Theo đó, Quý I/2020 có bối cảnh rất đặc biệt, do đó, ngoài việc điều chỉnh Kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong năm 2020 cho phù hợp với thực tế diễn biến phức tạp của nạn dịch, các hoạt động của Hiệp hội tập trung vào những công việc cụ thể để cùng cả nước chống và phòng dịch Covid-19.
Một là, những hoạt động của các trường hội viên và tổ chức trực thuộc
Ngay từ những ngày đầu, đối mặt với những khó khăn và thách thức của nạn dịch Covid-19 lan tràn, gây ra ở Việt Nam nói chung, với ngành giáo dục nói riêng, hầu hết các trường hội viên của Hiệp hội đã chủ động, khẩn trương và kịp thời vào cuộc.
Cả phụ huynh, học trò và giáo viên đều lo lắng về thời điểm kết thúc năm học |
Mỗi trường tùy theo điều kiện cụ thể của mình đã khẩn trương đề ra những giải pháp phù hợp, khả thi, rất đa dạng và quyết tâm thực hiện có kết quả bước đầu cần được ghi nhận bao gồm:
Việc chuyển đổi từ phương thức đào tạo trực tiếp lâu nay sang phương thức đào tạo từ xa, giảng dạy và học tập trực tuyến trên mạng internet trở thành giải pháp quan trọng, phổ biến hiện nay tại các trường.
Nhằm giúp cho sinh viên không đến trường nhưng vẫn được học, được thực hành, được tương tác với thầy cô giáo, được kiểm tra đánh giá và công nhận kết quả thông qua những phần mềm khá đơn giản và tiện lợi nhằm hoàn thành được chương trình của năm học.
Một số trường, từ những năm gần đây, đã đi đầu, mạnh dạn sử dụng phương pháp giảng dạy học từ xa thông qua hình thức trực tuyến trên cơ sở thành tựu công nghệ thông tin như:
Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học FPT…, nay có cơ hội để củng cố, mở rộng, phát huy thế mạnh của mình và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cho các trường khác có nhu cầu.
Khá nhiều trường đã khẩn trương tiến hành chuyển đổi phương thức giảng dạy trực tuyến ngay sau tuần đầu, tháng đầu của mùa dịch (Trường Đại học FPT, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Công nghệ thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen…).
Nhiều trường đã khẩn trương xây dựng, thực hiện phương án chuyển đổi, trang bị thêm các thiết bị cần thiết để kịp thời triển khai, mở rộng hình thức dạy và học trực tuyến; xây dựng kế hoạch và biên soạn nội dung giảng dạy phù hợp, phần mềm kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo.
Bên cạnh việc thực hiện giải pháp chuyển đổi phương thức giảng dạy nêu trên, ý thức trách nhiệm góp phần vào phòng chống dịch chung của cả nước cũng được các trường, khoa và sinh viên tham gia tích cực, nhiệt tình.
Một số trường (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Công nghệ và quản lý Hải Phòng, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên…) đã tự nguyện dành ký túc xá của trường để Ban phòng chống dịch sử dụng làm nơi cách li cho những người đi từ vùng dịch về lưu trú, tạm cách biệt để không ảnh hưởng tới cộng đồng.
Những việc phải làm của của giảng viên khi đào tạo trực tuyến |
Một số trường, khoa đã nhanh nhạy sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch:
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã chế tạo ra loại robot phục vụ cho các cơ sở y tế điều trị bệnh dịch có chất lượng tốt, nhưng với giá thành dự tính rẻ hơn chi phí nhập sản phẩm tương tự từ 3 đến 5 lần;
Khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế dây chuyền sản xuất khẩu trang với năng suất cao;
Khoa Điện Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã chế tạo và bàn giao cho Bệnh viện Đà Nẵng máy rửa tay sát khuẩn được các bác sĩ và nhân viên của của bệnh viện ghi nhận;
Khoa của một trường đại học địa phương đã pha chế và đưa vào sử dụng nước rửa tay phòng dịch đạt tiêu chuẩn…
Bên cạnh đó, sinh viên của một số trường y đã tình nguyện tham gia trực tiếp phòng chống dịch.
