“Chốt cấp cứu Bà Liên” hơn 30 năm cứu hàng nghìn người trên xa lộ

04/10/2015 08:15
Hiệp Hòa
(GDVN) - Quốc lộ 5, đoạn qua ngã tư Phúc Thành (Kim Thành - Hải Dương) có một người phụ nữ với một công việc thầm lặng “cứu người tai nạn trên xa lộ”.

Trên quốc lộ 5, đoạn qua ngã tư Phúc Thành (Kim Thành - Hải Dương) là một trong những điểm nóng với nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

Cũng chính tại nơi này, có một người phụ nữ với một công việc thầm lặng “cứu người tai nạn trên xa lộ”. 

Bà là Đào Thị Liên (66 tuổi) người thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Suốt hơn 30 năm qua, với “y đức” của người thầy thuốc, Bà đã miệt mài tự nguyện lập ra “chốt cấp cứu“ để cứu hàng nghìn người gặp tai nạn giao thông trên đường.

Từ ước mơ trở thành người y tá đến “bác sĩ xa lộ”


Vượt qua hơn 90km đường quốc lộ, từ Hà Nội đến Hải Dương trong một buổi chiều thu, phải khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn gặp được Bà. Vì trước đó, theo người dân ở đây cho biết, Bà cùng với người nhà đang thực hiện một ca sơ cứu cho người bị tai nạn trên đường. 

Tiếp chúng tôi trong một căn nhà cấp 4 đơn sơ, chật hẹp, nơi mà hơn 30 năm nay được coi là “chốt cấp cứu” tai nạn giao thông của biết bao nhiêu người. Trước mắt chúng tôi là một người đàn bà tuổi ngoài lục tuần, mái tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói vẫn sang sảng và bề ngoài hết sức rắn rỏi. 

Bà là Đào Thị Liên, sinh năm 1949 trong một gia đình làm nông nghiệp. Từ nhỏ bà đã được tiếp xúc sớm với các cây thuốc trong vườn do gia đình trồng nên không biết từ lúc nào trong bà luôn có một tâm nguyện được trở thành một người y tá trong Quân đội. 

Sau này lớn lên, khi đất nước đang phải “gồng mình” chống lại quân xâm lược, bà Liên đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội, nhưng do hoàn cảnh gia đình neo người, chồng lại đang chiến đấu ngoài mặt trận, con còn nhỏ dại nên bà đành phải ở lại hậu phương tham gia sản xuất, chờ chồng, nuôi con. 

Nhưng đúng với người xưa từng ví “duyên đến với những người có tâm”, năm 1968 bà được cán bộ địa phương cử đi học y tại trường Trung cấp y tế Bắc Hà (cũ). Sau đó trở về công tác ngay trên chính quê hương mình. 

Sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất, gia đình bà chuyển ra mặt đường quốc lộ 5 tại ngã tư Phúc Thành sinh sống. 

Cũng chính từ đó, bà Đào Thị Liên được tận mắt chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm trên đoạn đường này. Xuất phát từ cái tâm với nghề và lòng trắc ẩn bà đã lập một “chốt sơ cứu” tại nhà của mình.

Căn nhà cấp 4 bé nhỏ được bà Liên dành ra một khoảng riêng để kê giường cho bệnh nhân nằm và kê tủ đựng dụng cụ sơ cứu. 

Những ngày đầu làm công việc mà thiên hạ vẫn gọi là “vác tù và hàng tổng” này, bà nhận được không ít lời dèm pha của thiên hạ. Ngay cả những người hàng xóm thân cận cũng cho rằng Bà “có vấn đề”, và việc làm của bà chỉ là để lợi dụng, để hôi của. 

“Chốt cấp cứu Bà Liên” hơn 30 năm cứu hàng nghìn người trên xa lộ ảnh 1
Người phụ nữ với hơn 30 năm cứu hàng nghìn người trên xa lộ (Ảnh: Hiệp Hòa)

Vì vậy, mỗi khi xảy ra tai nạn, chỉ có Bà và các con của mình tham gia cấp cứu. Còn những người xung quanh họ chỉ đứng nhìn và “chép miệng”. Khi tôi hỏi bị như vậy sao bà vẫn làm?

Lúc đó, bà chỉ cười hiền từ và nói: “Mình có nghề nghiệp, thấy chết mà không cứu thì thấy cắn rứt lương tâm, mình cứ sống sao cho đúng với tâm mình là được, mình học y là để cứu người chứ sao nhìn thấy người bị nạn lại đứng nhìn được”. 

