Cô giáo Vũ Thị Ngân (36 tuổi, quê Nghệ An), tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An (nay là Trường Đại học Nghệ An) vào năm 2011. Năm 2012, cô chính thức giảng dạy môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Suốt 13 năm sinh sống và làm việc tại Côn Đảo, cô giáo Ngân không chỉ tận tâm với sự nghiệp giáo dục, mà còn tích cực lan tỏa lối sống xanh - sống đẹp tại huyện đảo nơi mình công tác. Một trong những sáng kiến nổi bật của cô là ứng dụng eco-enzyme - một dung dịch sinh học thân thiện với môi trường để thay thế các chất tẩy rửa hóa học trong sinh hoạt hằng ngày.
Bén duyên với huyện đảo và sống xanh từ những hành động nhỏ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Vũ Thị Ngân cho biết, với niềm đam mê khám phá cùng tình yêu thiên nhiên, cô đã chọn một vùng đất xa để gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
“Mỗi người đều có lý do riêng để chọn nơi làm việc, với tôi, cơ hội đến với huyện đảo khá tình cờ. Khi ấy, một người bạn của tôi nói rằng, Côn Đảo đang thiếu giáo viên, nên tôi quyết định thử nộp đơn ứng tuyển.
Thời điểm đó, tôi chưa có điện thoại thông minh, phải ra quán net tìm hiểu về Côn Đảo. Khi nhìn thấy những hình ảnh tuyệt đẹp về quần đảo này, cùng với niềm yêu thích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của tác giả Phan Châu Trinh, tôi đã quyết tâm hơn để tới Côn Đảo lập nghiệp và cống hiến. Sau đó, tôi may mắn trúng tuyển và một mình ra Côn Đảo làm giáo viên chính thức vào tháng 8/2012”, cô Ngân chia sẻ.
Tâm sự về những ngày đầu tiên đặt chân tới Côn Đảo, cô Ngân nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi khá bất ngờ vì khung cảnh hoang vu của huyện đảo. Khi đặt chân tới đây, do không có người thân và là người từ nơi xa đến, tôi đã gặp không ít khó khăn, từ khí hậu, nơi ăn, chốn ở đến hòa nhập văn hóa bản địa,... Tuy nhiên, nhờ sự thân thiện và tận tình giúp đỡ của người dân nơi đây, tôi đã dần thích nghi với cuộc sống mới”.
Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, cô Ngân đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hướng đến lối sống xanh bền vững. Cô đã tham gia nhiều tổ chức, hội nhóm tình nguyện nhặt rác dọc bờ biển trong nhiều năm sống và làm việc tại Côn Đảo.
Đặc biệt, cô giáo Vũ Thị Ngân còn sử dụng eco-enzyme (một loại dung dịch tẩy rửa tự nhiên từ những nguyên liệu dễ kiếm như vỏ dứa, bồ hòn, đường nâu, nước) để thay thế các hóa chất độc hại, góp phần bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu rác thải hữu cơ.
Chia sẻ về cơ duyên khi lựa chọn eco-enzyme như một giải pháp để bảo vệ môi trường và tạo tác động tích cực tại Côn Đảo, cô Ngân cho hay: “Năm 2020, tôi bắt đầu đưa vào hoạt động một homestay nhỏ và tận dụng rác thải đại dương để trang trí không gian, với phương châm “có gì dùng nấy”. Chính sự độc đáo cùng yếu tố thân thiện với môi trường đã thu hút nhiều du khách quốc tế và cả những người làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến lưu trú.
Như một cơ duyên bất ngờ, tôi đã có dịp gặp gỡ một đại diện của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), người đại diện này đã tận tình hướng dẫn tôi cách làm eco-enzyme. Sau khoảng 3 tháng thử nghiệm và sử dụng, tôi đã nhận thấy rõ sự hữu ích mà eco-enzyme mang lại. Nước tẩy rửa được làm từ dung dịch này không chỉ làm sạch chén bát, sàn nhà, mà còn không để lại cảm giác nhớt như các sản phẩm tẩy rửa công nghiệp thông thường.
Cùng với đó, eco-enzyme hoàn toàn có thể sử dụng để ngâm rửa trong chế biến thực phẩm như: rau, thịt, cá,... Ngoài ra, dung dịch này cũng tạo ra hàng ngàn vi sinh vật xử lí chất thải; pha loãng enzyme để tưới cây, tưới rau thay phân đạm, đồng thời, ngăn ngừa và chữa nấm rất tốt, phần ngấm vào đất sẽ tạo thêm vi sinh vật có lợi cho đất...
Từ đó, tôi đã say mê với eco-enzyme và không ngừng tìm hiểu thêm để cải tiến loại dung dịch này”.
Tới năm 2024, dự án eco-enzyme được cô giáo Vũ Thị Ngân thực hiện không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, mà còn truyền cảm hứng để nhiều người dân địa phương, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới một cuộc sống xanh hơn.
Nói về quá trình sử dụng eco-enzyme, cô Ngân cho hay, mặc dù đã bắt đầu làm loại dung dịch tẩy rửa tự nhiên này từ năm 2020, đồng thời, kiên trì sử dụng suốt hơn 4 năm qua, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn trong việc sử dụng và lan tỏa tới người dân trên huyện đảo.
Theo cô Ngân, thách thức lớn nhất nằm ở việc thay đổi thói quen và tâm lý của những người xung quanh. Trong khi sản phẩm công nghiệp được bày bán sẵn, tiện lợi, nhanh chóng, việc khuyến khích cộng đồng thử nghiệm và tái sử dụng eco-enzyme vẫn còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, đặc điểm ít bọt của eco-enzyme cũng kén người dùng khiến người dân không sẵn lòng thay đổi từ những sản phẩm họ đã quen thuộc. Dù vậy, cô Ngân vẫn không ngừng sử dụng và kiên trì lan tỏa những lợi ích thiết thực mà eco-enzyme mang lại.
