Ngày 6/12, tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, Câu lạc bộ Khối đào tạo điều dưỡng thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học: Thực trạng và Giải pháp”.
Tọa đàm có sự tham gia của Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác hội viên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Thạc sĩ Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam; Tiến sĩ Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo điều dưỡng; Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); Tiến sĩ Nguyễn Quang Ân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ cùng lãnh đạo, đại diện các thầy cô đến những cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước.
Nhiều khó khăn trong liên thông khi khác cơ quan quản lý nhà nước
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ bày tỏ, như chúng ta đã biết, hiện tại, số lượng điều dưỡng viên chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh viện trên toàn quốc, trong đó số lượng lớn là trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo sự phát triển của y tế nước nhà, nước ta đang chuẩn hóa, nâng cấp dần trình độ điều dưỡng viên. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản số lượng điều dưỡng viên trình độ trung cấp còn tương đối ít. Với xu hướng như vậy, có thể một ngày nào đó sẽ không còn điều dưỡng viên trình độ cao đẳng nữa, tuy nhiên quá trình đó sẽ còn xa.
Với bản thân Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, nhà trường luôn đề cao việc cố gắng xây dựng đội ngũ điều dưỡng phục vụ cho các cơ sở đào tạo.
Thực tế hiện nay, các trường đại học tuyển sinh ngành Điều dưỡng chỉ có số lượng chỉ tiêu nhất định và để vào được những cơ sở giáo dục đại học này không phải đơn giản. Không những vậy, các điều dưỡng viên trình độ đại học hiện nay sau khi tốt nghiệp thường lựa chọn làm việc tại các thành phố lớn. Trong khi đó, chúng ta đang cần rất nhiều số lượng điều dưỡng viên, đặc biệt là tại các hệ thống y tế cơ sở.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Câu lạc bộ Khối đào tạo điều dưỡng (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã rất trăn trở và quyết định tổ chức tọa đàm “Đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học: Thực trạng và Giải pháp” để đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong việc nâng cấp trình độ của đội ngũ điều dưỡng viên theo chức năng cũng như nhu cầu của từng khu vực, từng địa phương.
Mặt khác, theo thầy Ân, từ năm 2017, khi các trường trung cấp, cao đẳng (trừ cao đẳng sư phạm) bị tách ra thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý thì việc liên thông giữa 2 bên mất tính nhất quán, khó có thể thực hiện được.
Thầy Ân thông tin, vừa qua, thực hiện theo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ chuyển chức năng quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, giữa các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ không còn khoảng cách nhiều nữa khi được về chung “một nhà”. Từ đó, vấn đề liên thông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Thông qua tọa đàm, thầy Ân mong rằng, đại diện các đơn vị, cơ quan tham dự sẽ cùng đưa ra những giải pháp thiết thực để gỡ khó công tác liên thông từ cao đẳng lên đại học cho các trường.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo điều dưỡng (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) bày tỏ niềm vui mừng khi nhận được sự quan tâm, đến tham dự, trao đổi và chia sẻ của nhiều cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.
Điều này thể hiện sự quan tâm, lan tỏa lớn, cùng chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hội nhập, kỷ nguyên vươn mình phát triển nhằm khắc phục khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo, liên thông cao đẳng lên đại học đối với ngành điều dưỡng. Thầy Tuấn Anh cho hay, trong bối cảnh chúng ta đang già hóa dân số như hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tất yếu cũng ngày càng gia tăng. Thế nhưng, việc đào tạo liên thông đối với ngành Điều dưỡng từ cao đẳng lên đại học lại gặp nhiều vướng mắc.
Mặc dù trong cùng khối “nhà” đào tạo nhưng lại khác “bố mẹ” nên các trường trung cấp, cao đẳng và trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe rất khó “chơi” với nhau.
Tuy nhiên, với tinh thần của Đảng và Nhà nước vừa qua, việc các trường trung cấp, cao đẳng được trở về thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm được thực hiện. Nhờ đó, điểm nghẽn về cơ chế sẽ được khắc phục. Ngoài ra, một trong những điểm nghẽn đối với công tác liên thông là về chỉ tiêu của các cơ sở cũng cần được lưu tâm.
Đề xuất những giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực điều dưỡng
Báo cáo tham luận tại tọa đàm, Thạc sĩ Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đã trình bày về vấn đề “Đào tạo nhân lực chăm sóc, nhân tố thúc đẩy dịch vụ và chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam”.
Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, tại thời điểm năm 2015, 75% số điều dưỡng viên có trình độ trung độ cấp, tuy nhiên nhờ quá trình cao đẳng hóa ngành Điều dưỡng, nhiều trường trung cấp hiện đã trở thành trường cao đẳng. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có 50% nguồn nhân lực điều dưỡng trình độ đại học, 40% trình độ cao đẳng và 10% trình độ trung cấp. Tuy nhiên, trong số 10% đó có rất nhiều người đang học nâng cao lên trình độ cao đẳng. Do đó, dự đoán cuối năm 2025, chúng ta chỉ còn 1-2% điều dưỡng viên trình độ trung cấp và số này chủ yếu là do họ không có nhu cầu hoặc đến tuổi về hưu hoặc có nhu cầu chuyển công tác. Như vậy, chỉ còn khoảng 01 năm nữa, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về việc cao đẳng hóa, đại học hóa nhân lực điều dưỡng.
