(Tiếp theo kỳ 1, "Xin phép Tổng bí thư cho cháu được nói thật")
Chỉ có cái đẹp và sự tử tế mới “quyến rũ” được cha mẹ học sinh
Giáo viên trường ngoài công lập, lương tối thiểu 10 triệu đồng/tháng, hơn cả lương hiệu trưởng công lập.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Marie Curie lương 30 triệu đồng/tháng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Marie Curie có quy mô lớn hơn, mức lương 45 - 50 triệu đồng/ tháng. Tôi lấy đâu ra tiền trả lương?
Trường này từ Hiệu trưởng, Hiệu phó, giáo viên, nhân viên phải làm gì đó để cha mẹ học sinh bỏ 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng vào đây cho tôi trả lương. Gửi con theo học có phải mua bó rau, cân thịt ngoài vỉa hè đâu?
Phải làm sao để cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ tiền cho con em họ học trường ngoài công lập? Không phải ngẫu nhiên, không phải dễ dàng. Chỉ có cái đẹp và sự tử tế mới "quyến rũ" được cha mẹ học sinh từ những việc rất cụ thể hàng ngày.
Chỉ có cái đẹp và sự tử tế mới quyến rũ được cha mẹ học sinh |
Đừng trông chờ vào tài trợ
Nguyên tắc của tôi từ khi thành lập trường, ngoài đất đai không đủ tiền mua, cá nhân hay tổ chức phi chính phủ ủng hộ tiền tôi đều không nhận. Tài chính mà, nhận 1 đồng cũng phải giải trình mệt mỏi.
Năm 1997, thành lập quận Thanh Xuân tách ra từ quận Đống Đa, 4 tháng sau Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Xuân giới thiệu 4 người đến Trường Marie Curie để "Tìm hiểu việc thực thi pháp luật, sử dụng tiền tài trợ từ nước ngoài của trường".
Nhận được giấy giới thiệu, tôi tiếp các vị khách: “Việc trường tôi sử dụng tiền tài trợ từ nước ngoài, xin hỏi các anh căn cứ vào đâu?”.
Một vị trả lời: “Chúng tôi nghe nói trường có nhận tiền đầu tư nước ngoài cho nên tìm hiểu xem ai tài trợ, sử dụng thế nào”.
Tôi cười và bảo: “Tôi không hiểu các anh bảo vệ pháp luật thế nào mà lại "nghe nói". Bảo vệ pháp luật mà nghe đồn, nghe nói thì kỳ lắm.
Tôi nói thật, nếu các anh muốn tìm hiểu thì thay tờ giấy giới thiệu này bằng một Quyết định điều tra. Cho dù là nghe nói, nhưng Quyết định điều tra nghiêm túc hơn nhiều tờ giấy giới thiệu này.
Lúc đó dù có nhận hay không nhận tài trợ, sử dụng như thế nào tôi phải chịu trách nhiệm trước quyết định điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân, giấy giới thiệu này không đủ để tôi làm việc đó.
Còn tôi nói với các anh, lúc này và có lẽ rất nhiều năm nữa, tôi không nhận bất cứ tài trợ nào từ các tổ chức, cá nhân trong nước hay ngoài nước”.
Thầy Nguyễn Xuân Khang đánh trống khai giảng năm học mới 2019-2020. |
Thứ nhất toilet, thứ nhì thầy Khang
Năm 2017, Phu nhân Tổng thống Ba Lan (xuất thân là một giáo viên) đến thăm Trường Marie Curie trong khoảng 1 tiếng, sau nghi thức đón tiếp, bà xuống sân trường và giao lưu với học sinh bằng tiếng Anh.
Sau đó, bà nói với tôi rằng: “Tôi hỏi các cháu có thích đến trường không, các cháu đều trả lời rất thích đến trường. Ông là người hạnh phúc. Chúc mừng ông”.
Điều Phu nhân Tổng thống Ba Lan nói, đúng với suy nghĩ thường trực của tôi. Học sinh thích đến trường thì mọi chuyện sẽ thành công.
Tôi phấn đấu 27 năm chỉ để học sinh thích đến trường, các con được gì, cha mẹ được gì, mình được gì… tất cả đều nằm trong câu nói ấy. Chỉ thế thôi. Trường tôi hướng đến cái đẹp và sự tử tế, từ nhà vệ sinh trở đi.
Học sinh Trường Marie Curie nói với cha mẹ: “Điều con thích nhất ở trường là toilet, thứ nhì là thầy Khang”.
Khi nghe câu này, tôi rất cảm động. Trong cái đẹp, cái sạch của toilet chứa đựng sự tử tế của rất nhiều người, trong đó có tôi.
Tôi quan niệm thế này, khi đi vệ sinh là con người ta chỉ đối diện với chính mình, không có một hệ thống nào giám sát được hành vi của con người.
Khi ấy, nội quy ở đâu đấy, giám thị ở đâu đấy, giáo viên ở đâu đấy, cái gì sẽ ngăn cản những hành vi không nên, không phải có thể xảy ra?
Chỉ có cái đẹp, cái đẹp hiện hữu mới làm cho người ta không muốn làm bẩn, làm xấu đi không gian công cộng đó. Tâm lý “không muốn” đẳng cấp cao hơn “không dám”. Từ tâm thế bị động chuyển sang tâm thế chủ động văn minh nhờ cái đẹp. Tôi đã chinh phục học trò từ những cái đẹp như vậy.
Học sinh Trường Marie Curie nói với cha mẹ: “Điều con thích nhất ở trường là toilet, thứ nhì là thầy Khang”. |
Trong không gian Trường Marie Curie không có khẩu hiệu. Ngoài kia chúng ta thấy rất nhiều nơi có biển "cấm đổ rác" người ta vẫn đổ rác, "cấm phóng uế" người ta vẫn phóng uế, "cấm họp chợ" người ta vẫn họp chợ.
Cái chính ở đây không phải biển cấm ấy kém hiệu lực, mà anh quản lý xã hội không tạo ra chỗ để người ta giải quyết nhu cầu tất yếu cho hợp lý, thuận tiện.
Đó là trải nghiệm của tôi trong 27 năm qua khi sống trong không gian này, là những lời tâm huyết tôi rút ra chứ không phải tôi sáng tác.
Tôi không thể viết những điều bay bổng, cái đẹp và sự tử tế với tôi chỉ thế thôi, chỉ là những việc hàng ngày diễn ra quanh ta.
“Tiên học lễ hậu học văn”, đúng quá! “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, tuyệt vời! “Tất cả vì học sinh thân yêu!”. Những khẩu hiệu ấy thực tế không tạo nên cảm xúc.
Người ta nhìn thấy mà không có rung động sao có thể thành hồi chuông hay động lực. Nhưng bây giờ, nếu thay khẩu hiệu bằng hoa, sạch và đẹp từ nhà vệ sinh đến phòng học, phòng ăn thì tất cả những điều đó sẽ mang tính giáo dục cao.
Sống trong môi trường sạch đẹp, học sinh sẽ văn minh hơn. Học sinh sẽ cảm nhận mình được tôn trọng, được chăm sóc chu đáo. Thầy cô thật sự vì học sinh thân yêu.