Vậy là mặc những lời đàm tiếu của thiên hạ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, dù là mùa đông giá rét đến buốt người, lạnh cóng đôi tay hay những buổi trưa hè nóng như đổ lửa cứ có người gọi điện thông báo là bà Liên lại “nhanh như cắt” có mặt tại hiện trường xảy ra tai nạn để cấp cứu cho người gặp nạn. 

Lật cuốn sổ ghi chép bệnh án đã cũ của mình, bà Liên cho hay: “Những trường hợp nào nặng thì tôi mới ghi vào đây, còn trường hợp nhẹ thì sơ cứu xong là bệnh nhân người ta cảm ơn rồi về luôn chẳng kịp ghi chép gì nên cũng không nhớ chính xác là bao nhiêu người”. 

Nhìn vào cuốn sổ, tôi đếm sơ qua cũng phải có tới hàng hàng nghìn người đã được Bà cấp cứu. Vậy là, hơn 30 năm qua, Bà đã âm thầm mang lại mạng sống cho hàng nghìn người bị nạn trên đoạn đường này. 

Bà Liên kể: “6 năm trước đây, tôi đang ở nhà bỗng có điện thoại gọi tới báo có người bị tai nạn giao thông; lúc đó khoảng hơn 8 giờ tối, tôi và con trai cấp tốc đến ngay hiện trường thì phát hiện có 2 người phụ nữ bị nạn (sau này mới biết họ là 2 chị em gái quê ở Hải Phòng đang đi lên thành phố Hải Dương chơi với họ hàng) một người bị ngã văng ra xa và bị gãy chân. 

Một người phụ nữ khác thì nằm gọn trong gầm xe container đà bất tỉnh. Tôi nhờ mọi người lấy gạch chặn bánh xe container lại và tôi chui vào gầm xe kéo người phụ nữ ấy ra ngoài. 

Khi ấy, tôi nghe trực tiếp nhịp tim bằng tai và thấy tim vẫn còn đập. Tôi liền hô hấp nhân tạo tại chỗ đến khi bệnh nhân tỉnh lại thì tôi và con trai đưa 2 người phụ nữ ấy vào nhà và băng bó vết thương cho cầm máu. Sau đó, gọi xe đưa họ lên Bệnh viện Bạch Mai. 

Sau khi ra viện, 2 người phụ nữ ấy có đến nhà và hậu tạ, họ đưa cho tôi một phong bì tiền nhưng tôi đã từ chối. Từ đó, họ biết ơn và đi lại với gia đình tôi như người nhà vậy!
.”
 
Làm phúc phải họa…

Bà Liên kể cho tôi nghe câu chuyện vào 30 Tết năm 2012, một nam thanh niên ở xã Kim Lương - huyện Kim Thành (Hải Dương) bị tai nạn xe máy bất tỉnh tại chỗ. Thấy vậy, Bà cùng con trai cả chạy ra mang nạn nhân vào nhà cấp cứu rồi đưa đến bệnh viện Đa Khoa Huyện Kim Thành. 

Khi tỉnh lại, nam thanh niên ấy phát hiện 20 triệu đồng trong cốp xe bị mất nên nghi ngờ cho con trai của bà Liên lấy. Sau đó, Công an đã tìm tới nhà bà Liên để điều tra. 

Và cũng rất nhiều lần Bà bị gọi lên cơ quan công an để lấy lời khai. Người ta có câu: “ở hiền gặp lành”, may mắn thay, có người nhìn thấy người lấy trộm tiền đã đứng ra làm chứng vậy là Bà và con trai mới được minh oan. 

Từ vụ việc ấy, mọi ngưới thấu hiểu được những việc làm của bà Liên. Nhưng con trai bà thì lại khác, thấy mẹ vất vả cứu người, lại bị nghi oan, con trai bà khuyên mẹ không nên làm nữa. 

Bà đã làm việc này âm thầm hơn 30 năm nay, đâu phải những chuyện tương tự thế này lần đầu xảy ra, nếu bà nhụt chí thì đâu có thể làm tới ngày hôm nay, bà đã thuyết phục con cái của mình: 

Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, mình đã được mang cái danh cao quý là lương y thì sống sao cho đúng với với nó, nhìn thấy người bị nạn mà bỏ mặc chẳng khác nào mình đã gián tiếp giết người cả. 

Và nếu như con không may cũng bị tai nạn mà không được cứu kịp thời thì hậu quả sẽ thế nào
”, bà Liên tâm sự. Nghe mẹ nói vậy, con cái bà đã hiểu và không can ngăn bà nữa. 

Người “mẹ hiền” trên xa lộ

Hẳn những người dân quanh vùng còn nhớ mãi chuyện về người thanh niên Nguyễn Khắc Hùng (37 tuổi ở thị trấn Phú Thái - huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương) nghiện ma túy. 

