Vụ con đuổi cha mẹ ra đường: Phải chăng đạo đức xã hội đã suy đồi?

01/02/2012 16:26
Xuân Trung
(GDVN) - Câu chuyện đôi vợ chồng già hơn 80 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội bị chính những đứa con ruột của mình đẩy ra đường không thương tiếc thu hút quan tâm xã hội.
Câu chuyện khá đau lòng này xảy ra ở một miền quê, tuy nhiên mức độ và sức ảnh hưởng của vấn đề đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội, đó là nỗi lo về sự xuống cấp đạo đức của những bậc làm con khi chưa tròn chữ Hiếu. Ở góc độ nào đó để giải thích cho nguyên nhân đôi vợ chồng già bị 7 người con xua đuổi trắng trợn ra khỏi nhà là điều khó giải thích. Nhưng, nhìn ở góc độ giáo dục chúng ta đơn giản thấy rằng, có thể do cách dạy bảo con cái chưa đến nơi, đến chốn.

Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết và Nhà thơ Vũ Quần Phương đều nhận định: Đây là sự suy đồi của đạo đức.
Vợ chồng ông bà Qúy Chén
Vợ chồng ông bà Qúy Chén

PV: Chuyện hai vợ chồng già ngoài 80 tuổi bị chính những đứa con ruột đẩy ra đường đã gây bức xúc cho xã hội. Giáo sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Câu chuyện thương tâm của hai cụ già ở Quốc Oai, Hà Nội là một chuyện khó tin. Nhưng đặt nó trong hàng loạt những chuyện xảy ra trong thời gian qua như vợ thiêu chết chồng, chồng giết vợ rồi chặt thành từng khúc để phi tang, em rể cài chất nổ vào xe máy giết chị đang mang thai cùng đứa cháu mới lên 4 tuổi, người qua đường thấy xe khách bị nạn không những không ra tay cứu người mà còn xông vào hôi của, một đám choai choai đứng trước sân toà án vỗ tay khi nghe tên tội phạm đáng nguyền rủa Lê Văn Luyện khai với toà những chi tiết rùng rợn của vụ giết người cướp của v.v… thì có thể thấy đạo đức xã hội đã suy đồi lắm rồi. Đây là những điềm báo rất xấu đối với một xã hội.

Trong câu chuyện của hai cụ già ở Quốc Oai, tôi không hiểu chính quyền và các đoàn thể ở đâu mà để nó diễn ra, thậm chí kéo dài như vậy.       

PV: Trong quan hệ gia đình thì chữ Hiếu đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Người Việt rất coi trọng đạo hiếu, vậy nên những bậc đại hiếu, chí hiếu trong thiên hạ đều rất được đề cao, coi trọng, được người đời ca tụng, là tấm gương cho đời sau. Vậy, phải chăng với trường hợp này, bố mẹ đã không giáo dục con cái ngay từ nhỏ nên dẫn đến những kết cục đau thương?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Với những chi tiết được đọc trên báo chí, tôi ngờ rằng hai cụ quá chiều mấy ông con trai và chưa có cách giải quyết sáng suốt đối với đất đai, tài sản của mình. Cha mẹ thương con nhưng không thể chiều theo mọi ý muốn của con và giao hết cho con, không giữ lại cho mình chút gì.

Trong chuyện phân chia tài sản, cha mẹ phải công bằng, đừng nhất bên trọng nhất bên khinh hoặc theo lối cũ trọng nam khinh nữ.

Con cái là hạnh phúc nhưng cũng có khi trở thành gánh nặng nếu cha mẹ không có phương pháp dạy con đúng đắn.

Của cải là một nguyên nhân gây hoạ nếu nó không được giải quyết một cách sáng suốt.  
GS Nguyễn Minh Thuyết ngờ rằng: Hai cụ quá chiều mấy ông con trai và chưa có cách giải quyết sáng suốt đối với đất đai, tài sản của mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết ngờ rằng: Hai cụ quá chiều mấy ông con trai và chưa có cách giải quyết sáng suốt đối với đất đai, tài sản của mình.

