GV giật mình vì học sinh có "phao" bài kiểm tra như đáp án đề cương ôn tập

10/12/2024 06:54
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Sách giáo khoa mới đã in mục tiêu của chương, mục tiêu của bài nên “ra đề cương” cho học sinh có thể nói là không cần thiết.

Người viết nhận được chia sẻ của giáo viên đang dạy trung học cơ sở tại một địa phương phía Nam cho biết: “Trong đợt kiểm tra giữa học kì I vừa rồi, tôi được phân công làm giám thị khi kiểm tra môn Ngữ văn lớp 6.

Tôi đã bắt gặp học sinh dùng “phao”. Bất ngờ hơn, tôi thấy nội dung trong “phao” là đáp án đầy đủ của chính đề kiểm tra mà học sinh đang làm. Tôi tịch thu “phao” và cho học sinh làm bài kiểm tra tiếp vì việc phát hiện "phao" ngay giờ bắt đầu làm bài.

Điều này làm dấy lên trong tôi lo lắng, có thể học sinh đã biết đề, biết đáp án. Đáp án y hệt đáp án của đề cương mà các em đã học. Sự việc quá bất thường, nên tôi đã báo cáo với lãnh đạo nhà trường, trưởng ban thanh tra nhân dân để xử lý vụ việc này.

Cung cấp đề cương, giải đề cương mà đề cương lại chính là đề kiểm tra như thế rất phản giáo dục. Nó sẽ tạo cho học sinh có thói quen xấu ngay từ lớp 6; cứ làm như thế này, học sinh sẽ không cần học, không cần tư duy, chỉ cần chuẩn bị “phao” là đạt yêu cầu, là đạt điểm tốt.

Nếu làm “đề cương” như thế này, theo tôi, chính giáo viên đang làm hại học sinh, đang làm cho chất lượng giáo dục trở nên ảo, sẽ làm mất niềm tin của phụ huynh, học sinh, xã hội với nhà trường, với giáo dục”.

Một giáo viên khác cũng ở địa phương này cho biết: "Tình trạng làm đề cương như thế nào, ra đề kiểm tra như thế đã có xì xào từ lâu, không phải chỉ năm nay mới có.

Việc này khiến học sinh đi học cho có, không cần học, không cần suy nghĩ, cứ chờ có đề cương, chuẩn bị "phao" là làm được bài, đạt yêu cầu, cứ thế lên lớp.

Những vụ việc như thế này lãnh đạo nhà trường, phòng, sở phải xử lý nghiêm, không bao che, không a dua mới giúp học thật, thi thật, chất lượng giáo dục thật được".

ảnh chụp đề và vở ghi hs.png
Ảnh chụp đề kiểm tra, "phao" của học sinh do bạn đọc cung cấp.

Từ sự việc trên, có một vấn đề tiếp tục cần làm rõ là giáo viên có cần làm “đề cương” trước khi kiểm tra định kì cho học sinh không?

Sách giáo khoa chương trình 2018 của bất cứ nhà xuất bản nào cũng có điểm chung: Nội dung kiến thức, kĩ năng trọng tâm của chương trình được in đầu chương, đầu bài học để giáo viên và học sinh biết, xác định được mục tiêu dạy và học.

ảnh chương.png
Mỗi chương, mỗi bài trong sách giáo khoa đều có in mục tiêu

Cùng với đó, cuối mỗi bài học, các tác giả biên soạn đã có câu hỏi, bài tập minh họa, nội dung kiến thức, kĩ năng cần ghi nhớ.

Nói cách khác, sách giáo khoa hiện nay đã thay giáo viên “soạn đề cương” cho học sinh ôn tập, luyện tập để chuẩn bị cho việc tự kiểm tra đánh giá và nhà trường kiểm tra đánh giá người học.

Giáo viên hoàn thành nhiệm vụ dạy học khi đã hướng dẫn học sinh học nắm được mục tiêu của chương, của bài; học sinh cần chủ động ôn tập, rèn luyện nội dung đã học mới hình thành kiến thức, phẩm chất, năng lực riêng cuả mình.

Như vậy, làm đề cương cho học sinh trước mỗi lần kiểm tra định kì là không cần thiết. Người viết cũng đã trao đổi với một số giáo viên tâm huyết, đều có câu trả lời tương tự, không cần làm đề cương cho học sinh.

Trước đây, với chương trình 2006, sách giáo khoa không xác định cho người dạy, người học kiến thức, kĩ năng trọng tâm, cần đạt, nên giáo viên phải “ra đề cương” cô đọng kiến thức, kĩ năng cần đạt để học sinh ôn tập, luyện tập.

Với chương trình 2018, sách giáo khoa mới, như đã nói ở trên, kiến thức, kĩ năng trọng tâm, cần đạt của chương trình đã được giới thiệu, nên khi bị bắt buộc, giáo viên thường làm dưới dạng như một đề kiểm tra hoàn chỉnh.

Khi đề cương ôn tập như đề kiểm tra, các tiết ôn tập của giáo viên sẽ giải đề cương chẳng khác giải trước đề kiểm tra cho học sinh, vô hình trung chính giáo viên đang cung cấp "phao" cho học sinh. Chính vì vậy, học sinh trông ngóng “đề cương” như “trời hạn trong mưa”, học sinh có “đề cương” là có “phao”, có thể đạt điểm tốt.

Kể cả khi có “đề cương” nhưng giáo viên không giải trong các tiết ôn tập, việc giải đề cương cũng không có khó khăn gì với học sinh hiện nay.

Có học sinh nói với người viết: “Em “cân” bất cứ câu hỏi nào trong đề cương của thầy cô trường mình, trong sách giáo khoa”.

Người viết tìm hiểu thêm, học sinh cho biết: “Em chỉ cần nhờ ChatGPT làm giúp, vài giây là có ngay câu trả lời”.

Hiện nay, phần lớn học sinh có máy tính kết nối mạng hoặc có điện thoại thông mình có thể cài đặt sẵn ChatGPT hay các phần mềm tương tự. Vì vậy, không có câu hỏi hay bài tập nào làm khó các em được.

Trước thực tế trên, người viết kiến nghị: Thứ nhất, các cơ sở giáo dục tuyệt đối không phát hành đề cương ôn tập kiểm tra định kì dưới dạng đề kiểm tra.

Thứ hai, nhà trường cần có hình thức kỉ luật với giáo viên ra đề cương như thế nào, ra đề kiểm tra như thế đó.

Thứ ba, phòng Giáo dục và Đào tạo cần có hình thức hạ bậc thi đua ... của lãnh đạo nhà trường đã để xảy ra tình trạng ra đề kiểm tra như đề cương. Có như vậy, học sinh mới có ý thức tự học, tự tìm hiểu và biến các kiến thức sách vở là kiến thức của bản thân, từ đó vận dụng được trong việc giải quyết các vấn đề từ thực tiễn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai