Chuẩn cơ sở vật chất, GV không phân biệt loại hình trường khiến CSGDĐH gặp khó

02/12/2024 06:32
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc không phân biệt tiêu chí cho từng loại hình trường trong Thông tư 01 đã dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Các tiêu chuẩn, tiêu chí là những yêu cầu tối thiểu về điều kiện đảm bảo chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

Ở Tiêu chuẩn 2 quy định về vấn đề giảng viên, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Theo đó, tiêu chí về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ với các tỷ lệ theo từng giai đoạn và từng loại cơ sở đào tạo như sau:

"Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.

Tỷ lệ này không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh cho hay đây là một tỷ lệ lớn, là thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học tại thời điểm hiện tại.

Trên thực tế, việc đào tạo, tuyển dụng được 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ không phải là điều dễ dàng. Do đó, để đáp ứng tiêu chuẩn về giảng viên như Thông tư 01, các cơ sở giáo dục phải có một kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn cũng như xây dụng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ tiến sĩ đáp ứng được mục tiêu trên.

Theo chia sẻ của thầy Hà, vì là cơ sở giáo dục đại học tư thục đặt tại một tỉnh nên Trường Đại học Công nghiệp Vinh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, tiêu chuẩn tại thông tư.

"Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Vinh đang đào tạo trình độ đại học và liên kết với Đại học Kinh tế Quốc dân đào tạo trình độ thạc sĩ. Trong lộ trình phát triển của nhà trường cũng có mong muốn, kế hoạch và dự định đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, nếu phải đáp ứng không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ thì với trường là một thách thức rất lớn.

Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục thì tự chủ hoàn toàn tài chính do đó nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí.

Xét về vị thế, Trường Đại học Công nghiệp Vinh là cơ sở giáo dục đại học đặt tại địa phương, cách xa trung tâm kinh tế - xã hội lớn nên điều kiện tuyển sinh còn hạn chế. Việc tuyển sinh khó khăn sẽ ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường cũng như thực hiện chế độ chính sách đối với giảng viên, người lao động.

Do đó, điều kiện của nhà trường trong việc việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên tại trường còn nhiều điểm khó", thầy Hà thông tin.

images.thumb.2e19444b-f101-415a-bfde-f4e9e3c2c24c.jpg
Tiến sĩ Trần Mạnh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh. Ảnh: website nhà trường

Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng, việc nâng cao trình độ giảng viên không phải chuyện “một sớm một chiều” mà phải có một lộ trình, kế hoạch cụ thể. Trên thực tế, để đạt được tỷ lệ giảng viên như yêu cầu tại Thông tư 01 không phải chuyện dễ dàng.

Về lý thuyết, chuẩn cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với mục tiêu tăng số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên ở mỗi đơn vị đào tạo.

Đây là sự chỉ đạo thiết thực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hội nhập quốc tế, phù hợp trong bối cảnh giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng đủ nội lực, điều kiện để dễ dàng đáp ứng các điều kiện quy định tại thông tư.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của Trường Đại học Quy Nhơn, thầy Tùng cho biết hiện nay, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ của trường là hơn 50%, đã vượt qua tỷ lệ chuẩn cơ sở giáo dục đại học yêu cầu và trường đang hướng đến đạt tỷ lệ cao hơn trong những năm tới.

Thế nhưng, để đạt được kết quả như hiện tại, nhà trường đã phải xây dựng một lộ trình cụ thể và nỗ lực thực hiện trong 10 năm nay.

Như vậy có thể thấy, các cơ sở giáo dục đại học sẽ cần rất nhiều thời gian để củng cố, cải thiện và phát triển đội ngũ giảng viên. Để đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn giảng viên như Thông tư 01 quy định, các trường sẽ phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể bởi con số tỷ lệ được quy định xét trên thực tế không phải nhỏ.

Mau thumnail ngay KHCN.jpg
Trường Đại học Quy Nhơn phải nỗ lực trong 10 năm thì mới đạt tỷ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ như hiện tại. Ảnh website nhà trường

Vì là "chuẩn chung" nên sẽ gặp khó khi thực hiện

Dựa vào thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình độ tiến sĩ trên cả nước trong năm 2022 là 31,68%; năm 2023 là 31,95% và năm 2024 là 33%.

Theo đó, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học có trình độ tiến sĩ cao tập trung vào một số trường đại học lớn, ở các thành phố lớn và có đào tạo tiến sĩ.

Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, đối với những cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ thì đa số các trường mới chỉ tiệm cận và đạt mức không thấp hơn 20%.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, dựa vào số liệu thống kê hiện nay, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của trường đang đạt tiệm cận gần 20%. Phần lớn các ngành học đã đáp ứng đủ số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, tuy nhiên vẫn còn một số ngành chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng.

Do đó, nhà trường đang rất nỗ lực để đạt được quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ như trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định, phấn đấu năm 2030 không thấp hơn 30% nếu trường vẫn chỉ đào tạo trình độ đại học và không thấp hơn 50% nếu trường đào tạo trình độ tiến sĩ.