PV: Đạo hiếu không kể đó là người sang hay kẻ hèn, người ở địa vị xã hội cao hay thấp mà cốt ở sự thể hiện lòng hiếu thảo của mình. Với việc đối xử mất nhân tính như 7 người con trong trường hợp này cho chúng ta thấy vấn đề “chữ Hiếu” đang bị xem nhẹ ở giới trẻ?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong lúc chúng ta trình hết hồ sơ này hồ sơ khác cho UNESCO để công nhận các cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc và các điệu hát, các lễ hội của dân tộc là di sản văn hoá của nhân loại thì những giá trị văn hoá cao nhất của người Việt như hiếu nghĩa, liêm chính bị nhiều người coi rẻ.

Không phải chỉ lớp trẻ xem nhẹ đâu. Mười bốn người con, cả dâu cả rể, của ông bà cụ ở huyện Quốc Oai đều là người lớn đấy chứ?

Trong xã hội, nếu người trên không nêu gương xấu thì người dưới làm sao hư được?

Tôi không nói “người lớn” mà nói “người trên” vì có nhìn rộng ra như vậy mới thấy được nguồn gốc của sự băng hoại đạo đức xã hội.

Ví dụ, qua vụ bội ước của đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng với ông Đoàn Văn Vươn và một số gia đình có đầm nuôi tôm ở xã Vinh Quang đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay, tôi thấy chữ Tín bị coi không ra gì.

Người cầm quyền còn chà đạp lên chữ Tín thì bảo dân giữ chữ Tín, chữ Lễ làm sao được?  

PV: Theo Giáo sư, đạo đức giới trẻ cần phải được giáo dục như thế nào trong xã hội ngày nay?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước những hiện tượng băng hoại đạo đức trầm trọng và phổ biến hiện nay, tôi nghĩ vấn đề không gói gọn trong gia đình và trường học nữa rồi, mặc dù gia đình và nhà trường, đoàn thể rất cần quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho lớp trẻ.

Chặn đứng suy thoái văn hoá, suy thoái đạo đức là vấn đề chung của toàn xã hội. Tôi mong rằng các nhà lãnh đạo và tất cả những ai có trách nhiệm với xã hội sẽ cảm nhận được ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của xã hội từ những tín hiệu xấu này để có giải pháp tổng thể cho vấn đề. 
Nhờ thơ Vũ Quần Phương: Ở đời việc nuôi dạy con, con trưởng thành rồi nhưng báo hiếu với bố mẹ như thế nào không ai biết trước được.
Nhờ thơ Vũ Quần Phương: Ở đời việc nuôi dạy con, con trưởng thành rồi nhưng báo hiếu với bố mẹ như thế nào không ai biết trước được.

PV: Với vai trò là người cha, ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Việc này nói một câu để trả lời cũng dễ thôi. Việc này là đáng lên án, nhưng lên án thì dễ mà quan trọng là phải giải quyết việc đó như thế nào, giải quyết cho ông bà cụ đó như thế nào. Việc đối xử với bố mẹ như thế làm không ít người kinh ngạc. Ở đời việc nuôi dạy con, con trưởng thành rồi nhưng báo hiếu với bố mẹ như thế nào không ai biết trước được, khó lắm. Mỗi cảnh ngộ lại  mỗi khác.

PV: Ông có chia sẻ gì về cách giáo dục con cái  trong xã hội ngày nay?

Không ai dám nói mạnh mồm  trong việc nuôi dạy con cái, bởi vì giáo dục con  thế nào là phải cũng khó lắm. Chúng ta hãy tưởng tượng, giáo dục một đứa trẻ cấp 2 rằng phải sống ngay thẳng, nhưng giáo dục đúng đạo lý thì thua trong cuộc đời mà giáo dục thắng trong cuộc đời thì lại hỏng về đạo lý.
Tôi nhiều khi có cảm nhận mình có cái may khi có những người con ứng xử phù hợp với mình, cái may nhưng không dám nói mạnh vì cuộc đời còn nhiều biến đổi, ở tuổi tôi cũng không có gì là chắc cả, kể cả sự sống của mình. 

Xin cảm ơn Giáo sư và Nhà thơ!

Xuân Trung