Bàn về việc sử dụng chữ Hán và nguy cơ nô dịch văn hóa

14/09/2014 06:38
XUÂN DƯƠNG
(GDVN)-Không thể vì một chút hiểu biết Hán Nôm mà vội kết luận rằng thiếu nó thì “dòng mạch truyền tải văn hóa truyền thống bị đứt gãy”. Chữ Hán cũng chỉ là ngoại ngữ!

Người viết rất trân trọng ý kiến của tác giả Thanh Phong trong bài: Cần nhìn nhận về hệ thống tư liệu chữ Hán ở nước ta như thế nào?.  Một vài nhận định chừng mực, đúng đắn của tác giả xin không bình luận thêm, bạn đọc của Giáo dục Việt Nam sẽ tự cảm nhận và đánh giá.

Bài viết này xin trao đổi cùng tác giả đôi điều, ngõ hầu đi đến một sự thống nhất trong đa dạng về cái mà chúng ta gọi là “văn hóa ngoại lai” cùng một số nhận định đã nêu trong bài viết.

Trước tác giả Thanh Phong, chưa thấy các nhà nghiên cứu công bố một công trình nào kết luận rằng “khoảng đầu Công nguyên  nước ta chưa có một hệ thống chữ viết phục vụ cho nhu cầu ghi chép của người dân”. Một số học giả Việt Nam và nước ngoài như Victor Goloubev, Phillipe Le Failler, Lê Trọng Khánh… khi nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa  nằm tại thung lũng Mường Hoa huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những văn tự cổ khắc trên đá. Sự tương đồng giữa các nét vẽ trên đá Sa Pa với nét vẽ trên trống và các đồ gia dụng bằng đồng Đông Sơn đã đưa đến nhận định rằng hình vẽ và chữ viết trên đá này có tuổi đời khoảng 2.500 năm.

Chữ khắc trên đá cổ Sa Pa

Chữ khắc trên đá cổ Sa Pa

Điều này có nghĩa là trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng khoảng 500 năm, người Việt cổ đã biết dùng hình ảnh,  chữ viết  để ghi lại các hiện tượng xã hội, thiên nhiên quanh mình. 

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, Mã Viện đã cho tịch thu trống đồng và dụng cụ bằng đồng của người Việt đúc lên chiếc cột đồng chôn ở biên giới Giao Chỉ và nhà Hán (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc). Bắt đầu từ thời điểm này những kẻ xâm lược ngoại bang tìm đủ cách đồng hóa người Việt không chỉ về phương diện nhân chủng học mà còn về văn hóa. Thời kỳ bắc thuộc 1.000 năm là quá đủ để quân xâm lược tiêu diệt chữ viết của người Việt cổ.

Tiếp nhận chữ Hán, xem nó là văn tự chính thống từ thời Mã Viện là điều mà giới cầm quyền, trí thức Việt buộc phải tuân theo vì người Việt không còn chữ viết, nhiều trăm năm sau việc sử dụng chữ Hán mới được xem như một sự mặc định. Mặc dù vậy tiếng nói của người Việt vẫn không phải là tiếng Hán, đó là tiếng nói tồn tại đến ngày nay, tuy đôi khi có pha trộn các từ Hán Việt. 

Đại bộ phận cư dân, những người lao động không biết chữ Hán và không nói tiếng Hán do vậy không thể kết luận chữ Hán  “phục vụ đúng mực cho các nhu cầu giao tiếp trong xã hội”, nói chính xác đây chỉ là giao tiếp của tầng lớp quan lại, sĩ phu chứ không phải của người dân.

Bàn về việc sử dụng chữ Hán và nguy cơ nô dịch văn hóa ảnh 2Cần nhìn nhận về hệ thống tư liệu chữ Hán ở nước ta như thế nào?

(GDVN) - Bản thân chữ Hán không có tội, nó chỉ là một loại công cụ của văn hóa, mà đã là công cụ thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người sử dụng.

Nếu có điều kiện tác giả Thanh Phong nên đọc Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trong đó có nhận định: “Dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt, thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán.

Những từ chữ Nôm này xuất hiện vào thế kỷ đầu sau Công nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI). Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh".