Theo Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, điều dưỡng trình độ trung cấp và điều dưỡng trình độ cao đẳng đều là viên chức hạng IV. Vì vậy, nhiều em lựa chọn bỏ qua cao đẳng và học thẳng lên đại học. Điều này đã góp phần giúp cho trình độ điều dưỡng Việt Nam hiện nay gần như đã tiệm cận được với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Mặt khác, Thạc sĩ Phạm Đức Mục thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc để thúc đẩy chất lượng chăm sóc người cao tuổi là xu hướng đã có trên thế giới và đang manh nha ở Việt Nam.
Việt Nam đang có 100 triệu dân, với 24 triệu trẻ em dưới 14 tuổi, 16 triệu người cao tuổi. Hiện chúng ta đang thiếu cả nguồn nhân lực điều dưỡng, thiếu cả người chăm sóc đối với tình hình dân số thực tế. Số lượng điều dưỡng/vạn dân của Việt Nam đang nhỏ hơn 1.5, nằm trong nhóm thấp nhất. Đồng thời, nghề nhân viên chăm sóc cũng chưa có.
Hiện nay chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức do người cao tuổi có nhiều bệnh mãn tính, bị giảm dần tính độc lập. Bên cạnh đó, cơ sở chăm sóc người cao tuổi lại quá ít và thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Vậy nên, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã đề xuất có Chương trình đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi với mục tiêu nhằm có đội ngũ nhân viên chăm sóc có khả năng trợ giúp người cao tuổi thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày và trợ giúp dùng thuốc theo đơn tại nhà, nhà dưỡng lão. Thời gian đào tạo tối đa 300 tiết (đào tạo nghề bậc I, bậc II, học theo môđun).
Cũng trình bày báo cáo tham luận tại tọa đàm, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thông tin, hiện chúng ta có 143 cơ sở đào tạo trên toàn quốc cung cấp chương trình liên thông điều dưỡng và 15.000 sinh viên tham gia chương trình đào tạo liên thông (trong năm 2023). Một số mô hình đào tạo có thể kể đến như mô hình đào tạo chính quy tập trung, mô hình đào tạo vừa học vừa làm, mô hình đào tạo trực tuyến và mô hình đào tạo liên kết.
Trên thực tế, công tác đào tạo liên thông trình độ cao đẳng lên đại học đối với ngành điều dưỡng còn nhiều khó khăn do chất lượng đào tạo không đồng đều; thiếu hụt nguồn lực và trang thiết bị. Không những vậy, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên còn do sự thiếu liên kết giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo. Đồng thời, đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế do số lượng không đủ, lại thiếu chuyên môn sâu và chậm đổi mới.
Trước những khó khăn và thách thức tồn tại, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đề xuất một số giải pháp phát triển chương trình đào tạo đại học liên thông đối với ngành điều dưỡng. Cụ thể, hoàn thiện khung chương trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ; phát triển đội ngũ giảng viên; tăng cường các chính sách hỗ trợ tài chính và tăng chỉ tiêu tuyển sinh..
Còn theo cô Đỗ Thị Hương Liên - Phụ trách phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, các trường cao đẳng nên xây dựng một chương trình đào tạo chung, có tham khảo chương trình của các trường đại học nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên khi học liên thông lên trình độ cao hơn, đặc biệt là việc công nhận và miễn trừ các tín chỉ đã tích lũy. Đặt lớp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ tiêu chuẩn theo quy định, tạo cơ hội cho sinh viên ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh liên thông trình độ đại học.
Các trường đại học công nhận tín chỉ đào tạo của hệ cao đẳng thế nào?
Bên cạnh các báo cáo, tọa đàm còn nhận được sự góp ý, chia sẻ của một số cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đào tạo ngành Điều dưỡng trong quá trình thảo luận.
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Phát – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang, hiện nay nhiều trường cao đẳng đã và đang chủ động liên kết với các trường đại học trong khu vực để đào tạo liên thông.
Đáng nói, quy định về liên kết đào tạo chưa rạch ròi, rõ ràng. Nhiều trường đại học mạnh dạn nhưng có trường vẫn còn e ngại đối với công tác liên thông cao đẳng lên đại học.
Bên cạnh đó, vai trò chính trong vấn đề liên thông cao đẳng lên đại học hiện nay nằm ở các cơ sở giáo dục đại học chứ không phải cao đẳng. Trường đại học cần nêu rõ về việc công nhận chương trình đào tạo của trường cao đẳng y tế như thế nào và tới đâu.
Mặt khác, theo thầy Phát, thực tế nhu cầu liên thông của ngành dược và y sỹ đa khoa, y học cổ truyền tại các trường cao đẳng y dược cũng rất nhiều. Do vậy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang đề nghị tổ chức thêm các tọa đàm về vấn đề liên thông của các ngành học này.
Cũng tại tọa đàm, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm giúp công tác đào tạo, liên thông giữa các bậc học được thuận lợi hơn cho sinh viên.
Ngoài ra, nhằm giúp cho công tác chuyển đổi số trong giảng dạy và đào tạo được thuận lợi hơn, các đơn vị gồm Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã trở thành thành viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số với số thứ tự lần lượt là 101, 102 và 103.