Sáng 24/5, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo công bố thực trạng, giải pháp về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và chương trình tháng hành động vì trẻ em năm 2012.
Theo Bộ Lao động, tình trạng bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán trẻ em đang diễn biến phức tạp và có tính chất nghiêm trọng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục.
Tính chất các vụ xâm hại đang rất báo động, thể hiện sự suy đồi đạo đức, như: hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ, thầy giáo xâm hại tình dục học trò. Thậm chí, một số vụ mang tính chất loạn luân, như cha đẻ xâm hại tình dục con gái trong thời gian dài, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ...
Nữ sinh lớp 7 tại Hải Dương tố cáo ông hàng xóm khiến em mang bầu. |
Tình trạng buôn bán và bắt cóc trẻ em những năm gần đây cũng trở nên nhức nhối. Ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu..., tội phạm trong nước kết cấu với người nước ngoài lợi dụng địa hình miền núi vắng vẻ đột nhập vào nhà dân giết người, chiếm đoạt tài sản, bắt cóc trẻ em để bán sang Trung Quốc, chủ yếu là trẻ nam. Ở các tỉnh biên giới phía Nam như An Giang, Tây Ninh..., tội phạm lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc trẻ em gái ở độ tuổi 14-15 rồi bán sang Campuchia để đưa vào các ổ mại dâm.
Hình thức buôn bán, lợi dụng trẻ gần đây còn ngụy trang trong các mối quan hệ như nhận con nuôi. Việc buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ từ trong bào thai xảy ra ở nhiều nơi.
Cục trưởng Chăm sóc Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động) Nguyễn Hải Hữu cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là sự phân hóa giàu nghèo. Khó khăn về kinh tế của một số gia đình dẫn đến việc sao nhãng, bỏ mặc trẻ. Đây là điều kiện làm nảy sinh các hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em hoặc trẻ em vi phạm pháp luật.
Ngoài ra theo ông Hữu, sự biến đổi các giá trị sống, lối sống thực dụng, quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân... cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Trẻ có nguy cơ cao bị bỏ rơi, đi lang thang kiếm sống, vi phạm pháp luật và bị bạo lực, xâm hại. Bên cạnh đó, các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội.
"Bộ Lao động sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ. Bộ cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, nâng mức trợ cấp xã hội với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt... ", Cục trưởng Hữu nói.
Hoàng Thùy/VNE