“Bản thân chữ Hán không có tội, nó chỉ là một loại công cụ của văn hóa, mà đã là công cụ thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người sử dụng”. Lập luận này đôi khi trở thành một công cụ ngụy biện.

Các loại vũ khí hạt nhân, hóa học… cũng chỉ là công cụ của chiến tranh, bản thân chúng đều vô tri vô giác nhưng vẫn bị thế giới nghiêm cấm sử dụng, thậm chí còn bị nghiêm cấm tàng trữ,  phổ biến. Vì sao, vì không thể lường trước được thảm họa đến với nhân loại nếu các loại vũ khí này rơi vào tay bọn khủng bố. Tương tự, vài chục, vài trăm sau nếu một lúc nào đó những kẻ khùng bên kia biên giới nói rằng Bạch Long Vỹ là của họ vì toàn bộ chữ viết trong chùa chiền ở đó là chữ Hán thì điều gì sẽ xảy ra?

Đánh giá chữ Hán về mặt học thuật đương nhiên cần sự khách quan, công bằng, cần thấy tác dụng của nó trong giai đoạn lịch sử trước đây của dân tộc, song người Việt, nhất là giới trí thức có nhiệm vụ nhắc nhở người dân về thảm họa của sự ngây thơ chính trị, hãy ghi nhớ câu nói nổi tiếng của  Giulius  Phuxích  “Nhân loại hỡi ! Tôi yêu tất cả mọi người. Hãy cảnh giác!".

Là một giảng viên đại học, không biết tác giả Thanh Phong có cân nhắc trước khi viết những dòng này : “Sau 1945, người Việt không còn học tập chữ Hán nữa, nền giáo dục Việt đã có chữ quốc ngữ thay thế, dòng mạch truyền tải văn hóa truyền thống bị đứt gãy, không còn liên tục giống như các nước Đông Á khác (Nhật Bản, Hàn Quốc) ".

Dòng mạch truyền tải văn hóa của người Việt chưa bao giờ bị đứt gãy, bởi lẽ dù không biết chữ Hán, người Việt vẫn có văn hóa dân gian, vẫn lưu truyền các sự tích từ đời này qua đời khác. Không ít trường hợp dựa vào truyền thuyết và tư liệu truyền miệng mà các nhà khoa học tìm ra manh mối một số sự kiện lịch sử.  

Nhận định của tác giả Thanh Phong không chỉ thiếu luận cứ khoa học mà còn ẩn chứa một suy luận nguy hiểm, rằng muốn truyền tải văn hóa truyền thống thì phải sử dụng chữ Hán, còn nếu dùng chữ quốc ngữ thì sự truyền tải sẽ đứt gãy, không liên tục?

Vì không am hiểu Hán-Nôm nên có thể ý kiến của người viết có chỗ chưa thấu đáo, hy vọng Hội đồng Khoa học – Đào tạo Đại học An Giang, với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm về mặt học thuật của nhà trường  góp thêm tiếng nói để cùng đi đến một nhận thức chung về vấn đề này.

Người viết có điều băn khoăn không biết tác giả Thanh Phong có nên cân nhắc khi cho rằng : “hệ thống chữ quốc ngữ tiện lợi dễ học dễ nhớ có thể chuyển tải hầu hết mọi nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống“.

Chữ quốc ngữ ngày nay, bao gồm một số từ nước ngoài đã được Việt hóa có thể truyền tải toàn bộ (xin nhấn mạnh chữ “toàn bộ”) mọi nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống chứ không phải là hầu hết như  tác giả Thanh Phong nhầm lẫn. Tất cả các văn kiện chính trị như hiến pháp, văn bản luật, tác phẩm văn học, sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học, luận án thạc sĩ, tiến sĩ… đều viết bằng chữ quốc ngữ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Phải chăng cái ý tưởng ẩn sâu của tác giả sau một số nhận định có vẻ khoa học, khách quan là định hướng người đọc đến một kết luận có vẻ vô tư: “Việc thiết lập chùa chiền, tạo dựng văn bia, liễn đối bằng chữ Hán là một sự tiếp nối truyền thống, điều đó chẳng có gì sai, chẳng có gì là nô dịch văn hóa ở đây cả“.

