Đề tốt nghiệp tham khảo có tính phân loại tốt, khó tái diễn điểm cao chót vót

24/10/2024 08:43
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề thi tốt nghiệp tham khảo phần phát triển năng lực mang tính "tuyển sinh" nhiều hơn là "tốt nghiệp".

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là kì thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình 2018.

Ngày 18/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Về đề thi tham khảo, thầy Trần Song Hào, giáo viên Sinh học, Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Với các môn thi trắc nghiệm, tôi thấy cấu trúc đề thi cũng tương tự như đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chương trình mới từ năm 2025 như Bộ đã công bố vào tháng 12/2023.

Vẫn sử dụng 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng trong đề thi, tuy nhiên số câu, điểm số của mỗi dạng thức, mỗi môn học có sự thay đổi.

Việc giữ nguyên cấu trúc các dạng thức câu hỏi của Bộ làm cho học sinh, giáo viên yên tâm dạy và học.

Với môn Sinh học, khác với đề các năm trước đây, đề minh họa đã hạn chế toán sinh học...vận dụng lý thuyết nhiều hơn.

Để làm tốt đề môn Sinh học, học sinh phải học, hiểu bản chất sinh học, hiểu đầy đủ các sự vật, hiện tượng, cơ chế sinh học, chú trọng sự liên hệ kiến thức vào thực tiễn.

Học sinh cần rèn luyện cách học cho phù hợp ngay từ lớp 10, bỏ học vẹt, học thuộc theo lối mòn, tăng cường học kiến thức và phải vận dụng được kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Giáo viên nên ứng dụng công nghệ thông tin, AI vào soạn giảng để tăng hiệu quả, hứng thú học tập cho học sinh, sử dụng các phương pháp hiện đại lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo dự án, đặt và giải quyết vấn đề…thường xuyên chuẩn bị bộ câu hỏi để rèn luyện cho học sinh sau mỗi tiết học”.

462801423_1065212395613449_7006602563013696414_n.jpg
Thầy Trần Song Hào, giáo viên Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Quốc Đạt, giáo viên bộ môn Hóa học, Trường Trung học phổ thông Dương Xá (Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi đã đổi mới, đúng theo hướng phát triển tư duy, năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình 2018 đặt ra.

Với nội dung trong đề thi thì lý thuyết là chủ yếu, các bài tập tính toán quá phức tạp. Các bài tập không mang tính thực tiễn đã không còn.

Một số kiến thức phần chuyên đề là câu hỏi có lời dẫn, học sinh có tư duy là làm được, học sinh không buộc phải học chuyên đề mới giải quyết được câu hỏi này.

Đề thi phần phát triển năng lực mang tính "tuyển sinh" nhiều hơn là "tốt nghiệp". Đề thi này không dành cho những học sinh không yêu thích và đam mê bộ môn Hóa học, cho nên cũng phù hợp cho việc học sinh có quyền tự chọn môn thi là môn học mình yêu thích.

Đề thi với yêu cầu tư duy cao như thế này sẽ kích thích tính tự học, tự nghiên cứu chuyên sâu của học sinh, cũng có thể buộc học sinh phải học thêm với thầy giỏi để có kết quả tốt.

Để học tốt môn Hóa học ở cấp 3 và có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao, học sinh phải có định hướng nghề nghiệp ngay từ trung học cơ sở, nắm chắc kiến thức đơn môn Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên, chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 phù hợp”.

wwwwwwwwww-1031.jpg
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương,Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Qúy Đôn (ngoài cùng bên phải hàng đầu). Ảnh: NVCC

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Qúy Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ:

“Trước hết, đề tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã bớt cồng kềnh cho với đề minh họa chương trình 2018 ngày 29/12/2023.

Về hình thức, chỉ một mặt giấy thay vì hai; về nội dung – chỉ phải đọc hiểu một văn bản, phần viết đoạn có kết nối với phần đọc hiểu trong khi đề lần một yêu cầu làm việc với hai văn bản độc lập.

So với đề tốt nghiệp năm 2024, độ khó của đề thi môn Ngữ văn tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 tăng hơn nhiều, bởi lẽ bản chất chương trình 2018 đòi hỏi phát triển phẩm chất, năng lực.

Đề tốt nghiệp kiểu cũ (2024) kiểm tra viết bài vào văn bản đã học, học trò đều được chuẩn bị trước, học trước, dẫn tới lạm phát điểm cao.

Còn đề tốt nghiệp theo chương trình 2018, phần viết nghị luận văn học bắt buộc các em phải tư duy, cảm nhận văn bản hoàn toàn mới, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, không thể đoán trước, học trước, học tủ được.

Mặt khác, nhìn vào đề cụ thể lần này, bên cạnh câu viết đoạn phân tích hình ảnh trong thơ; phần viết Nghị luận xã hội thường sẽ khó học tủ được, nhất là khi kiểm tra vào dạng viết bài, về một vấn đề đương đại, gắn với tuổi trẻ cùng cách đặt vấn đề hai chiều.

Với hướng ra đề như thế này, sẽ khó có tình trạng điểm cao chót vót như trước đây. Bên cạnh đó, với cấu trúc Đọc hiểu (4.0 điểm) – 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng cùng các dạng câu hỏi không quá khác biệt so với đề thi cũ nhưng vẫn phù hợp các yêu cầu cần đạt khi đọc hiểu thể loại;

Viết (6.0 điểm) – 1 câu viết đoạn 2.0 điểm về một khía cạnh trong văn bản thơ, 1 câu viết bài 4.0 điểm về một vấn đề xã hội liên quan tới tuổi trẻ; đề phù hợp với năm đầu chuyển tiếp, tạo sự an tâm nhất định cho người dạy và người học.

Tựu trung, tôi cho rằng đề tham khảo môn Ngữ văn cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 lần này sát thực tiễn, có tính nhân văn và phân loại được học sinh”.

Sơn Quang Huyến