Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 và nghỉ học kéo dài khiến các nhà trường và mỗi địa phương không thể ngồi chờ ngày trở lại trường, do đó mỗi nơi đều cố gắng triển khai học trực tuyến, học qua truyền hình hay giao bài tập nhằm duy trì kết nối giữa nhà trường, giáo viên và học sinh trong thời gian này.
Rõ ràng việc thừa nhận phương pháp dạy học từ xa không có nghĩa là phủ nhận cách dạy truyền thống nhưng đó là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp học sinh duy trì thói quen học tập trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh kéo dài.
Tuy nhiên, đối với bậc phổ thông thì hình thức dạy học từ xa đến nay chưa được công nhận chính thức nên mức độ áp dụng cũng rất khác nhau.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, nếu không hợp pháp hóa hình thức học tập từ xa mà cứ thả nổi các địa phương như hiện nay thì sẽ xảy ra tình trạng có nơi triển khai, có nơi không. (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, nếu nghỉ vài ba tuần thì thầy cô hướng dẫn học sinh ôn tập là chính nhưng nay thời gian nghỉ lâu quá, không thể cứ ôn tập mãi nên hầu hết các trường đã triển khai dạy bài mới thông qua trực tuyến, truyền hình.
Tuy nhiên việc triển khai dạy bài mới bằng hình thức online hay truyền hình đã đặt ra câu hỏi tới cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng: “Bộ có công nhận việc dạy học online/truyền hình thay cho học truyền thống không?” nhưng đến nay Bộ chưa công nhận hình thức học này vì lo ngại đến chất lượng, lo ngại không có sự triển khai đồng đều giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục…
Tất cả những lo ngại đó khiến Bộ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì chưa thể công nhận vì những lo ngại nêu trên, nhưng nếu không công nhận thì liệu kết quả học tập từ xa có hiệu quả?
Nhiều địa phương dạy học qua truyền hình, chờ phản ứng của Bộ Giáo dục |
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường tư thục khác tâm sự: “Vì kết quả học tập trực tuyến chưa được công nhận nên nhà trường dừng triển khai sau 4 tuần bởi lẽ học online thì không được thu tiền học phí trong khi lương giáo viên phải trả giống như giảng dạy trực tiếp”.
Còn thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu nghỉ 1-2 tuần thì có thể học sinh chỉ ôn tập kiến thức nhưng giờ thời gian nghỉ đã kéo dài hơn 1 tháng do đó chắc chắn các trường phải triển khai học kiến thức mới.
“Đây chính là “thời điểm vàng” để công nhận hình thức học tập từ xa đi kèm với đó là phải có quy chế hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục thực hiện.
Bởi không phải mọi học sinh lúc nào cũng có thể tham gia một lớp học truyền thống với phấn trắng bảng đen cùng sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò ví như trường hợp học sinh ốm đau phải cách ly…
Chứ nếu không hợp pháp hóa hình thức học tập này mà cứ thả nổi các địa phương như hiện nay thì sẽ xảy ra tình trạng có nơi triển khai, có nơi không.
Thêm vào đó, hình thức này cũng đã được thế giới công nhận thì chúng ta cũng nên đi theo xu hướng toàn cầu hóa đó”, thầy Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.