468077019_1327035371609358_5184744452883333500_n.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: website nhà trường

Trên thực tế, để đào tạo ra một tiến sĩ sẽ cần 4 - 7 năm. Chưa kể số lượng giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học cũng khó ổn định khi hàng năm đều hao hụt do giảng viên chuyển công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu.

Do vậy, công tác xây dựng, bổ sung đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều đơn vị. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ có nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ.

Để đạt được tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng nhiều chính sách thu hút, đào tạo hay những quy chế chi tiêu nội bộ, thi đua khen thưởng để tạo điều kiện, động viên khuyến khích giảng viên đi học và thu hút những giảng viên trình độ cao về trường công tác.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Trường Đại học Kiên Giang xác định trách nhiệm của đơn vị là phải nâng cao năng lực của giảng viên. Hiện nay, trường đang phấn đấu đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn yêu cầu tại Thông tư 01.

Theo đó, dù mới chỉ đào tạo ở trình độ đại học nhưng nhà trường đã xây dựng kế hoạch, lộ trình đến năm 2030 đơn vị sẽ có đủ khả năng để đào tạo những trình độ cao hơn.

Để có thể đáp ứng yêu cầu từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ và 50% với cơ sở giáo dục đại học đào tạo tiến sĩ, nhà trường đã có Nghị quyết công tác đào tạo, bồi dưỡng dành cho giảng viên để đảm bảo tiền lương và chế độ.

Với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đó, những giảng viên tham gia nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ bên cạnh việc được nhận hỗ trợ từ học bổng thì còn nhận được trách nhiệm hỗ trợ từ nguồn lực của trường. Từ đó giảng viên có thêm động lực đăng ký nghiên cứu sinh, nhà trường cũng dễ dàng hơn trong việc thu hút và giữ chân giảng viên trình độ cao.

“Có thể thấy rằng, Thông tư 01 vừa là quy định để các cơ sở giáo dục đại học tuân theo để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. Mặt khác, đây còn là động lực để các đơn vị cố gắng phát triển toàn diện quy mô, năng lực của mình.

Bởi, đội ngũ đào tạo càng cao, càng mạnh thì chất lượng đào tạo sẽ ngày càng tốt. Việc thực hiện, đáp ứng những yêu cầu tại thông tư cũng góp phần đưa cơ sở giáo dục đại học ngày một phát triển hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành cho hay.

Trong khi đó theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, khi sức cạnh tranh và nội lực của các trường đại học đặt tại địa phương còn khiêm tốn thì cần tăng cường công tác đào tạo nguồn lực tại chỗ.

Bên cạnh đó, muốn giảng viên gắn bó lâu dài thì các đơn vị phải đưa ra cơ chế, chính sách đãi ngộ để người lao động yên tâm công tác, gắn bó với nhà trường.

Để có thể đạt được tỷ lệ giảng viên như yêu cầu tại tiêu chuẩn giảng viên trong Thông tư 01, các trường sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa các chính sách cho lao động có trình độ cao để thuận lợi hơn trong việc thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ về trường công tác.

Đánh giá trên những điều kiện hiện có của trường, thầy Hà cho rằng, Thông tư 01 nên được áp dụng linh hoạt các tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên sao cho phù hợp với từng loại hình trường để tránh dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Theo đó, khi được áp dụng linh hoạt các, các cơ sở đào tạo sẽ bớt áp lực và thực hiện công tác báo cáo sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, quá trình thanh tra, kiểm tra của các bộ phận quản lý cũng sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn nhiều.

Trong trường hợp các đơn vị không được áp dụng linh hoạt những tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 01, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng chuẩn theo từng giai đoạn, chia nhỏ tỷ lệ sao cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tế. Điều này sẽ giảm tải áp lực cho các trường khi bị áp 1 tỷ lệ lớn ngay từ ban đầu, mặt khác cũng tạo điều kiện cho các trường trong việc thực hiện báo cáo.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đức Tùng cũng cho rằng việc Thông tư 01 không phân biệt các loại hình trường sẽ dễ dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện.

Trên thực tế, quy mô của các cơ sở giáo dục đại học có nhiều điểm khác nhau, nên không thể quy chụp yêu cầu điều kiện của đại học với trường đại học, của trường đại học tại những thành phố trực thuộc trung ương với các trường đại học đặt tại địa phương làm một.

snapedit_1732525405653.jpeg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: website nhà trường

Theo đó, thầy Tùng trăn trở rằng, dù tỷ lệ giảng viên của trường đã vượt qua yêu cầu của chuẩn nhưng hiện nay, Trường Đại học Quy Nhơn vẫn đang gặp khó ở những yêu cầu, tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Một trong những yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo Thông tư 01 quy định, ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người.

"Khi tổng diện tích đất của các trường đều có sự khác biệt thì không thể quy điều kiện của những trường đặt tại các thành phố lớn với các trường đặt ở tỉnh, trường đại học địa phương. Bởi điều này có thể là lợi thế với những trường ngoại thành, có diện tích lớn nhưng sẽ là thách thức với các trường trong nội đô được xây dựng từ trước, diện tích khuôn viên hạn chế", thầy Tùng nêu quan điểm.

ĐÀO HIỀN