Năm 2006, anh đi qua ngã tư Phúc Thành thì bị tai nạn giao thông gãy lìa đôi chân, khi mang vào Bệnh viện xét nghiệm thì phát hiện trong người anh đã bị nhiễm căn bệnh thế kỉ HIV. Các bác sĩ trong Bệnh viện đều từ chối điều trị mặc cho anh Hùng vật vã trong đau đớn. 

Thấy vậy, bà Liên vẫn không một chút sợ hãi, băng bó trị vết thương cho anh tại nhà của Bà. Sau hơn 2 tháng điều trị, vết thương của anh Hùng đã bình phục dần. cảm động trước tấm lòng của Bà, anh Hùng đã bật khóc và gọi bà bằng mẹ. 

Bởi Bà không chỉ cứu giúp đôi chân của anh mà còn cứu vớt cả một tâm hồn của một con người mặc cảm về bệnh tật và bị xã hội kì thị. Ôn lại chuyện cũ, mắt Bà ngấn lệ, Bà không giấu nổi cảm xúc…năm 2011, nghe tin anh Hùng phát bệnh và đã chết, bà buồn bã kể: “khổ thân thằng bé, đã vợ con gì đâu!”.

Công việc vất vả là vậy, nhưng không bao giờ bà Liên than vãn lấy nửa lời, bà tình nguyện làm việc này xuất phát từ cái tâm con người, từ y đức của người bác sĩ. 

Khi tôi hỏi, thế tiền bông băng và dụng cụ y tế bà có đươc cấp hay được hỗ trợ không? Bà Liên cho biết, những thứ ấy bà trích từ tiền lương ít ỏi của mình.

Tháng nào ít tai nạn thì còn dư ra chút tiền, tháng nào nhiều tai nạn thì bấy nhiêu tiền lương cũng hết sạch. Với một người đã gần lên thất thập như bà Liên, việc làm ấy thật cao cả và đáng trân trọng.

“Chốt cấp cứu Bà Liên” hơn 30 năm cứu hàng nghìn người trên xa lộ ảnh 2
Hình ảnh bà Liên trong lễ tuyên dương (Ảnh: Hiệp Hòa)

Năm 2006 Hội liên hiệp đoàn y tế quốc tế phối hợp với Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đã chọn nhà bà Liên làm địa điểm thực hiện “Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu tai nạn giao thông Quốc lộ 5” với mục tiêu vận động cộng đồng giúp đỡ, sơ cấp cứu kịp thời các nạn nhân bị tai nạn giao thông. 

Bà chính là người đầu tiên được Hội chữ Thập đỏ tỉnh Hải Dương mời tham gia dự án và được tập huấn bài bảng. Bà được phát quần áo tình nguyện viên, làm thẻ, phát dụng cụ sơ cứu. Với những đóng góp to lớn ấy, bà Liên đã được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Hội chữ Thập đỏ tỉnh Hải Dương và Nhà nước trao tặng.

Và những dự định cho tương lai…


Khi được hỏi rằng bà sẽ làm công việc này đến bao giờ thì bà cười hiền từ và nói: “Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn cả, thế nhưng nếu như vẫn còn tai nạn thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm, đến khi nào không thể làm được nữa thì tôi truyền lại cho con cháu để con cháu tiếp tục làm”. 

Bà Liên cho biết, đây cũng là ngã tư trung tâm của huyện lại có 3 trường học tập trung ở đây. Đây lại là nút giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Hải Dương nên mỗi khi vào giờ cao điểm, học sinh tan học là tình hình giao thông ở đây lại rất lộn xộn. 

Đặc biệt nguy hiểm mỗi khi có tàu chạy qua, nếu bất cẩn sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Ngoài ra bà Liên cũng có một mong muốn, sau này tích góp được một số tiền kha khá và cùng một số nhà hảo tâm mở một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cứu chữa những người không may gặp tai nạn giao thông trên đường và giúp đỡ những người mắc phải căn bệnh HIV hiểm nghèo, để không ai còn kì thị họ, làm cho họ xóa dần đi khoảng cách với cộng đồng, xã hội.

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, cùng lúc đó bà nhận được một cuộc điện thoại và một câu nói quen thuộc được cất lên “alo…tôi đến đây”.

Bà lại chuẩn bị đồ nghề lên đường cứu người gặp nạn… Lại có thêm những sinh mạng nữa được Bà cứu sống trước lưỡi hái của tử thần, với những dự định ấp ủ phía trước đang chờ bà thực hiện. 

Hiệp Hòa