Theo tác giả Thanh Phong:  “thiết lập chùa chiền, tạo dựng văn bia, liễn đối bằng chữ Hán  là một sự tiếp nối truyền thống”, ẩn ý ở đây là nói về các công trình mới xây dựng (thì mới có sự tiếp nối truyền thống) chứ không phải các công trình trùng tu, tôn tạo. Nếu ai đó xây mới các công trình mà sử dụng chữ Hán thì  “chẳng có gì sai, chẳng có gì là nô dịch văn hóa ở đây cả”.

Còn nếu các công trình “thiết lập” mới mà dùng chữ quốc ngữ thì sẽ không thể tiếp nối truyền thống, sẽ bị “mất gốc”?

Tác giả Thanh Phong dường như muốn chuyển tải đến bạn đọc một lời khuyên, rằng chữ quốc ngữ chưa có khả năng chuyển tải toàn bộ mọi giao tiếp, trong khi sử dụng chữ Hán vừa “chẳng có gì sai” vừa bảo đảm “sự tiếp nối truyền thống” nên  các công trình xây mới cứ sử dụng chữ Hán mà không sợ gì  “nô dịch văn hóa” của nước ngoài. Còn nếu ai đó dùng chữ quốc ngữ trong công trình xây mới thì hãy thận trọng vì chữ quốc ngữ chỉ truyền tải được “hầu hết” chứ không phải toàn bộ văn hóa Việt, thêm nữa dùng chữ quốc ngữ là mạch truyền thống sẽ bị gián đoạn nên sẽ trở thành “mất gốc”?

Vì tác giả Thanh Phong là giảng viên nên xin nêu để bạn biết một vài quy định của ngành Giáo dục, Khoản 1 Điều 7 Luật Giáo dục 2005: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác“. Điều 10 Luật giáo dục đại học 2012: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục đại học”. Tất nhiên còn một số quy định khác về tiếng Việt trong các lĩnh vực quảng cáo, văn hóa, xã hội mà người viết đã trình bày trong bài Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai? nên xin không đề cập ở đây.

Bàn về việc sử dụng chữ Hán và nguy cơ nô dịch văn hóa ảnh 3Chỉ số cải cách hành chính Par Index: ẩn hiện phía sau những con số

(GDVN) - Cải cách hành chính không chỉ là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống mà qua đó còn thể hiện trình độ, tài năng của người đứng đầu các bộ, các tỉnh.

Để tránh dài dòng, xin nêu nhận xét về câu kết của tác giả Thanh Phong “Điều quan trọng là chúng ta cần có bản lĩnh tự thân, không hèn yếu, đứng vững trên lập trường dân tộc để tiếp thu văn hóa nhân loại nói chung, chữ Hán nói riêng“.

Tiếp thu văn hóa nhân loại là một chuyện, tiếp thu  chữ Hán (hay tiếng Hán) lại là chuyện khác. Với một dân tộc cụ thể, chẳng hạn người Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán… chỉ là ngoại ngữ  mà con người trong xã hội toàn cầu cần biết để giao tiếp với nhau, việc học tập ngoại ngữ nào là tùy theo nhu cầu của mỗi cá thể. Trẻ con ngay khi mới chập chững biết đi đã có thể học ngoại ngữ, việc này không liên quan gì đến chuyện “hèn yếu“ hay “lập trường dân tộc" cả. Chỉ những ai thông qua truyền dạy ngoại ngữ  để lồng vào đó sự tuyên truyền, cổ vũ cho văn hóa ngoại lai mới cần có “lập trường dân tộc”. Không thể vì một chút hiểu biết Hán Nôm mà vội kết luận rằng thiếu nó thì  “dòng mạch truyền tải văn hóa truyền thống bị đứt gãy”.

Phát biểu chính kiến cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng nhất thiết nên tránh việc lồng ghép những quan điểm chưa được kiểm chứng vào bài giảng chuyên môn cho sinh viên, càng không được phép đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, điều này những người đứng trên bục giảng không được phép quên. 

Có lẽ tác giả Nguyễn Thanh Phong, Đại học An Giang cũng đồng quan điểm với người viết./.

XUÂN DƯƠNG