Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng môn GDQP

05/07/2011 05:51
Trong tương lai khi được công nhận là đơn vị chủ quản trong giảng dạy GDQP-AN bộ môn phải tiếp tục bổ sung lược lượng.

Việc tổ chức quản lý quá trình dạy - học môn học giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) của Bộ môn Giáo dục quốc phòng Trường Đại học An Giang từ học kỳ II năm học 2007-2008 đến nay được điều chỉnh theo Quyết định số 69/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (trước đó là Quyết định số 40/2002/QĐ/BGD&ĐT ngày 14/10/2002).

Từ khi hoạt động bình thường trở lại (tháng 02/2006) Bộ môn Giáo dục quốc phòng đã nhanh chóng xây dựng "Quy định về quản lý nội dung và kết quả đào tạo GDQP-AN", hàng năm trình Ban Giám hiệu phê duyệt trên cơ sở các quyết định nêu trên của Bộ GD&ĐT. Đồng thời xem đây là quy chuẩn cho việc tổ chức quản lý quá trình dạy - học của bộ môn.
 

 

Thực chất việc xây dựng và tổ chức thực hiện "Quy định về quản lý nội dung và kết quả đào tạo GDQP-AN" của bộ môn là công tác cải tiến tổ chức quản lý quá trình dạy  - học môn học GDQP-AN, là quá trình xây dựng bộ môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà trọng tâm là: xây dựng đội ngũ; xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị; cải tiến tổ chức dạy - học; đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả. Đây cũng là quá trình tổng hợp nhằm xây dựng bộ môn đủ khả năng chủ quản trong giảng dạy GDQP-AN.

Về xây dựng đội ngũ: từ khi thành lập đến tháng 02/2006 bộ môn chưa xây dựng chiến lược về đội ngũ, các giảng viên, giáo viên cơ hữu, kiêm nhiệm giảng dạy và hoạt động rời rạc theo kiểu phân công theo nhóm công việc và việc ai người ấy làm chủ yếu bằng kinh nghiệm trong môi trường quân đội và công an, có lúc phải sinh hoạt ghép với Bộ môn Giáo dục Thể chất.

Sau khi được củng cố tổ chức, bộ môn kiện toàn lực lượng có sẵn, tiếp nhận thêm 6 giảng viên trẻ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ sư phạm, ban lãnh đạo được kiện toàn bổ sung với Trưởng và 2 Phó Trưởng bộ môn số lượng giảng viên, giáo viên là 13 cơ hữu, 1 kiêm nhiệm; trong đó có nguyên 11 sĩ quan quân đội (còn 7 trong lực lượng DBĐV), 2 nguyên là sĩ quan an ninh chuyển ngành.

Có 1 thạc sĩ, 10 cử nhân, 3 đang hoàn chỉnh đại học (1 qua Trường Sĩ quan Lục quân, 2 qua Trường Sĩ quan Pháo binh). Hiện bộ môn dự nguồn cử đi học sau đại học 2 đến 3 giảng viên. Công việc được phân công kiêm nhiệm giữa giảng dạy (cơ bản) và mỗi người một đến hai mảng công việc theo hoạt động của bộ môn.

Trong tương lai khi được công nhận là đơn vị chủ quản trong giảng dạy GDQP-AN bộ môn phải tiếp tục bổ sung lược lượng (dự nguồn là sinh viên tốt nghiệp đại học Sư phạm GDQP-AN, Sư phạm GDCT, Sư phạm Sử phải đạt kết quả giỏi hoặc khá đã qua đào tạo sĩ quan dự bị).

Đặc biệt trong xây dựng đội ngũ thành tựu quan trọng có ý nghĩa thiết thực nhất của bộ môn là thực hiện thắng lợi việc phân công giảng dạy vừa chuyên sâu vừa toàn diện. Mỗi giảng viên đều có 3 đến 4 chuyên đề, đề mục giảng dạy chuyên sâu; đồng thời mọi giảng viên đều có thể giảng dạy tất cả các chuyên đề, đề mục cho các nhóm đối tượng sinh viên, học sinh.

Từ đó, mỗi chuyên đề, đề mục của một nhóm sinh viên sẽ do một giảng viên giảng dạy, không giảng viên nào được giảng dạy hết cả học phần cho một nhóm sinh viên. Điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải thật sự có năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, toàn diện để có thể tạo nên sự mới lạ, hứng thú cho sinh viên khi học tập và cũng không "có đất cho tiêu cực phát sinh".

Về xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị: trên cơ sở thực hiện quy định chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy - học, bộ môn thực hiện việc thống kê, phân loại (theo 3 tiêu thức) những vật chất, thiết bị hiện có, tiến hành đăng ký cơ quan Công an; sau đó thực hiện việc quản lý, sử dụng và phát triển (từ 3 nguồn).

Nổi bật trong xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị là cho đến nay toàn bộ giảng viên đều giảng bài bằng Laptop (tự mua), đã sử dụng 3 loại thiết bị bắn tập (2 máy BT-85 nay đã hỏng 1, 1 máy MBT-03 thế hệ cũ đã hỏng và 2 máy MBT-03 thế hệ mới, tất cả đã hết khấu hao), có bãi tập kỹ chiến thuật rộng, xây dựng kiên cố (cả nhà bắn tập và bãi tập chiến thuật) được trồng cây lâu năm do Chi Cục Kiểm lâm gửi tặng.

Cho đến nay, cơ sở vật chất thiết bị của bộ môn tuy chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy - học nhưng do tổ chức sử dụng khéo léo nên vẫn bảo đảm được quy định tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành. Trong thời gian tới bộ môn sẽ tiếp tục đề nghị mua sắm theo yêu cầu nhiệm vụ trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm đồng thời phát huy tốt các nguồn lực phát triển khác.

