Mùa hè đến cũng là lúc xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, trong số trẻ em tử vong có em xả thân cứu bạn.
Lại thêm một vụ đuối nước thương tâm tại Quảng Bình. Ảnh: CTV |
Những vụ đuối nước thương tâm
Trong 2 ngày (29/5 và 30/5), xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của 8 học sinh.
Một vụ xảy ra ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cướp đi sinh mạng 3 học sinh và một vụ xảy ra ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An khi có tới 5 học sinh đã vĩnh viễn không trở về.
Nguyên nhân được kể lại, do một bạn trong lúc rửa chân bị rớt xuống nước, 5 bạn khác lao xuống cứu nhưng 4 bạn bị chìm luôn.
May thay em B.C. được một bạn nam khác kéo lên.
B.C bàng hoàng kể lại "Nhìn thấy các bạn gặp nguy hiểm nên em cũng lao ra cố gắng ứng cứu.
Tuy nhiên chính em cũng lâm vào tình huống nguy hiểm khi bị các bạn bám vào người không thể bơi được".
Trước đó, một vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại hồ nước thôn 1, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông. Hậu quả làm 4 em học sinh thiệt mạng, 2 em được đưa đi cấp cứu.
Được biết, 6 học sinh trường Trung học cơ sở Đắk Búk So rủ nhau đi chơi tại hồ nước thôn 1.
Trong lúc chơi đùa, một học sinh lớp 9 ở Đắk Nông trượt chân xuống hồ.
Cả 5 em cùng lần lượt xuống cứu bạn nhưng đều bị đuối nước.
Buổi học đầu năm đầy nước mắt ở ngôi trường có 6 học sinh đuối nước |
Khi được người dân phát hiện thì 4 em đã tử vong, với được 2 em còn thở nên đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Cứu bạn nhưng phải đảm bảo an toàn cho mình
Cứ mỗi lần xuất hiện một tấm gương học sinh cứu được bạn bị đuối nước thì ngành giáo dục lại phát động phong trào học tập noi gương một cách rầm rộ ở các trường học, các bậc học trong cả nước.
Hàng loạt bài báo ca ngợi, nhiều trường cũng cho phô tô những bài báo ấy đọc trước buổi chào cờ đầu tuần để giáo dục các em về tình thương người, về lòng dũng cảm. Có trường còn tổ chức hẳn một buổi giao lưu để học sinh trả lời các câu hỏi xoay quanh việc cứu bạn bị đuối nước.
Có những câu hỏi “Thấy bạn bị đuối nước em làm gì?”
Khuyến khích học sinh được phát biểu cảm nghĩ của mình, được rút ra bài học cho bản thân thông qua hình ảnh đẹp của một học sinh nào đấy.
Và ai cũng hiểu mục đích của những lần vinh danh này là giáo dục học sinh học tập, noi gương hành động dũng cảm cứu người như thế.
Cũng đã có nhiều học sinh trả lời rất nhanh nếu thấy bạn bị đuối nước con sẽ nhảy xuống cứu mà quên rằng mình không biết bơi.
Ngược lại, một số giáo viên và không ít phụ huynh lại phản đối cách làm này.
Một số người phản ứng “Ai lên án thì chịu. Mình sẽ dạy con cứu người là tốt nhưng nhất định mình phải an toàn.
Nghĩa là mình có bơi giỏi, thành thạo mới có thể xuống nước cứu bạn.
Nếu cảm thấy không an toàn thì nên tìm cách khác. Cứu mạng đổi mạng đã là vô nghĩa mà cả hai cùng chết thì còn vô nghĩa và uổng phí gấp trăm nghìn lần”.
Ý kiến của phụ huynh ấy không sai.
Người ta mãi ca ngợi, mãi vinh danh người hùng và dạy cho trẻ phải học tập, phải noi gương mà quên mất rằng điều trẻ cần nhất là được người lớn dạy cho kĩ năng phòng tránh đuối nước và cách bảo vệ thân mình.
Điều này là vô cùng quan trọng, cứu bạn mà mạng đổi mạng thì nỗi đau vẫn còn đó.
Không cứu được bạn mà mất mạng thì nỗi đau càng chồng nỗi đau.
Trẻ em cần biết, còn biết bao cách có thể giúp bạn mà ta vẫn bảo vệ được sự an toàn cho chính bản thân.
Khi vài ba bạn đang kêu cứu giữa dòng nước mà một bạn nào đó nhảy xuống cứu cũng chẳng khác gì tự sát vì khả năng cứu được bạn và giữ an toàn cho mình là khá mong manh.
Bởi, những người sắp chết đuối sẽ bám lấy và nhấn chìm luôn người cứu.
Chỉ vớt nạn nhân từ những nơi đất cứng an toàn bằng cây sào, dây thừng hoặc những dụng cụ nổi để giúp họ lên bờ.
Trong trường hợp nghĩ mình không có khả năng cứu được người đuối nước thì nên gọi sự giúp đỡ từ người khác ngay lập tức.