dung này được thiết kế có tính kế thừa, tiếp tục phát triển năng lực mĩ thuật đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, cùng với đó có sự tăng cường hiểu biết về kiến thức mĩ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề có liên quan, và rõ ràng điều này giúp định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân học sinh và nhu cầu xã hội.

Và như vậy, chúng ta thấy môn Mĩ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tính kết nối ở các lớp, giúp học sinh nhận thức được mối liên hệ giữa mĩ thuật với đời sống xã hội trên cơ sở kiến thức, kĩ năng cơ bản, cũng như góp phần định hướng nghề nghiệp theo năng lực của mỗi học sinh".

Cùng đề cập đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Cương cho biết, tính kết nối giữa sách giáo khoa Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông với các cấp học khác thể hiện ở việc xây dựng một chuỗi nội dung liên tục, giúp học sinh phát triển năng lực thẩm mỹ qua từng cấp học.

Từ tiểu học, học sinh đã làm quen với các khái niệm cơ bản về mĩ thuật, và khi lên trung học cơ sở và trung học phổ thông, các em sẽ được học sâu hơn về các lĩnh vực chuyên môn như thiết kế công nghiệp, thời trang và đa phương tiện.

Tính phân hóa được thể hiện rõ qua việc học sinh cấp trung học phổ thông có thể tự chọn các nội dung học tập dựa trên sở thích và định hướng nghề nghiệp. Các chuyên đề học tập cũng giúp học sinh có thiên hướng nghệ thuật phát triển sâu hơn năng lực của mình, đồng thời cung cấp nền tảng cho những học sinh muốn theo đuổi các ngành nghề trong lĩnh vực mĩ thuật.

Hồng Linh