Về cải tiến tổ chức dạy - học: công tác tổ chức dạy - học được đặc biệt quan tâm do nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ (trung tâm) giảng dạy của bộ môn. Được phê duyệt của Ban Giám hiệu, được sự thống nhất của Phòng Đào tạo bộ môn giảng dạy từ năm thứ 2 đối với hệ đại học và năm thứ 1 đối với hệ cao đẳng (sau môn học Lý luận chính trị) theo nhóm cuốn chiếu, trải đều trong năm.

Điều này làm cho môn học trở nên mềm mại hơn, hòa nhập với các môn học khác trong nhà trường (đánh tan quan niệm quân sự hóa học đường), số lượng giảng viên không cần nhiều và vật chất, thiết bị được sử dụng hiệu quả (thời gian sử dụng nhiều hơn thời gian lưu kho). Riêng khối trung cấp chuyên nghiệp phần kỹ năng học tập trung để có dịp rèn luyện nhiều hơn về tính tổ chức kỷ luật và nếp sống tập thể.

Cụ thể sinh viên được chia thành từng nhóm (cùng hoặc gần chuyên ngành đào tạo) khoảng 120 sinh viên để dạy - học phần lý luận, phần kỹ năng tùy theo số lượng của nhóm và tình hình giảng viên nhóm lớn sẽ được chia thành 3 hoặc 2 nhóm nhỏ được biên chế theo tiểu đội, trung đội để quản lý, huấn luyện.

Trong tổ chức luyện tập bộ môn chú trọng luyện tập kết hợp để tận dụng hiệu quả về thời gian và sử dụng vật chất, thiết bị cũng như tăng cường độ làm việc của cả người dạy và người học. Cụ thể khi tập bắn thường kết hợp với tập tháo lắp súng (có bố trí chỗ tập riêng), khi tập chiến thuật thường kết hợp tập ném lựu đạn, củng cố bãi tập, trồng, chăm sóc cây tạo bóng mát ...

Về đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả: vừa là mục tiêu vừa là kết quả của quá trình xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, cải tiến tổ chức dạy - học để đạt mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy - học. Đây cũng chính là công việc mà bộ môn hết sức trăn trở trong hoàn cảnh nhà trường chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ trong khi Vụ Giáo dục quốc phòng - an ninh chưa có một hướng dẫn cụ thể nào (kể cả đến nay).

Trên cơ sở chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành, tham khảo kinh nghiệm từ đơn vị bạn bộ môn mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học nhà trường phê duyệt đề cương chi tiết mẫu 4 và tổ chức thực hiện thống nhất trong nhà trường từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay. Đặc biệt từ sau lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên năm 2009 bộ môn nhanh chóng áp dụng phương pháp chuẩn bị bài giảng và thực hiện giảng dạy mới.

Mỗi học phần, chuyên đề, đề mục có hệ thống mục tiêu rõ ràng có bộ 3 nội dung chuẩn bị gồm đề cương chi tiết, kế hoạch bài dạy, bài giảng điện tử (chủ yếu sử dụng phần mềm PowerPoint); riêng phần liên kết minh họa cho bài giảng được chuẩn bị phong phú nhưng khi trình chiếu thì tùy theo đối tượng để có sự lựa chọn phù hợp.

Trong giảng dạy lý thuyết các vấn đề mang tính thời sự được cập nhật liên tục (cả chính trị và xã hội, có thống nhất phương pháp xử lý thông tin ở bộ môn) tạo tâm lý thoải mái, sự gần gủi giữa người dạy và người học, xây dựng niềm tin cho người học. Trong giảng dạy kỹ năng kết hợp làm mẫu hướng dẫn kỹ năng chuyên biệt với định hướng áp dụng vào thực tiễn góp phần hình thành kỹ năng sống làm người học không ngán ngại khó khăn mà phấn khởi, tích cực hoạt động và càng ham thích tìm hiểu nghiên cứu nhiều hơn. Hàng năm đều có giảng viên dự thi thiết kế bài giảng điện tử.

Từ đầu năm 2011 bộ môn tham gia một trang chuyên môn vào Website của nhà trường với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên góp phần nghiên cứu khoa học và sinh viên có diễn đàn trao đổi và tìm hiểu thông tin cần thiết phục vụ học tập nghiên cứu.

Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên được bộ môn tiến hành trên tinh thần công khai, minh bạch theo quy định; riêng các đối tượng được miễn thực hành (bộ môn đề xuất xem như miễn phần kỹ năng) không kiểm tra phần lý thuyết kỹ năng để thay thế vì làm như thế là không thiết thực, dễ phát sinh tiêu cực (đã được Ban Giám hiệu phê duyệt).

Cụ thể phần lý thuyết kiểm tra tự luận, phần kỹ năng kiểm tra thực hành kết hợp vấn đáp; đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp do điểm môn học được đánh giá trong điểm trung bình chung nên nên sử dụng điểm thi hết môn làm điểm đánh giá môn học.

Tổ chức kiểm tra, thi của môn học theo kế hoạch chung của nhà trường do Phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng quản lý; bộ môn thực hiện việc ra, nộp đề thi, đáp án; chấm điểm tập trung và trả kết quả đúng quy định đối với các học phần lý luận và cử giám khảo chấm điểm phần kỹ năng theo quy định (2 giám khảo chấm độc lập, trực tiếp, 1 tổng giám khảo tổ chức phúc khảo hoặc hủy kết quả khi có sự không thống nhất giữa 2 giám khảo hoặc sự cố). Từ năm học 2007 - 2008 đến nay việc kiểm tra đánh giá kết quả, chuyển giao, lưu trữ tài liệu liên quan đến kết quả kiểm tra không xảy ra bất kỳ sai sót nào.

Theo Đại Học An Giang