Một vài trường đã thể hiện sự quan tâm thiết thực đối với thực tế khó khăn của sinh viên, đã thông báo thực hiện giảm học phí trong năm học, dành ra số tiền lớn 20 tỉ đồng hỗ trợ cho sinh viên (Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…).
Trong số các tổ chức trực thuộc Hiệp hội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (www.giaoduc.net.vn) cũng có những hoạt động phòng chống dịch thiết thực.
Thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí của Đảng và Nhà nước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của Hiệp hội, từ ngày 01/4/2020 mang tên mới là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập của Báo nay là Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập của Tạp chí.
Tạp chí vẫn duy trì được sự ổn định và hoạt động thường xuyên, tiếp tục cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực của giáo dục, đồng thời chủ động triển khai, thực hiện các đề tài, nhóm đề tài thông tin, nghiên cứu phục vụ các hoạt động của Hiệp hội, bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.
Số lượng quảng cáo tuy có giảm, nhưng số lượng độc giả quan tâm hầu như không giảm, có trên dưới 1 triệu độc giả mỗi ngày; trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 có tăng lên.
Tòa soạn đã kịp thời tiếp cận và cung cấp tới độc giả 04 công văn của Hiệp hội báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, Ủy ban có liên quan xem xét giải pháp đối với giáo dục trong thời gian nạn dịch Covid-19 hoành hành.
Đặc biệt những bài viết có liên quan tới đề xuất giải pháp chuyển đổi phương thức giảng dạy, học tập trên truyền hình và trực tuyến trên mạng internet có số lượng người quan tâm rất nhiều (từ 1 đến 2 triệu lượt người/ ngày).
Trong thời gian tới, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động báo chí cả về nội dung và nhân sự, kinh tế theo đúng quy định của pháp luật.
Hai là, hoạt động của câu lạc bộ
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thuộc Hiệp hội đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với các trường thành viên với 40 đại biểu là thành viên của Câu lạc bộ trên toàn quốc đã kết nối, tham gia.
Có hơn 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Các ý kiến đều trao đổi tập trung vào nội dung tìm các giải pháp khắc phục và hỗ trợ lẫn nhau hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Các đại biểu nhất trí khẳng định phương thức giảng dạy trực tuyến là hiệu quả, cần được triển khai rộng rãi, tiếp tục đầu tư, rút kinh nghiệm hoàn thiện để phát huy thêm các lợi thế của nó nhằm phục vụ đổi mới giáo dục đại học.
Các trường có kinh nghiệm qua nhiều năm triển khai thực hiện sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về chương trình, về phần mềm giảng dạy, kiểm tra đánh giá…
Bên cạnh đó, các trường cũng trao đổi và thống nhất kiến nghị một số nội dung cấp thiết với Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường vượt qua những khó khăn trước mắt. Tổ tư vấn của Thủ tướng đã tiếp nhận những kiến nghị này của Câu lạc bộ.
Ba là, hoạt động của Thường trực Hiệp hội:
Ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 lan tràn tới Việt Nam, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức hai buổi tọa đàm để trao đổi và dự đoán về thời gian và những mức độ nguy hại do dịch bệnh gây ra trong ngành giáo dục, từ đó đề xuất giải pháp khả thi.
Cụ thể, ngày 4/3/2020, Ban Lãnh đạo Hiệp hội chủ trì tiến hành buổi tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, lãnh đạo kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học, Vụ Trung học phổ thông), lãnh đạo và chuyên gia của Trường Phổ thông Đông Đô, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam…
Ngày 4/3, Hiệp hội tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến nội dung đào tạo từ xa (Ảnh: Thùy Linh) |
Đến ngày 11/3/2020, buổi tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội, lãnh đạo và chuyên viên của một số cục, vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Công nghệ Thông tin, Vụ giáo dục Trung học) và trưởng các phòng ban chuyên môn của Hiệp hội.