Niềm vui bất ngờ đến với cô Ngân vào tháng 10/2024, khi một nhóm thuộc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai dự án môi trường tại Côn Đảo, hướng dẫn người dân cách làm và sử dụng eco-enzyme. Cô Ngân cũng có mặt tại sự kiện này để hỗ trợ và tuyên truyền tới người dân huyện đảo về eco-enzyme. Tại đây, người dân đã có thêm kiến thức về việc sống xanh, tin tưởng hơn vào những lợi ích của dung dịch tự nhiên mang lại. Đây chính là cột mốc quan trọng để eco-enzyme dần được đón nhận và lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.
Ấp ủ kế hoạch kết nối, lồng ghép lan tỏa lối sống xanh vào chương trình học
Kể về những kỷ niệm với dự án eco-enzyme, cô Ngân tự hào nhắc đến, bản thân đã có rất nhiều ký ức đẹp với người dân trên đảo cũng như du khách quốc tế, những người đã tham gia cùng cô trong hành trình lan tỏa giá trị của eco-enzyme. Trong đó, kỷ niệm ấn tượng nhất là khi cô hướng dẫn một nhóm sinh viên người Pháp cách làm eco-enzyme.
“Năm 2024, tôi may mắn được hướng dẫn nhóm sinh viên Pháp tới Côn Đảo để du lịch. Sau khi được giải thích về enzyme bromelain trong quả dứa có khả năng làm sạch chất bẩn một cách nhanh chóng và hiệu quả, các bạn sinh viên Pháp không chỉ cảm thấy hào hứng mà còn tỏ ra bất ngờ trước công dụng kỳ diệu của loại quả này. Đặc biệt, nhóm sinh viên này còn bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú khi được hướng dẫn và tận tay trải nghiệm.
Trước khi chia tay, các bạn sinh viên còn hứa, khi trở về Pháp, sẽ tiếp tục làm eco-enzyme và lan tỏa phương pháp này đến bạn bè, người thân tại quê nhà. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào, hạnh phúc, vì có thể lan tỏa được lối sống xanh tới bạn bè quốc tế.
Bất ngờ hơn là chỉ 2 tuần sau, một nhóm sinh viên Pháp khác đã được giới thiệu đến gặp tôi để tìm hiểu thêm về eco-enzyme và chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh loại dung dịch tự nhiên này. Những lần gặp gỡ đó không chỉ là cơ hội giao lưu văn hóa, mà còn là niềm khích lệ lớn đối với tôi trong việc tiếp tục lan tỏa thông điệp sống xanh và bảo vệ môi trường”, cô Ngân bày tỏ.
Khi được hỏi về những thay đổi tích cực mà dự án eco-enzyme mang lại cho cộng đồng tại Côn Đảo, đặc biệt, trong nhận thức của người dân địa phương và sinh viên quốc tế về việc bảo vệ môi trường, cô Ngân bộc bạch: “Thực lòng, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé để có thể thay đổi lối sống của mọi người. Nhưng suốt những năm qua, mỗi lần đi xin vỏ dứa, tôi đều nhận được sự ủng hộ, động viên từ mọi người xung quanh. Người dân tại Côn Đảo không chỉ nhiệt tình lấy những phần vỏ dứa tốt nhất để dành cho tôi, mà còn lan tỏa câu chuyện về eco-enzyme tới khắp huyện đảo.
Đặc biệt, đã có một vài chủ quán giới thiệu với khách hàng về công dụng, sự hữu ích của eco-enzyme. Đây là những thay đổi tích cực về nhận thức đối với việc sống xanh tại địa phương và cũng là động lực để tôi tiếp tục duy trì và phát triển dự án này”.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, nữ giáo viên mong muốn phát triển eco-enzyme để dự án được hoàn thiện hơn và có thể mở rộng phạm vi ứng dụng.
“Eco-enzyme không chỉ thân thiện với môi trường, tốt cho đất và nguồn nước ngọt hiếm hoi của đảo, mà còn có chi phí thấp, dễ tiếp cận và góp phần giảm thiểu rác thải hữu cơ trên huyện đảo. Chính vì vậy, tôi cố gắng lan tỏa mô hình này bằng cách tự làm sản phẩm, tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách thực hiện. Việc tạo ra nước tẩy rửa từ nguyên liệu thiên nhiên không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng địa phương”, cô Ngân bộc bạch.
Bên cạnh đó, cô giáo Vũ Thị Ngân cũng mong muốn mở rộng quy mô và tác động của dự án eco-enzyme tại Côn Đảo. Cô cho biết, hiện nay, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã phổ biến, tuyên truyền về eco-enzyme tới các nhà hàng, khách sạn và khu dân cư.
Tuy nhiên, để mô hình này lan tỏa mạnh mẽ hơn, cô hy vọng có thể tổ chức thêm các workshop nhỏ tại các trường học, nhằm hướng dẫn cách ngâm và sử dụng eco-enzyme.
Nữ giáo viên cũng cho hay, để tiến tới lan tỏa eco-enzyme tới trường học, cô đã chia sẻ những kiến thức về dung dịch này tới giáo viên và học sinh tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc và sẽ lên kế hoạch để đưa eco-enzyme lồng ghép vào các chương trình học của nhà trường trong thời gian tới. Đồng thời, cô cũng ấp ủ kế hoạch kết nối với các trường học khác tại Côn Đảo, để lồng ghép hoạt động này vào các tiết học trải nghiệm, kỹ năng sống. Điều này sẽ giúp học sinh không chỉ hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, mà còn hình thành ý thức và hành động thực tế ngay từ khi còn nhỏ.