Nữ Giáo sư gốc Việt nhận giải thưởng danh giá nhất của Tổng thống Mỹ

21/01/2012 12:00
Theo Người đưa tin
"Hãy mạnh dạn thử nghiệm những điều mới mẻ và đừng bao giờ nói rằng bạn không thể làm được điều đó bởi bất cứ lý do gì", nữ giáo sư 36 tuổi chia sẻ.
Nữ giáo sư gốc Việt Thảo Nguyễn
Nữ giáo sư gốc Việt Thảo Nguyễn

Khi ước mơ được chắp cánh

Giáo sư Thảo Nguyễn sinh năm 1976 tại Việt Nam, trong một gia đình có nền tảng giáo dục vững chắc, bố mẹ đều là giáo viên. Năm 1986, khi Thảo Nguyễn 10 tuổi, cả gia đình cô sang định cư tại Mỹ theo một chương trình của Liên hợp quốc.

Dù còn nhỏ nhưng Thảo Nguyễn  cũng ý thức được những khó khăn để có thể tồn tại được nơi đất khách. Cô bé 10 tuổi khi đó rất ham học hỏi và thông minh. Do có thân hình bé nhỏ hơn các bạn nên Thảo thường hay bị bắt nạt và giễu cợt. Thảo ý thức rằng chỉ có bằng cách học xuất sắc hơn thì mới có thể thoát khỏi tình cảnh ấy.

Ngoài thời gian trên lớp, Thảo giam mình trong thư viện để học thêm kiến thức. Sau một thời gian với những phấn đấu không ngừng, Thảo đã đạt học lực xuất sắc và được nhiều bạn bè ủng hộ.

Hơn nữa, cha mẹ Thảo luôn ở bên động viên cô con gái, hướng cô vào con đường học vấn. “Cha mẹ tôi là người thầy đầu tiên và mãi mãi trong cuộc đời tôi. Họ đã cho tôi tất cả”, giáo sư Thảo Nguyễn nói.

Khi nhận thấy khả năng đặc biệt về toán của con gái, cha mẹ Thảo đã quyết định tìm trường chuyên về ngành học này để cô có cơ hội theo học. Sau khi tốt nghiệp, Thảo Nguyễn được nhận thẳng vào một trường danh tiếng của Mỹ là Viện công nghệ Massachusetts (MIT) để theo học ngành kỹ sư cơ khí. Dù là một môn học phần nhiều dành cho nam giới nhưng Thảo Nguyễn đã chứng tỏ sự xuất sắc của mình trong 4 năm theo học. “Cô ấy rất thông minh và đầy cá tính. Cô ấy là tấm gương cho nhiều nam sinh viên chúng tôi. Đó là một người con gái Việt Nam tuyệt vời. Chúng tôi rất quý cô ấy”, một nam sinh viên học cùng khóa với Thảo Nguyễn nói.

Khi được hỏi lý do nào khiến cô chọn ngành kỹ sư cơ khí, giáo sư Thảo cho biết, cô đam mê toán học và vật ký ngay từ nhỏ: “Tôi học trường chuyên toán và khoa học Van Nuys và tôi rất thích các lớp sinh học, hóa học, vật lý cũng như vi tính. Tôi cũng đã có cơ hội tham gia một số cuộc thi khoa học ở bậc trung học, thực tập ở một công ty hàng không vũ trụ khi còn học trung học. Với nhiều sự khích lệ cùng với thực tế là tôi rất đam mê những môn học này nên tôi đã lựa chọn học ngành kỹ sư”.

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khi, Thảo Nguyễn đã tiếp tục theo học Thạc sĩ rồi lấy bằng Tiến sĩ tại ĐH Stanford. Ra trường cô liên tục được các trường ĐH nổi tiếng của Mỹ mời về giảng dạy. Hiện cô đang là giáo sư tại ĐH Johns Hopkins ở Thủ đô Wasington.

Giải thưởng danh giá nhất

Khi tham gia giảng dạy tại đây, giáo sư Thảo Nguyễn đã nghiên cứu công trình về chất liệu Polyme thành công. Năm 2009, cô đã trở thành người Mỹ gốc Việt duy nhất trong số 100 nhà khoa học và kỹ sư trẻ được Tổng thống Obama trao tặng giải thưởng: “Tổng thống dành cho các khoa học gia và kỹ sư ở giai đoạn khởi đầu sự nghiệp”. Đây là danh hiệu cao quý nhất mà chính phủ Hoa Kỳ trao tặng cho các tài năng khoa học trẻ.

Trong ngày nhận giải thưởng, cô chia sẻ: “Niềm vui mà tôi đem lại cho ba mẹ chính là sự đền ơn của tôi đối với họ, sự đón nhận của cộng đồng người Việt ở đây cũng thật đặc biệt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều đó”.

“Hiện giờ ở cương vị một giáo sư, tôi hiểu thời gian quý giá như thế nào và khi nhìn lại tôi thấy thật kinh ngạc và biết ơn giáo sư Bary Boyce khi bà đã dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt. Bà là người có nhiều ảnh hưởng đến sự thành công của tôi”, cô chia sẻ.

“Các bạn nên nắm bắt mọi cơ hội mà bạn có, bởi sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn tìm hiểu xem mình thực sự thích làm gì. Hãy mạnh dạn thử nghiệm những điều mới mẻ và đừng bao giờ nói rằng bạn không thể làm được điều đó bởi bất cứ lý do gì”, Gs Thảo nhắn nhủ.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Theo Người đưa tin