Trong cả hai buổi tọa đàm nêu trên, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến trao đổi rất thẳng thắn, nghiêm túc, cầu thị và sau đó đã nhất trí một số nội dung quan trọng:
Thứ nhất, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp rất khó xác định cụ thể về thời gian, sẽ là thách thức lớn đối với việc hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020;
Cần phải có giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả để khắc phục và hạn chế hậu quả tai hại do dịch bệnh gây ra.
Thứ hai, các đại biểu cho rằng giải pháp chuyển đổi từ phương thức dạy và học truyền thống lâu nay sang phương thức học từ xa, trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông hiện có qua truyền hình và trực tuyến trên mạng internet là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của hoàn cảnh thực tế đặc biệt hiện nay.
Nhà trường tạm đóng cửa nhưng học sinh, sinh viên vẫn được học, chương trình, nội dung và tiến độ kế hoạch năm học, tuy phải điều chỉnh, nhưng về cơ bản vẫn được bảo đảm.
Học online có là giải pháp cho thời đại Internet? |
Thứ ba, các đại biểu đều rất quan tâm tới việc tổ chức thực hiện giải pháp này và cho rằng cần có sự quan tâm chỉ đạo kiên quyết từ trên mới có thể huy động được các bộ, ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình... và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố) vào cuộc.
Đồng thời muốn triển khai kịp thời, rộng rãi và đạt chất lượng cần thiết, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu sớm ban hành quy định phương pháp kiểm tra đánh giá và công nhận kết quả học tập từ xa qua truyền hình và trực tuyến trên mạng internet.
Có như vậy lãnh đạo các sở, lãnh đạo của các trường mới yên tâm tập trung nguồn lực triển khai thực hiện, phấn đấu đạt được kết quả mong muốn.
Giải pháp chuyển đổi này thực hiện thành công không chỉ cho năm học 2019 – 2020 mà còn giúp cho ngành giáo dục cũng như xã hội có nhận thức đầy đủ, đúng mức hơn về vai trò và sứ mệnh của của nó là phương thức học từ xa;
Từ đó tiếp tục bổ sung hoàn thiện để trở thành một trong những phương thức giảng dạy học tập chủ yếu, hiệu quả, tạo tiền đề cho việc xây dựng và củng cố hệ thống giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của xã hội được học tập suốt đời, ở mọi nơi, mọi lúc với giá rẻ và có chất lượng nhằm nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn cho tương lai đất nước.
Thứ tư, với trách nhiệm và tâm huyết của mình, trong thời gian ngắn (từ ngày 20/2/2020 đến 04/3/2020) Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi 3 công văn tới:
Thủ tướng Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài Truyền hình Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và Ủy ban nhân dân hai thành phố lớn (Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) để báo cáo, đề xuất giải pháp quan trọng trên đây của Hiệp hội, đồng thời kiến nghị, mong muốn được các cơ quan nhà nước sớm xem xét, tiếp nhận và vận dụng vào thực tế.
Thứ năm, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai giảng dạy học tập trên truyền hình và dạy trực tuyến qua mạng internet.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gửi email cảm ơn Hiệp hội đã đồng hành với Bộ và chủ động đóng góp ý kiến cùng giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục, hạn chế thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra trong ngành giáo dục, đào tạo.
Thứ sáu, bên cạnh những hoạt động trên, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ các trường, tổ chức các lớp tập huấn về tài nguyên giáo dục mở bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ của một số trường hội viên (Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Đông Á…). Kết quả đạt được rất khả quan và sẽ được xem xét mở rộng triển khai trong thời gian tới.
Trên đây là những hoạt động của Hiệp hội đã thực hiện trong Quý I năm 2020.
Có thể nói, nhằm chung lo với ngành, Hiệp hội đã tập trung chủ yếu vào phòng chống dịch, tìm và thực hiện các giải pháp khả thi để triển khai kịp thời, khắc phục và hạn chế tối đa thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.
Giải pháp mà Hiệp hội đề xuất đã được các Cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp nhận và cho triển khai thực hiện.
Tình hình đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó khăn thử thách đang đòi hỏi mỗi hội viên và cán bộ của Hiệp hội phải tiếp tục đóng góp thêm những hoạt động, những giải pháp khả thi và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.